Kẻ cuồng giày

Từ khi Kipchoge lập kỷ lục chạy Marathon dưới 2 giờ, dân chạy đã bắt đầu ồ ạt sử dụng Nike Next % và các dòng giày khác của Nike. Nhưng bạn có biết ai đã sáng lập ra thương hiệu Nike không?

Đó là năm 1962 và

Phil Knight là một chàng trai nhút nhát mới tốt nghiệp đại học Kinh Tế Stanford. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phil Knight có một “Ý Tưởng Điên Rồ“:

nhập giày của Nhật Bản để bán ở Mỹ, nhắm phá thế thống trị thời đó của Adidas. Nghĩ là làm, sau khi tốt nghiệp đại học, Phil Knight bay tới Nhật để thuyết phục trở thành nhà phân phối sản phẩm ở Mỹ cho công ty Onitsuka (không ai khác chính là Asics ngày nay). CEO của Onitsuka nhận ra đây là thời điểm thích hợp để bán sản phẩm vào thị trường Mỹ, đặc biệt là loại giày chạy Tiger và đồng ý ký hợp đồng phân phối độc quyền với Phil. Khi được hỏi tên công ty để ký hợp đồng, Phil ớ người. anh chàng Mải nghĩ tới ý tưởng bán giày Tiger và còn chưa có thời gian thành lập công ty ở Mỹ. Tuy nhiên, sau một thoáng suy nghĩ, Phil trả lời “Blue Ribbon” (dải dây xanh). Blue Ribbon chính là sự khởi đầu của Nike. Onitsuka đồng ý gửi 300 đôi giày Tiger cho Blue Ribbon để phân phối.

Phil Knight – Đồng sáng lập Nike

Sau chuyến đi tới Nhật thành công, Phil đi chu du khắp thế giới và cũng đặt chân tới Sài Gòn (nên nhớ đó là vào năm 1962-1963, Sài Gòn đang được tiếp quản bởi quân đội Mỹ, còn đừng mơ đặt chân tới được vịnh Hạ Long). Một trong những nơi để lại ấn tượng nhất là Hy Lạp, đặc biệt là quần thể đền thờ cổ tại Acropolis ở thủ đô Athen. Tại đây, Phil Knight, người về sau sáng lập ra đế chế Nike, đã đứng ngắm ngẩn ngơ trước đền thờ Athena – nữ thần chiến thắng – hàng giờ. Thật trùng hợp, tên của ngôi đền này là Temple of Athena Nike, nhưng đây không phải là nguyên nhân Phil đặt tên công ty là Nike sau này. Đây chỉ là một sự trùng hợp thú vị.

Hợp tác với Bill Bowerman

Bill Bowerman là HLV cũ của Phil ở đội tuyển điền kinh của trường Stanford. Giống như Phil, Bill cũng là một kẻ cuồng giày. Bill thường xuyên mổ xẻ các đôi giày và xem loại vật liệu nào tốt nhất cho VĐV. Ngay cả thời ở đội tuyển, Phil cũng thường bị Bill đem ra làm “chuột bạch” để thử các thiết kế giày của mình.

Khi Phil trình bày Ý Tưởng Điên Rồ của mình cho Bill, với hy vọng được Bill giới thiệu sản phẩm cho một vài VĐV có triển vọng, và qua đó tạo được thương hiệu ở Mỹ. Nhưng Phil không ngờ rằng Bill thích ý tưởng này đến nỗi đòi được hợp tác với Phil. Bill đưa Phil 1.000$, bằng với 50% đơn hàng đầu tiên với Onitsuka, và trở thành Đồng Sáng Lập của Blue Ribbon (ngày nay là Nike). Vào thời điểm năm 1962, 1.000$ tương đương với 8.500$ theo giá trị hiện nay. Với sự giúp đỡ của Bill, giấc mơ soán ngôi Adidas của Phil trở nên thực tế hơn.

Việc Bill trở thành đồng sáng lập Nike tại thời điểm này quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, khi Blue Ribbon đang được manh nha, thì cũng là lúc công việc huấn luyện của Bill lên như diều gặp gió. Bill lúc đó trở thành HLV của một số VĐV về sau tham gia Olympic (tổng cộng 31 VĐV). Ngay cả Bill về sau cũng trở thành HLV trưởng đội điền kinh của Mỹ tại Olympic 1972. Vì vậy, Bill có công rất lớn trong việc đưa giày Tiger mà Blue Ribbon phân phối tới các KOL trong làng chạy bộ. Không chỉ phân phối giày, Blue Ribbon cũng có những thiết kế riêng và được Onitsuka chấp nhận sản xuất cho thị trường Mỹ, ví dụ như đôi giày Cortez.

Mãu giày Tiger của Onitsuka

Trong những ngày đầu của Blue Ribbon, Phil buổi sáng làm công việc kiểm toán tại Price Waterhouse (ngày nay là PricewaterhouseCooper) để có thu nhập ổn định, ban đêm thì làm các công việc cho Blue Ribbon và đến cảng để dỡ hàng hóa được chuyển từ Nhật Bản, và chuyển tới nhà kho. Cứ thể trong 5 năm, cho tới khi Phil nghĩ rằng Blue Ribbon đã đủ độ chín và có thể trả lương cho bản thân (tuy không nhiều) để làm việc toàn thời gian cho giấc mơ của mình. Ngay cả lúc đó, Phil cũng vẫn nhận một chân giảng viên môn kế toán tại trường Đại học gần nhà để có thêm thu nhập.

Một đội ngũ nhân viên hơi lập dị nhưng có tài và cùng đưa ra quyết định quan trọng

Thành công của Blue Ribbon đương nhiên có công của Bill Bowerman, nhưng cũng nhờ phần lớn từ đội ngũ nhân viên của công ty. Các nhân viên ban đầu của Blue Ribbon đều là những người khá lập dị, nhưng bằng cách nào đó, Phil đã tạo nên một tập thể mạnh, làm việc hòa hợp với nhau.

Jeff Johnson là nhân viên toàn thời gian đầu tiên của Blue Ribbon. Anh chàng này vốn là một nhân viên xã hội nhưng chán cuộc sống nhàm chán đó. Dần dần, Jeff trở thành cánh tay phải của Phil, giống như Khổng Minh đối với Lưu Bị. Jeff là người được Phil tin tưởng cử đi khai thác thị trường Bờ Đông nước Mỹ (Blue Ribbon thời điểm này chủ yếu khai thác thị trường Bờ Tây vì công ty đặt trụ sở tại Oregon, bang Washington). Cũng chính Jeff là người nghĩ ra cái tên Nike Inc. khi công ty muốn thay đổi tên để sản xuất những đôi giày đầu tiên với thương hiệu của chính mình.

Hay Del Hayes, vốn là sếp của Phil trong khoảng thời gian cả hai làm việc tại công ty kiểm toán Price Waterhouse. Del được mô tả là một chuyên gia kiểm toán, là người xây dựng hệ thống kế toán của công ty và xử lý các vấn đề liên quan tới tỷ giá giữa USD và Yên Nhật trong giai đoạn khủng hoảng thương mại.

Hay Bob Woodell, bản thân là ngôi sao điền kinh ở Oregon nhưng bị liệt cả hai chân sau một tai nạn và phải ngồi xe lăn. Bob Woodell là cánh tay trái của Phil, một COO đích thực xử lý toàn bộ công việc của công ty. Hay như Penny Park, kế toán và cũng là vợ của Phil. Phil gặp Penny ở giảng đường đại học khi là giảng viên còn Penny là học sinh lớp kế toán. Cô nàng nhút nhát này hóa ra lại là một học sinh xuất sắc đến kinh ngạc. Phil mời Penny tới làm việc bán thời gian cho Blue Ribbon, phụ trách sổ sách kế toán và cô nàng hoàn thành công việc không một chút khó khăn.

Nhìn chung, Phil theo gương một trong những thần tượng của mình – Tướng Patton trong thế chiến thứ 2, với câu nói:”Đừng bảo mọi người phải làm như thế nào. Hãy bảo họ phải làm gì và để họ làm bạn ngạc nhiên với kết quả.”

Đoạn tuyệt với Onitsuka và khởi đầu của thương hiệu Nike

Trong những năm đầu, mối quan hệ giữa Blue Ribbon và Onitsuka rất tốt đẹp. Blue Ribbon nhân đôi doanh số bán hàng cho Onitsuka tại thị trường Mỹ hàng năm. Tuy nhiên, khi Phil nhận được tin mật báo rằng nhân viên của Onitsuka “đi đêm” với các nhà phân phối tiềm năng khác tại thị trường Mỹ, và có nguy cơ hất cẳng Blue Ribbon thì Phil đã hành động. Blue Ribbon bắt đầu tìm cách sản xuất giày do tự mình thiết kế, nhờ vào các xưởng gia công tại Nhật Bản và Nam Mỹ. Cùng lúc này, công ty cần có một thương hiệu mới cho các dòng giày của mình. Và cái tên Nike ra đời. Đó là năm 1973.

Khi biết Nike bắt đầu sản xuất giày cho riêng mình, Onitsuka đã kiện Nike ở Nhật Bản. Đáp trả, Nike kiện Onitsuka ở Mỹ, lấy lý do việc họ làm chỉ để bảo vệ bản thân. Nike có hợp đồng phân phối độc quyền giày Tiger của Onitsuka ở Mỹ nhưng Onitsuka lại có ý đồ hợp tác với nhiều nhà phân phối khác. Tòa án ở Mỹ cuối cùng xử Nike thắng cuộc.

Biến cố thứ hai là việc Nike bị sở thuế truy thu 25 triệu đô. Theo hồi ký của Phil, đây là một cú chơi khăm từ các đối thủ muốn triệt hạ Nike. Nhưng may mắn vẫn đứng về phía Nike. Sau nhiều năm giằng co, nhờ cậy nhiều nơi, cuối cùng Nike và sở thuế thỏa thuận mức truy thu 9 triệu đô (mặc dù Phil cho rằng Nike không cần phải trả một xu).

Công việc kinh doanh của Nike vừa suôn sẻ lại vừa trắc trở. Suôn sẻ là vì doanh thu của công ty được nhân đôi hàng năm. Ngày càng có nhiều VĐV đi giày của Nike trong các giải thi đấu lớn. Không những thế, với việc mở rộng sản xuất ở Trung Quốc và các mối quan hệ mới tạo được, Nike đã giành được hợp đồng tài trợ cho đội Olympic của Trung Quốc. Thế nhưng, công ty luôn cần nguồn tiền để sản xuất, trả lương và cho các hoạt động xuất nhập khẩu. Và dần dần, từng ngân hàng một quay lưng với Nike vì họ cho rằng số tiền Nike muốn vay quá lớn. Chỉ còn lại duy nhất công ty Nissho của Nhật Bản tiếp tục tin tưởng và cho Nike vay tiền. Chính Phil cũng thừa nhận nếu không nhờ Nissho thì Nike đã tiêu đời từ lâu. Cuối cùng, sau nhiều lần trì hoãn, Nike quyết định lên sàn chứng khoán vào năm 1980, chấm dứt chuỗi ngày lo lắng vì thiếu thanh khoản. Nếu bạn đầu tư 10.000$ vào Nike năm 1980 thì ngày nay bạn sẽ có khoảng hơn 5 triệu đô!

Các chuyện ngoài lề

Nike có đôi chuyện ngoài lề khiến chúng ta không khỏi bất ngờ. Một ví dụ đó là bản thân cái tên Nike. Như đã nói ở trên, Blue Ribbon cần một tên thương hiệu mới đánh dấu sự khởi đầu sau thời ky phân phối hàng cho Onitsuka. Một việc tưởng đơn giản nhưng đã khiến ban lãnh đạo của Blue Ribbon đau đầu nhiều ngày. Cuối cùng, một số cái tên được chonj nhưng vẫn không có cái tên nào thật sự khả dĩ. Phil muốn chọn tên “Dimension Six” trong khi các thành viên còn lại của ban lãnh đạo thì cho rằng không có cái tên nào có thể ngu ngốc hơn. Cuối cùng, Jeff Johnson từ bờ Đông gọi điện tới và bảo anh ta nằm mơ và được “báo mông” cái tên Nike (đọc là Nai-ki). Thật trùng hợp, đây cũng là tên của thần Athena Nike mà Phil đã từng tới đền thờ tại Hy Lạp. Và thế là cái tên Nike ra đời.

Logo của Nike qua năm tháng

Hay như chuyện cái logo Nike. Trong một triển lãm bán hàng, nơi Nike công bố các sản phẩm đầu tiên của họ với logo mới. Nhiều người đã hỏi “Logo này nghĩa là cái quái gì vậy?”. “Đây là biểu tượng cho tiếng gió vút khi bạn chạy vụt qua người khác. Chúng tôi gọi biểu tượng này là Swoosh (Vút)”. Thực ra, logo này đươc thiết kế bới Carole Davidson. Phil gặp Carole tại giảng đường đại học. Carole là học sinh ngành thiết kế. Biết Carole đang tìm việc làm thêm, Phil bèn mời Carole thiết kế logo cho Nike. Carole được trả công 35$ cho việc này. Sau khi đưa mẫu thiết kế cho Phil và ban lãnh đạo, nói nôm na thì mọi người đánh giá như sau: “Chẹp. Tôi không hẳn thích lắm nhưng chắc sẽ quen với nó thôi”. Và như chúng ta đã biết, logo Swoosh này thành biểu tượng của đế chế thể thao trị gía 35 tỷ đô (theo giá cổ phiếu năm 2020).

The post Kẻ cuồng giày appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *