Ký sự tai nạn khi đạp xe và quá trình phục hồi (Phần 1)

Bài viết này nhằm mục đích kể lại quá trình gặp tai nạn trên đường đạp xe cho đến những ngày đau đớn nằm viện và vật lý trị liệu, hy vọng người đọc sẽ cẩn thận hơn khi tập chạy hay đạp trên đường. Ngoài ra, bài viết cũng chia sẻ một số sai lầm các bạn nên tránh trong việc phục hồi sau chấn thương. Nếu bạn đang bị gián đoạn tập luyện do chấn thương, có thể bài viết sẽ đem đến một số thông tin hữu ích giúp các bạn trở lại nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Phần 1 này sẽ tập trung vào vụ tai nạn đã khiến tác giả dặt dẹo gần 3 tháng.


Mấy hôm nay báo đài đưa tin nhiều về vụ xe container đâm hàng chục người dừng chờ đèn đỏ. Nhìn cái chân trái và tay phải với hơn 40 mũi khâu từ vụ tai nạn khi tập đạp xe 3 tháng trước đến giờ vẫn chưa đi lại bình thường được, mình chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm: “đi xe ngoài đường nguy hiểm quá!”.

Mình nhớ như in cái hôm trời đánh đấy. Đó là buổi tập xe đạp cuối cùng chuẩn bị cho giải Ironman 70.3 Shanghai 2018 một tuần sau đó. Càng khốn nạn hơn khi cả tuần đó mưa tầm tã không thể đạp ngoài đường được. Đó là Chủ Nhật ngày 14/10. Buổi tập kết thúc với cái xe với người cùng nằm trên thùng hàng xe bán tải chở thẳng đến bệnh viện Changi General Hospital – bệnh viện mà theo rất nhiều người bản địa là bệnh viện khá… tệ với tỉ lệ tử vong khá cao. Chưa hết, ông trời còn như vỗ mông vào mặt mình khi thời tiết cả tuần sau đó (15/10) nẵng vang chan hòa rực rỡ. ĐM.

Gãy tay phải và tổn thương gân và dây chằng chân trái. Cái giá quá đắt cho một lần ra đường

Tai nạn

Chung quy mọi chuyện cũng bắt đầu từ cái thằng sửa xe và chai dầu nhớt. Mình biết nó cũng được 2 năm, nó được mệnh danh là thợ có tâm nhất Singapore nên dù xa mỗi năm mình vẫn xách xe đến nhờ nó bảo dưỡng 2-3 lần. Chuyện, nó nói “Khi bảo dưỡng xe cho khách tao toàn nói chuyện với xe”. Vãi cả thợ có tâm.

Cuối năm nên mình quyết định mang xe đến xưởng đại tu, tiện thể chuẩn bị luôn cho giải Ironman ở Thượng Hải sắp tới. Đời không có gì sướng hơn là đi thi đấu với cái xe mới cóng. Benson (tên thợ bảo dưỡng) gọi điện với giọng hớn hở:
– Này, tao mới có dầu bôi trơn xích (sên) xịn lắm. Muốn thử không? 10 đô một lần tra dầu!
– Mày điên à bình thường tao mua một chai nhớt 100ml có 10 đô. Mày đòi tao từng đấy tiền cho một lần tra dầu?
– Đồ xịn. CeramicSpeed UFO Drip. Một chai 80 đô đấy. Thử đi bao thích!

Tặc lưỡi mình cũng gật đầu. 10 đô, 200k. Cũng không quá to tát. Nghe tiếng CeramicSpeed đã lâu, tụi pro cũng toàn dùng mà giá các sản phẩm toàn 300-500 đô nên thôi có dịp liếm thử đồ xịn giá hạt dẻ xem sao.

Hôm lấy xe từ xưởng, Benson bảo “Với dầu nhớt này mày khỏi cần lau xích. Đi không bám bụi và nước”. Đừng lừa con nha má – nghĩ thằng này lại phét lác nên mình cũng thử nhảy lên xe đạp chục km về nhà. Lạ thật, đúng là không bám bụi, và cảm giác cũng sướng thật! Sau này đọc mới biết loại dầu nhớt này của CeramicSpeed đặc biệt hơn các loại dầu thông dụng, khi tra vào xích sẽ tạo ra một lớp sáp mỏng giúp xích giảm ma sát khi chuyển động và tránh bám bụi bẩn. Nghe cũng có lý. Thảo nào bán đắt thế.

Ngày 14/10, hôm đó trời mưa lất phất. Nhục thật mới bảo dưỡng rửa xe xong. Nhưng còn có 1 tuần thi mà mới lấy xe từ xưởng, và trước giờ toàn tập trong nhà trên máy trainer (vừa do lười vừa do đu theo xu hướng đạp xe trong nhà của Cao Ngọc Hà trong bài Vì sao tôi chọn đạp xe trong nhà), không ra đường thử thì hơi áy náy. Nghĩ vậy nên sống chết gì cũng phải đem xe ra ngoài. Nói là làm, mình lập tức dắt xe ra ngoài, hướng thẳng đường ra sân bay.

Giống cung T2 ở Hà Nội, Singapore có một cung đường mà dân đạp xe cũng hay đi, ở ngay cạnh sân bay Changi. Đó là cung đường duy nhất ở Singapore có 1 làn đường dành riêng cho xe đạp (ngay bên cạnh là xe container và xe chở vật liệu xây dựng vẫn rầm rầm qua lại). Lâu lâu đạp mệt lại ngắm máy bai cất/hạ cánh. An toàn tuyệt đối đúng không? Nhầm hoàn toàn.

Cung đường dành riêng cho xe đạp. Tưởng an toàn mà lại nguy hiểm không kém. Đằng sau là xe tải chạy ầm ầm ngay bên cạnh

Lâu lâu ngắm máy bay đáp

Đang đạp trời bắt đầu mưa nặng hạt hơn. Không sao có dầu nhớt xịn đạp vẫn cảm giác trơn lắm. Với bình nước uống một phát rồi bắt đầu tăng tốc nhỉ. Rầmmm!!! Với tay lấy bình nước là việc duy nhất mình còn nhớ được. Sau đó thì đã thấy nằm sõng soài người một nơi xe một nẻo. Thì ra trong lúc không để ý đã đâm ngay vào một chiếc xe bán tải dừng ngay trên làn đường dành riêng cho xe đạp. “Bọn khốn. Đường xe đạp ai cho mày dừng xe lại không đặt báo hiệu”. Trong đầu nghĩ vậy nhưng mồm chỉ rên rỉ vì quá đau. Lúc đó việc đầu tiên mình làm là sờ mặt xem răng có bay chiếc nào hay tay có gãy chỗ nào không. Và ý nghĩ ngay sau đó là liệu mình có thể thi đấu ở Thượng Hải tuần sau không, hay có khi từ giã thể thao từ đây. Cùng lúc đó, tụi công nhân hớt hải chạy ra băng bó, bê cả người lẫn xe lên thùng xe tải chở thẳng tới bệnh viện. Giờ nghĩ lại vẫn thấy quá may mắn. Do đầu đội mũ bảo hiểm nên chẳng xây xát chút gì. Và may mắn là trong xe không có hàng hay cọc sắt, không có khi giờ này thành xiên thịt nướng rồi cũng nên.

Xem lại tracklog thấy rõ lúc bị đâm xe, nằm lăn quay và lúc được đưa lên thùng xe vào viện ở tốc độ 60kmh

Giao thông ở Singapore an toàn? Đừng nhầm. Ở đâu cũng do con người, dân bên Singapore lại toàn thích đi ô tô, ít đap xe thể dục nên không có ít khái niệm về nhường đường như ở các nước có phong trào mạnh như Úc, Mỹ hay Châu Âu. 3 tháng sau khi tai nạn quay lại cung đường đó, vẫn thấy 3 ô tô dừng trên làn đường xe đạp chụp ảnh cưới. Đi thêm 1 đoạn là một cái xe container dừng không đặt báo hiệu. Lúc quay đầu về thì thấy một cái ô tô nữa cũng thản nhiên dừng trên làn đường xe đạp, định đánh ra đường xe ô tô để tránh thì một cái xe container rầm rầm lao tới.

Nhờ ngồi xe tải chạy 60kmh mà mình kiếm thêm được mấy cái KOM trên Strava

Vào bệnh viện

Có lẽ vì mình được chở vào bệnh viện bằng… Xe tải thay vì xe cứu thương nên bảo vệ lóng ngóng không biết xử lý sao. Đang đau lại bực mình bảo “Thôi đem cái xe lăn qua đây tôi tự giải quyết!”. Thế là mình lăn vào khoa cấp cứu.

Đến cửa, y tá ra đón và bảo lấy số đợi. Nhanh trí mình la oai oái “Ối giời ơi đau quáaaaaa”. Cho biết do thấy người te tua, bộ trisuit Orca rách tả tơi lại chảy máu tong tỏng hay do mình hét to quá nên cô y tá gọi luôn 3-4 anh nữa kéo thẳng vào phòng cấp cứu. Hóa ra ăn vạ tí cũng có cái lợi.

Công bằng mà nói bệnh viện ở Singapore chu đáo và khám kỹ càng. Sau một hồi đè ra chụp khoảng 20 tấm x-quang, bác sĩ sờ nắn đủ kiểu rồi ra lệnh lấy kéo cắt áo trisuit đang mặc để tiến hành sơ cứu. Thế là đi tong bộ Orca 226 gom góp mãi mới mua được giá tốt ở The Hanoi Bicycle Collective. Vừa sơ cứu, bác sĩ vừa giải thích là trước hết phải tiêm dung dịch kháng khuẩn, và rửa kỹ vết thương phòng trường hợp nhiếm trùng. Sau này, cũng cái vết thương đó, bác sĩ còn rửa thêm 2 lần nữa, ở 2 bệnh viện khác nhau. Nhớ đến ông anh lần trước lật đật đi tập chạy trail ở Đà Lạt cũng ngã dập mặt, chắc cũng đứt chân ngang mình, cũng ở ngay gối. Thế mà thấy ông ấy vào bệnh viện selfie 30 phút rồi bác sĩ băng bó cho về. Chả hiệu bác sĩ Singapore xúc rửa nhiều thế do lo lắng thái quá hay là sao.

Sơ cứu xong bác sĩ cho vào nằm phòng bệnh chờ mổ. Họ bảo x quang cho thấy tay phải bị gãy và chân trái cần mổ để làm sạch vết thương. Lúc đó là 4h chiều (tai nản xảy ra lúc 11h sáng), lịch mổ thì tận 10h đêm hôm đó. Thôi kệ ngủ một chút lát lên thớt.

Hết phần 1. Phần 2 sẽ nói tới giai đoạn đau đớn trong bệnh viện và sau khi mổ (2 lần) và vì sao bệnh viện Singapore không tốt như mình tưởng: Tiến trình vật lý trị liệu quá sơ sài và sai lầm, khiến mình mất 2 tháng công cốc và chương trình trị liệu mới.

The post Ký sự tai nạn khi đạp xe và quá trình phục hồi (Phần 1) appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *