Phong trào đeo khẩu trang cho tượng chạy bộ

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, nước Mỹ hiện đang là ổ dịch lớn nhất thế giới với 4,7 triệu người nhiễm bệnh và 157.000 người tử vong, các runner Mỹ quyết định truyền thông điệp “Bảo vệ bản thân và xã hội” một cách đầy sáng tạo và không giống ai.

Đó là một buổi sáng đẹp trời tháng 4 năm 2020, Amby Burfoot, cựu tổng biên tập tạp chí Runner’s World và là nhà vô địch Boston Marathon năm 1968, cùng vợ Cristina và người bạn Gary đang chạy dọc bờ sông Mystic gần nơi ông ở như thường lệ. Lúc này, Covid-19 bắt đầu càn quét tới nước Mỹ, sau nhiều thắng chính phủ ngó lơ mối nguy hiểm của chủng virus này. Gary bất chợt nói bâng quơ: “Sao không đeo khẩu trang lên tượng của John J. Kelley nhỉ?” (John Kelley là nhà vô địch Boston Marathon năm 1957).

Nghĩ đây là một ý hay, Burfoot và Cristina về nhà và lên kế hoạch hiện thực hóa ý tưởng này. Như bao bà vợ runner khác, Cristina đã giành cả chục năm ủng hộ sở thích chạy bộ quái gở của ông chồng, và lần này không phải là ngoại lệ. Họ đều nghĩ rằng đây là một ý tưởng “ku-te” để truyền tải thông điệp:”Các runner quan tâm tới sức khỏe của bản thân và mọi người nên quan tâm tới sức khỏe của bản thân và cộng đồng” (bằng việc đeo khẩu trang để nếu bản thân có bị bệnh thì cũng không lây cho người khác). Nói cho cùng thì chạy bộ vẫn là hoạt động khá an toàn, được cho phép ở nhiều quốc gia trong dịch Covid-19, miễn sao đảm bảo khoảng cách an toàn với người khác trong xã hội.

Nói là làm, Cristina giúp chồng may một chiếc khẩu trang vì khuôn mặt của bức tượng đồng to hơn mặt người thật. Hai vợ chồng nhận ra một bất ngờ là các bức tượng được đúc với tỉ lệ lớn hơn người thật, vì vậy các loại khẩu trang bán trên thị trường không thể vừa với khuôn mặt. Và cũng như bao runner khác, ông chồng Burfoot ngoài khả năng chạy xuất chúng thì “chả được tích sự gì” ngoài việc cổ vũ bà vợ Cristina may khẩu trang.

mystic Kelley statue with face mask
Bức tượng đồng John J. Kelley được Amby Burfoot và vợ đeo khẩu trang

Sau khi thực hiện kế hoạch, Amby hả hê về nhà làm một giấc ngủ trưa. Nhưng rồi ông sực nhớ ra còn có nhiều bức tượng ở các khu dân cư khác và ông cũng có khá nhiều bạn bè runner ở đó. Đơn giản như vậy, tới chiều chủ nhật, các bức tượng ở nhiều thành phố như Cape Elizabeth, Hopkinton (Boston, Massachusetts – nơi diễn ra giải đấu Boston Marathon danh tiếng), công viên Central Park ở New York, Davenport và thánh đường thể thao Boulder (bang Colorado) đã được các runner đeo khẩu trang.

Ở một số nơi như công viên Central Park hay Cape Elizabeth, cảnh sát xuất hiện gần như cùng lúc các runner đang loay hoay đeo khẩu trang cho các bức tượng. Nhưng khi được giải thích nguyên nhân, các “chú công an” cũng vui vẻ giúp đỡ đeo khẩu trang cho các bức tượng luôn.

Một chuyện buồn cười khác là ở Cape Elizabeth. Anh bạn Marty Clark của Amby không thể đeo khẩu trang cho bức tượng Joan Benoit Samuelson được. Thì ra, bức tượng này không hề có tai (hay có thể tác giả bức tượng đã đúc tóc che mất tai của Joan Samuelson). Ở Davenport, bức tượng của Samuelson và Bill Rodger cầm tay nhau cũng gặp tình trạng “không tai” tương tự. Bill Rodger là cựu VĐV Olympic Marathon của Mỹ và là cựu KLTG Marathon (2:09:27) còn Joan Samuelson giành HCV Olympic Marathon năm 1984 (tổ chức tại Los Angeles).

Tại Boulder, bức tượng của Frank Shorter được đeo khẩu trang. Runner Rich Castro là người đeo khẩu trang cho bức tượng và nói:”Tôi hy vọng mọi người giúp đỡ để truyền bá thông điệp này nhiều hơn nữa. Có quá nhiều người ích kỷ, không đeo khẩu trang để bảo vệ người khác trong xã hội”.

Quay lại Việt Nam, chỉ vài ngày qua, số ca Covid-19 trong cộng đồng tăng vọt. Các runner vẫn may mắn có thể ra ngoài chạy (ít ra là trong thời điểm hiện tại). Chúng ta có thể theo các quy tắc an toàn khi tập thể thao được áp dụng trên thế giới: tập một mình hoặc nhóm nhỏ dưới 5 người, tập ở nơi vắng vẻ, tránh xa cộng đồng, cách người khác 1-2 mét. Ngoài ra, không tập nặng và rửa tay thường xuyên. Mỗi chúng ta góp một chút sức thì không bao lâu Việt Nam sẽ lại khuất phục được Covid-19. Cố lên Việt Nam!

The post Phong trào đeo khẩu trang cho tượng chạy bộ appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *