Giày có thể nhầm, đường có thể sai nhưng đức tin không bao giờ lầm được.
Bài này tiếp nối ký sự của “Kenya” Chi Nguyễn trong chặng hành trình 7 ngày từ Sài Gòn lên Đà Lạt (được nói tới trong phần 2: chạy bộ Sài Gòn – Đà Lạt). Đây là cảm xúc đêm Nô-en mà Kenya muốn gửi tới người đọc, đánh dấu mùa Giáng Sinh an lành và kết thúc năm 2018 đầy kỷ niệm
Sau ngày thứ 3 lê lết ở Bình Thuận, mình đã tìm được cách đi riêng để không phải làm phiền nhóm và quan trọng nhất, không bị áp lực bị tụt lại đằng sau. Sáng nào cũng vậy, mình xuất phát trước mọi người 2 tiếng, cứ chuông 5h là thức dậy, 10’ sẵn sàng cho mọi thứ rồi chầm chậm lên đường.
Đó là những buổi sáng đầu hè rất nhẹ nhàng. Càng lên cao, thời tiết càng dễ chịu, xe cộ, nhà cửa cũng thưa thớt hơn nên phần lớn thời gian mình tự đi một mình, chỉ lúc nào cần ghé nhà người quen hay trạm dừng chân thì cả nhóm mới cùng gặp mặt.
Chiều ngày thứ 5, Huy rủ cả nhóm ghé nhà thờ Tam Bố. Cha xứ ở đây từng học trường dòng với ba Huy những năm trước giải phóng. Sau này dù ba Huy không làm linh mục nữa nhưng vẫn hỗ trợ Cha xây nhà thờ, làm hệ thống điện và hạ tầng cơ bản.
“May mỗi người góp vào một ít chứ ban đầu nhà thờ trống trơn, toàn vách nứa với nền đất, bao nhiêu công sức Cha ưu tiên làm bàn thờ Chúa trước”
Kenya và cha xứ nhà thờ Tam Bố
Cha kể về những năm đầu 70, khi đất nước còn chưa thống nhất, các linh mục tốt nghiệp trường dòng ở Sài Gòn xong mỗi người đi một ngả. Đa phần thoát ly, số ít chọn ở lại, như Cha chắc lác đác vài người.
“Mình đi theo tiếng gọi của Chúa thôi. Phụng sự Chúa thì ở đâu chẳng vậy”
Cha là một trong những người Kinh đầu tiên vào vùng đất toàn người dân tộc. Bắt đầu từ số không, Cha dạy họ từ vệ sinh thường thức đến chăn nuôi lợn gà. Cha học tiếng K’ho để dạy lại tiếng Kinh cho buôn làng, dạy đàn ông làm nhà, dạy đàn bà đỡ đẻ. Nhưng tự hào nhất vẫn là dịch hai bộ Kinh Thánh ra tiếng K’Ho. Công trình cả đời, vì mỗi năm Cha lại tu sửa một ít cho đúng ý nghĩa nguyên bản của Kinh Thánh.
“Một mình Cha làm sao hết mấy đứa. May có mấy anh chị thương và tin Cha, bỏ phố vào rừng, cùng nhau xắn tay giúp đồng bào mình đó”
Cả hội say sưa ngồi nghe kể chuyện trong nhà sau giáo đường của hai cô “phụ tá” cho Cha. Cô B. là người lên trước, chỉ vài năm sau giải phóng. Cả nhà cô đã đi định cư hết. Họ thuyết phục, năn nỉ cỡ nào cô cũng quyết định không đoàn tụ.
“Không phải mình giận dỗi gia đình, cũng không phải mình ghét gì nước Mỹ. Mình chỉ nghĩ nếu ai cũng đi hết thì ai sẽ ở lại đây”
22 tuổi, cô không nghĩ nhiều về tấm thẻ Xanh nặng nhẹ thế nào mà chỉ có những nỗi sợ rất nữ nhi thường tình khi dấn thân vào một vùng đất mới, hoang sơ và lạnh lẽo
“Ôi sợ lắm. Sợ rừng thiêng nước độc, sợ thú dữ tấn công, sợ không biết có đủ kiên nhẫn để giúp người dân tộc vốn còn vô minh, bản năng hiểu được tình thương và lòng nhân từ của Chúa”
Cô kể chuyện có đêm đang ngủ thì nghe sột soạt bên dưới, giật mình tỉnh dậy rọi đèn pin, thấy một con rắn to ơi là to, nặm cuộn tròn dưới đất.
“Chỉ biết nín thở cầu Kinh. Là con Thiên Chúa hết mà, lẽ nào lại hại nhau”
Chúa phù hộ, một lúc sau nó bò đi mất. Miên man chuyện và trà, mình xin phép ra ngoài hít không khí núi. Đứng trước cơ ngơi Cha vừa tu sửa, mình thẫn thờ ngắm tháp chuông cũ. Đó là một chòi lá được dựng bởi 4 cọc tre cũ mà Cha chỉ gia cố hằng năm chứ không tu sửa gì.
“Để giữ lại kỷ niệm những vất vả ban đầu”
Trưa cao nguyên, mặt trời không chói chang nhưng nắng núi vẫn khó chịu và đỏng đảnh. Mình ngước nhìn tháp chuông, tự nhiên rơi nước mắt. Khóc rất lâu, khóc cho những tháng ngày đã qua và hình như nhiều hơn, cho những khó khăn sắp đến. Bước khỏi vùng an toàn hay không là câu hỏi trước hành trình, đắn đo suốt 4 ngày lầm lũi và ngày thứ 5 mình có câu trả lời.
Có những thứ lớn hơn cái mọi người vẫn gọi là “tiêu chuẩn chung” hoặc “theo khuôn mẫu”. Hạnh phúc có lẽ cũng nên như vậy, đừng cố gắng để giống mọi người. Mình nhớ đã rất đơn độc và nhỏ bé trong buổi chiều hôm ấy, nhưng rồi mình vẫn quyết định phải đi. Đi cho xong hành trình 7 ngày để còn bắt đầu đi một chặng đường mới.
Viết đến đây mình chợt nhớ câu chuyện ở sông Hằng, một mùa Tết xa xôi xách ba lô đi Ấn, sáng mùng 1 dậy sớm ra bến sông chờ bình minh lên. 5h sáng, sương còn phủ và trời lạnh ghê lắm, mình vừa uống trà vừa rét run chờ mặt trời mọc. Khi những tia sáng đầu ngày bắt đầu le lói, mình nhìn thấy một người phụ nữ da trắng và một cậu bé tầm 7-8 tuổi đi từ một con hẻm nhỏ ra bến sông. Họ đi lặng lẽ, mỏng manh trong bộ quần áo truyền thống của Ấn. Người phụ nữ cao gầy, tóc bối cao, cậu bé đi cùng, có thể là con trai cô cũng xương xương như mẹ. Họ chầm chậm xuống bậc tam cấp của Ghat, từ từ nhúng mình xuống sông, tạt nước lên mặt rồi vỗ nước lên đầu. Im lặng, nhẹ nhàng, rồi lại lặng lẽ đi về phía mình.
Thăm quan sông Hằng trong dịp xách ba lô sang Ấn Độ
Trời rất lạnh và bình minh vẫn còn uể oải. Bến sông thưa thớt người nên không gian hầu như hoàn toàn tĩnh lặng. Họ chầm chậm tiến đến, mình im lặng ngồi nhìn. Chào hỏi, vẫy tay hay thậm chí mỉm cười lúc đó đều sẽ thành vô duyên, thừa thãi. Rất nhanh đâu đó tầm 3 giây là một cái chạm mắt. Đôi mắt nâu trong, tĩnh lặng, không cảm xúc nhưng lại rất yên bình.
Bài viết cuối chia tay 2018. Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ cổ vũ cho bất cứ lối sống hay kiểu chạy nào qua series bài này. Đây chỉ là cảm xúc lãng đãng trên những con đường mình đã đi qua, mà chạy bộ vô tình là một phần trong đó.
Cám ơn BDC đã cho mình một góc nhỏ của sân chơi. 2019 hy vọng sẽ là những câu chuyện khác, khởi đầu là hành trình về với Athen.
The post Ký sự Chi Nguyễn “Kenya” (Phần 5): cảm xúc cuối năm appeared first on BoiDapChay.com.