Vì sao các VĐV elite hay ngủ ngày

Vì sao các VĐV elite hay ngủ ngày

Không phải là vì họ mệt mỏi hơn chúng ta, mà đơn giản là họ ngủ “giỏi” hơn mà thôi.

Nhìn bề ngoài thì đây có vẻ là 1 hệ quả đơn giản: bạn ngủ bởi vì bạn mệt mỏi, và khi càng mệt mỏi, ta càng ngủ nhiều hơn. Liệu có phải vì vậy mà các vận động viên lại ngủ rất nhiều do họ quá mệt mỏi sau khi tập luyện? Một số các nghiên cứu khảo sát cho thấy hơn một nửa số vận động viên đội tuyển quốc gia rất hay ngủ ngày (ngủ trưa, ngủ ngắn, và vào bất cứ lúc nào họ muốn). Tuy nhiên, trong vài tháng qua khi phải sống giữa đại dịch căng thẳng, chúng ta quan sát thấy là: 1 cơ thể mệt mỏi chưa chắc sẽ đem đến 1 giấc ngủ ngon. Và theo một nghiên cứu mới đây, mối liên hệ giữa tập luyện, mệt mỏi và ngủ ở các vận động viên cũng không phải là 1 đường thẳng.

Những phát hiện mới từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Loughborough trong dự án với Viện Thể thao Anh đã được công bố trên Tạp chí Khoa học Thể thao Châu Âu. Trong nghiên cứu này, họ mời tổng cộng 30 người (16 nam, 14 nữ) chia thành ba nhóm mỗi nhóm gồm 10 người vào phòng thí nghiệm của họ và cố gắng chợp mắt 20 phút. Nhóm 1 bao gồm các vận động viên ưu tú, tập luyện trung bình tập luyện 17 giờ mỗi tuần; nhóm 2 bao gồm các vận động viên hạng trung, tập luyện trung bình 9 giờ mỗi tuần; và Nhóm 3 là những người bình thường, không phải vận động viên. Mục đích của nghiên cứu này là để xem các đối tượng nghiên cứu sẽ mất bao nhiêu thời gian để chìm vào giấc ngủ?

Kết quả là gì? Có lẽ chỉ cần dùng logic cũng đoán ra được: chắc chắn những vận động viên ưu tú nhất sẽ ngủ nhanh nhất, những người bình thường sẽ mất nhiều thời gian hơn để chợp mắt, và những vận động viên hạng trung thì sẽ ở đâu đó ở giữa hai thái cực. Sau đây là kết quả:

Những ai chỉ cần dưới 8 phút để chìm vào giấc ngủ thì được xem là thuộc vào tuýp người “dễ ngủ”. Trên thực tế, chỉ có 2 trong tổng số người bình thường (nhóm 3) thuộc vào tuýp người “dễ ngủ” này, so với 8 người (trên tổng số 10 người) của nhóm 1 và 6 người (trên tổng số 10 người) của nhóm 2.

Nhưng đây mới là phần thông tin thú vị: các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận lại thời gian ngủ của mỗi người vào đêm hôm trước và họ cảm thấy mệt mỏi như thế nào vào những thời điểm: 2:00 giờ chiều, 2:30 giờ chiều và 3:00 giờ chiều ngay trước khi nghiên cứu bắt đầu. Cơn buồn ngủ của họ được đánh giá theo thang điểm chín, còn được gọi là Thang buồn ngủ Karolinska. Và trên đánh giá này, họ nhận thấy không có sự khác biệt giữa các nhóm. Tất cả các đối tượng nghiên cứu đều có xuất phát điểm tương đồng nhau: họ ngủ nhiều tương đương nhau đêm hôm trước đó, và họ cũng khai báo về mức độ buồn ngủ khá giống nhau. Không có ai trong số các vận động viên ưu tú (nhóm 3) ở trạng thái mệt mỏi quá mức – họ chỉ ngủ “giỏi” hơn mà thôi.

Các nhà nghiên cứu đã liên kết phát hiện này với khái niệm “kỹ năng ngủ” (lần đầu tiên được đề cập đến vào đầu những năm 1990). Ngủ thiếp đi nhanh chóng và dễ dàng là một kỹ năng, và có một số người sẽ giỏi kỹ năng này hơn những người khác. Ví dụ, rất có thể là các vận động viên ưu tú có khả năng kiểm soát các chất xúc tác gây trở ngại cho việc ngủ tốt hơn, hoặc những chất này cũng nằm ở nồng độ thấp hơn trong cơ thể họ. Thật thú vị khi nghĩ về tiềm năng của sự tương quan giữa (1) Cái đầu với nhiều ý nghĩ bủa vây khiến bạn không thể chìm vào giấc ngủ, và (2) Cái đầu với nhiều sức ép, hồi hộp, ngăn cản bạn khi thi đấu ở môi trường cạnh tranh đỉnh cao. Những vận động viên ưu tú phải có khả năng tắt đi cái thứ hai (2); có lẽ điều đó cũng giúp họ phần nào khi phải đối phó với cái thứ nhất (1).

Cũng có thể là các vận động viên đã quen với việc ngủ trong những môi trường xa lạ, vì họ đi du lịch rất nhiều. Để kiểm tra khả năng đó, các nhà nghiên cứu đã lặp lại thí nghiệm hai lần để xem kết quả có khác không một khi môi trường phòng thí nghiệm trở nên quen thuộc hơn một chút. Kết quả là cả những người không phải vận động viên và vận động viên ưu tú đều ngủ nhanh hơn vài phút trong lần thứ hai, nhưng họ đã cải thiện với tỉ lệ tương tự, điều đó cho thấy rằng môi trường xa lạ không phải là yếu tố chính. (Biểu đồ trên là từ thử nghiệm thứ hai.)

Nếu tìm hiểu sâu thêm một số tài liệu tham khảo được trích dẫn trong bài nghiên cứu, bạn sẽ gắp phải 1 thông tin thú vị không kém: thực tế đã có một cuộc tranh luận kéo dài về lý do của việc ngủ ngày. Một bài báo năm 2018 từ các nhà nghiên cứu của Đại học California, Riverside đã đề xuất khái niệm của năm loại giấc ngủ ngày khác nhau, được họ tóm tắt bằng chữ cái của từ DREAM:

  • D-dysregulative (điều hòa rối loạn): giấc ngủ này nhằm để bù đắp cho ca làm việc muộn, khi bệnh tật hoặc khi tập thể dục
  • R-restorative (phục hồi): giấc ngủ phục hồi sau 1 giấc ngủ kém hoặc 1 giấc ngủ ngắn
  • E-emotional (tình cảm): giấc ngủ này diễn ra khi bạn bị căng thẳng hoặc trầm cảm
  • A-appetitive (thèm): giấc ngủ này diễn ra khi bạn thích ngủ, việc ngủ ngày tạo thành thói quen và bạn cảm thấy sảng khoái hơn khi ngủ.
  • M-mindful (chánh niệm): giấc ngủ để tăng sự tập trung và tỉnh táo

Giữa các loại giấc ngủ kể trên có 1 sự trùng lặp nhất định, do đó, một vài bài nghiên cứu khác đã sử dụng sự phân chia đơn giản hơn: nhóm người ngủ ngày “theo thói quen” và nhóm người ngủ ngày để “phục hồi”. Nhóm người ngủ ngày “theo thói quen” là nhóm người ngủ vì nhiều lý do nhưng không nhất thiết là do thiếu ngủ; họ ngủ vì yếu tố tâm lý nhiều hơn là sinh lý.

Điển hình của ngủ theo thói quen thay vì kỹ năng ngủ như elite

Chúng ta thường nghĩ các vận động viên ngủ trưa với mục đích điều hòa rối loạn hoặc phục hồi: họ thực sự mệt mỏi vì họ cố gắng tập luyện hết mức, do đó giấc ngủ ban đêm không đủ để bù đắp cho sự mệt mỏi đó. Thế nhưng, kết quả nghiên cứu của Loughborough mới gần đây cho rằng việc ngủ ngày của các vận động viên ngủ thực ra là do thói quen: họ không mệt mỏi quá mức, nhưng những giấc ngủ ngày khiến họ cảm thấy họ sẽ có phong độ tốt hơn. Hay nói cách khác, họ không buồn ngủ nhưng kỹ năng ngủ lại rất cao. Thêm vào đó, có những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những người ngủ ngày “theo thói quen” thường có chất lượng giấc ngủ vào ban đêm tốt hơn và họ cũng chẳng thiếu ngủ so với những người không ngủ ngày / ngủ trưa.

Đáng tiếc là không có nghiên cứu nào trong số những nghiên cứu này đưa ra lời giải kỳ diệu mà chúng ta tìm kiếm: làm sao để có thể “đặt lưng xuống là ngủ”, bất kể nơi nào, bất kể khi nào. Tuy nhiên, chúng cũng đem lại nhiều thông tin bổ ích và giúp chúng ta thay đổi cách nhìn về việc ngủ trưa hay ngủ ngày. Việc ngủ ngày không nhất thiết là dấu hiệu cảnh báo sự mệt mỏi của cơ thể hoặc sự thiếu ngủ trầm trọng. Thỉnh thoảng việc ngủ ngày lại là dấu hiệu đầu óc bạn đang được thư giãn và ta thật may mắn khi có thể chợp mắt chỉ 30 phút thôi vào buổi trưa hè này.

The post Vì sao các VĐV elite hay ngủ ngày appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *