Tại giải New York Marthon diễn ra hôm chủ nhật 3/11/2019, trong top 15 vận động viên về đầu có 4 nữ trên 40 tuổi gồm: Nancy Kiprop người Kenya (thứ 4), Sinead Diver người Úc (thứ 5) cùng với Roberta Groner (thứ 13) và Kate Landau (thứ 15) của Mỹ (vận động viên thứ hạng cao nhất của Mỹ là Des Linden sau khi về đích thứ 6.) Ngoại trừ trường hợp vận động viên Kiprop (về nhất giải Vienna Marathon trong 3 lần tổ chức gần nhất), các vận động viên còn lại đều là vận động viên phong trào. Diver là kỹ sư phát triển phần mềm tại Melbourne. Groner là y tá tại New Jersey. Landau là trợ lý bác sỹ tại Florida. Kiprop có 7 con (5 con nuôi) và đã tự mở một trường học nhỏ tại Iten bằng tiền giải khi thi đấu.
Cả bốn vận động viên này đều đã lập thành tích cá nhân (PB) mới ở giải đấu trước đó trong năm. Nói cách khác, những vận động viên này không chỉ duy trì được thể lực của mình khi bước vào độ tuổi ngũ tuần mà còn đang ở phong độ đỉnh cao. Thường các vận động viên chuyên nghiệp theo biên chế rất ít khi đạt được bước đột phá tương tự và đối với những vận động viên thi đấu cấp cao, đây là hiện tượng hết sức đặc biệt.
Cô Diver có lẽ là trường hợp đặc biệt hơn cả vì cô mới chỉ bắt đầu chạy từ năm 2010 khi đã 33 tuổi (cùng độ tuổi của Ryan Hall, người Mỹ duy nhất có thành tích marathon dưới 2:05 nhưng đã nghỉ chạy và theo đam mê thể hình.) Theo thời gian cô nâng cao thành tích của bản thân và trong năm nay cô đã lập kỷ lục thế giới ở cự ly 10.000m nhóm tuổi trên 40 với thời gian 31:25.49 tại giải Vô địch Thế giới của IAAF tại Doha. Tại giải London Marathon tháng 4 vừa qua, Diver dẫn đầu 14 giây ở nửa đầu cự ly marathon dù đây là giải đấu được xem là có sự cạnh tranh khốc liệt nhất ở nội dung dành cho nữ. Dù chỉ về đích ở vị trí thứ 7 nhưng cô cũng đã lập được thành tích cá nhân mới với thời gian 2:24:11.
VĐV Diver Sinead – 42 tuổi (tính tới năm 2019)
Mà chúng ta hãy tạm gác chuyện đó sang một bên. Một phụ nữ chưa bao giờ tập luyện nghiêm túc trước tuổi 33 mà mới đây lại về đích thứ 7 trong một giải đấu marathon cạnh tranh nhất trong lịch sử. Rồi cô lại không muốn báo chí tốn quá nhiều giấy mực về việc này. Đối với cô, tuổi tác là khía cạnh cô ít quan tâm nhất khi nói về nghiệp chạy bộ.
Cô chia sẻ “kể cả đối với các vận động viên trẻ hơn, chúng ta chẳng bao giờ đề cập tới độ tuổi. Chúng ta không bao giờ nói cô gái 26 tuổi hay 32 tuổi. Nhưng với tôi thì lúc nào con số 42 cũng đi kèm với tên tôi. Tôi nghĩ con số 42 khiến chẳng ai để ý đến thành tích của tôi cả. Với tôi tuổi tác không phải là rào cản và tôi muốn mọi người không nên nhìn nhận trên góc độ tuổi tác.”
Do bản thân không xem mình là vận động viên lớn tuổi nên dễ hiểu khi Diver thấy khá khó chịu khi tuổi của cô bị đưa ra bàn luận bất cứ khi nào người ta nói về thành tích của cô (may là tuần này cố ấy đang đi nghỉ nên hy vọng cô ấy không đọc được bài này). Tại Doha, sau khi biết mình vừa lập kỷ lục thế giới ở nhóm tuổi trên 40, câu trả lời của cô là “Có cái gì đâu?” Nghe thì có vẻ hơi tiêu cực nhưng nếu để ý thì mặc dù cô lập thành tích cá nhân mới nhưng chỉ kém chuẩn dự Olympic chỉ nửa giây. Cô nói bản thân cô “rất buồn” vì kết quả này dù cự ly 10.000m không phải là cự ly chính của cô. Thứ cuối cùng mà cô nghĩ tới là cô vừa lập kỷ lục thế giới ở nhóm vận động viên lớn tuổi. Cô Diver cho biết “tôi cho rằng không phải vì tôi 42 tuổi nên thành tích của tôi có cải thiện. Tôi mới chỉ chạy bộ từ năm 33 tuổi nên tuổi chạy còn rất non.”
Thực tế, “tuổi chạy còn non” có lẽ là cách lý giải hợp lý nhất cho thành tích xuất sắc của Diver và các vận động viên còn lại ở độ tuổi này. Cả Groner và Landau đều tham gia thi đấu khi còn là sinh viên và sau đó bỏ chạy cả 10 năm và tự tập luyện trở lại. Và mặc dù sự nghiệp chạy chuyên nghiệp của Kiprop có dài hơn những người còn lại nhưng ở giai đoạn đầu những năm 20 tuổi, cô cũng phải nghỉ chạy vài năm do chấn thương trong khi đây là độ tuổi các vận động viên chuyên nghiệp phải rèn luyện cơ thể (và lý trí) ở cường độ cao.
Bà mẹ 3 con Roberta Groner
Groner chia sẻ: “tôi nghĩ điểm chung của hầu hết nhóm vận động viên nữ trên 40 tuổi và chạy thành tích cao là chúng tôi đều bị ngắn quãng hoặc bắt đầu tập luyện muộn. Chúng tôi không có điều kiện tích lũy quãng đường hoặc tôi luyện đôi chân.” Groner lần đầu chạy cự ly marathon (giải Chicago) năm 2011 cũng tham gia thi đấu tại New Yok cuối tuần qua sau khi thi đấu trong điều kiện nắng nóng tại giải Vô địch Thế giới ngày 27/9. Ở giải đấu chỉ có 40/68 vận động viên hoàn thành cự ly, cô về đích thứ 6. Việc thi đấu hai giải marathon lớn chỉ cách nhau vài tuần là điều các vận động viên chuyên nghiệp ít khi thực hiện. Lelisa Desisa sau khi vô địch cự ly marathon của nam tại Doha cũng cố tham gia thi đấu giải New York sau đó 1 tháng nhưng cuối cùng bỏ cuộc sau khi chạy được vài km (thực tế cự ly marathon nam của giải Vô địch Thế giới diễn ra sau cự ly của nữ một tuần.)
Theo Steve Magness, huấn luyện viên của Groner thì “thực lòng mà nói cô ấy đang làm một điều mà trước đây ít có tiền lệ. Việc phục hồi sau khi thi đấu ở điều kiện khắc nghiệt như tại Doha và năm tuần sau thi đấu một giải đấu khác có lộ trình khó như giải New York là điều rất tuyệt vời và minh chứng cho sự bền bỉ và mạnh mẽ của Groner.”
Magness cho biết thêm rằng sự đặc thù trong con đường sự nghiệp của Groner cũng khiến chúng ta phải xem lại quan điểm truyền thống cho rằng tiến bộ là một quá trình tịnh tiến hay thành tích thi đấu sẽ xuống dốc ở một độ tuổi nhất định. Đối với Groner, cô không phản ứng quá căng thẳng khi được gọi là vận động viên cao tuổi. Tùy thuộc vào thành tích thi đấu tại cuộc thi tuyển đội tuyển dự Olympic vào tháng 2 tới, năm sau cố dự kiến sẽ tham dự một giải marathon vào mùa thu và chinh phục kỷ lục của Mỹ trong nhóm tuổi của cô ở cự ly này.
Nhưng cô Groner cũng kiên định cho rằng các vận động viên nữ khi thi đấu ở một giải marathon lớn như New York thì sự khác biệt về tuổi tác không còn tồn tại một khi chân đã bước qua vạch xuất phát. Cô Groner cho rằng “rõ ràng marathon nữ đang là môn rất cạnh tranh tại Mỹ. Đối với tôi, khi thấy ai đó thành công, tôi tự nghĩ mình cũng có thể làm được như vậy. Vậy nên, tôi sẽ cố gắng hết sức và xem liệu tôi có thể cạnh tranh với những vận động viên này hay không bất kể tuổi tác của họ là bao nhiêu đi nữa.”
Ở Việt Nam, cũng không hiếm các trường hợp VĐV nhiều tuổi chạy quãng đường Marathon còn nhanh hơn đám trẻ, điểm qua có thể nói tới anh Trần Xuân Phương (hiện sống ở Singapore) hay anh Huỳnh Thế Phong (nhân vật trong bài “Gừng Cay” của tác giả Bruce Vũ). Có thể nói, Marathon là một môn thể thao đặc biệt mà trong đó sức trẻ chưa chắc đã thắng sự dẻo dai, kinh nghiệm cũng như sự “lỳ đòn” của các đấng trung niên. Có lẽ môn thể thao này cũng phản ánh phần nào triết lý của cuộc sống.
The post Bạn có quá già để bắt đầu chạy? appeared first on BoiDapChay.com.