Tần số quạt tay tối ưu trong bơi lội

Chúng ta có thể đọc được ở rất nhiều tài liệu nói về chỉ số vàng của tần số bước chạy hay tần số vòng đạp (cadence). Nhiều người vẫn quan niệm chạy phải ở 180 bước/phút và đạp phải ở 90 vòng/phút. Trong môn bơi cũng vậy, nhiều người hỏi tôi: “tần số quạt tay tối ưu (stroke rate) là bao nhiêu?”. Vói câu hỏi đó, tôi chỉ có thể trả lời: Tùy. Không có tần số bơi tối ưu áp dụng cho tất cả mọi người!

Bạn không tin? Hãy xem cuộc so tài giữa hai trường phái tấn số chậm và tần số nhanh trong video dưới đây. Đội mũ trắng là Ferry Weertman (Hà Lan), HCV bơi 10KM tại Olympic Rio de Janeiro 2016. Mũ GER là Florian Wellbrock (Đức), vô địch cự ly bơi 10KM tại giải Vô Địch Thế Giới năm 2019. Weertman (phải) là điển hình của trường phái tần số chậm – quạt tay chậm, kéo mạnh còn Wellbrock (trái) là điển hình của trường phái tần số quạt tay nhanh. Cả hai VĐV đều ở đẳng cấp thế giới nhưng cách bơi của họ lại hoàn toàn trái ngược. Vì vậy có thể nói không có tần số bơi vàng nào áp dụng cho tất cả mọi người.

Tần số quạt tay (stroke rate) tuỳ thuộc vào chiều dài tay và chân, sức mạnh của từng bộ phận cơ thể, bạn là kiểu sức mạnh tuyệt đối lớn hay kiểu cơ nhỏ nhưng bền bỉ không biết dừng.

Trong bơi lội, tần số quạt tay cho người có cánh tay dài và sức mạnh thân trên lớn hoàn toàn khác biệt với người có chiều dài cánh tay ngắn và ít sức mạnh. Tại sao vậy? Điều khác biệt duy nhất về tốc độ khi bơi là cách bạn tạo ra lực đẩy bằng tay như thế nào chứ không phải bạn khoẻ đến đâu hay bạn to, dài bao nhiêu. Ngồi trên xe đạp mọi thứ xem như giống nhau, đối với chạy dù khác về chiều dài chân nhưng cơ bản là phần gân achilles có chức năng “quay chân” là giống nhau ở tất cả mọi người. Nhưng ở dưới nước, một tí khác biệt trong cấu trúc cơ thể đã tạo nên sự ảnh hưởng cực kỳ to lớn trong việc chọn tần số tay.

Vậy bây giờ chúng ta có cách nào để nhắm đến tần số tay “chuẩn”?

Nếu bạn có cánh tay dài, bạn cao 1m8 hay hơn hoặc bạn có sức mạnh thân trên thật lớn, khi ấy bạn có thể xem tần số tay khoảng 25 – 30 (chu kỳ 1 phút) là “chuẩn” cho mình.
Nếu bạn có cánh tay ngắn, bạn cao tầm 1m7 đổ lại, hay thân trên của bạn không mạnh lắm, lúc này bạn có thể lấy 30 -35 (chu kỳ 1 phút) làm tần số “chuẩn” của mình.

Có 2 kiểu chính tạo ra tốc độ của việc quạt tay,

  • Kiểu quạt tay tần số thấp và kéo đẩy rất mạnh, người bơi sẽ phải xoay người với 1 góc rất lớn gần 90 độ từ trái sang phải và ngược lại, thật ra cách này có thêm 1 lợi thế là dùng hông để xoay phối hợp với đẩy nước để tạo hiệu quả cao hơn, mình gọi nó là “hip driven”.
  • Ngược lại với cách trên, khi mình có nhiều sức bền, ít sức mạnh hơn, bạn phát hiện ra rằng mình xoay thân và hông ít hơn, quạt tay tần số cao hơn để đảm bảo tạo ra lực tiến liên tục về trước. Tôi liệt nó vào kiểu “shouder driven”.

Ngoài ra tần số động tác thay đổi rất lớn khi bạn bơi trong bể và ngoài biển. Điểm khác nhau căn bản này là khi bạn bơi trong bể, bạn hoàn toàn kiểm soát được môi trường bơi xung quanh: bể bơi nước yên ả không phải chống lại sóng hay dòng chảy, bạn kéo đẩy đến mức hiệu quả nhất và dựa vào đà tiến đó mà tiếp tục xoay người, trườn về trước càng kéo dài hơn biên độ động tác, điều này cho phép bạn giảm tần số tay mà vẫn giữ được tốc độ.

Khi bơi biển, bạn phải đối mặt với sóng, bề mặt nước nhấp nhô hay thậm chí dòng chảy nhiều phương, bạn không thể để tay mình trườn dài và lâu ở phía trước vì như thế rất có khả năng sau khi bơi 1 lúc bạn thấy sóng đã đưa bạn ngược lên bờ. Thế thì cách duy nhất lúc này có thể giúp bạn tiến về trước là tăng tần số quạt tay để tạo hiệu năng và lực tiến lớn liên tục để chiến thắng lực cản từ tự nhiên.

Tóm lại, bạn hãy xem xét nhiều khía cạnh để chọn ra cho mình tần số “chuẩn” của riêng bạn. Nếu bạn có:

  • Cơ thể thấp nhỏ và cũng không nhiều sức mạnh thân trên mà lại bơi tần số quá thấp, bạn hãy tăng tần số lên trên 30 spm (stroke per minute) đồng thời giữ hiệu quả như bạn đang làm.
  • Cơ thể cao, thân trên khoẻ, tần số quá cao mà thành tích lại không nhanh, chắc chắn là bạn đang bị kéo trượt nước. Lúc này bạn cần xem xét lại kỹ thuật chứ hoàn toàn không phải cố gắng quạt đua với cánh trực thăng. Giảm tần số lại và tập trung kéo đẩy hiệu quả hơn, nặng hơn.

The post Tần số quạt tay tối ưu trong bơi lội appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *