Nike Alphafly: Đánh giá và trải nghiệm

Nike Alphafly: Đánh giá và trải nghiệm

Có lẽ chúng ta không còn quá xa lạ với cái tên Nike Alphafly Next%. Alphafly là mẫu mới nhất của dòng Nike Next % nổi tiếng trong giới chạy bộ vài năm gần đây. Đây là đôi giày được Eliud Kipchoge sử dụng trong Ineos 159 Challenge (tháng 1/2019), nơi lần đầu tiên con người phá được mốc chạy dưới 2 giờ cho cự ly Marathon (42km). Tuy nhiên phải đến Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic Marathon Mỹ vào tháng 2/2020 thì Alphafly mới được sản xuất đại trà và phải tới tháng 6/2020 thì phiên bản đầu tiên mới tới được tay người dùng. Dưới đây là đánh giá và trải nghiệm Alphafly của BoiDapChay.

Mở hộp Nike Alphafly Next %: Hộp giầy, giày và túi đựng giày

Các thông số của giày

  • Màu sắc: đỏ/xanh/trắng (màu mới nhất phát hành tháng 8/2020). Tôi gọi màu này là màu “dưa hấu”
  • Drop: 4mm (Mũi: 35mm, Gót: 39mm)
  • Chất liệu đế giày: Đệm Nike ZoomX kèm 2 bộ phận Air Zoom (màu đỏ, xanh). Vẫn được trang bị miếng carbon như các thế hệ trước
  • Chất liệu vải: Atomknit

Có thể thấy với drop 4mm (độ chênh lệch giữa mũi giày và gót giày), Alphafly đã “phẳng” hơn rất nhiều so với các mẫu giày trước. Nên nhớ khi phiên bản đầu tiên khi xuất xưởng của dòng giày này là Nike 4% có độ drop lên tới 11mm. Sau đó, phiên bản kế nhiệm là Nike Next % có độ drop 8mm. Theo suy đoán của riêng tôi, độ drop lớn như vậy được thiết kế nhằm tối ưu hóa động tác bật nảy về phía trước, một điều góp phần làm nên sự thành công của dòng Nike %. Có lẽ tới phiên bản Alphafly, các cải tiến kỹ thuật đã hoàn thiện hơn, và các kỹ sư có thể giúp chúng ta bật về phía trước mà không cần drop quá lớn. Mức drop nhỏ 4mm cũng tương đương với các dòng giày truyền thống, và runner sẽ có cảm giác thăng bằng hơn.

Đế giày

Chất liệu của đế giày vẫn là chất liệu xốp Nike Zoom X quen thuộc của các phiên bản trước. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh chính chất liệu Zoom X này mới đem lại hiệu suất đặc biệt cho các dòng Nike Next % (xem thêm bài viết Nike Vaporfly 4% Flyknit: đánh giá và trải nghiệm).

Alphafly vẫn sử dụng tấm lót carbon vốn đã làm nên thương hiệu Nike Next %, mở ra một thời kỳ mới cho giày chạy bộ. Thiết kế kèm tấm lót carbon cũng bắt đầu được các đối thủ của Nike như Saucony, Hoka dùng trong các sản phẩm của mình. Trong thiết kế lần này của Alphafly, chúng ta có thể sờ thấy rõ miếng lót carbon ở dưới đế (xem hình dưới), thay vì được giấu vào trong giày như các phiên bản trước.

Điểm nổi bật nhất trên thiết kế mới của Alphafly có lẽ là bộ phận Air Zoom màu đỏ và xanh. Đây thực chất là một túi đệm khí giúp tăng độ mềm/độ nảy của đế giày. Nike đã sử dụng công nghệ bơm khí vào đệm giày từ rất lâu, bắt đầu từ phát minh của cựu kỹ sư khoa học vũ trụ Frank Rudy năm 1977. Bạn không tin? Hãy thử dùng dao rạch đệm khí này ra mà xem.

Lưu ý: đế giày của Alphafly có nhiều nếp nhăn mặc dù là đồ mới tinh. Vì vậy người mua đừng trách nhầm shop nhé.

Chất liệu vải Atomknit

Alphafly đã quay về với chất liệu vải bó giống với mẫu Nike Vaporfly 4% thay vì chất liệu nhựa Vaporweave như trên Nike Next %. Nike gọi chất liệu này là Atomknit, một phiên bản cập nhật của chất liệu Flyknit trên dòng giày Nike Vaporfly 4% cũ.

Atomknit không bó chân bằng Flyknit và mỏng hơn rất nhiều. Thiết kế Atomknit trên Alphafly mỏng đến nỗi bạn có thể nhìn thấy chân của mình khi đi giày. Có lẽ để bù đắp cho trọng lượng nặng của đệm khí Air Zoom, các kỹ sư của Nike phải cắt giảm trọng lượng tối đa ở những chỗ khác trên giày, và chất liệu của thân giày chính là lựa chọn hàng đầu.

Về cá nhân tôi, tôi không ưa chất liệu nhựa Vaporweave trên Next % chút nào. Atomknit mang lại cảm giác bó chân và chạy thích hơn hẳn. Ngoài ra, trái với mong muốn của các kỹ sư khi thiết kế Next %, chất liệu nhựa trên thân giày không giúp cản bớt nước ngấm vào trong chân, mà còn ngăn hơi nước thoát ra ngoài nên chạy rất khó chịu. Với Alphafly, có lẽ câu trả lời của các kỹ sư cho vấn đề “nước vào chân” là “kệ cho vào và sẽ bay hơi hết”. Có lẽ đó là một giải pháp hay.

Một cải tiến nho nhỏ nữa trên Alphafly là dây buộc giày được thiết kế kiểu “tua-rua”. Có lẽ các kỹ sư nghĩ rằng thiết kế này sẽ giúp giày buộc chắc hơn và không bị tuột dây giày.

Chọn size giày

Size giày tôi mua là 8.5 US. Dưới đây là số đo để mọi người so sánh:

  • Chiều dài (gót tới mũi giày): 27cm
  • Chiều rộng (rộng nhất ở bàn chân): 9cm

Như vậy Alphafly có cùng số đo với Next % (nếu so sánh 2 giày cùng size). Tuy nhiên, có một lưu ý nhỏ: tôi đi Next % size 8.5 US hơi rộng, trong khi Alphafly lại khá vừa. Tôi nghĩ do thiết kế bó của Atomknit khiến giày ôm chân hơn. Với chất liệu của Next %, tôi phải đi size 7.5 US mới vừa. Tuy nhiên đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân. Cách tốt nhất là nếu bạn đã từng đi giày Nike có chất liệu Flyknit như Nike Vaporfly 4% hoặc Nike Zoom Flyknit thì bạn hãy chọn size tương tự cho Alphafly.

Đánh giá và cảm nhận chung

Nhìn tổng thể, thiết kế của Alphafly nói chung và màu dưa hấu của phiên bản mới này phải nói là…xấu cực. Một số người cũng không thích cảm giác khi chạy với đế quá dày, làm mất cảm giác chân chạm xuống mặt đất. Với cá nhân tôi, người đã từng sử dụng từ Nike Vaporfly 4%, Next % trong thi đấu và Nike Zoomfly trong luyện tập thì tôi có thể nói rằng đôi giày này giúp tôi chạy nhanh hơn hẳn. Và có lẽ nhiều người cũng có nhận định chung như vậy. Một điểm nổi bật ở Alphafly là drop khá thấp (4mm) nên có cảm giác đi thăng bằng hơn các dòng giày trước đó. Hy vọng điều này sẽ giảm nguy cơ bị chấn thương.

The post Nike Alphafly: Đánh giá và trải nghiệm appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *