Dụng cụ tập bơi cần thiết để cải thiện kỹ thuật

Bạn từng thấy VĐV đi tập thường xách theo 1 cái túi lưới đựng dụng cụ to như cái balo, trong đấy lủ khủ nào là : Ván bơi chân, ván bơi tay, vòi hơi, chân vịt, dây cao su, bàn quạt to, bàn quạt ngón tay, rồi thì kính bơi, nón bơi, dù (parachute) hay quần (drag shorts) tạo lực cản, chưa kể vài cái dư ra phòng trường hợp nón rách hay kiếng hư giữa chừng, HLV nào thích công nghệ thì bạn có thể thấy thêm máy báo nhịp (tempo trainer), dụng cụ báo độ xoay (Tik Tok)… À không đừng vội lắc đầu, tôi không hề có ý định khuyên các bạn đi sắm hết các món đồ chơi kể trên. Đối với các bạn mới tập hay đang tập cho 3 môn phối hợp, tôi có lời khuyên các bạn hãy chỉ cần 5 món quan trọng dưới đây để giúp các bạn hoàn thiện kỹ thuật cũng như giúp việc tập luyện hiệu quả hơn.

Ván bơi

Ván bơi tiện dụng nhất cho các bạn là loại 2 trong 1, có thể dùng cho cả bơi chân và bơi tay. Nó to hơn ván bơi tay hình số 8 và bé hơn ván bơi chân hình chữ nhật trơn láng. Nó được thiết kế để bạn có thể kẹp vào giữa đùi và ko dễ dàng bị tuột ra.

Ván bơi thông thường

Phao số 8

Ván bơi 2 trong 1

Khi cầm ván này để bơi chân, bạn có hai lựa chọn. Hoặc bạn cầm ở đầu ván và ngẩng đầu đập chân hoặc bạn cầm ở cuối ván và cúi đầu khi đập chân. Cách hai giúp các bạn nổi dễ dàng hơn nhưng nhược điểm là bạn phải ngẩng lên lấy hơi khá thường xuyên.

Khi dùng ván này để bơi tay, bạn kẹp nó vào giữa đùi, chú ý không bắt chéo hai cổ chân, bạn cần giữ cho cơ thể thăng bằng chứ không phải một chân cao một chân thấp. Ép nhẹ đùi để giữ ván cố định, điều này cũng gián tiếp giúp bạn giữ chân thẳng, người căng dài.

Bạn cũng có thể cầm ván để bơi bài tập (drill) 1 tay dành cho các bạn mới tập rất hữu ích.

Các drill với ván bơi để tập bơi sải (lưu ý: trong video dùng phao số 8 nhưng các bạn nên dùng ván bơi thông thường hoặc 2 trong 1)

Chân vịt

Đây là niềm vui nhưng đôi khi cũng là nỗi lo của nhiều người khi sử dụng. Vui là khi đeo vào có cảm giác mình như Michael Phelps ngay còn lo là chưa bao lâu thì chân đã muốn chuột rút. Do đó bạn cần khởi động kỹ trước các bài chân vịt.

Có 2 loại chân vịt: bản (blade) dài và bản ngắn, chất liệu được sản xuất cũng có độ mềm cứng khác nhau. Đối với mình, 1 cặp chân vịt hoàn hảo là mang vừa vặn không chaffing, diện tích blade to bằng 1 bàn chân của mình nữa, phải mềm dẻo để có độ vẩy.

Chân vịt giúp bạn tăng lực đẩy, bơi nhanh hơn và đồng thời giúp cổ chân dẻo hơn.

Khi mang chân vịt sẽ không phải lo lắng nhiều đến việc phải làm người nổi và tiến về trước, nó cũng giúp cho cổ chân mềm dẻo hơn, tuy nhiên càng phải chú ý kỹ thuật nhiều hơn bởi vì dù bạn có đập chân đúng hay chưa đúng lắm nó vẫn giúp bạn tiến về trước nhanh chóng. Hãy luôn co thật ít và đập xuống thẳng gối với lực phát ra từ hông.

Chân vịt là cứu cánh khi bạn tập drill nhất là những drill khó, bạn sẽ vẫn di chuyển, nổi cao và thở được dễ dàng khi có sự hỗ trợ của nó. Khi đó bạn sẽ toàn tâm toàn ý tập trung vào các chi tiết cần sửa của drill bạn đang làm.

Drill xoay người nên tập với chân vịt

Bàn quạt

Bàn quạt ngày nay có rất nhiều loại, không chỉ về tiết diện to nhỏ và vì khoa học kỹ thuật phát triển nên sản sinh ra nhiều loại khác nhau phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Nhưng để đề nghị 1 cặp bàn quạt dùng được cơ bản và hiệu quả, mình lựa chọn bàn quạt truyền thống với cutting viền xung quanh chỉ to hơn bàn tay thật của bạn tầm 1cm và có các lỗ nhỏ để tạo cân bằng cũng như giảm tải khi bạn quạt nước. Khi quạt với bàn quạt dĩ nhiên tần số sẽ chậm hơn NHƯNG mình luôn khuyến khích học viên GIỮ TẦN SỐ BƠI càng gần với bình thường càng tốt và dĩ nhiên là với kỹ thuật đúng, khi bạn không thể giữ được kỹ thuật thì bạn buộc phải quạt chậm lại.

Bàn quạt kiểu cổ điển

Bàn quạt với size vừa vặn

Bàn quạt được dùng để tăng áp lực bài tập lên phần trên cơ thể của bạn, tăng sức mạnh thân trên. Bàn tay đeo bàn quạt sẽ có tiết diện to hơn có nghĩa là ôm được nhiều nước hơn, nặng hơn thì khi đó vai và cánh tay phải làm việc vất vả hơn. Bạn có thể kẹp phao để bơi tay, lúc này bạn tập trung hoàn toàn vào việc tăng sức mạnh tay, bạn cũng có thể đeo bàn quạt bơi đập chân bình thường để giữ nhịp điệu bơi.

Mình thích dùng loại bàn quạt chỉ có 1 dây đeo ở ngón giữa vì với cách này bạn phải tìm cách chọn góc bàn tay chính xác hơn và chỉ có thể đẩy nước hướng thẳng ra sau mượt mà, nếu bạn thấy bàn quạt cứ muốn rời ra khỏi bàn tay thì bạn phải kiểm tra lại góc bàn tay và hướng quạt nước của mình ngay.

 

Khi bạn tháo hết dây trên bàn quạt, bạn có thể sử dụng nó để tập chèo (sculling) và tập điều khiển góc độ bàn tay nhằm “cảm giác” nước tốt hơn vì khi góc độ bàn tay quạt sai thì bàn quạt sẽ tự rơi ra khỏi tay.

 

Vòi hơi

Đeo vòi hơi cho phép bạn tập trung vào kỹ thuật bơi đặc biệt là tư thế thân người. Đeo vòi hơi bạn không cần phải nghiêng đầu thở, bạn có 100% thời gian để quan sát mình quạt tay dưới nước như thế nào. Đeo vòi hơi, giữ đầu cố định dạy cho bạn tư thế “đỉnh đầu ngang mặt nước” và ý thức rõ ràng cơ thể mình xoay quanh trục dọc ra sao.

Tuy nhiên đây là thứ đồ chơi hơi khó dùng, bạn phải có thời gian làm quen với nó, bạn phải thay đổi cách thở 1 chút. Đứng tại chỗ tập thở trước, hít vào bằng miệng cẩn thận với mũi đóng chặt nếu không nước sẽ đi vào mũi gây sặc. Bạn có thể dùng 1 cái kẹp mũi khi bơi với vòi hơi để tránh tình trạng này nhưng khi bạn hít vào thở ra chỉ bằng 1 đường miệng thì miệng bạn và cổ họng sẽ khô rất nhanh khá khó chịu.

Bạn có thể nhờ 1 bạn của mình quan sát vòi của bạn có bị lắc lư khi bạn bơi hay không sẽ biết được bạn có giữ cơ thể mình thẳng hay dao động phương ngang.

Quần tạo sức cản (drag shorts)

Mình chỉ giới thiệu món đồ chơi này cho các bạn đã bơi tốt hoặc thậm chí rất tốt rồi. Món này sẽ hoàn toàn không áp dụng với các bạn newbie.

Quần drag short

Drag shorts làm bạn phải bơi gắng sức hơn vì phải chiến đấu với lực cản lớn, giúp tăng sức mạnh toàn thân. Nếu bạn đã từng chạy với tạ cổ chân hay đạp xe gear nặng thì drag shorts cũng cho bạn tác dụng tương tự.

Drag shorts cũng có vài loại trên thị trường và loại mình thích nhất là loại có nhiều túi nổi.

Drag shorts có thể dùng cho cả nam và nữ, chỉ cần mặc chồng nó ra bên ngoài bộ quần áo bơi bạn đang mặc. Mình thích loại này vì nó tạo ra nhiều lực cản ở ngay trọng tâm cơ thể , nghĩa là bạn phải dùng cả tay và chân để chống lại lực cản đó nhưng nó không làm cho bạn bị chìm hông, võng lưng hay chìm cả chân dẫn đến sai kỹ thuật như khi bạn đeo dù bơi (parachute) hay thậm chí đeo dây lưng có tạ.

Không nên mặc drag shorts suốt buổi tập vì có thể sẽ gây quá tải và chấn thương, chỉ mặc nó trong các bài xây dựng sức mạnh và sức mạnh tốc độ.

Phần lớn các dụng cụ trên (nếu không muốn nói là toàn bộ) đều được bán ở Decathlon với giá khá rẻ, đặc biệt là các dụng cụ thông thường không đòi hỏi công nghệ cao như phao bơi, vòi hơi, chân vịt v.v.. Vì vậy bạn có thể ngay lập tức qua đó mua và bắt đầu tập mà không cần chờ ship đồ đắt đỏ từ Mỹ về.

The post Dụng cụ tập bơi cần thiết để cải thiện kỹ thuật appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *