Đội tuyển Triathlon và Duathlon Việt Nam ở SEA Games 2019 – chuyện chưa kể

Trước thềm SEA Games 30, các báo trong nước đã đưa tin Đoàn Thể Thao Việt Nam đã chốt danh sách các VĐV tham dự giải thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á này. Lần này, ĐTT Việt Nam sẽ tới Philippines với 856 thành viên, bao gồm các VĐV, HLV, chuyên gia và các quản lý. Đặc biệt, bộ môn triathlon và duathlon (3 môn phối hợp và 2 môn phối hợp) lần đầu tiên góp mặt cùng đoàn Việt Nam với 8 VĐV, 1 HLV và 3 quản lý. Cự ly 3 môn phối hợp ở SEA Games là cự ly Olympic, gồm 1.5km bơi, 40km đạp xe và 10km chạy. Còn cự ly 2 môn phối hợp là: 10km chạy, 40km đạp xe và 5km chạy.
Lựa chọn đội tuyển quốc gia tham gia Olympic hay kể cả các giải khu vực như SEA Games, tưởng là đơn giản nhưng thực tế lại lắm nỗi nhiêu khê. Trong bài viết này chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách thức mà ủy ban Olympic các nước dùng để chọn ra những VĐV ưu tú nhất để tranh tài, và hãy cùng tìm hiểu một chút chuyện hâu trường của qua trình chọn đội tuyển triathlon và duathlon Việt Nam đi tham dự SEA Games 30.

Quy trình chọn đội tuyển quốc gia trên thế giới

Quy trình chọn đội tuyển phụ thuộc vào từng liên đoàn. Một số bộ môn sẽ có 1 cuộc thi được tổ chức bởi liên đoàn để chọn đội tuyển. Lấy ví dụ đội tuyển Olympic Marathon của Mỹ, các VĐV sẽ tham dự một race gọi là “National Trial” (tạm gọi là “Thi Thử”), top 3 Nam và Nữ của cuộc thi sẽ mặc nhiên được chọn lên tuyển. Đây là trường hợp của Malaysia khi chọn đội tuyển duathlon cho kỳ SEA Games 30. Vào ngày 22 và 23/07/2019, liên đoàn Triathlon Malaysia đã tổ chức cuộc thi National Duathlon Trial tại đường đua xe Công Thức 1 ở Sepan để chọn ra 2 VĐV Nam và 2 VĐV Nữ lên tuyển.

Ngoài ra cũng cần nói thêm là liên đoàn triathlon Singapore và Malaysia có giới hạn cut-off cho các VĐV. Nghĩa là kể cả VĐV có vô địch ở kỳ Thi Thử, nhưng nếu thành tích thấp hơn cut-off thì cũng không được lên tuyển. Điều này đồng nghĩa với việc một quốc gia có thể không có VĐV tham dự SEA Games. Thời gian cut-off được tính bằng thành tích của VĐV hạng 3 ở cùng nội dung thi ở kỳ SEA Games trước. Như vậy thời gian cut-off như sau:

  • Triathlon: 2h04 (nam), 2h26 (nữ)
  • Duathlon: 2h04 (nam), 2h26 (nữ) – bằng thời gian với triathlon. Đây là thành tích của năm 2007. Từ đó tới nay duathlon không được đưa vào danh mục thi đấu.

Việc chọn đội tuyển triathlon ở Việt Nam

Trước tiên phải kể tới việc quyết định thành lập đội tuyển triathlon và duathlon dự SEA Games mới chỉ được phê duyệt bởi Tổng Cục Thể Thao VN vào tháng 6/2019, danh sách sơ bộ phải gửi tới ủy ban Olympic Philippines vào tháng 8/2019 và danh sách cuối cùng phải được chốt vào đầu tháng 9/2019. Việc gửi danh sách đúng hạn là đặc biệt quan trọng. Liên đoàn triathlon của Indonesia do gửi danh sách muộn nên đã bị loại khỏi nội dung triathlon và duathlon của SEA Games!

Theo Ban Vận Động Liên Đoàn Triathlon Việt Nam (viết tắt là BVĐ LĐ), chính vì thời gian gấp rút như vậy nên cần làm nhiều việc cùng một lúc. Đầu tiên, BVĐ LĐ đã liên hệ thuê Wille Loo người Singapore làm HLV trưởng bộ môn triathlon và duathlon cho đội Việt Nam. Loo là một triathlete lâu năm, từng giành HCĐ SEA Games năm 2015 và hạng 4 SEA Games 2017, là một người có nhiều kinh nghiệm ở cự ly Olympic. Loo sẽ chịu trách nhiệm chọn và huấn luyện đội tuyển.

Boidapchay đã có buổi nói chuyện với HLV Wille Loo để hiểu rõ hơn quá trình tuyển chọn. Theo HLV Loo, do bộ môn này còn mới ở Việt Nam nên cách tốt nhất để chọn danh sách sợ bộ là nhìn vào thành tích các cuộc thi đã diễn ra. Theo lịch trình của HLV, danh sách sơ bộ sẽ được chọn ra vào cuối tháng 6, sau đó đội tuyển sẽ có một đợt sát hạch lần cuối vào ngày 18/8 để chốt danh sách chính thức. Sau đó đội tuyển sẽ có 1 tới 2 giải thi đấu tiền SEA Games để cọ xát trước khi lên đường sang Philippines vào cuối tháng 11. Theo điều lệ của BTC SEA Games, mỗi nước có thể cử tối đa 2 VĐV tham gia các nội dung sau: triathlon nam/nữ, duathlon nam nữ. Ngoài ra, còn có hạng mục đồng đội (Mix Relay): 2 nam và 2 nữ cho nội dung triathlon và duathlon.

Đội tuyển triathlon

Đối với môn triathlon, theo HLV Loo, ở cự ly Olympic này, quan trọng nhất là phải có khả năng bơi tốt thì mới có thể nghĩ tới chuyện có thành tích. Lý do vì nếu VĐV không thể bơi lên cùng top dẫn đầu (lead group) hoặc top truy đuổi (chase group) thì các VĐV của chúng ta sẽ không thể núp gió và sẽ bị nhóm dẫn đầu bỏ lại. Trong cuộc thi, việc nhóm dẫn đầu hợp tác kéo nhau với tốc độ 40kmh là chuyện bình thường. Nếu phải đạp một mình, chúng ta coi như hết hy vọng tranh chấp. Bởi vậy bơi nhanh là điều kiện tiên quyết. Đương nhiên khả năng đạp và chạy cũng quan trọng. Sau khi đã đối chiếu các tiêu chí trên với BXH Ironman 70.3 Vietnam 2019, HLV Loo đã chọn ra một nhóm các VĐV.

Dựa vào thành tích kỳ thi Ironman 70.3 Vietnam 2019, HLV Loo đã chọn ra vài gương mặt có khả năng tranh chấp. Nên nói thêm rằng, thành tích của nữ giới ở Ironman 70.3 Vietnam có phần thua nhiều so với cánh đàn ông, cũng một phần do phong trào chưa mạnh. Tuy nhiên, vì SEA Games là sân chơi của khu vực, nên HLV Loo bắt buộc phải chọn những gương mặt xuất sắc nhất. Cụ thể, sẽ thật vô lý khi cử các VĐV có thành tích chưa đạt đến sub 6 đi thi SEA Games. Sau vài lần thay đổi, chọn lọc qua quá trình thi đấu và đặc biệt là buổi race tuyển chọn ngày 18/08, đội tuyển triathlon đã được chốt bao gồm:

  • Đội nữ: Phạm Thúy Vi và Nguyễn Thị Kim Tuyến
  • Đội nam: Lê Hoàng Vũ và Trần Văn Nhân
  • Mix relay: Lâm Quang Nhật, Lê Hoàng Vũ, Nguyễn thị Kim TuyếnPhạm Thúy Vi

Trong quá trình tập luyện, chọn lọc, có trường hợp xin nghỉ hoặc không tham gia buổi tuyển chọn cuối cùng vì nhiều lý do khác nhau, vì vậy đội hình này, theo HLV Loo, là đội hình khả dĩ nhất có thể sắp xếp được. Và nhận định này không phải không có cơ sở:

Về đội nữ, Phạm Thúy ViNguyễn Thị Kim Tuyến đang giữ vị trí số 1 và số 3 Việt Nam tại giải Ironman 70.3 Vietnam 2019. Tại giải tiền Sea Games tổ chức ở vào tháng 9 (Singapore International Triathlon), VĐV Kim Tuyến cũng xuất sắc đánh bại VĐV số 2 của tuyển SEA Games Malaysia Aimi Kawasaki để lên ngôi vô địch hạng mục Elite nữ. VĐV Thúy Vi cũng xuất sắc đoạt HCĐ trong cùng cuộc thi. Trước kỳ thi này, VĐV Thúy Vi cũng lên ngôi vô địch tổng sắp tại giải Trifactor Singapore vào tháng 8. Về phía đội tuyển Nam, VĐV Lê Hoàng Vũ cũng về hạng 4 hạng mục Elite Nam, chỉ sau hai UCV HC của nước chủ nhà Singapore (Clement Chow đội Singapore đã đoạt HCĐ SEA Games 2017). Cuối cùng là VĐV Lâm Quang Nhật. Kình ngư trẻ tuổi này đã từng giành HCB và HCV cự ly 1.500m bơi tự do tại SEA Games, đủ làm bất cứ đối thủ nào cũng phải dè chừng. Tuy nhiên, thời gian tập triathlon của Quang Nhật còn quá ngắn nên HLV Loo ghi tên anh vào nội dung đồng đội. Cần nói thêm, ở nội dung đồng đội, mối nước có 4 VĐV (nam, nữ) và mỗi VĐV sẽ phải thực hiện đủ 3 môn thi đấu gồm 300m bơi, 6.6km đạp và 1km chạy trước khi chuyển tiếp cho người sau. Vì vậy, với kinh nghiệm còn ít và khả năng chạy chưa cao, Quang Nhật thi ở cự ly này là hợp lý.

Sau giải Singapore International Triathlon, các VĐV của chúng ta sẽ có một giải tiền SEA Games cuối cùng đó là giải Sunset Triathlon ở vịnh Hạ Long vào tháng 11.

Đội tuyển duathlon

Về phía đội tuyển duathlon,HLV Loo yêu cầu các VĐV phải có khả năng về điền kinh, tuy nhiên kinh nghiệm đạp xe cũng đặc biệt quan trọng. Lý do vì trong khi thi đấu, các VĐV nước khác chắn chắn sẽ tấn công liên tiếp ở những khúc cua, đoạn lên dốc v.v.. Vì vậy các VĐV của Việt Nam cần có kỹ thuật đạp xe lẫn khả năng chạy nhanh để bám đuổi top. Điều này thực sự là trở ngại khi Việt Nam vốn có thế mạnh điền kinh nhưng không ai trong đội điền kinh có kỹ năng xe đạp, và ngược lại.

Tuy nhiên có trường hợp ngoại lệ, đó là VĐV Nguyễn Phương Trinh, hiện đang thuộc biên chế đội điền kinh Hậu Giang. VĐV Phương Trinh vốn trưởng thành từ đội đạp xe TP HCM, đã từng thi đấu tại các giải đua xe chuyên nghiệp, so tài với Nguyễn Thị Thật. Sau đó Trinh đầu quân cho đội điền kinh Hậu Giang cho tới nay. Vì lẽ đó, mặc dù có một vài gương mặt khác cũng tham gia kỳ thi tuyển chọn đội tuyển ngày 18/8, nhưng chỉ duy nhất VĐV Phương Trinh được HLV đánh giá có đủ khả năng tranh chấp HC và trở thành đại diện nữ duy nhất của đội duathlon Việt Nam (mỗi hạng mục được cử tối đa 2 VĐV, hoặc không có VĐV nào nếu không đủ tiêu chuẩn). Niềm hy vọng của HLV không phải không có cơ sở khi ở giải tiền SEA Games Clark Duathlon Championship, Phương Trinh đã xuất sắc giành HCĐ hạng mục Elite nữ, va chỉ thua VĐV số 2 của đội tuyển Philippines (Sabado Jelsie) khoảng 1 phút. Cần nói thêm rằng các VĐV Philippines hiện đang xưng hùng xưng bá ở bộ môn triathlon và duathlon trong khu vực nên thành tích này rất đang khích lệ.

Về phía đội tuyển Nam, hai gương mặt được chọn là VĐV Cao Ngọc Hà và VĐV Nguyễn Tiến Hùng. VĐV Cao Hà vốn tập luyện cho môn triathlon nhưng HLV Loo, sau buổi kiểm tra ngày 18/8, đánh giá anh có khả năng tranh chấp ở môn duathlon hơn (do khả năng bơi còn yếu so với các VĐV nước khác) nên Cao Hà đã chuyển qua môn duathlon. VĐV Nguyễn Tiến Hùng cũng là một chân chạy có tiếng, lại vừa đoạt giải nhất nhóm người Việt tại Challenge Vietnam 2019 nên cũng được gọi lên tuyển. Tại kỳ thi tuyển cuối cùng, VĐV Tiến Hùng đã xuất sắc đạt thành tích 2h04p, bằng với tiêu chuẩn cut-off và đủ điều kiện vào đội tuyển chính thức. Tại giải Clark Duathlon Championship, bộ đôi này cũng giành thứ hạng khá tốt với Cao Hà xếp hạng 4 hạng mục Elite và Tiến Hùng hạng 6.

Lối đi nào cho triathlon Việt Nam

Có thể nói, với trình độ của chúng ta hiện tai, khả năng tranh chấp HC với các nền triathlon và duathlon lớn của khu vực như Philippines và Singapore tại SEA Games lần này là không quá cao. Nếu điều kiện thi đấu thuận lợi và một chút may mắn, chúng ta hy vọng có thể đoạt 1 HCĐ nhưng mục tiêu đó cũng khá khó khăn. Tuy nhiên, như đại diện BVĐ LĐ Triathlon Việt Nam cho biết, những nước như Philippines hay Singapore đã đi trước chúng ta ít nhất 20 năm trong bộ môn này, và đội tuyển tham gia lần này ngoài mục đích cọ xát, các VĐV cũng được hy vọng sẽ tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thi đấu để có thể huấn luyện, truyền đạt lại cho lứa VĐV kế tiếp cho SEA Games 2021 ở Việt Nam. Đó mới là mục đích lâu dài.

Và để đạt được mục đích đưa Việt Nam lên tầm khu vực trong bộ môn này cần có sự chung tay giữa giới phong trào và giới chuyên nghiệp, cũng như giữa nhà nước và các doanh nghiệp. Đội tuyển Việt Nam đi thi đấu lần này nhờ 100% vốn xã hội hóa đã cho thấy sự quan tâm của công chúng tới bộ môn này. Hy vọng các doanh nghiệp sẽ quan tâm đến bộ môn này nhiều hơn nữa, như mô hình giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam VBA. Hy vọng các VĐV chuyên nghiệp sẽ được tài trợ để chuyển đổi bộ môn khi họ đã qua thời đỉnh cao ở bộ môn hiện tại. Dù sao thì sân chơi SEA Games vẫn nên dành cho các VĐV chuyên nghiệp hoặc bán chuyên. Đơn cử như Lâm Quang Nhật hay Nguyễn Thị Kim Tuyến, với khả năng bơi của mình, họ có tương lai rất xán lạn trong môn triathlon này. Trước đó, võ sĩ Taekwondo Nguyễn Văn Hùng từng 5 lần vô địch SEA Games cũng được gọi lên tuyển… Bóng rổ ở SEA Games 2017. Ở trong khu vực, các VĐV đều thuộc biên chế các công ty tư nhân. Ví dụ như nòng cốt đội tuyển Philippines là nhân sự của Standard Insurance, hay ít ai biết rằng Clement Chow của Singapore là một kiểm toán viên của Deloitte và Ethel Lim là một luật sư doanh nghiệp.

Sau cùng, sự ủng hộ của người hâm mộ, các đội tuyển và CLB là điều không thể thiếu để nâng tầm môn triathlon ở Việt Nam. Chỉ có sự chung tay của doanh nghiệp, nhà nước, và cộng đồng mới có thể phát triển môn thể thao này một cách bền vững. Ngược lại, nếu vẫn còn tâm lý “quân anh, quân tôi” hay “gà nhà” thì có lẽ chúng ta sẽ còn lâu mới đuổi kịp Philippines. Hy vọng các nhà quản lý thấy được điều này và học tập từ ví dụ thực tế của đội tuyển bóng đá và bóng rổ hiện nay.

PS: Các bạn có thể tải điều lệ tuyển chọn đội tuyển và các thông tin liên quan ở đây










The post Đội tuyển Triathlon và Duathlon Việt Nam ở SEA Games 2019 – chuyện chưa kể appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *