Nike Vaporfly 4% Flyknit: đánh giá và trải nghiệm

Nike Vaporfly 4% Flyknit: đánh giá và trải nghiệm

Không có gì phải bàn cãi khi nói rằng Nike Vaporfly 4% đang là đôi giày hot nhất thị trường hiện nay. Bằng chứng là hàng luôn khan hiếm và bán sạch như tôm tươi ngay trong các đợt mở bán còn giới runner điên cuồng lùng mua Vaporfly như iFan mua iPhone. Giá bán lẻ của một đôi Vaporfly là 250 USD, tương đương khoảng gần 6 triệu VND. Nhưng phần lớn giày đến tay runner Việt giá cũng vào khoảng 8-10 triệu đồng, như lời chị Chi Nguyễn đã thốt lên “Đây là 8 triệu đáng tiền nhất mà chị từng đầu tư”. Vậy Vaporfly 4% thật sự hiệu quả tới đâu? Các coach của BoiDapChay đã may mắn mua được một đôi Vaporfly từ Mỹ để thử nghiệm và đánh giá cho các bạn. Bài viết này cũng có sự đánh giá từ những VĐV thể thao hàng đầu, từ elite như Cao Hà, Hùng Hải, Chi Nguyễn tới những người có nền tảng thể lực nhưng mới bắt đầu tập chạy như HLV Phạm Thúy Vi. Hy vọng bài viết sẽ mang tới cái nhìn tổng thể nhất cho các bạn.


Nike Vapofly 4% lần đầu tiên được nhắc tới trong Dự Án Breaking2 của Nike. Đôi giày Nike Vaporfly Elite là một mảnh ghép đặc biệt quan trọng cho Eliud Kipchoge, Zersenay Tadese, Lelisa Desisa và các pacer để phá vỡ bức tường 2h trên quãng đường 42km. Trên cung đường đua xe công thức 1 Formula One Autodromo Nazionale Monza tại Italy hôm đó, huyền thoại Eliud Kipchoge đã làm nên lịch sử với mốc thời gian 2:00:25. Đó là buổi sáng ngày 6/5/2017. Hơn một năm sau, vào ngày 4/10/2018, với một vài cải tiến nhỏ, mẫu Nike Zoom Vaporfly 4% Flyknit (tbản thương mại của Vaporfly Elite) đã chính thức có mặt trên kệ hàng phục vụ các tín đồ môn chạy bộ.

Chi Nguyễn với đôi Vaporfly đã lập PB và về nhì ở giải Techcombank HCMC International Marathon 2018

Các thông số kỹ thuật

  • Thiết kế: Flyknit
  • Cân nặng: 372gr (size US 8.5)/ 406gr (size US 9.5)
  • Drop 10mm
  • Cushioning: ZoomX và miếng lót bằng sợi carbon
  • Sử dụng: giày thi đấu (5K – Marathon)
  • Giá bán lẻ chính hãng: 250 USD (thêm 25 USD thuế, chưa kể ship). Giá eBay: vô cùng. Giá hàng giả Việt Nam: 3-4 triệu VND

Đệm giày (Cushioning)

Đệm giày của Vaporfly thực ra không quá dày, thậm chí còn hơi mỏng hơn Hoka Clifton nếu đặt cạnh nhau để so sánh. Tuy nhiên, cảm giác thực tế khi đi Vaporfly lại khác hoàn toàn. Như Cao Hà đánh giá “đôi Vaporfly tiếp đất nhẹ nhàng, nhấc lên dễ dàng, thanh thoát không vướng víu”. Điều đầu tiên bạn có thể cảm nhận khi vừa xỏ đôi Vaporfly vào là cảm giác nảy trên mỗi bước chân, giống như giày có gắn lò-xo vậy. Cảm giác này cũng khá giống khi chúng tôi xỏ chân vào đôi Asics Hyperspeed. Chỉ có điều Hyperspeed là dòng minimalist và có rất ít support vì vậy cảm giác nảy chỉ đến ở vài phút đầu. Đối với Vaporfly, bạn có thể chạy được lâu hơn với cảm giác support tốt. Điều này giúp ích rất nhiều cho các VĐV chạy đường dài. Tuy nhiên, mới đi thì có lẽ sẽ chưa quen, mất thăng bằng và cần một chút thời gian để làm quen, theo như lời Hùng Hải: “Khi đi vào chân ban đầu cảm nhận thấy lênh khênh. Khác với dòng giày race minimalist có đế thấp, Vaporfly lại cao hơn với độ cao tính từ đất tới phần mũi giày và gót giầy là 20mm-30mm”. 

Drop (độ cao từ gót tới mũi)


Vì sao độ cao từ gót tới mũi giày lại quan trọng? Những người theo trường phái minimalist giải thích nếu drop quá cao sẽ dẫn tới đầu gối bị chịu lực quá nhiều và gây ra chấn thương. Vì vậy những người theo trường phái minimalist dùng giày với độ drop rất thấp hoặc gần như bằng 0 (cá biệt có trường phái huaraches là đôi dép mỏng buộc vào chân mà người Tarahumara dùng để chạy). Gần đây có nhiều nghiên cứu cho thấy không có mối liên hệ cụ thể nào giữa độ drop và việc chấn thương. Cũng như có ý kiến nói rằng bạn cứ việc đi những đôi giày nào bạn cảm thấy thoải mái.

Đối với Vaporfly, Nike có vẻ không màng tới cuộc tranh luận drop cao/drop thấp, minimalist/maximalist. Vaporfly được thiết kế với 10mm drop (nghĩa là độ cao chênh lệch giữa mũi giày và gót giày là 10mm). Cao hơn nhiều so với một số loại giày race, nhiều đệm khác (ví dụ như Hoka – hình trên). Tuy nhiên có vẻ những người dùng Vaporfly không bị chấn thương với thiết kế này, mà ngược lại còn giúp người bị chấn thương chạy tốt hơn. Theo lời HLV Phạm Thúy Vi: “Chị bị chấn thương shin splint nhưng chạy với Vaporfly support rất tốt, không thấy đau đớn”. Đối với Hùng Hải thì anh cho hay thường bị đau ở calf sau khi hoàn thành 42km (bắt đầu mỏi từ km thứ 30) nhưng cảm giác này đã biết mất với Vaporfly – calf, gối hoàn toàn bình thường không có dấu hiệu quá tải.

Thiết kế đế giày

Thiết kế ZoomX và đĩa đệm sợi carbon

Đế giày được thiết kết với một lớp đệm ZoomX, và đặc biệt có một tấm đĩa đệm bằng sợi carbon (xem hình). Vì cấu tạo như vậy nên giày Vaporfly thực ra rất cứng. Bạn sẽ khó có thể bẻ cong nó như những đôi giày khác. Và khi bỏ tay ra, đôi giày sẽ quay về hính dáng ban đầu ngay tức khắc. Thiết kế như vậy giúp bạn có cảm giác như có lò-xo như đã nói ở trên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn sẽ phải đi một đôi giày cứng, đau chân mà hoàn toàn ngược lại. Chúng tôi sẽ nói kỹ về ZoomX và tấm sợi carbon này trong phần dưới.

Thiết kế thân giày

Thiết kế Flyknit nguyên khối

Vaporfly được lên kệ với một mẫu duy nhất màu đỏ cam nổi bật, đảm bảo bạn sẽ lọt vào mắt nhiếp ảnh gia của race và lên hình finish xinh tươi. Vaporfly sử dụng thiết kế Flyknit nguyên khối, loại bỏ lưỡi gà và thay vào đó là các miếng lót ở trong. Thực ra thiết kế này khá hợp lý để tránh trầy xước (so với có lưỡi gà), đặc biệt cho những ai thi đấu triathlon và chạy không muốn mang tất (vớ) như coach Cao Hà của BoiDapChay.

Kiểu dáng và size giày

Thiết kế mi-nhon so với các giày khác

Cảm giác khi xỏ chân vào Vaporfly là hơi bó ở cạnh chân. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên khi nhìn kiểu dáng thiết kế có phần thon gọn hơn các dòng giày khác (xem hình).

Tác giả bài viết đi size 8.5 US (42 EUR), cùng size với đôi Saucony Kinvara 8 và Hoka Clifton 2 nhưng cảm thấy cạnh giày Vaporfly bó hơn Kinvara nhiều. Khi đi thử size 9 cho Vaporfly và nhấc gót chân lên thì giày hơi tụt xuống, nghĩa là hơi rộng. Còn size 8 thì không xỏ chân vào nổi. Vì vậy các bạn cũng nên đến cửa hàng thử size của giày trước khi đặt mua qua mạng để đảm bảo đúng size. Mặc dù hơi bó ở cạnh chân nhưng phần ngón chân vẫn khá rộng rãi, đủ để bạn cảm thấy thoải mái và không bị blister hay thâm đen móng chân.

Khối lượng


Vaporfly cân nặng chỉ 370 gram (size 8.5). Nhẹ hơn nhiều Saucony Kinvara (450 gram, size 8.5). Hoka Clifton 2 mặc dù trang bị đệm dày nhưng support không bằng mà cũng nặng hơn với 452 gram, size 8.

Các đặc điểm khác
Chúng tôi rất thích sự chi tiết, tỉ mỉ trong thiết kế vì nó là tượng trưng cho đẳng cấp của sản phẩm. Với Vaporfly, điều này được thể hiện ở miếng lót dán dính trực tiếp vào đế giày. Đây là cách Nike thiết kế để tránh tình trang lót giày bị tụt ra ngoài khi VĐV chạy với tốc độ cao. Có lẽ chỉ có VĐV elite như Kipchoge mới bị tình trạng này, tuy nhiên điều đó cũng cho thấy sự tỉ mỉ của đội ngũ thiết kế của Nike.

Tại sao Nike Vaporfly 4% lại giúp bạn chạy nhanh đến vậy

Tác giả Kyle Barnes thuộc trường đại học Grand Valley State University đăng một báo cáo khoa học chỉ ra rằng Nike Vaporfly thực sự giúp runner cải thiện hiệu quả hoạt động hơn 4.2% so với chiếc giày đỉnh cao của Adidas là Adizero Adios 3. Thực chất việc đôi Vaporfly giúp cải thiện thành tích runner không phải là điều gì quá mới mẻ. Báo New York Times đã tổng kết dữ liệu strava của hơn 500.000 kết quả marathon và bán marathon trên Strava và có cùng một kết luận như vậy

Một nghiên cứu của đại học Colorado (tài trợ bởi Nike) đã sử dụng phân tích 3D dáng chạy, sải chân và đo lực tiếp đất để đánh giá sự hiệu quả của giày Vaporfly. Họ kết luận: sự nổi trội của Vaporfly được cho là vì hai nguyên nhân.

Thứ nhất: Vaporfly được trang bị các miếng đệm siêu dày làm từ loại xốp mới mà Nike gọi là ZoomX. Loại bọt xốp này là loại siêu nhẹ, cho phép nâng gót chân lên cao 31 mm (so với mặt đất), dày hơn khoảng 50% so với các loại giày khác mà không nặng hơn. Nếu bạn bóp cong chiếc giày, nó sẽ trở lại hình dạng ban đầu của nó. Điều này có nghĩa là đôi giày như một cái lò-xo cực tốt, giúp bạn chạy mất ít năng lượng hơn.

Vị trí tấm đĩa đệm (màu xanh) sơi carbon

Thành phần mới thứ hai là một tấm làm bằng sợi carbon được uốn cong theo dáng giày và được tích hợp vào trong đôi giày, giữa các lớp xốp. Thực ra, ý tưởng này đã được Adidas áp dụng trong những năm 2000 cho đôi giày Adidas ProPlate. Ý tưởng sử dụng tấm carbon trong đôi ProPlate được phát triển bởi giáo sư trường đại học Calgary tên là Darren Stefanyshyn. Theo Darren, khi bạn chạy, bạn mất một chút năng lượng để gập các ngón chân. Năng lượng này bị lãng phí và theo Darren, một miếng sợi carbon cứng sẽ giúp ngón chân được duỗi thẳng, tránh lãng phí năng lượng. Theo Darren, tấm carbon này có thể cải thiện hiệu suất vận động lên tới 1%. 15 năm sau, học sinh của Darren là Geng Luo cùng các cộng sự ở Nike đã phát triển tấm carbon trong đôi Vaporfly lên một tầm cao mới. Theo Geng, việc bắt các ngón chân duỗi thẳng làm ảnh hưởng tới khớp cổ chân, làm phần này hoạt động nhiều hơn, gây ra lãng phí sức. Geng và các cộng sự đã thiết kế miếng carbon được uốn cong ở phần mũi chân, giúp cho các ngón chân được duỗi thẳng hơn mà không ảnh hưởng tới khớp cổ chân (xem thêm vai trò của khớp cổ chân trong chạy bộ trong bài Chạy nhanh và hiệu quả hơn với các bài tập khớp cổ chân)

Câu hỏi tiếp theo là giữa xốp ZoomX và tấm đĩa đệm carbon, cái nào giúp bạn cải thiện thành tích nhiều hơn? Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu trường đại học Colorado đã làm thí nhiệm trên 10 VĐV. Các VĐV này bị bắt chạy 5 phút hết sức với 3 đôi giày khác nhau: Vaporfly, Nike Zoom Streak 6 và Adidas Adios Boost 2 (nên nhớ là đôi Zoom Streak 6 và Adios Boost 2 được coi là hai loại giày đỉnh cao để chạy đua, cho đến khi Vaporfly xuất hiện). Các runner cũng được dán 44 miếng cảm ứng trên cơ thể và trên giày để các nhà nghiên cứu theo dõi và phân tích chuyển động, tính toán góc tiếp đất, lực tác động lên chân v.v… Kết quả cho thấy tấm carbon chỉ giúp tiết kiệm 0.007 watts/kg. Trong khi đó ZoomX tiết kiệm tới 0.318 W/kg, hơn gấp đôi so với hai đôi giày còn lại và hơn gấp 45 lần so với tấm carbon. Vì vậy có thẻ kết luận: Vaporfly có tác dụng giống như một chiếc lò-xo, giúp tiết kiệm năng lượng cho VĐV nhưng phần lớn là nhờ miếng ZoomX. Hay như Hùng Hải cảm nhận:”Form chạy của mỗi người khác nhau và khó có thể đánh giá ai chạy chuẩn hay ko chuẩn , quan trọng là chạy đc nhanh và không gặp khó khăn hay những vấn đề gặp phải khi race. Khi dùng Vaporfly tôi thấy có độ nảy giúp cải thiện chiều dài sải chân rõ rệt , từ đó tốc độ được cải thiện. Thời gian tiếp đất cũng có sự thay đổi rõ ràng từ đó tổng thời gian đc thay đổi tích cực hơn”.

Kết
Có lẽ việc Vaporfly giúp bạn chạy nhanh hơn là điều ít cần bàn cãi, dù đó có thực sự là do tiến bộ khoa học trong thiết kế sản phẩm, hay là do bạn đã bỏ ra 250$ tiền tiết kiệm và tự thúc bản thân phải chạy nhanh hơn để tương xứng số tiền đã bỏ ra. Tuy nhiên, có một điều nên nhớ: Vaporfly là giày thi đấu, vì vậy các bạn chỉ nên sử dụng nó trong thi đấu (và cùng lắm là các buổi làm quen giày). Như Cao Hà mượn lời runner/bác sĩ Đinh Linh thì: “Các bạn nghiêm túc nhất thì không bao giờ đi giày đến race cả, bắt đầu chuẩn bị race họ mới thay giày”.

Thương lái đã giúp cả chục người Việt được mang đôi Vaporfly huyền thoại

2 huyền thoại

Vaporfly tại Techcombank HCMC Marathon 2018

Vaporfly tại Techcombank HCMC Marathon 2018

Vaporfly tại Techcombank HCMC Marathon 2018

Vaporfly tại Techcombank HCMC Marathon 2018

Nike Vaporfly 4% Flyknit

Nike Vaporfly 4% Flyknit

[td_smart_list_end]

The post Nike Vaporfly 4% Flyknit: đánh giá và trải nghiệm appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *