Liều thuốc chữa dứt bệnh chuột rút?

Liều thuốc chữa dứt bệnh chuột rút?

Bạn có bao giờ từng bị: mặc dù ăn rất đủ chất, uống đủ gel, cắn viên muối đầy đủ thậm chí nhiều hơn bình thường để đảm bảo đủ điện giải và đương nhiên là chạy/đạp chỉ ở ngưỡng zone 3 nhưng cuối cùng vẫn bị chuột rút? Đây là căn bệnh kinh niên khiến bạn khó chịu? Bài này có thể sẽ đem đến cho bạn giải pháp trị căn bệnh chuột rút này mãi mãi, và đương nhiên người viết sẽ không bảo đảm chắc chắn 100% ?

Nguyên nhân của hiện tượng chuột rút

Từ lâu, chúng ta vẫn luôn cho rằng có 2 nguyên nhân dẫn đến chuột rút: thiếu điện giải hoặc cơ còn yếu. Nếu bạn uống đủ gel, cắn đủ muối mà vẫn bị chuột rút thì chắc chắn bạn tập luyện chưa đủ và ngược lại. Tuy nhiên, nhà hoá học/sinh học thần kinh từng đoạt giải Nobel Rod MacKinnon cho rằng có một nguyên nhân thứ 3.

MacKinnon (ĐH Rockefeller) và cộng sự Bruce Bean (ĐH Harvard) xây dựng sản phẩm chống chuột rút

Vào một ngày đẹp trời năm 2011, TS. Rod MacKinnon, giáo sự tại trường ĐH Rockefeller có một chuyến chèo kayak xa bờ thì đột nhiên bị chuột rút tê cứng tay. Ngồi trên thuyền lúc đó có người đồng nghiệp TS. Bruce Bean, giáo sư sinh học thần kinh tại ĐH Harvard, cũng bị tình trạng tương tự. Cả hai đều là những tay chèo kỳ cựu và đã chuẩn bị rất kỹ về mặt dinh dưỡng cho cuộc phiêu lưu này. Mặc dù cả hai cuối cùng cũng vào bờ an toàn, nhưng ký ức kinh hoàng ngoài biển cách đất liền 5-6km đó khiến cả hai phải đặt câu hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra”.

Từ đó MacKinnon bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn về hiện tượng chuột rút. Khi tìm hiểu các loại nước điện giải trên thị trường, vị TS này nhận ra rằng các loại nước này đều có cùng một nguyên lý đó là nạp lại lượng điện giải (muối) mà cơ thể mất qua đường mồ hôi. Tuy nhiên MacKinnon cũng biết tới bí quyết dân chạy bộ thường truyền tai nhau đó là uống nước pha mù tạt hay là uống nước ngâm dưa chua để trị chuột rút.

Càng nghiên cứu, vị giáo sư càng thấy nhiều bằng chứng cho thấy có vẻ không phải là các bó cơ cần sự giúp đỡ khi chuột rút (nghĩa là bổ sung điện giải thì chưa đủ) mà nguyên nhân sâu xa là do các tín hiệu xung điện từ các nơ-ron thần kinh trao đổi tín hiệu giữa cơ và hệ thần kình (ND-khi cơ thể có dấu hiệu quá sức, các nơ-ron sẽ báo về não bộ và não bộ truyền thông tin xuống nhóm cơ gây nên co giật, như một tín hiệu thông báo là “Này, dừng lại đi”). Vì vậy để tránh chuột rút, cơ thể cần một thứ gì đó để báo cho hệ thần kinh rằng “Yên tâm, không vấn đề gì”.

Với phát hiện đó, MacKinnon dành thêm 4 năm để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và tìm ra một công thức tránh chuột rút. Đến đầu năm 2015 thì ông đăng ký bản quyền một công thức pha chế. Đến năm 2016, MacKinnon bắt đầu thương mại sản phẩm của mình có tên là Hotshot. Nôm na cách sử dụng như sau: trước hoặc trong khi tập/race, VĐV uống 1 ống Hotshot. Các cảm biến ion trong miêng, họng và dạ dày sẽ được kích hoạt và truyền thông tin tới cột sống, và từ đó truyền tín hiệu đi khắp cơ thể để thông báo các bộ phận của cơ thể tiếp tục hoạt động bình thường.

Thử nghiệm các loại sản phẩm trên thị trường

Các bạn đọc tới đây sẽ tự hỏi: “OK, vậy nói chung là boidapchay quảng cáo Hotshot?”. Hoàn toàn không phải ? Qua nhiều race tôi thấy rằng chuôt rút là vấn nạn kinh niên cho các VĐV và may mắn có điều kiện thử nghiệm nhiều loại sản phẩm và tìm ra được sản phẩm tốt nhất cho mình nên muốn chia sẻ kinh nghiệm với mọi người.

Về Hotshot, tôi được biết tới sản phẩm này trước khi được đọc về nó (như phần viết ở trên) qua Tim Reed và Craig Alexander. Chắc hẳn dân triathlon không lạ gì Tim Reed khi anh này thường xuyên đăng quang ở giải Ironman 70.3 Vietnam còn Crag Alexander thì là một tượng đài trong giới với 4 lần lên ngôi VĐTG. Hai vị này sử dụng và rất khen Hotshot nên tôi cũng mon men thử nghiệm. Lần đầu tiên tôi sử dụng Hotshot là ở giải Ironman 70.3 Subic Bay 2017. Khi uống dung dịch vị gừng cay này vào thì ôi thôi dạ dày nóng bừng như lửa đốt. Cảm giác chuột rút có mất nhưng thay vào đó là cảm giác nôn nao và phải lết bộ vào lều y tế nằm. Sau đó trong giải Ironman 70.3 World Championship 2017 được gặp nhân viên của Hotshot thì họ bảo nên uống một ngụm nhỏ lúc đầu, sau đó hẵng tu cả lọ. Có đỡ hơn một chút nhưng vẫn hơi nôn nao.

Hotshot dưới dạng ống

Sau đó năm 2018 tôi lân la tìm các sản phẩm tương tự Hotshot thì thấy sản phẩm Crampfix. Sản phẩm này được Jeri Chua nhập về và bán tại shop thể thao của mình, giá cả cũng phải chăng hơn nên tôi mua thử 2 túi nhỏ xem sao. Dân trail chắc ai cũng biết Jeri Chua, một chân chạy gạo cội người Singapore và rất có tiếng nói trong giới. Shop của Jeri bán các loại sản phẩm về trail, trong đó có Tailwind, một sản phẩm bổ sung carb và muối tôi vẫn đang dùng. Trong năm 2018, tôi bị tai nạn nên không thi thố gì được trong nửa năm cuối. Vì vậy 2 gói Crampfix vẫn để nguyên trên kệ và bẵng đi cho tới giải Ironman 70.3 APAC Championship 2019 được tổ chức ở Việt Nam. Sang phần chạy được khoảng 5km thì chân trái (chân bị tai nạn) của tôi có dấu hiệu chuột rút, thế là tôi lôi 1 gói ra uống. Crampfix có vị chua như giấm, trên thành phần có ghi 500mg sodium, có vẻ là liều thuốc khá mạnh. Kỳ lạ thay, cảm giác chuột rút biến mất mà bụng dạ vẫn không có vấn đề. Chạy thêm được vài km thì chân phải có dấu hiệu chuột rút. Tôi tặc lưỡi uống thêm một gói nữa. Jeri bảo thông thường trong race chỉ uống tầm 2 gói, nếu vẫn còn chuột rút thì coi như hôm đó xui rồi. Kỳ lạ thay, cảm giác chuột rút chân phải cũng biến mất và từ đó tôi chạy băng băng hết quãng đường còn lại, thậm chí còn đủ sức để thực hiện fast finish ở 2km cuối, hoàn thành 21km kiểu negative split với thời gian đúng… 1h59p.

Crampfix bán theo lọ hoặc túi nhỏ (1 shot) như gel

Kết

Cũng giống như nutrition, tôi tin rằng không phải ai cũng hợp với một sản phẩm chống chuột rút. Ví dụ Hotshot được các VĐV Chuyên nghiệp dùng rất tốt, nhưng tôi lại không chịu nổi. Vì vậy mục đích bài này là giúp các bạn có thêm thông tin về các loại sản phẩm có trên thị trường và khuyên các bạn hãy dùng thử qua chúng xem sao.

Ở VN hiện có bán Crampfix, thông qua phân phối với Tailwind. Còn Hotshot thì bạn vẫn phải mua trên mạng và ship về. Tuy nhiên, như giới chạy bộ rỉ tai nhau, bạn có thể thử nước ngâm dưa chua xem sao, biết đâu lại hiệu nghiệm và rẻ nữa.

The post Liều thuốc chữa dứt bệnh chuột rút? appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *