Các nghiên cứu mới có vẻ cho thấy việc luyện tập thể thao và khả năng chuyển hóa năng lượng trong thời gian dài có thể giúp chúng ta phòng ngừa ung thư.
Thực ra khi viết về chủ đề này tôi cũng hơi đắn đo. Đắn đo là vì tôi thường khá hoài nghi về các tuyên bố kiểu “uống trà xanh có thể giảm ung thư” hay là “10 loại thực phẩm giúp ngừa ung thư”. Nhiều người vẫn uống trà mà vẫn ung thư đó thôi. Chưa kể, tôi có một người bạn là chủ nhiệm một CLB đạp xe lớn nhất nhì đất nước Singapore, 60 tuổi rồi và cũng có thâm niên đạp xe và dẫn nhóm cả chục năm. Thế rồi bất ngờ bị chuẩn đoán ung thư. Tuy nhiên, có lẽ chống ung thư là một chủ đề có nhiều mảnh ghép, bao gồm lối sống, cách ăn uống v.v.. Và tập thể dục thể thao cũng có thể là một mảnh ghép quan trọng, vì vậy bài viết này (vốn tóm tắt các công trình nghiên cứu mới nhất) chắc hẳn cũng có giá trị tham khảo để chúng ta có một cuộc sống dài hơn, khỏe hơn.
Vào mùa thu năm 2019, một nhóm bác sĩ khoa ung bướu xuất bản một bài tường trình tổng hợp về sự tương quan giữa tập luyện thể thao và việc phòng chống ung thư. Kết quả cho thấy rủi ro ung thư có thể giảm từ 10% đến 25% nến chúng ta tập thể thao thường xuyên. Ngay cả khi chúng ta mắc bệnh đi chăng nữa thì việc tập luyện cũng góp phần tích cực vào việc cải thiện sức khỏe và tuổi thọ của bạn.
Trong một nghiên cứu mới về phòng chống ung thư, một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Peter Biro của đại học Deakin ở Úc đã đưa ra một quan điểm mới: mối quan hệ giữa tập thể thao và ung thư có thể được giải thích bằng một lý thuyết tên là “Dung Tích Năng Lượng” (Energetic Capacity). Lí thuyết này cho rằng những ai khỏe sẽ có khả năng bộc phát và duy trì việc tiêu thụ năng lượng ở mức cao hơn (nghĩa là dung tích năng lượng lớn), họ có được hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn giúp chống chọi tế bào ung thư khi chúng tấn công cơ thể. Dưới đây là tóm tắt lý thuyết này.
Dung tích năng lượng là gì
Biro và các cộng sự tập trung vào 2 chỉ số trung gian để tính toán Dung Tích Năng Lượng. Chỉ số đầu tiên là VO2max, một thông số vàng khi tính toán sức bền (Xem thêm bài viết VO2max và chạy nhanh). Thông số này được Biro xem như mức trao đổi chất tối đa.
Chỉ số còn gọi là tỉ lệ trao đổi chất khi nghỉ (resting metabolism) – mức trao đổi năng lượng của cơ thể khi bạn nghỉ (ngủ).
Dù hai chỉ số này nằm ở 2 thái cực đối lập nhau của cường độ vận động, nhóm nghiên cứu của Biro cho rằng chúng có sự liên hệ mật thiết với nhau. Nếu bạn là một VĐV sức bền, đương nhiên bạn có VO2max cao nhưng tỉ lệ trao đổi chất khi nghỉ của bạn cũng phải cao, do các bộ phận liên quan trực tiếp tới hoạt động thể thao như tim, phổi cũng khỏe mạnh hơn người thường (có khi còn to hơn), vì vậy cũng cần nhiều năng lượng hơn để duy trì hoạt động, ngay cả khi bạn nghỉ ngơi. Biro củng cố lí thuyết này bằng việc đưa ra những số liệu của những nghiên cứu trước đó cho thấy 2 chỉ số này tỉ lệ thuận với nhau.
Tập luyện thể thao giúp nâng cao dung tích năng lượng
Chúng ta không cần phải bàn cãi quá nhiều về việc tập luyện thể thao đều đặn sẽ tăng chỉ số VO2max, từ đó giúp bạn quen với việc tiêu thụ năng lượng nhiều hơn trong một quãng thời gian lâu hơn (sức bền của bạn sẽ tốt hơn). Tuy nhiên, nếu bạn sinh ra đã có khả năng trao đổi chất tốt (cái này thuộc về gien) vì nhiều khả năng bạn cũng có thể hoạt động nhiều hơn và tăng cường dung tích năng lượng hơn.
Dung tích năng lượng cao giúp bạn chống chọi ung thư tốt hơn
Lúc đầu, khi chúng ta bị ung thư, những tế bào ung thư sẽ kích thích hệ miễn dịch phản hồi. Đây là bản năng của cơ thể để chặn có thêm nhiều tế bào bị chuyển thành tế bào ung thư và xâm lấn các bộ phận khác của cơ thể. Quá trình ngăn chặn này tiêu tốn khá nhiều năng lượng, và các khối u bám rễ thành công cũng tiêu hao năng lượng của cơ thể bạn. Sự tiêu hao năng lượng này lớn đến mức nó sẽ đẩy dung tích năng lượng của bạn lên mức cực hạn.
Các nghiên cứu trên chuột đã cũng cố quan điểm này. Khi chuột vận động trước khi mắc bệnh ung thư, chúng sẽ sản sinh nhiều tế bào miễn dịch giúp ngăn chặn ung thư bùng phát. Ngược lại, tập thể dục sau khi đã mắc bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch bởi cơ thể lúc này không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng đến từ việc chống ung thư và tập luyện cùng lúc.
Những bằng chứng từ các công trình nghiên cứu khác cũng củng cố quan điểm tập luyện giúp tăng khả năng sản sinh năng lượng và đẩy lùi ung thư này. Có một nghiên cứu đo chỉ số VO2 max của 1,3 triệu thanh niên ở Thụy Điển, các nhà khoa học thấy rắng những người có chỉ số cao cũng có tỉ lệ tử vong bởi ung thư thấp hơn 20%. Điều này có thể do những người này có xu hướng tập thể thao đều đặn suốt đời, cũng như gặp phải ít vấn đề về viêm mãn tính hoặc mất cân bằng oxy hóa. Tuy nhiên, đây vẫn là một lí thuyết quan trọng về sự tương quan giữa tập luyện và phòng chống ung thư.
Một điều quan trọng mà bạn cần lưu ý là cần phải tập luyện với cường độ tối ưu phù hợp với thể trạng của bạn để tránh tình trạng tiêu tốn tất cả dung tích năng lượng sau khi tập luyện. Tập quá nhiều không phải lúc nào cũng tốt hơn. Thực tế cho thế, thể trạng hiện tại quan trọng hơn bạn tập luyện nhiều như thế nào. Một nghiên cứu của hiệp hội chạy quốc gia cũng cho rằng kết quả chạy 10km hiện tai đôi khi dự đoán rủi ro tim mạch tốt hơn việc bạn tập luyện nhiều. Có lẽ điều này sẽ làm động lực để mọi người xỏ giày ra đường chạy. Mục tiêu là chúng ta có thể chạy nhanh hơn và khỏe hơn chúng ta của ngày hôm nay.
Quay lại chuyện người bạn đạp xe bị ung thư của tôi. Những tưởng khó qua khỏi, nhưng ngạc nhiên thay sau gần một năm trị bệnh, bà ấy có vẻ đã khỏe lại và bắt đầu tập luyện nhẹ nhàng. Có thể do bác sĩ giỏi, thuốc tốt. Nhưng tôi vẫn muốn tin hơn hai chục năm tập thể thao đã giúp bà ấy có thêm sức mạnh để chống chọi ung thư.
The post Tập thể thao giúp ngừa ung thư? appeared first on BoiDapChay.com.