Siêu xe – nên mua hay không?

Trong vài năm trở lại đây, giá tiền trung bình cho mỗi chiếc xe đạp thi đấu 3 môn phối hợp (triathlon bike, hay gọi tắt là tri bike) đã tăng khoảng 1.500$ . Đây có vẻ là tín hiệu đáng mừng cho thị trường triathlon, tuy nhiên thực tế nó là một hồi chuông cảnh báo cho một sai lầm nghiêm trọng của những nhà xản xuất xe đạp.

Những thương hiệu xe đạp nổi tiếng bỏ hàng triệu đô để tạo ra các mẫu siêu xe mà 90% những người đang, hoặc sẽ, chơi triathlon hoặc không thể đi nổi hoặc không có đủ ngân sách để chi trả. Các nhà sản xuất gắn cho những chiếc xe này cái mác “siêu xe” để phân biệt với các dòng xe thấp hơn. Tuy nhiên, lợi ích của những chiếc siêu xe này mang lại không cao hơn nhiều so với các dòng xe thấp hơn, mà số tiền phải bỏ ra lại lớn hơn gấp nhiều lần.

Thị trường với nhiều thay đổi

“Cộng đồng người chơi triathlon phần lớn đến từ phái nữ, đặc biệt là những VĐV trẻ tuổi, và họ khá khôn ngoan với ngân sách của mình”,

Dominique Fortin, giám đốc vùng của Argon 18 với hơn 15 năm kinh nghiệp mua bán và căn chỉnh xe đạp (bike fit) cho hay. Ngày trước tuổi trung bình của một người mới chơi triathlon là ngoài 40, và họ muốn sắm những chiếc xe thật cao cấp và đắt tiền. Tuy nhiên, giai đoạn đó đã qua rồi.

Fortin cho biết những VĐV nữ trẻ thường chỉ bỏ ra khoảng 2.000$, thay vì 5.000$, để mua một chiếc tri bike. Họ sử dụng số tiền còn lại để thuê HLV, hay mua thiết bị đo lực đạp (powermeter) giúp họ có thể tập luyện tốt hơn. Những VĐV này dùng tiền để mua trải nghiệm tập luyện và thi đấu môn thể thao này chứ không chỉ để mua xe đạp.

Vận động viên nữ hiện chiếm khoảng 39% tổng thành viên của liên đoàn triathlon Mỹ, một chỉ số khá cao so với những nước khác. Tom Demerly, người có 30 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp triathlon, nhận xét rằng: “Những công ty trong ngành triathlon chỉ quen với việc tạo ra văn hóa tiêu tiền. Vì vậy, họ đốt tiền vào nghiên cứu, phát triển và marketing xe mới trong khi những nhà phân phối giúp họ bán xe thì lại thu về lợi nhuận thu chả đáng là bao. Kết cục là, những chiếc siêu xe được ra đời chỉ để tặng cho các VĐV chuyên nghiệp và nhà phân phối bắt buộc phải bán với chiết khấu cao cho người thường”.

Công nghệ thừa hưởng từ siêu xe

Mặc dù việc tạo ra các siêu xe có vẻ là sự phung phí tiền bạc và là một bước đi sai lầm. Nhưng không phải vì thế mà việc này không có ích.

Việc tạo ra những sản phẩm bằng cách thừa hưởng công nghệ từ những sản phẩm cao cấp đang trở thành một xu hướng phổ biến trong ngành công nghiệp xe đạp. Lấy ví đụ: Mercedes-Benz bỏ hàng tỉ đô vào việc tạo ra 1 chiếc xe đua công thức 1 hoàn hảo, nhưng mỗi năm chỉ có 2 người lái chiếc F1 này trên thế giới. Tuy nhiên, Mercedes cũng áp dụng một số các công nghệ trong xe F1 cho các dòng xe thương mại bình thường và giúp cải thiện rõ rệt hiệu suất của chiếc xe. Đối với xe đạp cũng vậy.

Thực tế, bạn có lẽ không thích hợp để đạp một chiếc xe Cervelo P5X của James Cunnama hay chiếc Specialized S-Works của Lucy Charles-Barclay. Tuy nhiên chiếc xe mà bạn sắp mua có thể sẽ mang công nghệ được thừa hưởng từ những chiếc siêu xe trên. Điều đó được chứng minh sau thất bại về mặt kinh tế của dòng xe Cervelo P5X, hãng sản xuất đã hướng người tiêu dùng tới mẫu P5, cũng thuộc phân khúc siêu xe cao cấp, nhưng rẻ hơn và có thiết kế ghi đông thừa hưởng từ dòng P5X.

“Một trong những chiếc xe bán tốt nhất của chúng tôi là dòng Felt IA”, Cid Cardosa Jr, chủ cửa hàng Xe InsideOut Sports ở Carolina tiết lộ. Một VĐV có thể chỉ trả 2.800$ thôi nhưng đã sở hữu được 1 chiếc xe có tính năng gần bằng con chiến mã của Daniela Ryf ở Kona vậy. Điều đó làm họ cảm thấy thỏa mãn.

Thực tế cho thấy phần lớn những người mới chơi triathlon thường nhắm vào khung giá dưới 3.000$ cho 1 chiếc xe. Đối với những người kinh doanh xe đạp như Cardosa, một trong những việc khiến họ đau đầu nhất là nhà sản xuất luôn thúc ép họ bán những mẫu mới nhất đắt nhất mà rất ít người có thể chi trả. Một chiếc Cervelop P5X có thể phù hợp với những VĐV trẻ và dẻo dai, tuy nhiên những người trẻ thường không muốn, và không thể, chi ngần ấy tiền cho một chiếc xe được. Ngược lại, một người 47 tuổi với ngân sách rộng rãi hơn lại không đủ độ dẻo dai để đạp siêu xe một cách thoải mái.

Có lẽ giá xe đạp sẽ không tăng trung bình 1.500$ trong 5-10 năm tới, bởi lẽ nhu cầu thị trường không có chiều hướng tiêu nhiều tiền như vậy. Trong hoàn cảnh bộ môn triathlon ngày càng thu hút nhiều người chơi mới, các doanh nghiệp nên tung ra những mẫu xe với giá thành hợp lí hơn. Đối với những VĐV muốn nâng cấp hoặc những người mới chơi có ngân sách rộng rãi, lời khuyên là họ nên cân nhắc mua những chiếc xe có thể tùy chỉnh (bike fit) dễ dàng để hợp với cơ thể, có thể nâng cấp dễ dàng (vừa với các loại vành mới, groupset mới v.v..) và quan trọng là phải đáng tiền, trong khi nhìn vẫn không thua kém những chiếc siêu xe.

Đúng như Cardosa nói “Ai cũng muốn cảm giác lái một con xe đua, nhưng điều quan trọng nhất là bạn phải lái được nó.”

The post Siêu xe – nên mua hay không? appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *