Tập dốc không phải là thói quen của runner Việt Nam, đơn giản vì phần lớn các giải chạy luôn phẳng lì, cùng lắm chỉ có 1-2 cây cầu phải leo. Tuy nhiên, khi gặp những giải như Tiền Phong Marathon Lý Sơn (2020) hay các giải ở nước ngoài, đó là lúc chúng ta phải trả giá.
Thực tế, runner có thể dễ dàng bảo về mình trước những con dốc. Cách đơn giản nhất họ có thể làm là giảm cường độ khi chạy dốc. Nói thì đơn giản, nhưng để thực hiện thì không dễ chút nào. Sai lầm runner thường gặp phải là cố gắng giữ nguyên tốc độ khi chạy lên dốc. Ban đầu, chúng ta có thể cảm thấy dễ dàng giữ pace mục tiêu khi lên dốc, nhưng không bao lâu sau bạn sẽ gặp cảm giác mệt mỏi. Xem nhịp tim (Heart Rate) cũng là một cách để đánh giá cường độ khi chạy. Tuy nhiên, chỉ số này thường có độ trễ: nếu dốc ngắn, có khi bạn đã chạy lên tới đỉnh thì HR mới tăng, nhưng khi bạn xuống dốc HR vẫn chưa hồi phục về trạng thái bình thường.
Stryd hoạt động như thế nào?
Không giống như loại power meter (đo công suất) cho xe đạp, Stryd không đo lực chân chạm đất một cách trực tiếp. Thay vào đó, Stryd sử dụng các cảm biến (phần lớn là gia tốc kế) và bộ vi xử lý để đo gia tốc và giảm tốc trong chiều không gian 3D. Bằng các dữ liệu này, Stryd tính toán lực đẩy cơ thể về phía trước và lực nảy theo phương thẳng đứng, và chuyển đổi các thông số này ra chỉ số “lực/công suất chạy”.
“Hãy tưởng tượng cơ thể runner như quả bóng cao su. Nếu bạn thả quả bóng xuống, nó sẽ nảy lên một cách bình thường. Nhưng nếu bạn ném xuống đất và hơi chếch về trước, bạn cần phải dùng nhiều sức hơn, và quả bóng cũng sẽ nảy xa hơn. Điều này cũng giống như một runner khi chạy vậy”. Allen Lim, chuyên gia tư vấn cho Stryd cho hay.
Với thuật toán và cấu tạo như vậy, Stryd có thể đo được chỉ số lực chạy của chúng ta gần như tức thời. Bất kỳ một thay đổi nào trong tư thế chạy như tăng/giảm cadence, đổ người ra trước một chút hay ngả ra sau một chút, đều xe được ghi nhận vào chỉ số lực của Stryd.
Stryd và chạy dốc
Quay lại chuyện chạy dốc. Như đã nói ở trên, do có các cảm biến và thuật toán tính toán chuyển động trong không gian 3 chiều, Stryd có thể đo lực chạy của chúng ta ở các địa hình khác nhau như lên dốc và xuống dốc.
Trong phiên bản firmware trước, Stryd có thể mất vài giây để tính toán thay đổi địa hình. Điều này dẫn tới việc có một chút chênh lệch giữa lực chạy và cường độ/cảm nhận thực tế. Trong phiên bản mới nhất, thuật toán này đã được cập nhật bản nâng cấp và sự thay đổi về lực diễn ra ngay lập tức khi địa hình thay đổi.
Mặc dù vài giây chênh lệch nghe có vẻ ít. Nhưng nếu tính trên quãng đường 42km, trong những giải chạy nhiều dốc, lại có điều kiện khắc nghiệt như Tiền Phong Marathon Lý Sơn hay Danang International Marathon (2 lần chạy qua cầu Thuận Phước), thì mức chênh lệch này sẽ dẫn tới hậu quả đáng kể. Về phương diện cảm nhận cường độ chạy, chúng ta có khi sẽ có cảm tưởng phải chạy thêm vài dốc nữa so với đường thi đấu.
Ví dụ cụ thể
Dưới đây là một ví dụ của một runner dùng Stryd khi chạy cự ly 21km tại giải Tiền Phong Marathon Lý Sơn (2020), một cùng đường nhiều dốc và nắng.
Có thể thấy ở đoạn số (1) – con dốc đầu tiên. Lực chạy của runner này (màu hồng) tăng vọt trong khi pace (màu xanh) giảm. Chứng tỏ đây là con dốc rất khắc nghiệt. Hãy thử tưởng tượng nếu runner này muốn giữ pace gần bằng pace ban đầu thì lực chạy còn tăng lên tới mức nào. Lực càng lớn thì sức của bạn càng bị bào mòn nhanh trong khi race cự ly dài. Chú ý: chỉ số HR không thay đổi khi lên dốc hoặc xuống dốc. Đó là vì trong race (ở đây là 21km), các runner thường chạy ở đầu hoặc cuối zone 3, khá gần ngưỡng threshold nên HR sẽ luôn ở mức cao và khó giảm hoặc tăng ngay lập tức.
Trong trường hợp này, runner này nên giữ lực chạy gần bằng lực ban đầu thay vì cố sức, việc pace bị giảm không đáng ngại vì nếu giữ nguyên lực chạy này, khi xuống dốc pace sẽ nhanh hơn. Trong hình trên, điều này thể hiện rõ ở nửa cuối đoạn (1) và trong đoạn (2). Ở nửa cuối đoạn một, vì chạy xuống dốc nên lực chạy giảm và pace tăng. Ở đoạn (2) cũng vậy, lúc này có vẻ runner đã có kinh nghiệm hơn và vẫn giữ lực chạy cố định, và đường chỉ pace có chiều hướng tăng lên (nhanh hơn) rõ rệt.
Kết
Một điều chúng ta có thể chỉ trích Stryd đó là món đồ này có thể làm mất đi cảm giác hấp dẫn khi chạy đua. Khi bám đuổi đối thủ, có lẽ chúng ta cũng không cần quan tâm mình có sắp ngất hay không. Tuy nhiên, thi đấu chuyên nghiệp cũng khác với phần lớn dân phong trào. Với các VĐV nghiệp hoặc elite phong trào ganh đua thứ hạng, chiến thuật thi đấu của họ khác: cố gắng bám đuổi đối thủ, hoặc so kè phá sức v.v… Tuy nhiên với giới phong trào thì phần lớn đều là thi đấu để vượt qua bản thân và lấy thành tích tốt nhất (PB). Vì vậy, các dụng cụ như Stryd cũng không làm giảm không khí của cuộc thi. Ngoài ra, cũng cần nói thêm, nhiều VĐV chuyên nghiệp cũng dùng Stryd để đi thi đấu như Nicole Lane tại kỳ thi chọn đội tuyển Olympic Quốc Gia của Mỹ. Và với các VĐV phong trào thi đấu vì thứ hạng, đôi khi dàn trải sức cũng có thể dẫn đến việc sập nguồn và mất thứ hạng một cách đáng tiếc.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm và bàn luận về Stryd trong group Facebook của cộng đồng những người sử dụng Stryd Việt Nam. Nếu bạn không ngại đọc tiếng Anh, group Facebook của Steve Palladino có tên là Pallodino Power Project cũng là một group rất hay với nhiều thông tin bổ ích.
The post Stryd và những con dốc khi thi đấu appeared first on BoiDapChay.com.