Nhiều người tin rằng ai cũng có thể chạy dài được; chỉ cần niệm câu thần chú “Tôi làm được” thì bất cứ ai cũng có thể chạy hàng trăm ngàn cây số, thậm chí có người còn tự nhận đã từng chạy xuyên Việt (1750km trong 30 ngày). Cụm từ “chạy bằng não” từ đó được cộng đồng chạy bộ đặt tên như một cách miêu tả hài hước về sự “lạc quan” này của các “nhà truyền lửa” hay “các diễn giả thành công” (ví dụ như diễn giả của một training camp huấn luyện “người bán hàng tài ba với nguồn năng lượng như chiến binh”) khi họ dùng “năng lượng ý chí” để đạt được thành tựu không tưởng (và chưa được kiểm chứng) trong chạy bộ. Công bằng mà nói, những nhân vật trên đều có khả năng chạy bộ tương đối khá. Tuy nhiên, sự chỉ trích của cộng đồng chạy bộ phần lớn đến từ sự thổi phồng thành tích của các nhân vật này cho những mục đích cá nhân của họ.
Tuy vậy, trong giới thể thao, nhất là thể thao đường dài như chạy Marathon, chúng ta thường có câu nói “chạy 10km cuối là thi đấu với bản thân và chiến chắng chính mình”. Vậy có lẽ nói chạy bằng não cũng đúng. Thực tế, nhiều người nhầm lẫn khái niệm chạy bằng não và trong bài này chúng ta sẽ bàn về việc làm sao tập luyện cho não để cải thiện thành tích. Bạn không nghe nhầm đâu, tập luyện não cũng giúp cải thiện thành tích đấy!
Quan niệm sai lầm chạy bằng não kiểu Neuro Linguistic Programming (NLP)
“Tôi làm được” và những “nhà truyền lửa” hay “các diễn giả thành công” thực chất không phải là điều gì mới mẻ. Đây là phương pháp gọi là Neuro Linguistic Programming (NLP) thường được nhắc tới bởi diễn giả Tony Robbins. Tony Robbins từng kể về những lần đứng trước gương và hét lên “Tôi làm được” trước khi tới gặp khách hàng, nhằm giúp bản thân tự tin hơn; tự tin nơi bản thân thì cũng sẽ làm khách hàng tin tưởng bạn.
Quay lại chuyện người diễn giả tôi làm giàu kia, mặc dù có nói đã chạy một quãng đường khủng khiếp từ núi Bà Đen về TP HCM (120km), nhưng trong một giải Marathon, anh ta cũng là người nằm dưới đất do chuột rút sau khi chạy được hơn nửa quãng đường, và phải từ bỏ ý định về đích trong top 3. Và lần gần đây nhất trong giải Da Lat Ultra Trail 2019, anh ta cũng nói bị chấn thương tầm 20 lần trong quãng đường 70km. Thực chất lý do rất đơn giản. Nếu bạn luyện tập không đủ số km trong một tuần nhưng lại muốn chạy marathon, chưa bao giờ tập tốc độ nhưng lại muốn chạy nhanh v.v… thì nhiều khả năng câu thần chú “Tôi làm được” sẽ không hiệu nghiệm. Lý do là vì cơ thể bạn không thể chịu nổi tải trọng và cường độ vận động lớn như vậy.
Có thể thấy rằng các diễn giả đã hiểu sai ý nghĩa câu “Tôi làm được”, ít nhất là về phương diện thể thao. Có thể, với nhiều người, họ muốn tìm cảm giác vượt lên đau đớn và coi đó là biểu tượng của thành công. Tuy nhiên, đối với những người tập luyện thể thao một cách nghiêm túc, chúng tôi khuyên các bạn hãy tránh chấn thương, tránh càng xa càng tốt. (Các bạn có thể đọc thêm bài Chấn thương và cách chữa trị).
Như vậy, việc đầu tiên một người tập thể thao nghiêm túc cần làm là tập đủ, tập đúng. Người ta thường nói “Hãy tôn trọng giải đấu” là vì vậy. Nếu muốn tham gia Marathon 42km hay Ironman 225km, bạn hãy chắc rằng mình có luyện tập để chinh phục thử thách đó. Nếu chưa tập bài Chạy dài Fast Finish cho ít tầm 20km thì có lẽ bạn chưa nên đăng ký chạy Marathon vội Tiếp đến, nếu bạn muốn nâng cao thành tích trong các môn thể thao đường trường, hãy tập luyện não.
Tập trung cao độ, quên đi mọi thứ
Thực tế, bất kỳ VĐV đường dài nào (VĐV marathon, ultra trail, ba môn phối hợp) trong khi thi đấu đều có những lúc muốn buông xuôi, và phải tự khích lệ bản thân để hoàn thành cuộc đua. Vậy “chạy bằng não” trong thể thao thực ra là như thế nào?
Đầu tiên, “chạy bằng não” kiểu VĐV là hãy tập trung vào từng bước chạy, từng mục tiêu và không để ý tới những suy nghĩ khác, theo như lời kỷ lục gia Molly Huddle nói (xem bài Nghĩ gì khi chạy). Để chạy tốt, bạn cần phải quên đi vạch đích, tập trung vào hiện tại – pace cần phải bao nhiêu trong km này, cần bắt kịp đối thủ nào v.v… Các VĐV chuyên nghiệp có sự tập trung cao độ với những gì họ làm một cách đáng ngạc nhiên, đến mức nếu có cổ động viên nào hét vào mặt, họ cũng không nhận ra vì họ đang dồn hết tâm trí vào từng bước chạy. Như vậy thực chất chạy bằng não là tập trung cao độ vào hiện tại và quên đi những lo lắng, thành tích, cảm xúc xung quanh.
Nhàm chán
Sau sự tập trung cao độ, bạn cần phải luyện cho não chịu đựng sự nhàm chán.
HLV Brett Sutto (HLV của những nhà vô địch Ironman thế giới như Daniela Ryf hay Chrissie Wellington, HCV Olympic Nicola Spirig) có bài tập nổi tiếng khắc nghiệt, đó là bắt VĐV chạy trên máy chạy trong phòng kín, không có bất cứ loại hình giải trí nào như ti-vi hay Netflix. Cự ly chạy có thể lên tới 42km! Khỏi phải nói cũng có thể hình dung được bài tập này hành hạ VĐV đến mức nào.
Trong cuốn sách Endure của mình, tác giả Alex Hutchison cũng đề cập tới việc tập luyện cho não chịu đựng được sự nhàm chán. Một nghiên cứu khoa học của Samuele Marcora cho thấy nếu VĐV làm các bài tập để luyện tập sự tập trung trong 1 giờ trước khi bắt đầu luyện tập, thành tích tập luyện và thi đấu của họ được tăng lên đáng kể.
Một mẹo khác được nhắc đến bởi Ned Phillips là đếm các bước chạy của mình (xem video). Thông thường Ned có thể đếm tầm vài ngàn bước chân mỗi lần trước khi mất tập trung và … đếm lại.
Đối với tôi, các bài tập dài (chạy dài hay đạp dài, không nghỉ) luôn nặng nề hơn nhiều so với các bài tập intervals – những bài tập mà bạn chỉ cần cố sức trong thời gian ngắn và được nghỉ giữa các tổ. Lý do là các bài tập dài quá nhàm chán. Tuy nhiên, gần đây, tôi bắt đầu thay đổi cách nhìn với các bài tập dài. Trước tiên là chấp nhận sự nhàm chán trong các tổ đạp, chạy và cố gắng không dừng lại nghỉ (dù là trong thời gian ngắn) trong khi tập các bài này. Khi làm như vậy, cảm giác mệt mỏi hơn hẳn khi dừng lại nghỉ dù chỉ 30 giây. Và đương nhiên điều đó sẽ giúp cho bạn khỏe hơn, cải thiện thành tích.
Kết
Thể thao đường trường cũng như cuộc sống, “người thắng cuộc là người dừng lại sau cùng”. Giải đấu cũng là một chặng đường dài và bạn phải vượt qua rất nhiều thử thách, không hiếm khi đầu bạn sẽ bảo chân dừng lại và nghỉ một chút (thường là nghỉ luôn). Những lúc đó, bạn hãy nói với đầu rằng “Im đi”.
The post Bơi, đạp, chạy bằng não thế nào cho đúng appeared first on BoiDapChay.com.