Dù bạn là người mới tham gia lần đầu hay đã tham gia được 1-2 năm, những mẹo dưới đây về dụng cụ thi đấu có thể sẽ giúp bạn tiết kiệm khá nhiều thời gian trong cuộc thi Ironman 70.3 đấy.
Môn bơi – Chọn kính bơi chắc chắn và chống lóa
Dụng cụ duy nhất bạn dùng trong môn bơi ở giải Ironman 70.3 là kính bơi. Có hai điều cần đặc biệt lưu ý khi chọn kính bơi để tham gia giải Ironman 70.3:
1. Kính lớn, chắc chắn
Phần bơi trong môn triathlon được thi đấu ở môi trường tự nhiên như biển, sông hay hồ, không giống môi trường nhân tạo như bể bơi. Vì vậy kính bơi nên là loại kính thích hợp với môi trường này: kích thước to hơn một chút để giúp quan sát xung quanh tốt hơn và phải chắc chắn để không bị vào nước trong trường hợp va đập với nhiều VĐV khác bơi xung quanh.
Đối với tôi, việc kính đeo chắc chắn, không vào nước là điều đặc biệt quan trọng, nhất là đối với những người mới tham gia. Thật là không ngoa nếu nói thử thách lớn nhất của một giải triathlon như Ironman 70.3 Vietnam là phần thi bơi biển. Ngoài việc sóng khá to có thể đánh lệch kính bơi của bạn bất cứ lúc nào (tôi đã gặp vài trường hợp sóng đánh bay mất kính trong buổi bơi thử ở Đà Nẵng), việc phải bơi (giẫm đạp) bên cạnh 1.000 VĐV khách cũng đủ khiến chúng ta chột dạ. Việc va đập trong khi bơi là điều khó tránh khỏi, nếu để tuột kính thì sẽ rất khó khăn để ổn định tinh thần, sửa kính và bơi tiếp. Bản thân tôi cũng đã vài lần bị “vung tay vào mặt” đến mức suýt đánh nhau khi bơi, may mắn thay kính bơi vẫn chắc chắn.
Để nhận biết một chiếc kính bơi vừa với khuông mặt, tốt nhất là nên đeo thử đi bơi, và nếu có điều kiện bơi ngoài biển là tốt nhất. Nếu bạn không muốn phí tiền mua nhiều loại kính để thử nghiệm thì kinh nghiệm chọn kính bơi phù hợp là đeo thử kính mà không buộc dây (video minh họa ở dưới). Nếu kính bám chắc trên mặt thì kính bơi đó phù hợp với khuôn mặt của bạn và ít khả năng bị rơi khi bơi. Nên nhớ, cùng một hãng nhưng có thể có loại kính phù hợp với bạn, có loại kính không vừa. Ví dụ: cùng sử dụng hãng Aqua Sphere, tôi dùng hợp với loại Aqua Sphere Kayenne hơn là loại Aqua Sphere Kaiman. Vì vậy, việc thử kính là điều đặc biệt cần thiết.
2. Chống lóa
Trong giải Ironman 70.3 Vietnam, khi bắt đầu phần bơi cũng là lúc mặt trời mọc. Và nhiều khả năng khi bạn ra ngoài biên 300m cũng là lúc mặt trời bắt đầu chói chang. Mặt trời sẽ chiếu thẳng hướng đường bơi (hình dưới). Nếu bạn thở bên phải thì sẽ bị ảnh hưởng trong 300m bơi ngang lúc đi và 300m bơi ngang lúc về. Nếu bạn thở cả hai bên thì sẽ ‘dính’ cả chặng bơi chính 1.200m.
Bị mặt trời chiếu chói mắt lúc bơi là điều khó chịu nhất khi bơi biển, khiến chúng ta không thể tập trung bơi và xác định phương hướng dẫn đến việc bị bơi lố thêm đường. Vì vậy khi bơi ngoài trời, các VĐV thường trang bị các loại kính chống lóa để đối phó với mặt trời.
Có hai loại kính bơi chống lóa phổ biến nhất bạn có thể gặp khi mua hàng là: mirrored (tráng gương) và polarised (phân cực). Loại kính phân cực có khả năng giảm tia nắng cao hơn rất nhiều so với loại tráng gương. Nếu bạn muốn mua kính bơi biển, hãy chọn loại kính phân cực polarised (ảnh dưới). Ở Việt Nam, cửa hàng Key Power Sport ở Q2 (TP HCM) có phân phối loại kính bơi biển của Aqua Sphere (gồm dòng Kayenne hoặc Kaiman). Cửa hàng Bình Hoàng Swim (Q1 TP HCM và chi nhánh cả nước) cũng là đơn vị phân phối chính thức của hãng TYR. Như đã nói, việc chọn kính vừa với khuôn mặt là điều rất quan trọng, vì vậy bạn hãy thử nghiệm và chọn một chiếc kính phù hợp với mình.
Môn đạp – Mang theo dụng cụ sửa xe
Có lẽ một vấn đề nhiều người lo ngại nhất trong môn đạp xe ở một cuộc thi triathlon là xe gặp sự cố, và một trong các sự cố thường xảy ra nhất là thủng săm, lốp giữa đường. Luật thi đấu của Ironman 70.3 Vietnam cấm sự giúp đỡ bên ngoài nên chúng ta bắt buộc phải mang đồ để tự sửa bao gồm:
- Săm dự phòng
- Bình khí nén Co2
- Dụng cụ móc lốp và bộ allen key nhỏ
- Một tờ tiền polymer
BoiDapChay sẽ có bài và clip hướng dẫn thay săm và dùng bình Co2 để bơm lốp trong một bài khác. Còn tờ tiền polymer sẽ được sử dụng để che lên chỗ lốp bị thủng (ở phía trong). Vì sao phải làm vậy? Điều này giúp bảo về săm mới không bị chà xát với vết thủng cũ. Bạn có từng nghe nói có người xui xẻo tới nỗi vừa thay săm lại thủng tiếp? Không phải do ngẫu nhiên đâu, lý do là vì họ không sử dụng kinh nghiệm với tờ tiền polymer này đấy (hoặc cũng có thể chưa gỡ mảnh kim loại vẫn còn dính trên lốp).
Sau khi chúng ta chuẩn bị đủ đồ nghề để tự sửa thì câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để mang chúng theo xe. Một kinh nghiệm mang dụng cụ trên xe là dùng bình đựng dụng cụ giống như loại Xlab Mezzo Cage Pod (hình dưới). Bình Xlab này được thiết kế với kích cỡ bằng bình nước trên xe, vì vậy có thể lắp vào gọng nước và mang theo dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bạn không thể mua được bình Xlab này, hoặc ngại giá tiền (thực ra chỉ vào khoảng 300.000-400.000 VNĐ) thì bạn cũng có thể sử dụng bình đựng nước cũ. Chỉ cần chọn loại bình đựng nước có miệng rộng và bỏ dụng cụ vào đó rồi đặt lên gọng nước là bạn đã có một hộp dung cụ mang trên xe hoàn chỉnh.
Môn chạy – sử dụng dây giày thông minh
Một điều khó chịu khác khi thi đấu triathlon là dây giày bị tuột khi chạy. Việc này không những làm bạn mất thời gian buộc lại dây mà còn khiến nhịp độ chạy của bạn bị ảnh hưởng, thậm chí có thể làm bạn bị chuột rút nếu lúc đó bạn đang mệt mỏi và cố gắng hoàn thành nốt những km cuối cùng của cuộc thi.
Để tránh điều này, một kinh nghiệm được truyền lại bởi các VĐV chuyên nghiệp cũng như các VĐV SEA Games, đó là dùng dây giày thông minh để buộc giày chạy, thay vì dùng dây giày thông thường. Dây giày thông minh thực tế là dây chun có thể co giãn, không cần buộc mà được chốt khóa dính (ảnh dưới).
Dây giày thông minh có nhiều lợi thế:
- Có thể xỏ vào dễ dàng sau khi hoàn thành phần đạp. Tiết kiệm được 30 giây tới 1-2 phút.
- Không bao giờ bị tuột nhờ cơ chế khóa
- Dây có tính đàn hồi cao nên không những xỏ vào dễ dàng mà còn rất ôm chân, tạo cảm giác chắc chắn khi chạy. Nếu chẳng may mua phải giày hơi rộng một chút thì bạn vẫn có thể sử dụng được với điều kiện dùng dây giày thông minh (có thể kèm theo đi tất dày một chút).
Dây giày thông minh được bán khá phổ biến trên các sàn giao dịch như Lazada hay Shopee. Nếu bạn muốn mua ở nước ngoài thì tên của mặt hàng này là “elastic lace”. Tuy nhiên, nếu tìm kiếm trên các sàn giao dịch ở Việt Nam, tuyệt đối không sử dụng từ khóa “elastic lace” mà phải sử dụng từ “dây giày thông minh”, nếu không muốn bị lâm vào cảnh trớ trêu như hình dưới.
Nếu có bất cứ câu hỏi gì về Ironman 70.3 Vietnam hay triathlon, bạn có thể đặt câu hỏi trong phần comment phía dưới. Các admin của BoiDapChay và cộng đồng sẽ trả lời bạn.
The post Các kinh nghiệm sử dụng đồ thi đấu trong giải Ironman 70.3 Vietnam appeared first on BoiDapChay.com.