Tại sao người Nhật chạy giỏi

Nhắc đến chạy bộ, ít ai nghĩ ngay đến Nhật Bản. Tuy nhiên, đất nước mặt trời mọc chỉ xếp thứ 3, sau Kenya và Ethiopia, trên bảng tổng sắp 1000 VĐV chạy bộ với thành tích hàng đầu trong lịch sử Marathon. Nhật Bản có hơn 100 chân chạy với thành tích dưới 2:10:00, trong khi đó Mỹ, với dân số to gấp 3 lần và cơ sở hạ tầng hiện đại, chỉ có khoảng 20 VĐV có cùng thành tích (thật ra nếu chúng ta loại trừ giải Boston, Mỹ chỉ có 13 VĐV)
Điều gì đã góp phần mang đến kết quả kì diệu như vậy?

Giải Tokyo Marathon 2020

Mặc dù giải Marathon Tokyo bị hủy bỏ do dịch bệnh COVID-19 nhưng phần thi đấu giữa các VĐV elite vẫn diễn ra và người hâm mộ vẫn ra đường cổ vũ nhiệt tình mặc cho lời cảnh báo sức khỏe từ chính phủ. Chạy bộ là môn thể thao cực kì phổ biến tại đây, nơi mà những vận động viên hàng đầu được chào đón như minh tinh màn bạc, đặc biệt là Suguru Osako. Với thành tích 2:05:29, anh đã phá vỡ kỉ lục quốc gia do chính mình lập nên, đồng thời nhận được phần thưởng hậu hĩnh 100 triệu yên và củng cố cương vị của mình trong tuyển Olympic Nhật Bản.

In Photos: Japan's week in pictures[写真特集16/16]- 毎日新聞
Osako Suguru tại Tokyo Marathon 2020

Giải Marathon Tokyo là một sự giới thiệu hoàn hảo về phong trào chạy bộ ở xứ sở mặt trời mọc. Tuy chức vô địch thuộc về VĐV người Ethiopia Birhane Legese (2:04:15), các chân chạy bản địa cũng đã thống trị giải đấu khi 4 trên 10 VĐV đầu bảng là người Nhật. Có đến những 19 VĐV Nhật với thành tích dưới 2:10 và 29 VĐV với thành tích dưới 2:15. Không có giải chạy quốc tế Major nào ghi nhận sự thống trị của những chân chạy bản địa như vậy. Ở giải Boston năm ngoái, có đến những 49 VĐV Nhật Bản chinh phục thành tích 2:15 trong khi đó nước chủ nhà Mỹ chỉ dừng lại ở con số 6.

Bạn có thể cho rằng, có thể lý do ở Mỹ ít người ở Boston đạt chuẩn dưới 2:15 bởi vì phần lớn bọn họ bận chạy giải Chicago Marathon! Nghe thì có lý, nhưng thật ngạc nhiên khi biết rằng ở Nhật có vô số những giải nhỏ nơi mà rất nhiều VĐV elite địa phương tham dự. Giải Marathon Hồ Biwa (bạn chỉ được tham dự nếu chạy dưới 2:30) hay giải Marathon Quốc Tế Fukuoka có rất nhiều VĐV tham dự với thành tích vô cùng đáng nể! Đó là chưa nói đến Ekiden đấy!

Lịch sử chạy bộ lâu đời

Năm 1912, Nhật Bản chỉ có 2 đại diện tham gia thi đấu tại Olympics Stockholm, với Shizo Kanakuri là VĐV tham gia cự li marathon. Do kiệt sức sau 18 ngày lênh đênh trên biển từ Nhât đến Stockholm, Kanakuri đã đầu hàng cái nóng khắc nghiệt của ngày thi đấu. Bất tỉnh trên đường chạy và không thể hoàn thành cự li, Kanakuri cảm thấy xấu hổ và quyết định trở về Nhật mà không thông báo tổ trọng tài. Các quan chức Thụy Điển hoảng hốt và báo cáo rằng Kanakuri mất tích trong suốt… 50 năm cho đến khi nhận ra anh vẫn sống khỏe ở Nhật và tham gia các giải marathon sau đó.

Ở Nhật Bản, Kanakuri được xem như cha đẻ của bộ môn Marathon. Sau khi trở về Nhật Bản, ông là một trong những trụ cột quan trọng trong việc tổ chức giải Ekiden Hakone năm 1920. Với sự tham dự của hầu hết các trường đại học danh tiếng vùng Kanto lân cận Tokyo, giải chạy bộ này là một trong những nguyên nhân chính làm cho chạy bộ trở nên vô cùng phổ biến ở Nhật.

Ekiden, cụm từ miêu tả những giải chạy tiếp sức đường dài, được tổ chức đầu tiên năm 1917 nhằm kỉ niệm 50 năm Nhật Bản dời đô về Tokyo. Trong 3 ngày, các VĐV phải chạy tiếp sức nhau từ cố đô Kyoto về Tokyo với quãng đường dài 508km. Ba năm sau, giải Ekiden Hakone được thành lập bởi Kanakuri với mục đích đào tạo các nhân tài chạy bộ của Nhật Bản để cạnh tranh trên đấu trường quốc tế.

Mong ước của Kanakuri cuối cùng đã trở thành hiện thực khi Nhật Bản nhanh chóng trở thành một cường quốc trong cự li chạy đường dài. Họ thống trị các giải chạy đường trường thập niên 50 và 60. Năm 1965, 10 trên 11 thành tích marathon nhanh nhất được thiết lập bởi người Nhật. Một năm sau đó, con số này tang lên 15 trên 17. Thành tích ấn tượng này giống như những gì chúng ta thấy được từ những VĐV Kenya trong thời gian gần đây.

Ekiden – Ước mơ & nhiệt huyết

Ekiden”: Japan's Long-Distance Relay Races | Nippon.com
Chạy tiếp sức Ekiden ở Nhật Bản

Ekiden là một sự kiện mang đậm dấu ấn Nhật Bản, và tính phổ biến của nó vẫn lan tỏa qua nhiều thập kỉ. Ớ một góc nhìn so sánh, Ekiden của Nhật cũng giống như Superbowl của Mỹ: đây là một sự kiện được tường thuật và trình chiếu với quy mô lớn nhất nước. Tỉ lệ người xem (viewership rate) của giải Hakone Ekiden lên đến 30%, và cứ mỗi dịp năm mới cả nước lại náo nức mong chờ giải đấu này. Tác giả của tựa sách nổi tiếng “The Way Of The Runner”, viết về về văn hóa “cuồng chạy” ở Nhật Bản , cho rằng “Ekiden được bàn luận ở mọi góc đường ở Nhật. Bạn chỉ không biết về nó khi sống ở một cái hang nào đó thôi”.

Noriaki Nishide, trợ lý huấn luyện của trường đại học Tokai – nhà vô địch Ekiden 2019, cho rằng sự hấp dẫn của Ekiden bắt nguồn phần lớn từ những màn chạy “cháy hết mình” của VĐV. Không hề ngạc nhiên khi một chân chạy “ngựa ô” bất ngờ giật được thành tích không thể tin được và đánh bại nhiều VĐV kì cựu. “Mọi người đều hào hứng với những chân chạy cửa dưới”. Sự khác biệt trong những chặng khác nhau cũng khiến Ekiden hấp dẫn hơn, khi mà VĐV được chọn lựa để chạy chặng phù hợp với sở trường hoặc địa hình quen thuộc. Cũng giống như nhiều chuyên gia khác, Nishide cho rằng thành công của VĐV chạy bộ Nhật Bản bắt nguồn từ Ekiden. “Ekiden giống như lò đào tạo nhân tài vậy. Bọn trẻ bắt đầu tập từ bậc trung học cơ sở cho giải Ekiden trung học phổ thông, và sau đó là Edkiden Hakone ở cấp độ đại học. Tất cả những quãng thời gian đó đã góp phần xây dựng nên một nền tảng VĐV elite cho phân khúc chạy đường dài ở Nhật”

Chế độ tập luyện khắc nghiệt

Chế độ tập luyện với nhiều bài chạy dài (long run) từ rất sớm mang lại không ít thiệt hại cho cơ thể vận động viên. Khi bạn chạy easy nhưng nhiều dặm trên mặt đường bê tông cứng (asphalt), chấn thương xảy ra rất dễ dàng. Trong một buổi tập tại trường đại học Tokai thuộc hạt Kanagawa, có khá nhiều chân chạy đang luyện tập bài phục hồi. Chỉ tay về nhóm VĐV ấy, Nishide cho hay “[Các cậu ấy dính] chấn thương. Mặt đường ở Nhật không được thân thiện lắm. Chúng tôi dính chấn thương liên miên.” Khi được hỏi về chế độ nghỉ ngơi của VĐV ở đây ra sao, Nishide cười phẩy: “Làm gì có chuyện nghỉ”. HLV trưởng Hayashi Morozumi đã vậy liền chen ngang “Nghỉ ngơi không có trong từ điển ở đây nhé!”.

Brett Larner thì khá quan ngại về chế độ luyện tập ở Nhật Bản. “Lịch tập ở đây nói chung dày hơi ở các nước khác”. Ngoài ra, ông cho rằng cơ cấu tổ chức khá chuyên quyền, khi người có chức vụ cao có nhiều thẩm quyền quyết định hơn. Các trợ lí huấn luyện và bản thân VĐV thường có ít tiếng nói trong vấn đề chiến thuật tập luyện so với các nước phương Tây.

Trái ngược với khuôn mẫu tập luyện mileage cao, có nhiều HLV ở Nhật đã bắt đầu đề ra những chiến thuật đi ngược với truyền thống. Yuta Shitara, người về nhì Tokyo Marathon năm 2018 với thành tích kỉ lục quốc gia 2:06:11, cho biết HLV của anh tin rằng chiến thuật mileage cao đã quá già nua rồi. Shitara chưa bao giờ chạy quá 35km. Thay vào đó, anh tập nhiều bài tăng cường tốc độ kèm thêm 1 bài tempo 25-30km khoảng 3 ngày trước khi thi đấu. Đây là một chiến thuật vô cùng mới mẻ và khác biệt hẳn với số đông.

Xã Hội Hóa Thể Thao

Chúng ta thường nghĩ về tính kỉ luật và trọng danh dự là những phẩm chất quý của tinh thần Nhật Bản. Tuy nhiên, sự thành công của chạy bộ Nhật Bản không chỉ đến từ sức mạnh tinh thần của VĐV, cũng như vai trò của Ekiden trong việc xây dựng một thế hệ VĐV mạnh mẽ đến từ cộng đồng. Mảnh ghép cuối cùng của sự thành công này nằm ở sự đóng góp của những doanh nghiệp Nhật Bản, nhưng đó không phải là những Mizuno, Asics hay Nike.

Nhiều doanh nghệp ở Nhật như Honda, Tổng Công Ty Đường Sắt Nhật Bản, Mỹ Phẩm Kanebo v.v… kí hợp đồng với VĐV giúp họ thi đấu và luyện tập với cơ sở vật chất của công ty. Chi phí sinh hoạt được công ty lo từ A đến Z, và chế độ ăn uống được phục vụ tận tình bởi đầu bếp cao cấp và chuyên gia dinh dưỡng. Một VĐV thường tập luyện nhiều lần một ngày. Nhiều “VĐV doanh nghiệp” đôi khi tập đến 965km 1 tháng (vị chi trung bình 1 ngày chạy hơn 30km). Giữa mỗi buổi tập những chân chạy này được chăm sóc và tư vấn tận tình bởi đội ngũ chuyên viên sức khỏe, HLV thể chất và chuyên viên mát xa. Ngoài những lợi ích kể trên, VĐV còn nhận được khoảng lương khoảng 35.000 USD trở lên, tùy thuộc vào thành tích của họ. Nhiều VĐV được nhận lương lên những sáu chữ số 1 năm.

Hiện tại ở Nhật Bản có khoảng 60 đội tuyển doanh nghiệp (30 đội nam & 30 đội nữ), với khoảng 20 thành viên mỗi đội, vị chi tổng cộng có hơn 1200 VĐV toàn thời gian được chăm sóc và trả lương bởi doanh nghiệp. Đó cũng chính là lí do vì sao Nhật Bản sở hữu một khối lượng nhân tài khổng lồ: VĐV trường đại học khối Ekiden, VĐV doanh nghiệp, và những VĐV tự túc.

Sự hậu thuẫn tuyệt vời của những công ty nơi mà VĐV được chăm sóc như những ngôi sao đã phần lớn lí giải thành tích tuyệt vời của những chân chạy xứ sở mặt trời mọc. Những VĐV ở các nước phương Tây luôn gặp trở ngại trong việc cân bằng thời gian tập luyện và công ăn việc làm. Ở Nhật, VĐV chạy bộ được đài thọ để họ hoàn toàn yên tâm tập luyện, và thậm chí được cung cấp việc làm chính tại công ty đài thọ sau khi họ đã qua đỉnh cao sự nghiệp thi đấu. Việc này đồng nghĩa với ít VĐV bỏ nghề chạy ở Nhật hơn do họ có quyền lựa chọn tập trung hoàn toàn cho việc luyện tập và thi đấu trong khi vẫn có thể đảm bảo thu nhập đầy đủ.

Những chân chạy quốc dân

Tuy Nhật Bản có rất nhiều VĐV chuyên nghiệp được hỗ trợ bởi các ban ngành đoàn thể, người dân Nhật lại đặc biệt hâm mộ những VĐV nghiệp dự. Có rất nhiều cái tên tiêu biểu trong cộng đồng những VĐV nghiệp dư, nhưng nổi trội hơn hết phải nhắc đến Yuki Kawauchi. Được biết đến như “Chân Chạy Quốc Dân”, Kawauchi vừa phải làm việc toàn thời gian như một nhân viên trường học vừa tự huấn luyện bản thân chạy bộ. Anh được biết đến bởi sở thích dung giải thi đấu như một cơ hội luyện tập, cũng như khước từ những doanh nghiệp với gói tài trợ hậu hĩnh, và tiêu hơn ¼ lương tháng của mình vào sở thích chạy bộ. Mãi cho đến năm ngoái, ở tuổi 32, anh mới chính thức từ giã giai đoạn nghiệp dư và chính thức chuyển thành pro. Nhắc đến Yuki, không ai có thể quên chức vô định Boston Marathon năm 2018 dưới điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệp. Điều đáng nói ở đây là 3 tuần trước khi diễn ra Boston, Yuki tham dự một giải bán marathon trong một bộ trang phục gấu trúc. Hai năm trước đó anh tham gia cũng chính giải đó với thời gian 1:06:42, trong bộ trang phục nhân viên công sở! Yuki có một thành tích tham dự marathon khó tin. Anh đã chạy 64 giải marathon dưới 2:15, và 96 giải với thành tích dưới 2:20!

10 reasons Yuki Kawauchi, Boston marathon winner, should be your ...
Yuki Kawauchi tại Boston 2018

Đối với trường hợp của Yuki, thành tích của anh không chỉ vượt trội nhờ vào cách thức luyện tập và thi đấu khác người. Thể chất của Yuki cũng thuộc loại triệu người có 1. Chỉ số VO2 max của anh vượt xa hầu hết VĐV Nhật Bản với 82ml/min/kg, sánh ngang với những VĐV sức bền hang đầu thế giới. Mikael Mattson, một nhà nghiên cứu người Thụy Điển cho biết gần như không thể tìm được một ai người Nhật Bản với chỉ số VO2 max vượt ngưỡng 75”. Tuy nhiên, vũ khí đáng sợ nhất của Kawauchi chính là khả năng chịu đau của anh như chúng ta vẫn thường thấy ở khuôn mặt của anh ở những km cuối cùng của giải đấu.

Thiên đường chạy bộ

Tokyo xứng đáng được vinh danh là thiên đường của dân chạy bộ. Tại Tokyo, công viên Yoyogi được người dân địa phương xem là thủ phủ của VĐV chạy. Để đến được công viên, bạn phải chạy khoảng 1.6km qua khu dân cư đông đúc với nhiều đèn đỏ và người đi đường. Công viên có 3 vòng chạy chính, một vòng dài 1.2km giữa công viên, một vòng lớn hơn dài khoảng 2.5km, và 1 cung bán trail với địa hình đất xốp ở rìa công viên với chiều dài 3km. Một cung chạy ưa thích nữa của cộng đồng ở đây là vòng chạy 5km bao quanh thủ phủ hoàng gia Tokyo. Không chỉ có nhiều cung đường thuận tiện cho việc tập luyện, nếu muốn cải thiện thành tích bạn có thể tập chung với vô số VĐV elite ở đây.

Đất nước cuồng chạy

Không chỉ dừng lại ở mức hâm mộ những VĐV elite, rất nhiều người dân Nhật Bản cũng chạy bộ như một lối sinh hoạt hàng ngày. Chạy bộ bắt đầu phát triển tại Nhật bản sau thế chiến Thứ II, khi mà Marathon được xem như như một hoạt động mang đậm tinh thần kỉ luật Nhật Bản cũng như phản ánh nỗ lực của toàn thể nhân dân Nhật Bản trong quá trình xây dựng đất nước sau chiến tranh. Số lượng VĐV nghiệp dư tại Nhật Bản trong những thập niên gần đây tang chóng mặt. Trong khoảng 2005 đến 2010, số lượng VĐV chạy bộ tại Nhật tăng từ 100,000 lên 600,000. Có khoảng 322,000 người đăng kí tham dự giải Tokyo Marathon trong khi chỉ có 35,000 suất chạy. Nhu cầu chạy tăng vọt dẫn đến ngày càng có nhiều giải được tổ chức, có những giải với hơn vài chục ngàn người tham dự.

Một điểm đáng ghi nhận là số lượng nữ VĐV ngày một tăng. Thật ra điều này cũng không đáng ngạc nhiên lắm khi Nhật Bản liên tục giành HCV nội dung marathon nữ ở Sydney và Athen Olympics.

Lời kết của BoiDapChay

Qua hình ảnh của Nhật Bản (hay kể cả Mỹ), có thể thấy thành tích thể thao đỉnh cao và phong trào lớn mạnh luôn song hành với nhau. Các VĐV chuyên nghiệp sẽ là tấm gương để người tập phong trào noi theo (như Kawauchi) qua đó phát triển phong trào. Phong trào phát triển thì nguồn VĐV và sự quan tâm của xã hội cũng được cải thiện, dẫn tới việc các VĐV có nhiều điều kiện tập luyện, cống hiến hơn. Hiện nay ở Việt Nam, phong trào chạy bộ đang phát triển nở rộ được khoảng 7-8 năm, phong trào triathlon đã bắt đầu du nhập 5 năm trước và có những bước tiến đáng kể. Cũng bởi thế, năm 2019, BoiDapChay đã quyết tâm cùng một vài doanh nghiệp khác để giúp các VĐV Việt Nam lần đầu tiên tham dự SEA Games ở nội dung Duathlon và Triathlon. Thành quả là chúng ta đã giành tấm HCĐ lịch sử nội dung Duathlon Nữ. Liệu chúng ta có nên mơ đến một ngày được như Nhật Bản?

Dịch từ bài viết “The Perplexing Depth Of Talent in Japanese Running” của tác giả Tait Hearps

The post Tại sao người Nhật chạy giỏi appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *