Liệu có một bí mật nào giúp bạn bơi thật nhanh không? Ở Boidapchay, chúng tôi thích lời giải đáp ngắn gọn và câu trả lời là có. Bạn có nghe hai trường phái cãi nhau: Bơi nhanh hơn nhờ tăng lực đẩy hay bơi nhanh hơn nhờ giảm lực cản? Câu hỏi tưởng đơn giản nhưng lại giản đơn thật: đáp án dễ òm, cả 2!
Như các bạn đã biết – hoặc hiểu nhưng chưa tường tận – tăng lực đẩy hay giảm lực cản là 2 yếu tố tuyệt đối cần và đủ để quyết định tốc độ bơi.
Tất tần tật những bài kỹ thuật bơi nhằm giải quyết các vấn đề như chìm chân, đầu cao, chân co, bàn chân cái cuốc… đều tập trung vào việc giảm lực cản do chính cơ thể bạn tạo ra. Cạnh đó, những bài tập giúp bạn tì nước (catch) với cùi chỏ cao, kéo đẩy (pull-push) với bàn tay và cẳng tay hướng ra sau cộng với xoay thân, tập cạn (dry land) cho tay vai khoẻ… đều cùng mục tiêu giúp tăng lực đẩy.
Mọi người sẽ đồng ý ngay lập tức việc tăng lực đẩy để bơi nhanh hơn vì nó quá hiển nhiên, tuy nhiên tôi phát hiện ra vẫn có nhiều người mới đến với môn bơi lội vẫn chưa đánh giá hết tầm quan trọng của việc giảm lực cản mà chỉ chăm chăm tìm cách tăng lực đẩy, nhồi nhét các bài tập thể lực cho cơ thật to, thật khoẻ để rồi sau đó chìm như cục tạ khi bị quăng xuống nước.
Vậy khi nào bạn cần tăng lực đẩy và lúc nào nên ưu tiên giảm lực cản để tối ưu hoá việc bơi của mình?
Tôi khuyên người chơi nên chú ý đến việc giảm lực cản ngay từ khi mới học bơi. Chúng ta thường thấy các VĐV xe đạp luôn tranh thủ núp gió, phải nằm rạp trên aerobar, thực hiện tư thế supertuck (cúi hết cỡ) hoặc thậm chí superman (nằm như bay) khi đổ dốc hay phải bỏ ra thêm vài nghìn USD để mua cái khung tối ưu hơn, nhẹ hơn để giảm lực cản của gió.
Trong khi đó, bơi luôn luôn phải chinh phục nước, và thứ dung dịch này có độ đặc gấp 784 lần so với không khí! Vì vậy, cùng với áp lực nước – nó giúp bạn nổi – nhưng nếu bạn chìm bất cứ thứ gì khi xuống mặt nước, ngay lập tức nó sẽ trở thành lực cản thật nặng nề với cơ thể.
Có thể chưa giảm lực cản được ngay khi bắt đầu học bơi nhưng bạn luôn khắc cốt ghi tâm về điều đó. Người chơi nên ý thức thật rõ ràng và cho phép nó là ưu tiên hàng đầu khi bạn mới biết bơi hoặc bơi còn yếu. Bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi mình bơi lướt hơn, thậm chí nhanh vèo vèo dù chỉ phải nỗ lực chút ít chỉ với tư thế người chuẩn hơn!
Khi bạn đã bơi thoải mái hơn, tư thế thẳng thớm, thăng bằng, nổi cao song song mặt nước mà pace bơi cứ loanh quanh 1:50- 2:00, hãy nghĩ đến việc tăng lực đẩy. Bạn tăng tần số bơi, phát triển thêm sức mạnh bên cạnh sức bền và dĩ nhiên vẫn là kỹ thuật kéo – đẩy nước hiệu quả, chính xác, tăng tần số chân và tập với giáo án nhiều thách thức hơn.
Giảm lực cản bằng cách nào?
Như đã nói ở trên, việc giảm lức cản thực chất là việc chỉnh tư thế người chuẩn hơn khi tập kỹ thuật bơi. Tôi đã nói cụ thể về vấn đề này trong bài viết Khắc phục việc bơi chìm chân. Có thể tóm tắt sơ qua gồm:
- Đập chân cho tốt
- Vị trí đầu nhìn trực tiếp xuống đáy hồ, là điểm chiếu của mắt 90 độ xuống đáy hồ
- Nhấn nhẹ ngực xuống nước cùng với tư thế đầu thấp
- Ý thức rõ dùng core để có 1 tư thế “mũi tên” cho cơ thể: nâng chân cao để đạt được 3 H (head – hip – heel) trên cùng 1 đường thẳng và không bị võng lưng.
Và như thường lệ, tôi khuyên các bạn hãy sửa từng lỗi một thay vì cuống cuồng muốn sửa tất cả các lỗi trong một buổi tập. Tập trung sửa một lỗi sẽ hiệu quả hơn rất nhiều và thực tế sẽ giúp bạn hoàn thiện kỹ thuật nhanh hơn.
Đọc tới đây bạn có nghĩ “Ủa, có vẻ mình bị hố. Nói đi nói lại thì vẫn chỉ là tập kỹ thuật và tập sức mạnh”. Đúng vậy thôi, không có phép màu nào giúp bạn bơi nhanh trong một sớm một chiều. Và cũng đừng tin ai đó nói với bạn “sẽ bơi nhanh (hoặc phá mốc này kia) sau 1 tháng học” hay “phương pháp này bơi nhanh lại không tốn sức”. Không có chuyện đó đâu. Kỹ thuật có thể do thiên bẩm nhưng cũng phải tập luyện. Còn sức mạnh thì chỉ có tập luyện qua ngày tháng mới có được. Vì vậy nếu năm sau bạn bơi nhanh hơn năm trước thì hãy tự hào và thưởng thức thành quả đó nhé.
The post Bí mật duy nhất để bơi nhanh appeared first on BoiDapChay.com.