‘Sinh ra để chạy’ – sự thật hay chiêu marketing nổi tiếng

Một thập kỷ sau khi tác phẩm ‘Sinh ra để chạy’ (tựa gốc Born to run) khiến họ nổi tiếng, các nhà nhân chủng học đang xem xét lại.

Chắc hẳn bạn vẫn nhớ những người tộc Tarahumara chứ? Như Christopher McDougall đã miêu tả trong cuốn sách ‘Sinh ra để chạy’ (nguyên tác Born to run, phát hành ở Việt Nam bởi alphabook, có thể mua trên Tiki hoặc các hiệu sách), họ là bộ tộc của những siêu vận động viên huyền thoại của thời kỳ đồ đá, sinh sống ở các hẻm núi phía Tây Bắc Mexico và có thể chạy những khoảng cách đáng kinh ngạc trên địa hình hiểm trở mà chẳng hề đổ một giọt mồ hôi. Họ chạy bộ bằng đôi chân trần (hoặc đi dép), không cắn gel (mà uống bia) và cứ thế băng băng đi qua cả trăm kilomet.

Kể từ đó đã có khá nhiều nghiên cứu phân tích kĩ càng hơn về trường phái chạy tối giản. Gần đây, trong một bài báo trên tạp chí Nhân Chủng Học Đương Đại có tựa đề “Chạy bộ trong văn hóa Tarahumara (Rarámuri)”, một nhóm các nhà nhân chủng học đi sâu hơn vào những huyền thoại và những hiểu lầm về nền văn hóa chạy bộ của người Tarahumara. Tác giả chỉnh của bài báo này là ai? Không ai khác ngoài Daniel Lieberman.

Trong giới khoa học, Lieberman có lẽ đã trở nên nổi tiếng từ bài báo mà ông xuất bản năm 2004 với Dennis Bramble của Đại học Utah; bài báo cho rằng con người đã tiến hóa để chạy những quãng đường dài hơn. Trong bài báo này, các tác giả đưa ra giả thuyết rằng khả năng đuổi theo những con vật lớn đến kiệt sức trong nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày của loài người đã thúc đẩy một loạt những thay đổi trong cơ thể của chúng ta, bao gồm ngón chân nhỏ hơn và sự phát triển của rất nhiều tuyến mồ hôi. Những đặc điểm thích nghi này giúp con người chạy dài và lâu hơn. Vì hứng thú nghiên cứu thêm về hình thức săn bắn kiên trì, Lieberman và đồng nghiệp đã tới Hẻm Núi Đồng (Copper Canyon) ở Mexico, nơi những giai thoại về người Tarahumara săn bắn nai rừng đã làm say đắm các nhà thám hiểm và các nhà khoa học từ những năm 1800.

Toàn bộ bài nghiên cứu, cùng với một loạt các phản hồi từ các học giả và chuyên gia khác trong lĩnh vực này đều được chia sẻ miễn phí cho độc giả qua mạng. Trong bài viết này tôi sẽ nhấn mạnh một vài điểm đáng chú ý dưới đây. Điểm đáng chú ý đầu tiên là chủ đề chính của bài nghiên cứu, theo nguyên văn của các tác giả:

Văn hóa chạy bộ của người Tarahumara, cũng như nhiều khía cạnh khác về văn hóa và sinh lý của họ, thường xuyên bị hiểu lầm bởi một hiện tượng mà chúng tôi đặt tên là “lý luận sai lệch về những VĐV hoang dã”. Đây là một hướng suy nghĩ sai lầm và không nhân văn. Chạy bộ dĩ nhiên rất quan trọng trong văn hóa Tarahumara, và một số cá nhân Tarahumara là một trong những vận động viên chạy đường dài tốt nhất thế giới, tuy nhiên nếu ta rập khuôn và biến người Tarahumara thành một bộ tộc siêu vận động viên bí ẩn và cho rằng khả năng chạy của họ xuất phát từ việc không bị làm vẩn đục bởi văn minh phương Tây thì thật sai lầm. Văn hóa chạy của người Tarahumara, như mọi khía cạnh khác trong đời sống của họ, cần được thấu hiểu trong khuôn khổ bao gồm các yếu tố xã hội, kinh tế, tâm linh, và môi trường sống.

Chạy bộ như thể đi săn mồi

Trái ngược với các cuộc đua ultramarons phong trào, giải chạy bộ Tarahumara là những sự kiện đồng đội bao gồm các nhóm vận động viên thi đua với nhau. Các cuộc đua thường gồm cả hoạt động đá hoặc đánh một quả bóng gỗ hoặc đẩy một chiếc vòng lớn trên đường đua khoảng 5 km. Chỉ có một nhóm các vận động viên nòng cốt hoàn thành toàn bộ cuộc đua thường kéo dài từ vài giờ cho đến vài ngày, nhưng toàn bộ cộng đồng có thể tham gia để hỗ trợ họ hoặc đôi khi tham chạy chung để cổ vũ.

Trở thành một runner giỏi mang đến một số địa vị xã hội nhất định, nhưng đó lại không phải là mục tiêu chính. Trong nghiên cứu mới, Lieberman và các đồng nghiệp của ông cho rằng mục tiêu quan trọng hơn của các cuộc đua là để giữ phong độ cơ thể và để tuyển chọn những thành viên tham gia cho cuộc đi săn sắp tới. Theo các cuộc phỏng vấn với những người Tarahumara lớn tuổi, mỗi khi một sự kiện chạy bộ lớn được tổ chức, những người tham gia thường không biết rằng họ sẽ đi đua hay đi săn, mãi cho tới đêm hôm trước ngày đua. Điều này chứng tỏ hai hoạt động này vô cùng gắn kết với nhau.

Bí mật Tarahumara

Dĩ nhiên là chẳng có bí mật nào cả. Trên thực tế, các tác giả chỉ ra rằng các truyền thống tương tự đã tồn tại trên khắp châu Mỹ và có lẽ trên khắp thế giới. Ví dụ, người sáng lập đảo Rhode, Roger Williams, đã mô tả những kỳ tích chạy của người Narragansett vào năm 1643: “Tôi biết nhiều người trong số họ có thể chạy từ 80 tới 100 dặm trong một ngày Hè.” Hẻm núi Đồng là một nơi vô cùng khó tới và đầy thử thách; có lẽ vì vậy mà truyền thống này của người Tarahumara đã tồn tại lâu hơn những tộc khác.

Điều đó không có nghĩa là tộc Tarahumara được sinh ra để chạy 100 dặm một cách dễ dàng. Bài báo cho thấy các vận động viên chạy bộ Tarahumara cũng gặp nhiều khó khăn như các vận động viên điền kinh phương Tây. Họ cũng bị chấn thương, chuột rút, buồn nôn và các vấn đề khác khi đua đường dài. Hơn nữa, chỉ một phần nhỏ dân số thực sự tham gia vào các cuộc đua này; mặc dù những người khác ủng hộ người chạy và có thể chạy một vài vòng, họ không chạy những khoảng cách dài như vậy.

Đây là hiện tượng mà các tác giả đặt tên là “lý luận sai lệch về VĐV hoang dã.” Không có thành phần hay yếu tố bí mật nào – kể cả chế độ ăn uống đơn giản, dép chạy mỏng manh, một lối sống tự cung tự cấp đầy trăn trở, việc thiếu truyền hình cáp, hoặc vô cảm với đau đớn- mà có thể làm việc chạy 100 dặm dễ dàng được. Các tác giả đồng thời đã lần theo lịch sử lâu dài của các định kiến chủng tộc về khả năng cảm nhận đau của người thiểu số và cách chúng được gán lên người Tarahumara. Ví dụ, tờ New York World vào năm 1926 đã mô tả hai người đàn ông Tarahumara như “không có một dấu hiệu của sự mệt mỏi với một quãng đường mà sẽ làm hầu hết những con ngựa kiệt sức” sau khi họ chạy 65 dặm chỉ trong vòng giờ mười. Điều này đơn giản là sai sự thật. Ultrarunning rất khó ngay cả đối với người Tarahumara, và những người chọn chạy các quãng đường này sẽ phải vượt qua nhiều thử thách mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt.

Nhìn vào tổng thể

Nếu người Tarahumara không có bất kỳ lợi thế đặc biệt nào, tại sao rất nhiều người trong số họ có thể thực hiện được những thành tựu phi thường như vậy? Nghiên cứu gợi ý rằng khả năng của họ xuất phát từ sự chăm chỉ, lối sống năng động, quyết tâm bền bỉ và các giá trị tinh thần và xã hội họ gắn kết với việc chạy đường dài.
Lí do cuối cùng, có lẽ là 1 trong những yếu tố quan trọng nhất: họ chạy vì đối với họ điều đó quan trọng và có ý nghĩa. Có một số đoạn rất hay trong bài báo khi các trưởng lão Tarahumara đã ví nỗ lực lăn những trái bóng trên một quãng đường dài và khó lường cũng giống như tinh thần đối phó với những phức tạp và hỗn loạn của cuộc sống. Nó là một hình thức cầu nguyện và rèn giũa tinh thần cũng như thắt chặt các mối quan hệ xã hội trong và giữa các cộng đồng. “Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên”, tờ báo kết luận, “khi những mục tiêu tương tự đang ngày càng phổ biến trong các cuộc đua marathon ở thành phố lớn để đề cao sức khỏe, cộng đồng, và nỗ lực gây quỹ cho các việc thiện.”

Nói một cách khác, vấn đề không nằm ở đôi giày. Các xã hội thường sẽ cố gắng trở nên giỏi hơn ở những giá trị họ coi trọng, và người Tarahumara, thay vì sở hữu một siêu năng lực tiềm ẩn kỳ lạ, thì chỉ đơn giản là phản ánh sự thật đó.

Nguyên tác: Alex Hutchinson (Outside)

The post ‘Sinh ra để chạy’ – sự thật hay chiêu marketing nổi tiếng appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *