Chế độ LCHF (ít tinh bột, nhiều chất béo): một chiêu marketing?

BoiDapChay đã nói qua về chế độ ăn uống ít tinh bột, nhiều chất béo (hay còn gọi là keto hoặc Low Carb High Fat – LCHF) trong bài viết Tầm quan trọng của việc nạp tinh bột trong thi đấu. Bài viêt có thể được tóm tắt bằng vài ý sau: Không vận động viên hàng đầu nào trên thế giới áp dụng các chế độ dinh dưỡng LCHF. Để có thể vận động ở cường độ cao, việc nạp carbohydrate (carb hay tinh bột) trong quá trình tập luyện và bữa ăn hàng ngày (để đảm bảo đủ chất, hồi phục tốt) là việc cần thiết.

Tuy nhiên, chủ đề “ảnh hưởng của LCHF tới thành tích thể thao” vẫn là một cuộc chiến chưa thấy hồi kết, mặc dù có nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy LCHF không giúp tăng thành tích. Một trong các nghiên cứu đó là của Louise Burke đến từ Viện thể thao quốc gia Úc. Vào năm 2017, nhóm nghiên cứu của Louise Burke cho ấn hành kết quả của dự án nghiên cứu Supernova và kết luận chế độ ăn nhiều chất béo ít tinh bột LCHF trong hơn ba tuần rưỡi giúp cho các VĐV chuyên nghiệp môn đi bộ đốt mỡ tốt hơn nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả chuyển hóa năng lượng khiến thành tích của họ bị suy giảm. Thực đơn ăn LCHF trong nghiên cứu này bao gồm 75% chất béo và không quá 50g carb một ngày (tương đương…hai quả chuối). Kết quả của nghiên cứu này khiến cộng đồng khoa học cũng như giới VĐV có cuộc tranh cãi nảy lửa khiến Burke và cộng sự của cô quyết định thực hiện lại nghiên cứu một lần nữa với quy mô hơn và đặt tên cho dự án mới tên Supernova 2.

Lí thuyết đằng sau chế độ LCHF thật ra khá đơn giản và dễ hiểu. Cơ thể chúng ta chứa rất nhiều năng lượng được dự trữ ở dạng chất béo nhưng thông thường cơ thể chúng ta được lập trình để sử dụng nhiều carb hơn cho các hoạt động cường độ cao. Nếu một người hoàn toàn thích ứng được với chế độ LCHF, cơ thể họ có thể sử dụng nguồn dự trữ chất béo hiệu quả hơn và tăng cường độ đốt chất béo gấp hai hoặc ba lần. Về mặt lí thuyết, do lượng chất béo trong cơ thể gần như vô tận, dồi dào hơn nguồn carb, có nghĩa là chế độ LCHF sẽ giúp cơ thể bạn sử dụng năng lượng hiệu quả trong thời gian và quãng đường dài hơn, giảm nguy cơ sập nguồn, “đụng tường” do thiếu carb.

Trong khi hầu hết mọi người đều đồng ý rằng LCHF giúp cơ thể chúng ta đốt mỡ tốt hơn, vẫn tồn đọng nhiều tranh cãi xung quanh chế độ ăn uống này. Nhiều nghiên cứu cho rằng khi cơ thể tăng cường khả năng đốt mỡ, hiệu quả sử dụng tinh bột suy giảm làm cho việc sử dụng năng lượng cho các hoạt động cường độ cao như rút đích trong đạp xe, chạy fast finish hay thậm chí là chạy nhanh cự ly ngắn trở nên kém hiệu quả hơn.

Kết quả thu được từ nghiên cứu Supernova của Burke càng có vẻ càng đáng quan ngại hơn: Bạn cần phải đốt nhiều oxy hơn cho cùng một cường độ vận động, và điều này nghe có vẻ không hay chút nào. Trong nghiên cứu Supernova 2, Burke dành hẳn một trang rưỡi để tóm tắt những phê bình từ giới nghiên cứu và mạng xã hội, và cô cũng không quên tóm tắt những điều chỉnh cần thiết cho dự án mới. Ở Supernova, nghiên cứu được chia làm hai nhóm VĐV khác nhau ở những thời điểm khác nhau, qua đó đánh dấu hỏi khá lớn về tính thống nhất của kết quả. Do đó, Burke quyết định mời 28 VĐV (nhiều hơn dự án đầu tiên) tập luyện cùng thời điểm với nhau để giảm thiểu sai số. Một cuộc thi được thi được tổ chức hai tuần sau thí nghiệm để đảm bảo các nhà nghiên cứu có thể kết luận được những lợi ích của chế độ LCHF.

Tuy nghiên cứu Supernova 2 có vẻ khá phức tạp, những kết quả thu được khá đơn giản, và chúng không khác Supernova là bao nhiêu. Những VĐV sử dụng chế độ LCHF vượt trội hơn hẳn trong việc sử dụng chất béo làm năng lượng (tỉ lệ đốt mỡ tăng gần như gấp đôi) nhưng hiệu suất tiêu thụ oxy lại giảm. Họ tiêu thụ oxy nhiều hơn 7.1% cho cùng pace thi đấu ở cự ly 20km và con số này là 6.2% cho pace cự li 50km. Những con số này là cao hay thấp? Bạn nên nhớ rằng lí do đôi giày Nike Vaporfly 4% được đặt tên như vậy bởi vì nó giúp VĐV giảm sự tiêu thụ oxy lên tới 4% (nghĩa là VĐV cần ít năng lượng hơn, và ít mệt hơn trong cùng một cường độ vận động). Trong cuộc thi chạy 10km ngay sau thí nghiệm và 20km hai tuần sau thí nghiệm, những VĐV theo chế độ ăn nhiều tinh bột chạy nhanh hơn trong khi đó những VĐV theo chế độ LCHF lại chậm hơn. Kết luận đã rõ ràng.

Tuy nhiên, cũng có những khía cạnh mà ta cần lưu ý khi nhìn vào kết quả. Sự suy giảm hiệu quả hấp thụ oxy ở chế độ LCHF có thể không thay đổi nhiều khi hoạt động ở những cường độ thấp hơn. Do đó, LCHF có thể thích hợp với những cự li dài như cự li ultra. Một số VĐV có thể sẽ chẳng cần quan tâm đến sự thay đổi về hấp thụ oxy nếu họ không quá phụ thuộc vào việc liên tục nạp carb khi chạy đường dài. Một số khác có thể không quan tâm đến kết quả thi đấu và quyết định duy trì chế độ LCHF vì một số lí do nhất định (ví dụ như giảm cân chẳng hạn). Tuy nhiên, đối với những VĐV trong dự án Supernova 2, khi bạn phải thi đấu liên tục 4 giờ đồng hồ và mỗi giây đều quan trọng, chúng ta khó có thể bác bỏ kết luận rằng LCHF không phải là một chế độ dinh dưỡng vượt trội.

Sau khi dự án Supernova được công bố, có rất nhiều vài viết phản hồi đưa ra nhiều phê bình về kết quả của Burke. Một luồng ý kiến cho rằng chế độ LCHF cần mất nhiều hơn ba tuần để có thể kích hoạt được những lợi ích về mặt miễn dịch, thần kinh và hooc môn. Nghiên cứu của Burke dĩ nhiên không thể bác bỏ ý kiến này, nhưng cho đến nay vẫn không có ai chứng tỏ những giả thuyết trên là đúng cả.

Thực tế là đã gần một thập kỉ trôi qua kể từ khi chế độ LCHF bắt đầu được phổ biến rộng rãi và bắt đầu có nhiều tín đồ trung thành, có nhiều VĐV nhất quyết bám trụ với chế độ này. Thực lòng mà nói, tôi vẫn nghĩ LCHF mà một ý tưởng hay và có thể thực hiện được. Tuy nhiên, kết quả của Supernova buộc tôi phải nhìn nhận thông tin thực tế hơn là mãi tin vào lí thuyết. Cách thuyết phục nhất để thuyết phục Burke sai không phải là đưa ra những hạn chế trong nghiên cứu của cô ấy, mà là làm một nghiên cứu với thông tin cụ thể về lợi ích của LCHF. Chỉ khi đó chúng ta mới có được bức tranh tổng thể. Còn nếu không, tất cả những gì chế độ LCHF mang lại cho tới nay vẫn chỉ là cuộc đua ồ ạt trồng các loại cây “chất béo tốt” như trái bơ (avocado) để phục vụ các tín đồ của lối sống mới. Vô hình chung, điều này đã làm thay đổi sự đa dạng sinh thái, khiến đất đai trở nên cằn cỗi do cây bơ cần rất nhiều nước để phục vụ tưới tiêu.

Tham khảo từ tác giả Alex Hutchinson của tạp chí Outside

The post Chế độ LCHF (ít tinh bột, nhiều chất béo): một chiêu marketing? appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *