Junk Miles (dặm rác) và câu chuyện về nhà vô địch Olympic

Chiến thắng đầu tiên ở nội dung marathon tại Olympic thuộc về một chân chạy không có huấn luyện viên, không tập gym bổ trợ, mà chỉ đều đặn chạy 16 dặm (khoảng 25km) mỗi ngày để đi giao nước.

Ngày xửa ngày xưa, có một người chỉ chăm chăm chạy junk miles (dặm rác), chậm rãi mỗi ngày. Và sau đó anh ta tham dự Olympic và trở thành người chiến thắng marathon đầu tiên trong lịch sử. Sau đây là câu chuyện về Spiridon Louis và sự hỗ trợ của việc tập mileage để xây dựng nền tảng.

Spiridon Louis

Louis lớn lên trong một gia đình nghèo ở Amaroússion (hay Maroússi), khoảng 8 dặm về hướng bắc của Athens, Hy Lap, không xa với con đường mà người lính Pheidippides đã chạy từ Marathon về Athens để làm nên nội dung marathon trong lịch sử. Bây giờ, nó được xem là một vùng ngoại ô, nhưng ngược thời gian trở những năm 1890, đây là một ngôi làng, sống sót chủ yếu nhờ nguồn nước ngọt từ 1 con suối gần đó.

Gia đình Louis kiếm sống qua ngày bằng cách vận chuyển thùng nước từ con suối đó đến Athens, sử dụng con la hoặc xe đẩy. Spiridon, một trong những người con trai trong gia đình, đã dành phần lớn tuổi thơ của mình đi bộ hoặc chạy cùng với những con la, 8 dặm mỗi chặng (16 dặm đi và về, tổng 25km), mỗi ngày, quanh năm suốt tháng. Đường về có thể nhanh hơn, do lúc này các thùng nước đã rỗng và các con la cũng háo hức về nhà.

Trong kì thế vận hội Olympic lần đầu tiên được tổ chức, với Hy Lạp là nước chủ nhà năm 1896, người Hy Lạp không thể cạnh tranh với những đoàn khác vốn được tập luyện ở những nội dung điền kinh (track & field), nhưng họ có niềm hi vọng rất cao cho nội dung mới được gọi tên là “marathon”. Người khởi hiệu lệnh chính thức tại nội dung marathon chính là đại tá Papadiamontopoulos, một người rất đam mê bộ môn này. Anh đã ra sức tìm kiếm những tài năng chạy bộ trong thời gian họ huấn luyện quân sự dưới quyền của anh.

Một trong tài năng chạy bộ được phát hiện ra chính là Spididon Louis, lúc này 24 tuổi, vẫn hằng ngày chạy từ nhà lên thành phố và quay về, đều như vắt tranh. Louis chạy rất tốt ở chặng đua marathon trial (tuyển chọn vận động viên tham dự Olympic) thứ 2 của Hy Lạp, kết thúc ở vị trí thứ 5 trong số 38 người tham dự, và được vinh dự là 1 trong 13 người sẽ đại diện Hy Lạp thi đấu cùng 4 ngôi sao điền kinh quốc tế khác tại nội dung marathon diễn ra vào ngày 10 tháng 4 năm 1986.

3 trong số 4 vận động viên đến từ nước ngoài đã càn quét hết các giải ở nội dung 1500m, cự ly dài nhất thời đó. Họ tự tin là sẽ ẵm gọn luôn giải của nội dung mới, cự ly marathon tại Olympic. Nhưng kết quả thật nghiệt ngã: một cảm giác hoàn toàn khác khi đi từ sân vận động ra 42km trên con đường đầy bụi bặm, nắng nóng cùng đồi dốc. Albin Lermusiaux (Pháp) đã có lợi thế rất lớn ở km thứ 14, nhưng tới km thứ 25 thì anh ta không còn cảm giác gì nữa, chóng mặt, chuột rút và không thể tiếp tục. Sau đó Teddy Flack (Úc), người đã chiến thắng ở nội dung 800m và 1500m trước đó, vươn lên giành lợi thế, và xem chừng có thể sẽ giành chiến thắng thứ 3 tại giải. Nhưng tại km thứ 30 (cột mốc oan nghiệt mà dân Marathon đều nhắc tới), cuộc đua mới chính thức bắt đầu.

Lúc này, 2 vận động viên chủ nhà, những người đã bị bỏ rất xa ở cột mốc nửa đường cuộc đua, mới bắt đầu thu hẹp khoảng cách. Kharilaos Vasilakos, một nhân viên hải quan ở Athens, đã từng chiến thắng tại cuộc thi tuyển chọn đầu tiên tìm kiếm vận động viên đại diện Hy Lạp tại Olympic (Greek Olympic Trial). Vì thế, anh chính là ứng cử viên đến từ nước chủ nhà (local favorite). Đi cùng anh ta không ai khác là Spiridon Louis, người lúc này còn 8 dặm phía trước, giống như chặng đường về của mỗi ngày trong đời.

Kharilaos Vasilakos (giữa) tập luyện trên đường đua Marathon

Khi Vasilakos tỏ ra đuối sức và chậm lại ở con dốc cuối, Louis bắt đầu dần dần bứt lên đi trước và vượt qua luôn cả Flack đang “sập nguồn”. Nhờ việc vừa đi vừa chạy hằng ngày trong chuyến hành trình của mình, Louis sở hữu tài sản quý báu nhất của marathon – mileage (dặm tích lũy) trong chân mình. Và trong một ngày trọng đại, anh cũng thể hiện đức tính quý giá nhất của một marathoner – tính kiên nhẫn. Anh bắt đầu tăng tốc ở dặm thứ 23, bên cạnh cố vấn chuyên môn còn là vì hôn thê anh ta, Elani xuất hiện và cổ vũ. Sau đó, Louis được cậu bé đạp xe dẫn mình hô to “Ellene! Ellene!”

Khi Louis tiến vào sân vận động, đám đông khán giả đã “phát điên vì sung sướng”. Hoa và mũ được tung lên không trung. Lần này thay vì con la bầu bạn, Louis được 2 hoàng tử chạy cùng bên cạnh động viên anh về đích. Louis sau giải đạt được nhiều danh tiếng hơn mức tưởng tượng. Ở Hy Lạp, ngay cả đến ngày nay, nếu bạn muốn thúc giục ai đó nỗ lực hết mình trong bất kỳ lĩnh vực nào, hãy hô to: “Chạy như Louis!”

Louis không có huấn luyện viên, không có lịch tập luyện, không gym, không có một chế độ ăn đặc biệt nào, hầu như không có kinh nghiệm thi đấu, ít được học hành. Chỉ việc chạy bộ hằng ngày đã làm anh ta trở thành người chiến thắng đầu tiên ở cự ly marathon tại Olympic.

Những người kế vị sau này đã học được bài học về việc xây dựng nền tảng bằng mileage. Tom Longboat đã tập chạy dài ở Brantford, Ontario, Onondaga trước khi giành chiến thắng bất ngờ tại Boston năm 1907. Clarence De Mar có lẽ là người đầu tiên xây dựng cột mốc 100 dặm/ tuần, và kết quả dành 7 danh hiệu tại Boston và một huy chương đồng Olympic. Naoko Takahashi là người phụ nữ đầu tiên phá bỏ được cột mốc 2:20 bởi vì cô ấy chạy nhiều hơn bất kỳ phụ nữ nào trước đó trong lịch sử. Ed Whitlock thì tỏ ra thận trọng hơn về cách mà ông ta trở thành một chân chạy hơn 70 tuổi vĩ đại nhất trong lịch sử, nhưng việc dành từ 3 đến 4 giờ chạy không ngừng nghỉ quanh một nghĩa trang ở địa phương thì ông ấy chắc hẳn phải có một lý do đặc biệt nào đấy. Gene Dykes, người làm kỉ lục của Whitlock kém vĩ đại đi, ghi nhận bước đột phá của mình bằng cách thêm các cuộc đua ở cự li ultra vào lịch của mình.

Không chỉ những ai chạy marathon mới cần xây dựng nền tảng bằng mileage. Arthur Lydiard trở thành một huấn luyện viên huyền thoại bằng cách khẳng định ngay cả với cự li 800m, bạn cũng cần một cái nền thật chắc chắn với lý tưởng là 100 dặm/tuần, trước khi bạn nghĩ tới việc tập luyện ở một tốc độ nhanh hơn. Ngày nay, chúng ta cần phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố cần thiết để có thể phát triển được hết tiềm năng của một vận động viên. Nhưng bạn không thể nào xây nhà từ nóc được, việc gì cũng phải bắt đầu từ một bộ nền chắc chắn.

Thực ra, như đã đề cập trong bài Dặm rác (Junk miles), dặm rác chỉ thưc sự là rác khi bạn chạy quá nhanh trong những bài thả lỏng, để rồi hết hơi và chạy chậm (hoặc dừng nghỉ) trong các bài chạy tốc độ sau đó. Nhiều người đã hiểu nhầm các bài chạy nhẹ thả lỏng là dặm rác. Như câu chuyện về nhà vô địch Olympic Spiridon Louis phía trên, không có gì được gọi là “dặm rác” cả, tất cả những quãng đường bạn chạy được sẽ phục vụ cho một mục tiêu lâu dài phía trước.

Trích Roger Robinson trong “When running made history”

The post Junk Miles (dặm rác) và câu chuyện về nhà vô địch Olympic appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *