Hiện nay trên thị trường có cả trăm loại giày từ hàng chục thương hiệu như Nike, Adidas, Saucony, Brooks, Hoka v.v… Các đôi giày có thể được thiết kế rất công phu, sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất nhưng chúng không hẳn dành cho tất cả mọi người. Một đôi giày tốt với người này có thể không hợp với người khác. Bài viết này sẽ thống kê từ A tới Z các khía cạnh bạn cần quan tâm khi chọn một đôi giày cho mình: từ độ vừa vặn tới các chỉ số phù hợp bàn chân.
Vừa vặn
Lựa chọn một đôi giày vừa vặn là sự ưu tiên hàng đầu với runner. Một đôi giày quá rộng sẽ khiến bạn bị mụn nước (blister). Một đôi giày quá chật sẽ khiến bạn bị hội chứng móng chân đen. Để lựa chọn một đôi giày vừa vặn, hai tiêu chí quan trọng nhất gồm: size giày và độ rộng.
Size giày
Cách thử size giày tốt nhất là bạn nên xỏ giày vào chân để thử. Đương nhiên không phải lúc nào bạn cũng có thể làm điều này nếu mua giày trên mạng (do giá rẻ hơn). Tuy nhiên, bạn vẫn nên qua shop để thử size trước khi đặt mua trên mạng. Nếu shop không có loại giày bạn đang tìm mua thì bạn có thể thử giày khác cùng hãng, dòng tương tự. Ví dụ: Nike Alphafly hay Next% có thiết kế, chất liệu và size gần giống với dòng Nike Zoomfly.
Ngoài ra, nếu hai chân bạn có size lệch nhau, hãy chọn size của chân to hơn. Ví dụ một chân bạn size 8 và chân còn lại size 8.5, hãy chọn size 8.5. Bạn có thể đi tất dày hơn ở chân nhỏ hơn cho vừa size giày.
Công đoạn cuối cùng khi thử size giày ngoài shop là đứng lên và kiễng chân. Nếu giày bị tụt nghĩa là quá rộng. Nếu bạn thấy ngón chân chạm vào mũi giày nghĩa là giày quá chật.
Chiều rộng
Chiều rộng cũng quan trọng không kém chiều dài (size). Vì sao số đo này quan trọng? Chúng ta có cấu tạo bàn chân khác nhau: có người chân võng khiến bề ngang của bàn chân thấp, có người chân bẹt khiến bề ngang của chân to hơn. Nếu mua giày có chiều rộng không đúng sẽ làm bạn khó chịu, đôi khi cũng dẫn tới chấn thương như plantar fasciitis (mặc dù hiếm hơn).
Dưới đây là cách đo chiều dài và chiều rộng của chân để so sánh với bảng size mẫu của hãng giày.
Các chú ý khác
Rất nhiều người trong chúng ta thường hay lấy một size giày làm chuẩn để mua các loại giày khác nhau. Đây có thể là size giày đi làm hàng ngày của bạn, cũng có thể là size giày đi chơi hoặc size bạn ước lượng. Tuy nhiên, mỗi hãng giày có một thiết kế khác nhau. Ví dụ, cùng một số giày, Hoka One One thường dài và rộng, Solomon dài và hẹp, Saucony thường rộng, Asics và Nike thường hẹp. Vì vậy, một lần nữa, bạn nên thử giày trước khi mua, hoặc đo chân và nghiên cứu kỹ bảng size của hãng.
Heel Drop (độ dốc của giày)
Sau khi xem size thì một thông số quan trọng khác bạn cần để ý là độ dốc của giày. Độ dốc được tính từ gót giày tới điểm tiếp xúc đất thấp nhất (xem hình dưới). Chúng ta thường phân ra làm 4 loại dốc: Dốc cao, Dốc trung bình, Dốc thấp và Phẳng (không dốc). Độ dốc của giày có thể dao động từ 0 tới 12mm
Dốc cao (9-12mm)
Ưu điểm: có nhiều đệm ở gót chân, giúp giảm sang chấn đặc biệt ở những người thường đáp gót khi chạy. Giày có độ dốc cao cũng có nhiều đệm hơn và làm giảm tác động lên chân đặc biệt khi chạy lên dốc.
Nhược điểm: giày có độ dốc quá cao sẽ khiến các bước chạy của bạn không được tự nhiên. Các dòng giày này cũng nặng hơn bình thường một chút. Điều này có thể gây khó chịu cho nhiều người, nhất là trong bối cảnh Nike liên tiếp tung ra các đôi giày có vẻ cục mịch nhưng khá nhẹ.
Ví dụ về các dòng giày dốc cao: Brooks Ghost (12mm), Salomon Speedcross (11mm), Adidas Ultraboost (10.6mm)
Dốc trung bình (5-8mm)
Ưu điểm: phần lớn các loại giày trên thị trường nằm ở phân khúc này. Giày có độ dốc trung bình giúp bạn vừa êm chân lại có các sải chân tự nhiên.
Nhược điểm: được cái này mất cái kia. Các đôi giày này có đế không dày bằng các đôi giày nói ở phần trên, vì vậy về mặt logic thì cũng không êm bằng. Tuy nhiên, đây là lựa chọn an toàn cho mọi người và là lựa chọn tối ưu cho các newbie ít kinh nghiệm chọn giày và không biết rõ mình cần gì.
Ví dụ về các dòng giày dốc trung bình: Nike Vaporfly Next% (8mm), Hoka One One Clifton (5mm), La Sportiva Lycan (6mm)
Dốc thấp (1-4mm)
Ưu điểm: nhẹ cân, cảm giác chân tốt và bước chạy tự nhiên hơn
Nhược điểm: thông thường các loại giày này có khá ít đệm ở đế giày, vì vậy chân có thể phải chịu nhiều lực ở vùng khớp cổ chân/gót chân a-sin (achilles) và bắp chân. Bạn cũng cần phải dồn sức hơn ở bắp chân khi chạy lên dốc. Nếu chọn giày dốc thấp, bạn nên tập bổ trợ thêm phần cổ chân và bắp chân, kèm theo việc giãn cơ thường xuyên. Lưu ý: việc dòng giày này có ít đệm có vẻ không đúng với đôi giày Nike Alphafly: độ dốc chỉ 4mm nhưng trang bị lớp đệm ZoomX kèm 2 túi khí khiến bạn có cảm giác nảy hơn khi chạy.
Các loại giày trong dòng này: Nike Air Zoom Terra Kiger (4mm), Saucony Peregrine (4mm), Newton Gravity (3mm)
Phẳng (không dốc)
Ưu điểm: nhẹ cân, cảm giác tự nhiên khi chạy
Nhược điểm: gần như không có đệm nên lực tác động vào chân rất lớn, kèm theo nhiều rủi ro về chấn thương cổ chân, plantar hay bắp chân.
Các loại giày trong dòng này: Topo Magnify, Brooks Pure Cadence, và các loại giày của hãng Altra
Các lời khuyên khác khi chọn giày
- Mang nhiều loại tất (vớ) tới khi thử giày
- Chạy một chút trên đôi giày mới. Nếu shop có máy chạy thì có thể xin lên chạy thử
- Thử nhiều đôi giày để chọn ra loại phù hợp nhất
- Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng bạn sẽ cảm nhận được ngay nếu đi một đôi giày hợp với mình
The post Chọn giày chạy: những điều bạn chưa biết appeared first on BoiDapChay.com.