ÖTILLÖ – Hai môn phối hợp Bơi/Chạy

Nếu bạn là dân đam mê thể thao sức bền và chạy 42km là chuyện hàng tuần, ultra trail 100km cũng đi hai ba tháng một lần còn 20km quanh hồ Tây chỉ như món tráng miệng buổi sáng thì có lẽ bạn nên đổi món qua thể thao đa môn (multisport) cho nhiều khẩu vị. Điểm độc đáo của multisport này là sự chuyển đổi liên tục giữa bơi và chạy và lặp lại nhiều lần trên đường đua. Một ví dụ của multisport là Ba môn phối hợp (triathlon) đang trở nên rất thịnh hành ở Việt Nam qua các giải như Ironman 70.3 Vietnam (5 mùa thi đấu), Challenge (2 mùa thi đấu) và Trifactor (1 mùa). 

Tuy nhiên, nhiều người vẫn ngại ngần đến với triathlon vì chi phí cao, đặc biệt là chi phí mua xe có thể lên tới cả trăm triệu đồng. Nếu bạn rơi vào trường hợp này thì Boidapchay có tin vui cho bạn đây: đó là môn Bơi/Chạy cũng rất thịnh hành trên thế giới. Và môn nay cũng đã bắt đầu có mặt ở Việt Nam.

Lịch sử của môn Bơi/Chạy

So với những giải đua thể thao sức bền khác, Bơi/Chạy là 1 một môn còn khá mới và chưa được quảng bá rộng rãi lắm: cuộc đua marathon đầu tiên diễn ra vào năm 1896, cuộc thi ba môn phối hợp đầu tiên diễn ra vào năm 1974, nhung phải đến năm 2006 thì sự kiện Bơi/Chạy đầu tiên mới được tổ chức.

Lịch sử của bộ môn Bơi/Chạy bắt đầu một vài năm trước đó vào năm 2002, từ một nhóm bốn người bạn người Thụy Điển. Họ thách thức nhau chinh phục một phần của quần đảo Stockholm bằng đường biển và đường bộ, từ Utö đến Sandhamn. Họ chia thành hai cặp, và mất hơn 26 giờ để hoàn thành thử thách.

Năm 2006, Michael Lemmel, một tay đua mạo hiểm và một công ty tiếp thị thể thao đã được mời để tổ chức 1 giải đua Bơi/Chạy theo kiểu đó. Anh đã đi tìm và gặp lại được nhóm bạn Thụy Điển năm nào để nhờ họ chạy đua mô phỏng lại hình thức Bơi/Chạy trong lúc anh ngồi quan sát họ trên ca-nô. Sau buổi Bơi/Chạy thử, anh quyết định tiến hành lên kế hoạch tổ chức giải đua.

Giải đua Bơi/Chạy đầu tiên ra đời, được đặt tên là ÖTILLÖ, dịch ra là “Đảo sang Đảo” trong tiếng Thụy Điển. Được tổ chức vào tháng 9 năm 2006, giải ÖTILLÖ bao gồm chín cặp vận động viên – nhưng duy nhất chỉ có hai đội kết thúc. Sự kiện thu hút được khá nhiều sự quan tâm của truyền thông vì đây được xem là một trong những sự kiện sức bền khó nhất trên thế giới.

Từ năm 2012 trở đi, ngày càng nhiều các giải đua Bơi/Chạy được tổ chức ở Thụy Điển và các nước trên thế giới. Giới chuyên gia ước tính là hiện nay đã có khoảng 400 giải Bơi/Chạy khi phong trào thể thao đã và đang phát triển.

Các hình thức của giải Bơi/Chạy

Hình thức Bơi/Chạy ÖTILLÖ truyền thống bao gồm người chơi theo cặp, trên cự li tiêu chuẩn. Ngày nay, khi môn Bơi/Chạy trở nên phổ biến hơn, ban tổ chức của các giải đấu bắt đầu giới thiệu thêm một số hình thức khác của bộ môn này, nhằm đáp ứng nhu cầu của tất cả các vận động viên. Điểm sơ qua về các hình thức này:

Đường đua truyền thống theo cặp

Giải đấu trên đường chạy truyền thống thường sẽ chạy từ điểm này sang điểm khác, hoặc bắt đầu và kết thức cùng một vị trí nhung không lặp đi lặp lại quãng đường.  Hầu hết các giải đua Bơi/Chạy đều được tổ chức theo hình thức này. Hai vận động viên trong cùng 1 cặp sẽ phải ở sát nhau trong khoảng cách 10 mét xuyên suốt giải đấu. Để không lạc nhau, thường các cặp vận động viên sẽ cột dây vào nhau trong phần bơi.

Đường đua truyền thống cá nhân

Với hình thức này, đường đua được giữ nguyên nhưng các vận động viên sẽ tự hoàn thành đường đua chứ không theo cặp. Hình thức thi đấu này đã bắt đầu xuất hiện tại những giải đấu trước nay chỉ có hình thức thi đấu theo cặp. Vì để tìm được một cộng sự phù hợp có thể là 1 trở ngại nên việc cho phép các vận động viên thi đấu riêng lẻ giúp cho sự kiện thu hút được nhiều đăng ký hơn.

Có thể thấy, môn thể thao Bơi/Chạy này cũng đòi hỏi nền tảng thể lực và sức bền cũng như môn marathon hay triathlon. Vì vậy thực chất quá trình tập luyện và chuẩn bị, dinh dưỡng cũng không khác nhiều lắm so với các môn này. Tuy nhiên môn thể thao này có vài đặc thù trong luyện tập và thi đấu mà chúng ta cần lưu ý:

Tập bơi ở không gian mở: biển, sông (open water)

Bơi hết vòng này đến vòng kia ở hồ bơi dĩ nhiên là cần thiết tuy nhiên có thể sẽ hiệu quả hơn và trải nghiệm cũng sẽ hoàn toàn khác nếu bạn bơi cùng quãng đường đó ở ngoài biển hay sông, hồ. Trải nghiệm bơi open-water (bơi ở không gian mở: biển, sông) sẽ giúp ta dần vượt qua những nỗi sợ thường thấy như: không nhìn thấy đáy, không biết có con gì trong nước, không nhìn thấy đường bơi do sóng lớn, hoặc đơn giản chỉ là hoảng hốt vì không bám vào được cái gì.

Thêm vào đó, điểm độc đáo của bộ môn Bơi/Chạy là việc phải chuyển đổi liên tục giữa hai bộ môn bơi và chạy, khiến cho ta có khả năng bị chuột rút cao hơn trong nước đối với những người không luyện tập đủ. Điều này dẫn tới thành tích kém, hoặc tệ hơn nữa là hoảng hốt hoặc chuột rút dưới nước, ảnh hưởng đến sự an toàn của vận động viên.

Nếu bạn quyết định đăng ký một giải đấu Bơi/Chạy, bạn phải đảm bảo rằng mình đã rất thoải mái khi bơi ở không gian mở. Tập luyện thật nhiều ngoài biển, ngoài sông. Luôn luôn có những biện pháp phòng ngừa về an toàn như: bơi cùng với nhóm chứ không bơi 1 mình, dùng phao dành cho bơi biển, thông báo cho mọi người biết dự định bơi bao lâu của mình, bám theo bờ càng gần càng tốt.

Tập luyện Sighting (nhìn khi bơi)

Khác với những giải thi đấu ba môn phối hợp với những phao lớn để quan sát, những giải Bơi/Chạy thường chỉ có 1 cây cờ nhỏ ở phía xa hoặc bạn sẽ phải đặt điểm đến là ở bờ biển đằng xa. Khi tập luyện bơi ở không gian mở, bạn phải tập cách quan sát những vật thể / mục tiêu không di động (nhà, núi, cờ, v.v.) và bơi một đường thật thẳng đến nó.

Động tác sighting trong bơi biển

Giả lập thi đấu trong luyện tập

Rất nhiều các vận động viên ba môn phối hợp đã quá quen với việc chuyển từ 1 môn này sang 1 môn khác, nhung Bơi/Chạy lại là một kiểu hoàn toàn khác vì sau khi đã chuyển từ bơi sang chạy, chẳng mấy chốc bạn lại phải quay lại bơi, rồi chạy. Do đó, bạn sẽ phải có rất nhiều buổi giả lập thi đấu trong kế hoạch tập luyện của mình để làm quen và không bị bỡ ngỡ trong ngày thi đấu. Thực ra việc giả lập này cũng không quá khó: bạn chỉ cần bỏ ra một tới ha buổi mỗi tháng thự hiện bài tập bơi/chạy như bơi 1.000m ở trong hồ bơi, lên chạy 5km rồi lại xuống bơi 500m.

Tìm kiếm đồng đội phù hợp

Nếu bạn dự định sẽ đăng ký giải đấu Bơi/Chạy theo cặp, nên nhớ là bạn sẽ phải tìm kiếm đồng đội với cùng một nền tảng thế lực giống bạn. Bởi vì bạn sẽ phải bơi và chạy cùng nhau suốt quãng đường đua, nếu phải cặp với ai đó nhanh hơn hoặc chậm hơn bạn rất nhiều thì điều đó thật kinh khủng. Hãy bắt cặp với ai đó chạy cùng tốc độ với bạn và bơi gần với tốc độ của bạn để có thể tận hưởng giải đua một cách tốt nhất. Hơn thế nữa, bạn phải đảm bảo rằng họ có thể giữ tinh thần sảng khoái tích cực dù có bị áp lực, vì sự kiện Bơi/Chạy thường là những sự kiện dài và mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Một người đồng đội có tinh thần vui vẻ sẽ giúp cả hai vượt qua những trở ngại trên đường đua.

Dụng cụ cần thiết

Bộ môn Bơi/Chạy đòi hỏi bạn phải giữ nguyên trang phục, dụng cụ xuyên suốt cả giải đấu. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ phải bơi khi đang mang giày chạy bộ và chạy khi đang mặc đồ bơi.

Nên nhớ rằng, dụng cụ cần thiết cũng còn tùy thuộc vào quang đường thi đấu và nhiệt độ nước. Ví dụ: nếu bạn là người mới làm quen với bộ môn này và dự định hoàn thành một cuộc thi có quang đường khá ngắn, thì có thể bạn sẽ không cần chuẩn bị dụng cụ gì đặc biệt. Bạn có thể bơi trong bộ đồ thi đấu 3 môn phối hợp (gọi là tri-suit) hoặc quần chạy bộ và áo bơi 1 mảnh, kèm theo một đôi giày chạy nhẹ.

với những quãng đường thi đấu dài hơn, bạn sẽ cần phải chuẩn bị thêm 1 số dụng cụ khác. Vì môn thể thao này đã bắt đầu trở nên thịnh hành hơn, chúng ta nhận thấy có khá nhiều dụng cụ chuyên dụng được dành riêng cho giải đấu Bơi/Chạy. Sau đây là 1 số món thường thấy:

Kính bơi

Ai cũng sẽ phải có kiếng bơi, bất kể cự li thi đấu, đường đua hay nền tảng thể lực như thế nào. Bạn phải đảm bảo là kiếng bơi vừa với khuôn mặt mình và không bị mờ khi gặp hơi nước. Nếu bạn đăng ký 1 giải đấu có quang đường dài thì có khi bạn cũng nên chuẩn bị dư 1 cặp kiếng (tốt nhất là cặp kiếng phòng theo phải vừa cho cả đồng đội của bạn). Loại kính chống lóa (gọi là polarized) khá thích hợp ở phần lớn điều kiện thời tiết, giúp bạn tránh bị lóa bởi trời nắng, khi bạn phải ngẩng cổ lên thở hướng mặt trời.

Loại kính bơi polarized

Bộ đồ bơi cho nhiệt độ lạnh (wetsuit)

Ở những giải đầu mà vận động viên sẽ phải bơi qua điều kiện nước hơi động với nhiều sóng hoặc nhiệt độ thấp, bộ đồ bơi dành riêng cho nhiệt độ lạnh (wetsuit) sẽ giúp cho vận động viên nổi hơn và giữ nhiệt tốt hơn. Tại một số giải đấu, dụng cụ này là dụng cụ bắt buộc khi tham dự. Ngoài ra, một lợi ích to lớn nữa của wetsuit đó là giúp các VĐV nổi hơn, qua đó cần ít sức chân hơn để bơi (đập chân giúp chúng ta nổi mông), và nhờ đó giữ chân cho phần chạy.

Tuy vậy, phải chạy bộ trong bộ đồ wetsuit toàn thân (như những bộ thường thấy trong bộ môn 3 môn phối hợp) là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi. Vì thế, nhiều vận động viên đã tự sáng chế ra bộ đồ Bơi/Chạy dã chiến bằng cách tái sử dụng lại những bộ wetsuit toàn thân đã cũ và cắt hết tay và chân.  Có lẽ vì thế mà chúng ta đã bắt gặp trên thị trường những bộ đồ wetsuit được thiết kế riêng cho bộ môn Bơi/Chạy. Nếu bạn nghiêm túc về môn thể thao này, bạn có thể đầu tư cho mình 1 bộ như thế, thường được làm theo kiểu ngắn tới gối, giúp cho bạn có thể chạy một cách thoải mái hơn.

Những bộ wetsuit này thường có lựa chọn dài tay hoặc ngắn tay, tùy theo sở thích của bạn và nhiệt độ nước. Đối với loại dài tay, bạn còn có thể tháo phần tay ra hoặc có kéo khóa ngay trước ngực giúp bạn không bị nóng quá khi chạy.

Wetsuit đặc biệt ngắn tay và ngắn chân giúp cử động dễ dàng

Giày chạy bộ

Vì bạn sẽ phải vừa bơi vừa chạy trong đôi giày này, nên chúng phải có khả năng thoát nước nhanh và nhẹ. Nếu không bạn sẽ phải chạy với hai cục gạch ướt nhẹp dưới chân. Điều cuối cùng bạn muốn là cảm thấy như bạn đang chạy với những viên gạch sũng nước trên đôi chân của bạn. Những kiểu giày có đế lưới hoặc được thiết kế đặc biệt cho việc chuyển đổi từ điều kiện nước sang điều kiện đường bộ là lý tưởng nhất.

Vì bạn sẽ phải tìm kiếm một đôi giày thoát nước tốt, lại có thể được sử dụng ở các đường địa hình, nên có lẽ những đôi giày chạy bộ địa hình với đế bám là lựa chọn tốt nhất. Điều này sẽ giúp cho bạn không bị té khi chạm chân lên những tảng đá lúc ra khỏi nước hoặc bám chắc hơn khi chạy trên những khung đường địa hình.

Giày chạy thoáng mát khô nhanh và có thể chạy địa hình

Phao

Có hai loại phao bạn có thể sử dụng cho những sự kiện như thế này: phao bơi số 8 (pull buoy) và phao an toàn (tow buoy).

Phao bơi số 8 là một miếng mút có hình số 8. Trong suốt quãng đường bơi, vận động viên sẽ đặt phao này vào giữa hai chân giúp cho phần thân sau nổi hơn trong nước. Vì các cuộc thi cho phép mang theo phao (mục đích chính là đảm bảo an toàn), nên các VĐV thường sử dụng dụng cụ này để giảm bớt gánh nặng cho chân. Vì vậy chiến thuật phổ biến là bơi dùng tay và chạy dùng chân (khi bơi tránh dùng chân nhất có thể).

Phao số 8 buộc dây tự chế

Trong bộ môn Bơi/Chạy, phao bơi số 8 sẽ được dính vào chân nhờ vào một sợi dây thun. Bạn có thể tự làm bằng cách biến tấu với một chiếc phao bơi số 8 có sẵn hoặc là mua loại phao bơi số 8 đã có sẵn dây. Khi bơi xong, bạn chỉ việc đẩy cái phao ra phía bên ngoài của chân và chạy bình thường. Khi phải vào nước trở lại, bạn lại xoay cái phao vào giữa hai chân để bơi.

Phao bơi an toàn (hay còn gọi là phao an toàn) là loại phao có màu sắc rực rỡ được cột vào eo của vận động viên. Khi bơi, phao sẽ thả trôi theo người khoảng vài chục centimet và được níu giữ lại cạnh eo nhờ 1 sợi dây có sẵn.  Bạn có thể sử dụng phao bơi an toàn cho nhiều mục đích. Ở một số giải, việc đem theo phao bơi an toàn là bắt buộc vì lí do an toàn của vận động viên. Loại phao này có màu sắc sặc sỡ giúp cho người cứu hộ tìm thấy vận động viên 1 cách nhanh nhất. Nhiều loại phao còn có tác dụng như 1 cái túi chống thấm nước để trữ đồ ăn khô, dinh dưỡng cho vận động viên.

Phao an toàn

Bàn quạt tay

Để có thể bơi 1 cách hiệu quả hơn, những vận động viên Bơi/Chạy cũng có thể dùng bàn quạt. Các VĐV môn Bơi/Chạy cần phải giảm sử dụng chân tối đa có thể để giữ cho phần chạy. Vì vậy, giống phao bơi số 8, bàn quạt giúp cho vận động viên bơi nhanh hơn mà không cần dùng quá nhiều lực đẩy ở chân. Cặp bàn quạt này thường không quá đắt nhưng hiệu quả đem lại để tiết kiệm sức thì vô cùng to lớn. Sau khi bơi xong, bạn cũng có thể giữ trên mu bàn tay hoặc tháo ra và nhét vào bộ đồ trên người.

Lưu ý rằng những loại bàn quạt lớn có vẻ như là lựa chọn tốt nhất vì chúng giúp ôm nước tốt hơn và bơi nhanh hơn, nhưng chúng cũng có thể làm bạn mệt hơn rất nhiều nhất là ở phần lưng và vai. Hãy chọn loại bàn quạt có kích cỡ phù hợp với bạn nhất và phải luyện tập với chúng trước khi thi đấu.

Bàn quạt

Dây buộc

Nếu bạn tham dự một cuộc đua đòi hỏi phải có đồng đội, bạn sẽ phải sắm thêm 1 sợi dây buộc để buộc bạn và đồng đội của mình (ít nhất là trong phần bơi; trong quá trình chạy thì một số đội cởi trói cho nhau để chạy thoải mái hơn). Vì thể lệ của cuộc đua yêu cầu bạn phải ở trong một khoảng cách nhất định với đối tác của mình, việc cột nhau lại trong phần bơi giúp bạn đảm đảo được cự li nhất định. Chưa kể là khi bắt đầu cuộc đua và tất cả nhảy ùm xuống nước, sẽ khó mà nhận dạng ra đồng đội của mình khi ở dưới nước và ai cũng đội nón bơi giống nhau.

Ngoài ra, việc được buộc lại với nhau trong khi bơi giúp cho người bơi nhanh hơn kéo đồng đội của mình một chút, và đồng đội đó biết cách draft (núp sóng của người trước), họ có thể tiết kiệm được năng lượng rất nhiều và bơi nhanh hơn. Dĩ nhiên để làm được như thế đòi hỏi cặp đôi phải thực hành với nhau trước khi thi đấu rất nhiều lần.

Trên thị trường có bán một số loại dây chuyên dụng. Tuy nhiên nếu bạn lần đầu tham gia với mục đích trải nghiệm vui vẻ thì cũng không cần cầu toàn việc này. Tôi biết ở Việt Nam năm ngoái có những nhóm buộc nhau với…dây dù, vừa đảm bảo nhẹ lại chắc.

Lời kết
Bơi/Chạy mang đậm tính thể thao hoang dã và có phần kì quái của người Bắc Âu (những người đã sáng tạo ra nhiều môn thể thao kỳ lạ khác như Norseman Xtreme Triathlon hay biathlon – trượt tuyết/bắn súng). Vì vậy, chắc chắn môn thể thao này sẽ mang lại cho bạn nhiều trải nghiệm mới mẻ. Các VĐV triathlon hay bơi lội chuyên nghiệp cũng thường xuyên tham gia các giải Bơi/Chạy trong kỳ nghỉ offseason giữa các mùa đấu như một cách xả stress và giữ thể lực. Đặc biệt, đây là một trong những môn thể thao sức bền hiếm hoi mà bạn có thể tham gia cùng một đồng đội. Vậy thì còn chờ gì nữa mà không chọn một giải đấu và về đích một cách thật hoành tráng!

Bài viết có tham khảo và biên tập từ Verywellfit

The post ÖTILLÖ – Hai môn phối hợp Bơi/Chạy appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *