Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic Marathon Mỹ: lại nói chuyện đôi giày

Cho dù kết quả ra sao, người thắng cuộc vẫn là các hãng giày.

Ngày thứ 7 (29/02/2020) vừa qua, nước Mỹ đã chọn cho mình đội tuyển Marathon (Nam và Nữ) để tham gia thế vận hội Olympic tại Tokyo vào mùa hè này. Kết quả như sau:

Nam:

  1. Galen Rupp — 2:09:20
    2. Jacob Riley — 2:10:02
    3. Abdi Abdirahman — 2:10:03

Nữ:

  1. Aliphine Tuliamuk — 2:27:23
    2. Molly Seidel — 2:27:31
    3. Sally Kipyego — 2:28:52

Galen Rupp tái khẳng định vị trí dẫn đầu của mình trong bộ môn marathon của nam trong khi Aliphine Tuliamuk thầm lặng đánh bại các đối thủ nữ khác để giành vị trí thứ nhất trong cuộc thi chọn đội tuyển marathon dự Olympic của Hoa Kỳ. Những người hâm mộ chạy bộ đều biết sự kiện thi chọn đội tuyển lần này được diễn ra trong bối cảnh đang nổ ra cuộc chạy đua công nghệ giày giữa các hãng sản xuất. Đỉnh điểm của cuộc chiến này là tuyên bố của Nike sẽ tặng miễn phí tất cả các VĐV tham dự một đôi Nike Alphafly. Đây là mẫu giày mới nhất của Nike, được Eliud Kipchoge dùng trong kỳ tích phá vỡ mốc 2 giờ ở cự ly Marathon (42km) trong Ineos 159 Challenge.

Vậy Nike có chiến thắng trong cuộc thi này?

Ở đội tuyển nam, cả ba vận động viên được chọn vào đội tuyển gồm Galen Rupp, Jacob Riley và Abdi Abdirahman đều mang giày của Nike. Trong đó gh vận động viên về nhất và nhì ở nội dung của nam đều đi đôi Alphafly, mẫu mới nhất của dòng Nike Vaporfly, là bản nâng cấp của đôi Nike Next % đình đám. Tuy nhiên Abdi Abdirahman (43 tuổi), người về thứ 3, lại đi đôi giày Vaporfly mẫu cũ hơn. Đây là việc hơi lạ do Nike có động thái tặng giày Alphafly cho tất cả các vận động viên tham gia thi đấu. Có khả năng VĐV này không quen đôi giày mới và có quá ít thời gian để thử nghiệm trước kỳ thi đấu quan trọng. Nguyên tắc vàng vẫn là “không dùng đồ mới trong race”.

Màu xanh của Nike thống trị đường chạy

VĐV Riley, người về đích ở vị trí thứ 2 nội dung của nam không có nhà tài trợ giày và quyết định đi đôi Alphaflys của Nike. Mặc dù Riley phủ nhận thành công của mình do giày và cho biết anh đang đạt phong độ tốt nhất sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, VĐV này cũng thừa nhận: “tôi cho rằng dòng giày có tấm lót (bằng các-bon) đang thực sự thay đổi bộ mặt của bộ môn này. Theo tôi, nếu không sử dụng những mẫu giày này, dù của hãng nào đi nữa, thì bản thân VĐV đang tự mình đánh mất lợi thế của mình và có lẽ chẳng có lý do gì để chúng ta phàn nàn về việc này cả.”

Về phần các VĐV nữ, chỉ có VĐV về thứ 3 Sally Kipyego mang giày của Nike (Nike Next %, phiên bản cũ của Alphafly). Nhà vô địch Tuliamuk đi đôi Rocket X chưa được ra mắt của Hoka One One (cũng được trang bị một tấm lót các-bon) và Molly Seidel đi giày của hãng Saucony.

Đặc biệt, với Molly Seidel, đây là lần đầu tiên VĐV này thử sức ở cự ly Marathon. Đương nhiên, Molly Seidel không phải là một cái tên quá xa lạ với hàng loạt chức vô địch trong hệ thống giải sinh viên Mỹ (có độ tranh chấp tương đương các giải chuyên nghiệp) và được coi là một trong những ẩn số trong kỳ thi tuyển lần này. Saucony là một trong số ít nhà tài trợ gắn bó với Molly qua thăng trầm trong sự nghiệp (điều trị chứng biếng ăn, loãng xương v.v..) vì vậy không lạ gì khi Molly vẫn đi giày Saucony. Đôi giày của Molly là đôi Saucony Endorphin Pro, cũng có thiết kế với tấm các-bon.

Ngược lại với Molly, VĐV Sarah Sellers thì cho biết cô đã hủy hợp đồng tài trợ với một công ty giày khác khoảng một tháng trước để có thể đi đôi Alphafly. Cô cho biết “với tôi chắc chắn đôi giày này đã tạo ra sự khác biệt”. Sarah về đích ở vị trí thứ 11, thành tích tốt hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu của cô.

Chiêu marketing hiệu quả?

Sau khi nổi đình nổi đám với dòng giày Vaporfly (Vaporfly 4% và Next %), Nike lại tiếp tục gây tranh cãi gần đây với tin đồn tổ chức World Athlete sẽ cấm các đôi giày Vaporfly. Phiên bản nguyên mẫu của dòng dày Vaporfly sau khi được ra mắt tại sự kiện chọn đội tuyển Olympic của Hoa Kỳ năm 2016 đã khiến giới bình luận lên tiếng phê phán vì họ cho rằng dòng giày này mang lại quá nhiều lợi thế không công bằng cho các vận động viên và châm ngòi cho các hãng khác cho ra đời các phiên bản tương tự.

Như đã đề cập ở trên, Nike Alphafly không thực sự chiến thắng toàn diện trong cuộc thi này. Không chỉ dòng giày cũ hơn (Next %) cũng lên bục vinh quang mà các hãng giày khác với thiết kế tương tự và giá rẻ hơn cũng có thể lên bục (Hoka có giá tầm 200$ so với Nike Next % giá 250$). Nếu đứng trên phương diện xác suất, người đi Nike có khoảng gần 1% khả năng lên bục nhận giải, trong khi đó Saucony là 6% (Xem danh sách số lượng VĐV theo hãng giày dưới đây).

Tất nhiên, sự so sánh trên là khập khiễng. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy vài điều từ cuộc chiến giữa các thương hiệu này:

  1. Nhiều runner hơn nữa có thể tiếp cận công nghệ giày mới (với tấm các-bon và đệm dày) với giá cả phải chăng hơn. Việc phá bỏ thế độc tôn của Nike sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm.
  2. Hy vọng runner chúng ta sẽ được bỏ tiền mua sản phẩm với đúng giá trị của nó, chứ không phải gánh thêm chi phí marketing của các thương hiệu (như Nike đang làm).

Có lẽ kết luận hợp lý nhất vẫn là: Giày nào đi thích hơn và hợp túi tiền thì mua !

The post Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic Marathon Mỹ: lại nói chuyện đôi giày appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *