Cửa nào cho Duathlon Việt Nam tại SEA Games 2019

Như đã đề cập trong bài Đội tuyển Triathlon và Duathon Việt Nam tại SEA Games 2019, kỳ SEA Games này đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam cử đại diện tranh tài ở môn triathlon và duathlon tại đấu trường SEA Games. Vậy chúng ta nên kỳ vọng vào các VĐV như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ tập trung phân tích thực lực của đội Việt Nam và so sánh với các đội khác trong khu vực. Bài viết này sẽ tập trung đánh giá đội tuyển Duathlon. Bài viết sau tôi sẽ đề cập về đội triathlon.

Nhìn chung, Philippines duathlon tại các kỳ SEA Games và các giải khu vực trong 10 năm trở lại đây. Đối đầu với các VĐV Philippines, các đại diện quốc gia khác đều có chung suy nghĩ là cố gắng chiến đấu cho chiếc HCĐ. Nguồn cung VĐV của Philippines có vẻ dồi dào khi mỗi kỳ SEA Games lại có những gương mặt mới triển vọng, trong khi các nước khác có vẻ thiếu hụt lớp VĐV kế cận. Kỳ SEA Games này cũng có sự góp mặt của Singapore và Malaysia. Đội Indonesia do trục trặc trong khâu đăng ký nên đã bị loại. Ngoài ra, đội Việt Nam cũng sẽ phải đương đầu với Thái Lan, tuy nhiên hiện nay đội hình Thái Lan chưa được tiết lộ.

Đội tuyển nam Philippines

Emmanuel Comendador (trái) và Joey Delos Rayes (phải)

Thành tích Chạy (10KM) Đạp (60KM) Chạy (10KM) Giải
Joey Delos Reyes 37:07 1:34:21 42:02 Clark Duathlon
Emmanuel Comendador 37:14 1:45:34 38:37 Clark Duathlon

Theo dự kiến, thành phần đội duathlon được kỳ vọng mang về HCV cho Philippines bao gồm Emmanuel Comendador và Joey Delos Rayes. Emmanuel Comendador (SN 1988) là một VĐV chuyên nghiệp, gạo cội trong giới Duathlon của Philippines. Nhưng niềm hy vọng lớn nhất của Philippines lại là Joey Delos Reyes. Trong giải tiền SEA Games gần đây nhất là Clark Duathlon Championship, hai VĐV này đã có dịp so tài và Delos Rayes đã thắng Comendador với khoảng cách ấn tượng là 8 phút. Ngoài hai nhân vật này, cần phải kể đến gương mặt trẻ Jarwin Banatao (SN 1994) cũng có thể có mặt trong danh sách dự bị. Comendador, Delos Rayes và Banatao đều trong biên chế đội Standard Insurance Duathlon, sở hữu bởi công ty Standard Insurance của Philippines. 

Đội tuyển nam Malaysia

Lim Kien Mau (trái) và Jason Loh (phải)

Thành tích Chạy (10KM) Đạp (40KM) Chạy (5KM) Giải
Lim Kien Mau 36:06 1:02:29 19:27 Thi chọn tuyển
Jason Loh 36:06 1:01:38 20:24 Thi chọn tuyển

Hai đại diện của Malaysia đã được LĐ nước này xác nhận sau giải tuyển chọn quốc gia hồi tháng 7/2019, đó là: Lim Kien MauJason Loh.

Là đại diện Malaysia nhưng thực ra nên coi Lim Kien Mau là người Singapore thì đúng hơn. Lim tốt nghiệp trương NTU của Singapore với tấm bằng kỹ sư nhưng quyết định nghỉ việc và làm HLV chạy bộ toàn thời gian. Tại giải tuyển chọn VĐV duathlon của Malaysia (được tổ chức trên đường đua xe công thức 1 với cự ly tiêu chuẩn 10km-40km-5km), Lim đã xuất sắc về nhất, đánh bại người về nhì là Jason Loh chỉ với 6 giây.

Jason Loh (SN 1993) này bắt đầu thi đấu đỉnh cao từ năm 2014. Tại giải tuyển chọn VĐV duathlon của Malaysia, Loh bám đuổi Lim trong 10km đầu tiên ở pace 3:37 và có phần nhỉnh hơn ở 40km đạp xe với tốc độ lên tới 38.9kmh. Tuy nhiên có lẽ đã bung quá nhiều sức nên trong 5km cuối, Loh chỉ giữ được pace 4:05.

Đội tuyển nam Singapore

 Foo Gen Lin (trái) và Lam Wai Kit (phải)

Đội Singapore cũng đã thông báo danh sách VĐV của mình. Đầu tiên là Lam Wai Kit. VĐV này trưởng thành trong đội aquathlon trường đại học SIM University. Trong kỳ SEA Games này, Lam quyết định thi đấu ở nội dung duathlon để có nhiều cơ hội giành huy chương hơn. Lam có khả năng chạy rất tốt, ngang ngửa Comendador tại giải Singapore Duathlon ở pace 3:20 nhưng đạp xe không tốt bằng, chỉ giữ được 37kmh trên quãng đường 36km nên chịu thua 2 đại diện Philippines. Ở giải Trifactor Belitung nóng hơn và có lẽ không được núp gió, đường xấu, Lam chỉ chạy được ở pace 3:40-4:00 và đạp ở 34kmh.

VĐV còn lại là Foo Gen Lin. Foo về sau Lam tại giải Singapore Duathlon với thành tích cũng khá ấn tượng: 1:53:30 (chạy pace pace 3:30, đạp 36.6kmh cho 36km). Nhưng còn ấn tượng hơn nếu bạn biết anh chàng runner 36 tuổi này thực chất là bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật xương khớp ở bệnh viện Tan Tock Seng, một trong những bệnh viện tư hàng đầu của Singapore. Bản thân là runner nhưng Foo quyết rẽ ngang qua duathlon để có cơ hội tham gia SEA Games 2019.

Đội tuyển nam Việt Nam

Cao Ngọc Hà (trái) và Nguyễn Tiến Hùng (phải)

Thành tích Chạy (10KM) Đạp (60KM) Chạy (10KM) Tổng Giải
Cao Ngọc Hà 0:42:33 1:47:38 0:41:23 3:11:34 Clark Duathlon
Nguyễn Tiến Hùng 0:39:54 1:54:01 0:43:54 3:17:50 Clark Duathlon

Như đã đề cập trong bài Đội Tuyển Triathlon và Duathlon Việt Nam tại SEA Games 30, VĐV Cao Ngọc Hà Nguyễn Tiến Hùng sẽ thi đấu ở nội dung duathlon. Cả hai VĐV Cao Hà và Tiến Hùng đều là những chân chạy có tiếng trong giới phong trào, và có thành tích có thể nói là gần tiệm cận với giới chuyên nghiệp. Bản thân họ lại được đầu tư bài bản, có kinh nghiệm đạp xe và tập luyện với các phương pháp mới nhất (bài tập thiết kế dựa trên chỉ số lực đạp, hoặc pace chạy threshold cho HLV đội tuyển Wille Loo theo dõi). Trong kỳ khảo sát chọn đội tuyển, họ đều đạt thành tích đủ chuẩn ĐNA để tham dự SEA Games.

Trong giải tập luyện tiền SEA Games Clark Duathlon Championship, 2 VĐV của chúng ta đã có cơ hội đối đầu các VĐV của nước chủ nhà. VĐV Cao Hà về hạng 4 trong nội dung Elite, còn VĐV Tiến Hùng về hạng 6. Thành tích của Cao Hà là 3 giờ 11 phút, thua khá xa so với Delos Rayes (2 giờ 53 phút) và Comendador (3 giờ 01 phút). Thành tích của Tiến Hùng là 3 giờ 17 phút. Kết quả này cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Philippines vốn là thế lực tại môn này. Tuy nhiên, thành tích của VĐV Cao Hà cũng đáng khích lệ khi chạy negative split ở 10km cuối (41 phút so với 10km đầu 42 phút) và có thời gian đạp rất tốt, ngang ngửa các VĐV Philippines. VĐV Tiến Hùng cũng có khởi đầu tốt 10km ở mức 39 phút, tuy nhiên không giữ được phong độ trong phần đạp và chạy cuối. Nhìn chung, đây là một giải tốt để các VĐV của chúng ta học hỏi thêm kinh nghiệm, nhìn lại chính mình và cọ xát với đối thủ để đạt kết quả tốt hơn ở SEA Games.

Về phía các VĐV nữ, các nước trong khu vực cũng gửi những cá nhân có thành tích nổi bật không kém cánh mày râu.

Đơn cử Philippines sẽ có sự góp mặt của Jelsie Sabado và nhiều khả năng Monica Torres nữa. Jelsie Sabado có sức trẻ trong khi Monica Torres dù không trẻ bằng nhưng lại dày dạn kinh nghiệm. Torres liên tiếp giành ngôi vô địch giải Ironman 70.3 Philippines (nhóm VĐV Philippines) trong 6 năm liền, và cô cũng từng tham dự Ironman 70.3 Vietnam dưới dang VĐV Pro.

Về phía Singapore, Mok Ying Rong Phoebe Kee sẽ đại diện quốc đảo sư tử tranh tài. Mok Ying Rong chính là em gái của Mok Ying Ren, HCV SEA Games duy nhất của Singapore từ trước tới nay ở môn triathlon (2007). Phoebe Kee được đánh giá cao hơn Mok do chiến thắng trước Mok tại giải Singapore Duathlon 2019. Tại giải này, cả hai VĐV Singapore đều bám đuổi nhau quyết liệt ở 10km chạy đầu, cùng hoàn thành trong 38 phút (pace 3:52min/km). Phoebe Kee đã không bám đuổi được Mok trong phần đạp khi chỉ giữ được vận tốc 32kmh so với 35kmh của Mok, nhưng Kee đã xuất thần thắng ở 5km chạy cuối (19 phút 41 giây) khi Mok tỏ rõ dấu hiệu xuống sức (20 phút 32 giây cho 5km) để giành chiến thắng chung cuộc. Thành tích này có vẻ rất tốt, nhưng theo đánh giá, giải Duathlon ở Singapore thường không đủ cự ly chuẩn Olympic và điều kiện khí hậu, địa hình có thể cũng có khác biệt nên thành tích trên không nói lên nhiều điều.

Ở trên: Singapore – Phoebe Kee (trái), Mok Ying Rong (phải)

Dưới: Philippines – Jelsie Sabado (trái), Monica Torres (phải)

Malaysia sẽ cử hai đại diện là Allison LeeMariana Mohd. Dựa vào kết quả giải National Trial ở Malaysia, có thể nói 2 VĐV này có thực lực cũng trung bình, thua các VĐV Singapore một chút. Lấy ví dụ, hai VĐV này đều có khả năng chạy ở mức 42-47 phút cho 10km tuy nhiên khả năng đạp không quá tốt và tỏ rõ dấu hiệu xuống sức trong 5km chạy cuối tại giải National Trial. Điều đó cho thấy kinh nghiệm thi đấu không nhiều.

Đại diện Việt Nam Nguyễn Thị Phương Trinh

Vậy đại diện Việt Nam của chúng ta đứng ở đâu so với các đối thủ? Đại diện của chúng ta là VĐV Nguyễn Thị Phương Trinh. Phương Trinh có xuất thân đặc biệt hơn các VĐV khác khi vốn trưởng thành từ đội đạp xe TP HCM, đã từng thi đấu tại các giải đua xe chuyên nghiệp, so tài với Nguyễn Thị Thật. Sau đó Trinh đầu quân cho đội điền kinh Hậu Giang cho tới nay. Bởi vậy Phương Trinh có lợi thế nhất định trong môn duathlon này.
Phương Trinh cũng tham gia giải Clark Duathlon Championship cùng Cao Hà và Tiến Hùng và đã xuất sắc đoạt HCĐ. Thành tích của Phương Trinh chỉ kém Jelsie Sabado 1 phút 20 giây (tuy nhiên vẫn thua người đứng đầu Ganzon Alexandra gần 8 phút). Đây là thành tích đáng khích lệ, nếu Phương Trinh tập nhiều hơn ở đoạn chuyển tiếp thì có thể tiết kiệm được ít nhất 30 giây nữa. Ngoài ra, ở giải Clark Duathlon Championship, các VĐV không được núp gió nhau. Khi thi đấu tại SEA Games, nếu Phương Trinh thực hiện tốt chiến thuật, bám đuổi được các VĐV top đầu sau 10km chạy đầu tiên, thay nhau núp gió giữ sức trong phần đạp thì kết quả có thể còn tốt hơn.

Nhìn chung, đội Philippines vẫn là UCV sáng giá cho HCV và HCB, và có lẽ vẫn như những năm trước, các đội còn lại vẫn sẽ đến SEA Games với tâm lý “quyết chiến giành HCĐ”. Nếu Việt Nam, lần đầu tiên tham dự SEA Games, có được HCĐ thì đó sẽ là kỳ tích lớn. Nhưng nếu không được HC thì thực tế vị trí số 4 hoặc Top 5 cũng rất đáng khích lệ. Hiện nay, ở bộ môn duathlon, theo cảm quan, Việt Nam chúng ta mặc dù ở cửa dưới nhưng cũng có nhiều khả năng tranh chấp với Singapore và Malaysia. Chưa kể, nếu nhìn vào đội nữ thì chúng ta hoàn toàn có khả năng tranh chấp tay đôi với Philippines. Và trong thể thao, cũng cần chút may mắn nữa. Hy vọng các VĐV duathlon sẽ chiến đấu hết sức mình đem lại vinh quang cho tổ quốc.

The post Cửa nào cho Duathlon Việt Nam tại SEA Games 2019 appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *