Ngay từ vạch xuất phát của chặng đầu tiên ở giải Tour de France 2014, Jens Voigt đã vượt lên tấn công, theo sau là hai tay đua khác. Chặng đua mới chỉ bắt đầu, còn hơn 160km nữa để tới đích… Mọi chuyện không suôn sẻ với tay đua lừng danh người Đức, năm đó đã 42 tuổi và đây là giải tour thứ 17 liên tiếp của anh. Ở ngọn đồi đầu tiên, Jens đã bị vượt lên và lỡ cơ hội lấy điểm áo chấm đỏ. HLV ngồi trong xe gọi qua điện đàm khuyên Jens chậm lại để giữ sức. Jens gào lên “Không! Không! Tôi muốn áo chấm đỏ! Phải tăng tốc ngay, không còn cách nào khác!”. Nói xong, Jens Voigt tăng tốc và cuối cùng cũng đạt áo chấm đỏ chặng 1 (dành cho tay đua leo đèo xuất sắc nhất) và cũng ẵm luôn giải “Combative Ride” (nôm na là tay đua thi đấu quyết tâm nhât) ở chặng 1. Đây chính là câu chuyện đằng sau câu nói nổi tiếng của Jens Voigt khi được hỏi anh ấy nghĩ gì trong chặng thi đấu: “Shut up, legs!” (Im đi, chân!).
Trong cuốn tự truyện “Shut up, legs” của mình, Jens Voigt cho rằng: “Trong quá khứ thi đấu của mình, tôi đã học được cách tăng mức độ chịu đau đớn của mình hơn người khác. Tôi nghĩ mức chịu đau của mình cao hơn 20-30% so với các tay đua khác. Không có cơ sở khoa học nào chứng minh, nhưng tôi tin vậy”. Và có vẻ một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các elite thường có mức chịu đau cao hơn người thường.
Một trong các nghiên cứu về cảm nhận đau đớn là nghiên cứu của Karel Gijsbers (bác sĩ tâm lý tại đại học Stirling, Scotland) được đăng trong Tạp chí hội Y Khoa Anh Quốc năm 1981. Trong nghiên cứu này, Karel Gijsbers chọn ra 30 VĐV của đội tuyển bơi quốc gia Scotland để làm thí nghiệm và so sánh kết quả với 30 VĐV bơi cấp CLB và 26 người bình thường. Thí nghiệm bao gồm việc chặn máu lưu thông tới cánh tay, và để các tình nguyện viên nắm tay và mở tay mỗi giây. “Ngưỡng chịu đau” là số lần co giãn cơ dẫn tới cảm giác đau, còn “Khả năng chịu đau” là số lần co giãn trước khi TNV chịu không nổi và kết thúc thí nghiệm. Kết quả cho thấy: ngưỡng chịu đau của phần lớn TNV là ngang nhau, nghĩa là số lần co giãn tới khi có cảm giác đau giữa VĐV chuyên nghiệp và người bình thường là ngang nhau. Tuy nhiên “khả năng chịu đau” cho thấy sự khác biệt rất lớn: VĐV chuyên nghiệp có thể co duỗi tay 132 lần trước khi chịu không nổi, con số này với VĐV cấp CLB là 89 và người bình thường là 70.
Chúng ta tự hỏi: vậy VĐV trở thành elite vì họ học cách chịu đau đớn, hay do họ sinh ra đã có khả năng này và trở thành elite. Nghiên cứu của Karel Gijsbers có vẻ cho thấy là VĐV elite học cách chịu đau. Karel lặp lại thí nghiệm của mình với các VĐV bơi của đội tuyển quốc gia và nhận thấy khả năng chịu đau của họ đạt mức cao nhất vào tháng 6 (giai đoạn thi đấu) và thấp nhất vào tháng 10 (giai đoạn nghỉ ngơi). Qua đó cho thấy khả năng chịu đau phụ thuộc vào bài tập.
Để chứng minh điều này, các nhà nghiên cứu đại học Oxford (Martyn Morris và Thomas O’Leary) đã thí nghiệm trên các VĐV đạp xe. Các VĐV được chia làm 2 nhóm: một nhóm tập các bài cường độ nặng/ngắn và một nhóm tập các bài cường độ nhẹ/dài. Kết quả cho thấy cả hai nhóm đều cải thiện thể lực (đo bằng chỉ số VO2Max và lactate threshold) một cách tương đồng. Tuy nhiên khả năng chịu đau của nhóm cường độ cao tăng hơn 41% so với nhóm cường độ nhẹ. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy, mặc dù thể lực được cải thiện như nhau, nhưng nhóm tập cường độ mạnh có kết quả thi đấu cao hơn. Các VĐV nào cải thiện mức độ chịu đau trong quá trình thí nghiệm đều đạp nhanh hơn. Kết luận của nghiên cứu này đơn giản là: muốn nhanh hơn thì phải chịu đau.
Tuy nhiên đau quá thì cũng không tốt. Trong một thí nghiệm khác của Đại học Winconsin, các VĐV đạp xe được tiêm thuốc vào tủy sống để chặn não bộ tiếp nhận cảm giác đau đớn. Sau đó các VĐV phải đạp 5KM hết sức có thể. Các TNV này được ban cho phép màu mà VĐV nào cũng mơ ước, đó là không cảm thấy đau đớn. Và chỉ đợi có vậy, họ đạp hết ga tới mức sau 5KM họ không thể tự xuống xe và đứng vững. Tuy nhiên kết quả đạp 5KM thì lại tệ một cách đáng ngạc nhiên. Sau km đầu hết sức hổ báo, họ bắt đầu chậm dần. Sau nửa chặng đường, chân của họ đã không nghe theo não bộ nữa. Các bó cơ đã đạt ngưỡng tối đa và không thể hoạt động nhiều hơn. Nghiên cứu này cho thấy sự đau đớn giúp chúng ta pace (dàn trải cường độ vận động) tốt hơn.
Tóm lại, muốn nhanh hơn thì không còn cách nào khác là phải chịu đau đớn trong khi tập. Và đây là một quá trình phấn đấu chứ không phải chuyện một sớm một chiều. Nếu bạn vận động quá sức ngay lập tức, nhiều khả năng bạn sẽ vào bệnh viện. Nhưng nếu tập luyện với cường độ cao, trong các interval nhỏ 2-3 phút, sau đó kéo dài thời gian vận động dần dần lên 4, 5, 6 phút với cùng cường độ đó. Thì có nghĩa bạn đã nhanh hơn, khỏe hơn. Nhớ là nếu bạn tập chạy hay đạp với các bài tập cường độ cao thì hãy chọn những chỗ vắng người hoặc tập trong nhà như trong bài viết Vì sao tôi chọn đạp xe trong nhà để đảm bảo an toàn nhé.
Bạn thấy đau và có nghĩa bạn đã cố gắng hết sức? Bạn có chắc không? Bạn có tự hỏi mình có thể cố thêm 1 phút nữa không? Hãy nhìn Eddy Merckx trong cuộc thi đạp trong 1 giờ để thấy đau đớn là như thế nào nhé.
Bài viết có sử dụng thông tin từ cuốn sách Endure của tác giả Alex Hutchinson
The post Muốn đạt thành tích tốt? Hãy chịu đau appeared first on BoiDapChay.com.