Total Immersion: Trường phái bơi dài không mệt

Nếu các bạn gắn bó với phong trào thể thao một thời gian, bạn có thể sẽ rất ngạc nhiên khi thấy nhiều trào lưu rộ lên rồi chìm xuống. Tôi còn nhớ hơn 5 năm trước, khi cuốn sách Born to Run được xuất bản, đã rộ lên phong trào chạy chân đất, chạy với xăng-đan hay với giày minimalist. Nhưng 5 năm sau ai cũng biết các đôi giày của Nike độc chiếm đường chạy. Một trào lưu nở rộ khác vài năm trước rồi chìm xuống trong giới bơi phượt, bơi đường trường là trường phải bơi T.I, viết tắt của từ Total Immersion, hay dịch thoáng ra là trường phái “hòa cùng với nước”. Vậy vì sao tôi muốn giới thiệu trường phái này? T.I được mệnh danh là phương pháp “bơi không mệt”. Cách bơi này giúp một người lớn không biết bơi có thể tự tin xuống nước và bơi dài được 1-2km. Lưu ý: tôi nói là bơi không mệt và bơi được dài, nhưng không nói là bơi nhanh nhé!

Vậy T.I là gì?

Theo Terry Laughlin (đã qua đời năm 2017) – huấn luyện viên, vận động viên đoạt được nhiều huy chương, và cũng là tác giả của trường phái T.I: Mục đích của trường phái T.I là giúp cơ thể bạn thích nghi và dần dần bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong môi trường nước và bơi như cá (nghĩa là mô phỏng các đặc tính khi bơi của động vật dưới nước và áp dụng để bơi).

Dưới đây tôi sẽ giới thiệu qua về cách bơi theo trường phái T.I trong 3 bước. Nhưng trước hết, chúng ta hãy xem clip dưới đây để thây vì sao người ta lại gọi T.I là trường phái “bơi không mệt”

Kỹ thuật bơi T.I của Shinji Takeuchi – đại diện trường phái T.I ở Nhật Bản

Bước 1: Thoải mái và tự tin

Phương pháp T.I bắt đầu bằng cách giới thiệu người bơi (dù là người mới bắt đầu học bơi hoặc người đã học bơi lâu năm) cách cân bằng và ổn định xương chậu. Mục đích của việc học này là để thay thế cảm giác nặng nề trong nước (lý do khiến bạn chìm trong nước) bằng một cảm giác vui vẻ, thoải mái và nhẹ nhàng.

Trước hết, bạn cần nhận thức được lực hấp dẫn (lực kéo bạn xuống nước) và hiểu các nguyên tắc vật lý của nó, để bạn có thể tìm được tư thế bơi tốt nhất: một tư thế đòi hỏi ít nỗ lực nhất có thể. Điều quan trọng kế tiếp là học cách ổn định khung xương chậu của bạn, để cơ thể bạn kết nối lại thành 1 khối gắn liền. Điều này giúp trục cơ thể bạn luôn thẳng dù bạn chuyển động hai bên hoặc xoay hông.

Nhận thức về cơ thể sẽ giúp bạn kiểm soát vị trí của cơ thể trong nước, cảm giác nước và phối hợp động tác 1 cách dễ dàng hơn. Khi bạn bắt đầu kiểm soát được cơ thể trong nước, bạn có thể bơi 1 cách nhẹ nhàng, thoải mái hơn và tập trung giải quyết những kỹ thuật, động tác bơi khó hơn.

Đây là giai đoạn cực kì quan trọng của trường phái TI vì nó cho ta cơ hội tìm hiểu thêm về hành vi của cơ thể con người trong nước và sử dụng kiến thức đó để giảm thiểu những chướng ngại và tối đa hóa hiệu quả chuyển động của bạn trong nước.

Để mô phỏng cảm giác nước và động tác trong bước này, tổ sư phải T.I Terry Laughin đã sáng chế ra drill gọi là Superman Glide (mô phỏng như siêu nhân bay trong phim). Drill này thực hiện bằng cách dỗi thẳng người, 2 tay đưa ra phía trước, bật tường để tiến về trước và cứ để cơ thể trôi đến khi chìm. Drill này sẽ giúp bạn cảm giác cơ thể ổn định khi nào, ra sao v.v…

Drill Superman Glide

Tóm lại, ở bước 1, bạn cần rèn luyện sự cân bằng và ổn định của cơ thể! Hãy chuyển sang bước 2!

Bước 2: Lướt nước (hay còn gọi là hydrodynamic – thủy động học)

Sự khác biệt giữa người và cá là gì?

Có lẽ là người và cá có nhiều hơn một khác biệt rồi, nhưng khác biệt lớn nhất liên quan đến chủ đề bài viết này là khả năng lướt nước tự nhiên của loài cá: một khả năng tự nhiên mà loài vật sống dưới nước nào cũng có.

Vì cơ thể con người không được cấu tạo để đi xuyên qua làn nước dễ dàng như một quả thủy lôi. Trong khi đó, nước lại có tỉ trọng dày hơn không khí 1000 lần, rất khó để con người di chuyển nhanh trong nước. Do đó, ta chỉ có 1 lựa chọn duy nhất: rèn luyện để phát triển khả năng lướt đi trong nước.

Tư thế lướt nước giúp chúng ta không rơi vào “tư thế chìm”: khi bạn chuyển động trong nước, “tư thế chìm” làm bạn cản nước nhiều hơn, dẫn đến giảm hiệu quả thành tích. Để giảm bớt lực cản này, trục cơ thể của bạn phải càng thẳng càng tốt, bề mặt tiếp xúc ở vị trí cản nước càng ít càng tốt. Hãy hình dung cơ thể bạn là một quả ngư lôi được bắn đi từ tàu ngầm. Đó chính là tư thế lướt nước/thủy động học bạn cần làm đấy.

Dưới đây là drill để tập tư thế “quả thủy lôi”. Thực ra tư thế này cũng được áp dụng phổ biến ở các trường phái bơi khác chứ không riêng gì T.I. Bởi lẽ, bơi lội thực ra là chiến thắng lực cản của nước.

Drill rotation hay “quả thủy lôi” (phút 1:10 trong video clip)

Bước 3: sử dụng hông

Có 1 sự khác biệt rất tinh tế: xương chậu của bạn ổn định và cân bằng dưới nước nhưng không có nghĩa là nó bất động.

Mặc dù trong trường phái T.I, chân và đặc biệt là cánh tay của bạn là nguồn lực đẩy chính giúp bạn tiến về phía trước, xương chậu của bạn cũng có thể đóng vai trò là lực kéo thay vì là lực cản nước.

Xương chậu là phần xương mạnh mẽ nhất của cơ thể; không biết cách sử dụng nó khi bơi thì thật là lãng phí. Hãy lợi dụng xương chậu của bạn như điểm khởi đầu cho sức mạnh, nhịp điệu và chuyển động của bạn trong nước. Trường phái TI dạy bạn cách tích hợp các chuyển động cơ thể bắt đầu bởi xương chậu (con lắc), từ đầu đến chân. Bạn thành thạo phương pháp này càng nhanh, bạn sẽ bơi càng hiệu quả hơn: xa hơn và nhanh hơn!

Video dưới đây sẽ nói cụ thể hơn về cách trườn tới phía trước bằng cách xoay hông của phái T.I. Nhìn chung, nguyên lý khá đơn giản: phái T.I không chú trọng sử dụng lực tay để đẩy nước, mà thay vào đó là xoay người và dùng quán tính kèm khối lượng cơ thể để đẩy người tiến về phía trước. Để làm được điều này, bạn cần phối hợp nhịp nhàng giữa các động tác sau: tay vào nước, kéo nước, đồng thời xoay hông, nghiêng người để lướt nước tốt hơn, và lặp lại.

Các đặc điểm khác của trường phái T.I

Ngoài những đặc điểm đã nêu trên, trường phái T.I còn khác các cách bơi khác ở các điểm sau:

  • Tay vào nước ở sâu dưới nước thay vì gần mặt nước. T.I không quá chú trọng đến dùng tay tạo lực. Thay vào đó, trường phái này đề cao việc thả lỏng cơ thể, cảm nhận nước nên không yêu cầu tay phải ở gần mặt nước để catch (tỳ nước) cho tốt
  • 2 beat kicks: đặc điểm lớn nhất của T.I đó la pha đập chân 2 nhịp. Các trường phái khác thường đập chân 3,4 hoặc 6 nhịp khi bơi sải (tất nhiên có trường hợp cá biệt như Sun Yang hay HCV Sea Games Lâm Quang Nhật dù đập 2 nhịp nhưng bơi vẫn nhanh). Nếu xem kỹ video clip đầu tiên, bạn có thể thấy chân đập cùng nhịp với tay: tay trái vào nước thì chân phải đập, tay phải vào nước thì chân trái đập.

Trường phái T.I thường nhắm tới động tác bơi sải và khuyến khích người bơi “trườn” trong nước nhiều hơn. Vì vậy, trường phái này cũng thích hợp hơn với những người bơi đường dài hơn là những vận động viên bơi nước rút.

BoiDapChay không lạ gì phương pháp T.I. Coach Cao Ngọc Hà cũng từng tập luyện theo phương pháp T.I theo các clip trên YouTube, trước khi chuyển sang kỹ thuật khác để cải thiện tốc độ. Tuy nhiên, như đã nói, T.I có thể giúp bạn biết bơi và làm quen với việc bơi đường dài. Điều này đặc biệt hiệu quả với những người chưa biết bơi, đặc biệt là người lớn học bơi. Nhưng để bơi nhanh hơn, bắt buộc bạn phải dùng sức và thực hiện các kỹ thuật bơi truyền thống như tỳ nước, kéo/đẩy nước và đập chân nhanh hơn v.v..

Coach Phạm Minh Quang bắt đầu học bơi vỡ lòng bằng phương pháp T.I 3 tháng trước khi tham gia giải Ironman 70.3 đầu tiên (bơi biển 1.9km). Phương pháp này đã giúp anh sống sót qua phần bơi với thời gian tầm…50 phút (sau 3 tháng học). Tuy nhiên để cải thiện thành tích xuống còn 36 phút thì Quang cần phải tìm đến HLV bơi truyền thống là Coach Phạm Thúy Vi (vô địch Nữ Việt Nam tại cuộc thi Ironman 70.3 Vietnam 2019). Nếu muốn tập bơi bài bản, các bạn có thể liên hệ HLV Phạm Thúy Vi (ở TP HCM) qua địa chỉ email: coach@boidapchay.com nhé.

Tiểu sử Coach Vi

The post Total Immersion: Trường phái bơi dài không mệt appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *