Đánh bay nỗi sợ khi bơi ngoài trời

Từng bước chinh phục thử thách như: tham gia các nhóm tập luyện; rèn kỹ thuật hay đăng ký cự ly ngắn sẽ giúp bạn sớm trở thành chú rái cá khi tung mình xuống biển.

Bạn đang tập ráo riết để chuẩn bị cho Ironman Đà Nẵng tháng 5 này? Bạn chạy mượt rồi, 21 km ngon lành; đạp cũng dũng mãnh như ai sau nhiều tháng tập luyện nhưng bơi thì… Bạn vẫn lo lắng và sợ hãi khi nghĩ đến cảnh phải bơi đường trường (hay còn gọi là bơi phượt, bơi open-water/ngoài trời) ở nơi không phải là hồ bơi quen thuộc. Open-water bao la rộng lớn với chật kín người hùng hục xung quanh, bạn sợ những con sóng, bạn sợ không thấy đường bơi…

Chúng tôi hoàn toàn hiểu những nỗi lo của bạn nhưng hãy tin tôi, với sự chuẩn bị và tập luyện đúng đắn, bạn hoàn toàn có thể vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, chinh phục nó và thưởng thức cảm giác chiến thắng chính mình, hoà mình với thiên nhiên thật tuyệt diệu. 

 

Dù bạn có là HCV SEA Games

…hay chinh phục thử thách. Thì sự nỗ lực vượt qua chính mình luôn là điều kiện tiên quyết và đáng được ghi nhận 

Sau đây là các gợi ý của tôi:

1. Tham gia các nhóm hoặc câu lạc bộ 3 môn phối hợp, nơi có những người cùng sở thích, bạn sẽ có được sự ủng hộ tinh thần, sự hướng dẫn cần thiết và những đồng môn cùng nắm tay nhau xuống nước.

Các đội nhóm như này cũng thường tổ chức những buổi tập ở biển, hồ ngoài trời… Hãy tham gia càng nhiều càng tốt để nâng sự tự tin và thu lượm kinh nghiệm nhiều nhất có thể.

Khi tham gia bơi open-water bạn nên chuẩn bị phao đeo lưng có màu sắc nổi bật để mọi người có thể nhìn thấy dễ dàng. Bạn có thể mặc wetsuit (loại áo chống lạnh khi bơi) hoặc áo quần giữ ấm bằng vải neoprene để nổi trong nước giúp an toàn cho bản thân. Lý tưởng nhất là tìm được loại hỗ trợ người bơi luôn nổi mà không cần dùng sức. Lưu ý nên chọn cái vừa vặn để có thể bơi dễ dàng.

Chọn kính bơi thật tốt và rõ, không bị mờ sương. Điều này cực kỳ quan trọng vì khi không thấy rõ phía trước khiến bạn lập tức lo lắng và sợ hãi.

Ngoài việc học cách bơi tốt, bạn còn phải biết đứng nước phòng khi cần dừng để rửa tròng kính khi nó bị mờ hoặc định hướng khi bơi (sighting) lâu. Bạn cũng nên biết cách nằm thả ngửa thư giãn khi mệt hay chờ hỗ trợ.

2. Chọn đăng ký những cự ly ngắn như sprint của Ironman, Sunset bay Triathlon, Tri-Factor… (bơi 750m), hoặc bơi hồ tự nhiên (giải Suffer Fest) để giảm độ khó và dài của cự ly cho lần thi đấu open-water đầu tiên.

Khi thi đấu lần đầu nên chọn xuất phát phía sau cho vắng người để đỡ bị va chạm. Trong trường hợp xảy ra va chạm, hãy vui vẻ chấp nhận, dừng lại một chút nếu cần chỉnh lại kính bơi hay nhìn phương hướng rồi tiếp tục lại ngay.

Chọn hướng bơi (swim course) có độ khó thấp để có thể hoàn thành trong thời gian cho phép (cut-off), điều này khá quan trọng trong việc nâng sự tự tin của bạn, vì nếu chẳng may lỡ DNF, bạn sẽ bị ám ảnh không đáng có.

3. Về kỹ thuật, bạn sẽ phải bơi với 1 tần số nhanh hơn, biên độ ngắn hơn và liên tục hơn chứ không thể bơi trườn (glide) lâu như trong bể. Tuy nhiên, bạn không nên vội vàng và cắt bỏ các động tác cần thiết. Luôn nhớ, chỉ làm chúng nhanh hơn chứ không bỏ qua phần nào.

Có thể bạn sẽ nhanh chóng thấy ngộp vì điều đó, vậy nên cách tốt nhất là tập tần số nhanh hơn trong các bài luyện hằng ngày. Tập những bài quạt tay hoặc bơi với bàn quạt cũng là cách hữu hiệu để tăng sức mạnh tay, tuy nhiên tập với bàn quạt và giữ tần số (stroke rate) như khi bơi bình thường mới giúp bạn có khả năng tăng tần số quạt tay khi bỏ bàn quạt.

Bạn nên luyện kỹ thuật định hướng khi bơi (sighting) trong buổi tập hàng tuần (sighting khi bơi sải hay chuyển sang ếch). Cứ sau 1 lần sighting, bạn hãy nhắm mắt lại, bơi 6-10 chu kỳ và cố gắng bơi thẳng hướng bạn muốn mà không cần nhìn các dấu hiệu hay vạch đen dưới đáy hồ vì nó sẽ giúp bạn bơi thẳng hướng khi ra open-water.

Mọi người khi vào cuộc thi hãy nhớ chúng ta đều có chung xuất phát điểm. Và để vượt qua nỗi sợ hãy thì không còn cách nào khác là trực diện đối đầu với nó. Hãy cứ nhảy xuống và bơi. Ngay cả một số học sinh của tôi, mặc dù mới tập bơi 3 tháng trước race (từ xuất phát điểm không biết bơi), qua một vài lần bị bắt phải lao ra biển, mỗi lần là một lần luống cuống sợ hãi đến nỗi phải bơi ngửa để định thần (thực ra đến khi race lần đầu tiên cũng phải nằm ngửa định thần một lúc như vậy) thì không những đã hoàn thành race đầu tiên không đến nỗi tệ và cho tới nay vẫn tiến bộ hàng ngày, vẫn chinh phục các mốc thời gian mới. Bơi open-water là cuộc du hành rất thú vị và hấp dẫn, nó khó khi bắt đầu nhưng cũng sẽ rất khó để dừng lại. Chúc các bạn bơi an toàn và chinh phục được tất cả các giải trong mơ.

 

The post Đánh bay nỗi sợ khi bơi ngoài trời appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *