Điểm mặt các UCV HCV môn Marathon tại SEA Games 2019

Ngày 6/12, nội dung Marathon tại SEA Games sẽ khởi tranh. Liệu đoàn Việt Nam có cơ hội gì không? Chúng ta hãy cùng điểm mặt các UCV cho bộ huy chương môn này. 

MARATHON NAM

Theo thông báo mới nhất, trái với suy nghĩ ban đầu, Hà Văn Nhật và Đỗ Quốc Luật đều không tham gia cự ly Marathon. Vì vậy có nghĩa là đoàn Việt Nam không cử VĐV Nam tham gia nội dung này.

Ngoài ra còn một bất ngờ nữa, đó là việc Soh Rui Yong (Singapore) – vô địch 2 kỳ SEA Games gần đây – cũng không được Liên Đoàn Điền Kinh Singapore cử đi thi đấu. Trong thông cáo báo chí, Liên Đoàn Điền Kinh Singapore giải thích rằng biểu hiện và thái độ của Soh Rui Yong không phù hợp tiêu chí của liên đoàn và không xứng đáng được đại diện cho một quốc gia đi thi ở cấp khu vực. Điều này cũng khá dễ hiểu khi Soh Rui Yong có vẻ rất dị ứng với LĐĐK khi luôn công khai chỉ trích liên đoàn trên trang cá nhân của mình. Về phía LĐ, có lẽ quản một VĐV ngôi sao như Soh cũng không dễ khi anh chàng này ngang nhiên chống đối qua nhiều hình thức: tự ý rạch áo (có logo nhà tài trợ) để mặc khi thi đấu cho thoáng mát dẫn tới việc LĐ bị cắt tài trợ 4 tháng sau đó. Hoặc anh chàng cũng công khai ủng hộ nhà tài trợ cá nhân mặc dù theo luật liên đoàn thì các VĐV không được phép làm như vậy cho tới sau SEA Games (gọi là media black-out). Với việc Soh không được tham dự SEA Games, LĐĐK Singapore đã đăng ký 2 VĐV là Gordon Lim và Alvin Loh. Tuy nhiên 2 VĐV này mới chỉ có PB 2:37 tại giải Sunshine Coast ở Australia nơi có thời tiết mát mẻ. Thành tích 2:37 cũng kém xa thành tích HCĐ SEA Games lần trước là 2:31:52 nên có thể nói 2 VĐV này gần như không có cửa tại giải lần này.

Soh Rui Yong sẽ không tham gia SEA Games

Với việc Soh Rui Yong bị loại, cánh cửa HCV có vẻ mở rộng hơn cho VĐV Indonesia Agus Prayogo. Tại kỳ SEA Games 2017, Prayogo đã giành HCB với thành tích 2:31:20 (kém gần 2 phút so với Soh 2:29:27). Mặc dù đã bước sang tuổi 35 (sinh năm 1985) nhưng Prayogo vẫn là đương kim kỷ lục gia các cự ly 3KM-5KM-10KM-21KM của Indonesia. Tại kỳ SEA Games trước, Prayogo cho rằng mình không có đủ thời gian tập luyện vì bận đăng ký vào trường quân sự. Đến với kỳ SEA Games này, Prayogo quyết tung 100% vào luyện tập và thi đấu để giành HCV. Tuy nhiên có vẻ năm nay Prayogo chưa tham gia giải race Marathon nào để đánh giá chỉ số, ngoại trừ cự ly Half Marathon tại Gold Coast tháng 7/2019, nơi anh về thứ 20 với thành tích 1:06:20. Tại kỳ SEA Games 2019, Prayogo sẽ tham gia cự ly 5KM-10KM và Marathon. Mục tiêu sắp tới của Prayogo là giải VĐQG Pekan Olahraga Nasional 2020 (tạm dịch là Tuần Thể Thao Quốc Gia) được tổ chức 4 năm một lần.

Agus Prayogo của Indonesia

Tuy nhiên Agus Prayogo nhiều khả năng cũng không có cửa tranh chấp HCV khi năm nay đội Thái Lan ra mắt một tân bình rất mạnh là Tony Ah Thit Payne. Tony có thành tích PB 2:16:56 tại giải Frankfurt Marathon 2018, bỏ xa PB của Soh Rui Yong 2:23:42 (cũng là KLQG của Singapore) lập tại Seoul Marathon 2019. Cả 2 giải Frankfurt và Seoul đều có thời tiết mát mẻ thuận lợi nên có thể nói Payne có trình độ cao hơn Soh rất nhiều và vượt bậc so với mặt bằng chung của khu vực.

Tony Payne sinh năm 1989, có bố người New Zealand và mẹ người Thái Lan, sống phần lớn tuổi thơ ở New Zealand và hiện nay đang sống ở London, nơi anh đang làm luật sư chuyên về Thể Thao. Năm 2018, khi phát hiện Thái Lan cho phép có 2 quốc tịch, Payne đã liên hệ với LĐĐK Thái Lan và được nhập tịch thành công, vừa kịp đăng ký cho SEA Games 2019. Thực tế, chuyện “nhập tịch” VĐV không phải là hiếm ở SEA Games và trên thế giới. Tuy nhiên, các VĐV có chút “nguồn gốc” (có ít nhất bố hoặc mẹ là người gốc Châu Á) như Payne thì khá hiếm. Đơn cử như đoàn ĐK Bahrain, năm nay làm mưa làm gió tại ASIAD 2018 với 12 HCV nhưng 9 trong số đó đến từ các VĐV nhập tịch từ Kenya, Ethiopia và Nigeria. Quay trở lại Payne, sau khi nhập tịch Thái Lan, anh chàng đã quyết định bỏ công việc, tập luyện toàn thời gian với mục đích đoạt HCV kỳ SEA Games lần này và đạt chuẩn để tham dự Olympic Tokyo 2020. Hiện nay Payne sống bằng đam mê thể thao, phần lớn tiền đến từ trợ cấp của LĐĐK Thái, một số nhà tài trợ (như Nike, SOS Hydration và Stadium One) và…cô bạn gái lâu năm Julia. 

Tony Payne của Thái Lan

So sánh với Agus Prayogo của Indonesia, các chỉ số cự ly ngắn của Payne có vẻ không bằng.

  Tony Payne Agus Prayogo
1500m 4:04.51 3:49.65
5000m 14:51.71 14:02.12
10.000m 31:15.21 29:25.77
HM 1:09:48 1:06:20

Tuy nhiên, tại ASIAD 2018 tại Indonesia, chính Agus Prayogo lại chịu ảnh hưởng của nhiệt độ chứ không phải là Payne, người thường tập luyện ở môi trường mát mẻ. Có lẽ, cuộc chiến giành HCV Marathon ở SEA Games năm nay rất đáng xem.

MARATHON NỮ

Ở phía các VĐV nữ, người được đánh giá cao nhất vẫn là VĐV nước chủ nhà, quán quân Marathon tại kỳ SEA Games trước Mary Joy Tabal. VĐV sinh ra ở vùng biển du lịch Cebu nổi tiếng đạt thành tích 2:48:26 hai năm trước ở Malaysia để lên ngôi vô địch, đánh bại đối thủ là Hoàng Thị Thanh của Việt Nam (2:55:43) và Natthaya Thanaronnawat của Thái Lan (2:58.17). Năm nay, cả Hoàng Thị Thanh lẫn Natthaya Thanaronnawat đều không thi đấu khiến cơ hội giữ ngôi hậu của Tabal càng trở nên chắc chắn hơn. Hiện tại, PB của Tabal vẫn là 2:43:29 được lập ở Ottawa năm 2016. Trong năm 2018 và 2019, có vẻ Tabal không mấy thành công. Cô quay trở lại Ottawa năm nay với mục đích đạt chuẩn tham dự Olympic Tokyo 2020 (2:42:00) nhưng chỉ đạt được thành tích 2:49:57. Tại ASIAD 2018, Tabal cũng không thành công khi chỉ về hạng 11 với thành tích 2:51:41.

Mary Joy Tabal của Philippines

Tại kỳ SEA Games năm nay, LĐĐK Philippines lẫn Tabal đều tỏ ra rất thận trọng khi nói tới mục tiêu HCV. Tabal cho rằng chắc chắn sẽ hướng tới HCV nhưng các đại diện của Việt Nam và Thái Lan cũng rất mạnh nên tất cả sẽ phải ngã ngũ trên đường chạy.

Về phía Việt Nam, đại diện nữ duy nhất của chúng ta sẽ là VĐV Phạm Thị Hồng Lệ. Cái tên Phạm Thị Hồng Lệ đã trở nên quen thuộc trong những năm gần đây với giới chạy bộ Việt Nam, khi phong trào ngày càng lên và các VĐV chuyên nghiệp tích cực tham gia vào các giải chạy “xã hội hóa” như Techcombank Marathon, Ecopark Marathon thay vì các giải chạy cho giới chuyên nghiệp như Việt Dã Báo Tiền Phong. Lâu lâu cô cũng thường chia sẻ chỉ số Garmin lên các diễn đàn, với HR khi thi đấu có khi lên tới 190 bpm! Điều này khiến giới phong trào rất hứng thú và ranh giới cấm địa giữa giới phong trào và chuyên nghiệp cũng được xóa bớt.

Hồng Lệ tại Ecopark Marathon 2019

Về lai lịch của mình, Hồng Lệ sinh năm 1998 tại xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Khi lên lớp 9 thì lệ được chọn vào đội tuyển của tỉnh. Năm 2014, Hồng Lệ từng giành HCB cự ly 3000m hệ trẻ giải việt dã báo Tiền Phong được tổ chức tại Đà Lạt. Cũng trong năm 2014, Hồng Lệ đã gặt hái được những thành quả quan trọng đầu tiên với 2 tấm HCĐ ở các cự ly 10.000m và 5.000m. Năm 2017, Hồng Lệ mới được gọi lên ĐTQG. 

Về mặt thành tích, có một chút khó khăn để xác định khả năng của Hồng Lệ qua các giải đấu. Trưởng thành từ dân tuyển nên Hồng Lệ vẫn thường thi đấu theo chiến thuật “chỉ cần thắng đối thủ”. Vì vậy khá khó khăn để xác định PB của Lệ. Đơn cử, tại giải Ecopark Marathon (04/2019), Lệ về nhất với thành tích 3:08:39, nhưng chỉ 2 tháng sau tại giải VNExpress Marathon, thành tích này là 2:52:41. Thành tích này tuy chưa bằng Tabal của Philippines nhưng cũng cho thấy Lệ hoàn toàn có thể ganh đua vị trí số 1. Chưa kể nhiều khả năng 2:52:41 cũng không phản ánh khả năng thật sự của Lệ. Vì vậy chúng ta hãy chờ cuộc chiến giữa Lệ và các VĐV khác vào ngay 6/12/2019. Nội dung Marathon nữ sẽ khởi tranh lúc 5:15 sáng (giờ Việt Nam)

The post Điểm mặt các UCV HCV môn Marathon tại SEA Games 2019 appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *