“Nghĩ gì khi chạy?” – chia sẻ của Molly Huddle, nữ kỷ lục gia người Mỹ

“Nghĩ gì khi chạy?” – chia sẻ của Molly Huddle, nữ kỷ lục gia người Mỹ

Tiếp nối bài viết Kinh nghiệm khi chạy Marathon, BoiDapChay xin chia sẻ thêm kinh nghiệm thi đấu của VĐV Molly Huddle đăng trên Runner’s World. Molly Huddle là VĐV Olympic người Mỹ giữ kỷ lục cự ly 10.000m và Half Marathon. Cô giữ vị trí thứ 4 tại New York City Marathon với thời gian 2:26:44

“Bạn nghĩ gì trong khi đang chạy đua?”
Rất nhiều người đã hỏi tôi câu hỏi này. Có người còn nghĩ những VĐV chuyên nghiệp nghĩ vẩn vơ hàng tiếng đồng hồ trên suốt chặng đường chạy dài (hay vòng đua lặp lại trên sân vận động). Nếu đó là những buổi chạy nhẹ, suy nghĩ tới việc này việc kia là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng khi đua, mục tiêu cuối cùng là điều duy nhất bạn (nên) nghĩ đến.

Chạy đua không khác mấy những thử thách khác trong cuộc sống khi bạn muốn đạt kết quả tối đa. Ví dụ như khi bạn làm bài thi SATs, phá kỷ lục trò chơi video, hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật nào đó. Tất cả đều đòi hỏi sự cố gắng và tập trung cao độ vào công việc đang làm. Chạy đua – như việc giữ thăng bằng trên bờ vực: bạn phải chạy gần ngưỡng lactic lâu nhất có thể (ngưỡng cơ thể vẫn có khả năng loại bỏ lactate), nhưng không được quá giới hạn nếu không muốn gục ngã.

Đứng vững trên bờ vực đó đòi hỏi một sức mạnh tinh thần lớn, hàng tiếng đồng hồ vừa tập trung giữ pace vừa đấu tranh với sự mệt mỏi tăng dần cùng với ý nghĩ muốn từ bỏ.

Phải mất vài năm đầu trong sự nghiệp chạy chuyên nghiệp tôi mới đúc kết được những kinh nghiệm quý báu này. Từ những trao đổi với những chuyên gia thể thao hàng đầu như Roisin Mcgettigan, HLV cá nhân Ray Treacy, hay tự theo dõi học hỏi từ những VĐV đỉnh cao như Amy Rudolph-VĐV Olympic và Kim Smith. Một vài kinh nghiệm khác tôi rút ra từ sách như: Endure của Alex Hutchinson; The Subtle Art of Not Giving a F— (Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc “Đếch” Quan Tâm), của Mark Manson; Let Your Mind Run (Chạy Bằng Ý Chí), của Deena Kastor; và Top Dog (Tạm dịch: Những Kẻ Đứng Đầu) của Po Bronson và Ashley Merryman.

Sau đây là những phương pháp chính bản thân tôi áp dụng và thấy rất hiệu quả, phù hợp với cả những người chạy phong trào cũng như VĐV chuyên nghiệp.

Chia nhỏ quãng đường
Với đa số cuộc thi tôi tham gia, tôi chia quãng đường dài thành những cự ly “vừa phải” hơn (tính theo vòng nếu chạy trong sân vận động và theo dặm/km nếu chạy đường road). Nghe có vẻ đơn giản nhưng suy nghĩ đó giúp tôi tập trung vào từng khoảnh khắc của hiện tại, giúp ý chí kết nối với cơ thể trong từng bước chạy để vượt qua chính giới hạn của bản thân, gạt qua mọi sự khó chịu khác.

Molly trong nửa cuối cuộc thi

Chiến thuật này đặc biệt hữu ích với tôi khi tôi đang dẫn đầu, như cuộc đua dành suất tham dự thế vận hội Olympic 2016 cư ly 10.000m. Tôi thấy vô cùng mệt mỏi, đồng hộ nhiệt kế lên đến 85 độ F (tương đương 30 độ C) lúc mới 9-10h sáng tháng 6 tại Eugene, Oregon. Tôi lúc đó vô cùng lo lắng, nghĩ rằng các VĐV phía sau đang giữ sức cho những vòng đua tới. Hàng trăm cổ động viên như đang chờ đợi 1 màn vượt ngoạn mục nào đó, thất bại hay giữ vững vị trí đứng đầu, đều là ở tôi. Tôi tập trung hoàn thành tốt từng vòng đua một, rồi mới nghĩ đến vòng tiếp theo, có lẽ điều đó đã làm các VĐV khác đuối sức so với tôi.

Phương pháp này cũng rất hiệu quả trước cuộc thi marathon đầu tiên của tôi, chỉ nghĩ đến quãng đường 42km tôi đã thấy quá sức rồi. Thời gian xuất phát được chia theo nhóm. Tôi trong nhóm VĐV nữ chuyên nghiệp. Sau 11 dặm đầu, tôi đang giữ vị trí thứ 3 toàn cuộc 2016 New York City Marathon. Tôi chia 15 dặm cuối thành 15 lần 1 dặm; tôi không nghĩ đến dặm tiếp theo cho đến khi hoàn thành dặm đang chạy. Chính nhờ suy nghĩ vậy, tôi đã giữ vững vị trí thứ 3 cho đến vạch đích.

Các bạn có thể đọc thêm về dự kiến mục tiêu trong thi đấu và làm sao để đạt được nó trong bài Mục tiêu Marathon của tác giả Bruce Vũ.

Khám Phá Khoảng Tĩnh
Tôi chỉ tập trung vào 1 việc tại đúng 1 thời điểm: hoàn thành dặm đua này, bắt kịp VĐV nào đó hay tiếp nước. Tôi không hề nghĩ tới vạch đích, thành tích hay sức hút của cuộc thi. Cho dù một cuộc đua có quan trọng thế nào với bản thân bạn, hãy tự nhắc bản thân rằng đó cũng chỉ là 1 cuộc đua mà thôi.

Hãy kiểm soát cảm xúc, xem cơ thể bạn phản ứng như thế nào. Một tâm trí tĩnh là điều rất quan trọng khi đua. Cảm giác sẽ như khi bạn thiền vậy, nếu bỏ qua cảm giác đau đớn vào nguồn adrenaline đang chảy trong cơ thể.

Không phải lúc nào cũng chiến thắng

Những bộ phim như Miracle and Hoosiers khiến người xem nghĩ rằng VĐV lấy động lực bằng việc hướng đến huy chương hay người thân ở vạch đích trong suốt quá trình chạy. Nhưng không, họ đang hướng tới một khoảng lặng trong quá trình đua, nhằm loại bỏ mọi thứ xung quanh mà bất kỳ VĐV nào cũng muốn hướng tới.

Cảm xúc có thể là một động lực trong quá trình tập luyện hay đặt mục tiêu, nhưng chính cảm xúc lại không giúp ích mấy trong việc thực thi kế hoạch đó. Vậy nên tôi thường giữ tinh thần thoải mái khi đua. Tôi thường nghĩ tới câu nói này của HLV đấm bốc Cus D’Amato: “Emotions are like fire…they can cook your food and keep you warm, or they can burn your house down” (tạm dịch “Cảm xúc như lửa…có thể nấu chín thức ăn và giữ ấm căn nhà bạn, cũng có thể làm cháy cả căn nhà”).

Tôi biết tôi quá tập trung đến nỗi sau cuộc đua, có người hỏi tôi là có thấy anh ta hét vào mặt tôi không, và tôi thực sự là tôi không chú ý gì cả vì tâm trí tôi dồn hết vào từng bước chạy.

Theo kinh nghiệm của bản thân, tôi thường đạt kết quả kém và tâm lý càng lo lắng khi cứ nghĩ trước về vạch đích. Tôi tốn sức cố chạy để giữ một vị trí nhất định ngay đầu cuộc đua hay cố đạt pace cao khi cơ thể còn chưa sẵn sàng.

Học Hỏi và Phát Huy Khả Năng Trong Từng Tình Huống
Bạn có thể thấy ái ngại khi chạy cùng những VĐV tốt hơn mình. Bạn biết bạn chạy khá, nhưng việc bị bỏ lại phía sau là một điều có thể xảy ra. Tôi coi mỗi cuộc đua là một cơ hội khám phá giới hạn bản thân. Nếu không có những VĐV chạy phía trước kéo tôi lên hay những VĐV phía sau tạo động lực, tôi sẽ không bao giờ hiểu được ranh giới của mình

Có những tôi coi cuộc thi là một cơ hội để giúp đỡ lẫn nhau phát huy hết khả năng, thay vì là một cuộc chiến thử hạng. Cả hai trường hợp đều đúng: trường hợp đầu khá thú vị còn trường hợp sau khá đáng sợ. Dù thế nào, mỗi cuộc chạy đua là cơ hội cho tôi học những kỹ năng mới bất kể kết quả như thế nào.

Với tôi, đoạn giữa và cuối của cuộc đua là lúc tôi phải tự đấu tranh với nửa kia của mình. Khó khăn nhất là lúc đã chạy được quá nửa chặng đường. Tôi thường cảm thấy quá sức và có lúc chỉ muốn biến mất hay bỏ cuộc.

Tôi không tranh cãi với cái nửa muốn bỏ cuộc kia. Thay vào đó, tôi để nó dạo chơi loanh quanh nhưng chẳng để ý đến nó. Lúc đó, tôi tự đặt mình là HLV của mình. Tự nói với mình là giữ vững tinh thần, tập trung vào VĐV phía trước, cố gắng hết sức, thắng hay thua là ở đây.

Hãy dùng những câu thần chú đơn giản mà tích cực như “kiên trì nào”, tránh những câu “đừng bỏ cuộc”. Ngay sau đó sẽ là sự bức tốc về đích – phần mà tôi thích nhất. Mọi đau đớn và khó chịu là đây nhưng tôi trân trọng từng giây phút cuối cùng của cuộc đua, tôi dùng hết năng lượng còn lại trong mình để chạy nhanh nhất về vạch đích.

Thật tuyệt khi chạy đua nước rút về vạch đích với những VĐV khác. Tôi chọn một câu rất đơn giản và tích cực như “drive” (tạm dịch: gắng lên). Hãy chọn một cầu phù hợp với bạn, ví dụ như “knees” (tạm dịch: đầu gối) nếu bạn thấy quá khó để nhấc gối lên. Với cách này, bạn tập trung vào 1 bộ phận trên cơ thể hiện đang đuối sức, truyền năng lượng cho nó để tiếp tục cuộc đua. Càng về sau khi mệt, form chạy và hướng chạy càng dễ lệch chuẩn, tôi càng phải tập trung hơn trong giai đoạn nước rút này.

Có rất nhiều nghiên cứu về chạy bộ hữu ích và thú vị. Nhưng thật ra, tôi thấy việc đi sâu quá vào từng bài không phải là thiết yếu khi tập luyện và khi đua. Trong những cuộc đua, tôi thường nghĩ đến cảm xúc của bản thân: lo lắng, đau đớn nhưng trên hết, tôi thấy tuyệt vời trên từng bước chạy.

Ghi chú cho những ai quan tâm:

Miracle (2004): bộ phim Mỹ của đạo diễn Gavin O’Connor về đội tuyển Khúc quân cầu nam Mỹ, dẫn dắt bởi HLV Herb Brooks, dành huy chương vàng Thế vận hội Olympic mùa đông 1980. Trong trận chung kết, đội tuyển Mỹ đã dành chiến thắng trước đội tuyển Soviet được coi là “Huyền thoại trên băng”

Hoosiers: là bộ phim đầu tay của đạo diễn nổi tiếng từng đoạt giải Emmy Awards, David Anspaugh. Bộ phim về đội bóng rổ cấp 3 bang Indiana dành chức vô địch toàn quốc, dựa trên câu chuyện có thật về đội bóng rổ Milan dành chức vô địch năm 1954

The post “Nghĩ gì khi chạy?” – chia sẻ của Molly Huddle, nữ kỷ lục gia người Mỹ appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *