Ngày nay, cuộc đua Marathon tại Olympic là một trong những sự kiện thể thao được tôn sùng và chờ đợi nhất, nơi các tượng đài trong làng chạy bộ đường dài như Eliud Kipchoge hội ngộ.
Nhưng khi nước Mỹ làm chủ nhà của Olympic mùa hè 1904, nội dung Marathon nam đã để lại nhiều tai tiếng đáng quên đến nỗi đứng trên bờ vực phải hủy bỏ cả nội dung thi đấu. Thực tế, cả nội dung chỉ gói gọn trong 3 từ: ngộ độc, sốc nhiệt, suýt mất mạng.
Đội hình Olympic hỗn tạp
Diễn ra trong một dịp hội tụ của cả thế giới, nhưng nội dung marathon nam ở Olympic 1904 lại là một sự kiện hỗn tạp. Có tổng cộng 32 vận động viên đại diện cho 4 quốc gia (Mỹ, Nam Phi, Cuba và Hy Lạp) đứng trước vạch xuất phát ngày hôm đó, nhưng chỉ 14 người có thể hoàn thành cuộc đua trong điều kiện thời tiết khủng khiếp, với nhiệt độ ngoài trời tăng đến 32 độ C.
Việc tập hợp lực lượng để tham dự thi đấu ngày ấy diễn ra khá nghiệp dư và hỗn tạp, chứ không được bài bản như dựa vào thành tích tốt nhất năm hay một cuộc thi Olympic Trials như ngày nay chúng ta được chứng kiến. Mặc dù có một số chân chạy đã có kinh nghiệm thi đấu cũng như thắng giải hoặc chí ít là lên bục ở một số cuộc đua marathon uy tín như Boston hoặc những giải Olympic trước, hầu như những người tham dự đều là vận động viên cự ly trung bình. Ứng cử viên của giải được gói gọn trong các cái tên Sam Mellor, A.L. Newton, John Lordon, Michael Spring và Thomas Hicks, tất cả đều có kinh nghiệm tham dự những giải marathon trước đó. Một người Mỹ khác, Fredrick Lorz, vốn dĩ nghề chính là một thợ hồ, thường chỉ tập luyện vào buổi tối, giành được suất tham dự trong đội Olympic bằng cách lên bục ở giải 5-mile được tổ chức bởi liên đoàn điền kinh nghiệp dư.
Ngoài ra trong số đó còn hàng tá vận động viên đến từ Hy Lạp chưa bao giờ chạy một giải marathon, và một anh đưa thư đến từ Cuba, tên là Félix Carbajal de Soto. Carbajal đã phải vận động quyên góp tiền để có thể đại diện quốc gia tham dự giải đấu năm ấy bằng cách thể hiện tài năng chạy bộ của mình cho những người đồng hương. Thật không may, anh này thua sạch toàn bộ số tiền vào bài bạc khi đang ở New Orleans và phải đi bộ cũng như tìm cách đi nhờ xe để đến được St. Louis, nơi diễn ra cuộc thi marathon ở Olympic năm ấy. Sau khi trải qua cuộc hành xác để có thể góp mặt ở vạch xuất phát năm ấy, Carbajal xuất hiện trong bộ dạng thật đáng thương, mặc một chiếc áo dài tay, quần bò dài sẫm màu cùng đôi giày đi ngoài đường (không phải một đôi giày chạy như chúng ta ngày nay). Vì thế, một anh chàng trong ngày dự thi hôm ấy đã chủ động cắt cho quần của Carbajal lên ngắn đến đầu gối để trông như là một vận động viên thực thụ. Ngoài ra còn có 2 đại diện đến từ bộ tộc Tswana của Nam Phi cũng góp mặt, đó là Len Tau và Jan Mashian.
Sốc nhiệt và cận kề cái chết
Khẩu lệnh xuất phát được vang lên ở thời khắc 15h03 khi sức nóng thời điểm đó là 32 độ C. Những diễn biến sau đó thì không hẳn là một cuộc đua marathon mà là một thí nghiệm phi đạo đức dưới một đường chạy đầy gió, dốc và bụi. Các huấn luyện viên cùng đội ngũ bác sĩ đi song song cùng đoàn vận động viên đang chạy bằng ô tô hoặc xe ngựa kéo. Họ cào xéo đường chạy bằng đất, hất tung bụi mù mịt trên đường chạy và thẳng vào phổi của các vận động viên. Vận động viên nước chủ nhà, William Garcia nằm thẳng cẳng trên đường chạy vì hít quá nhiều bụi, được chuẩn đoán suýt chết.
Bất chấp mức độ nguy hiểm của nhiệt độ và độ ẩm, các chân chạy tham gia chỉ có thể tiếp nước ở hai địa điểm trên đường chạy tại dặm thứ 6 và dặm thứ 12 của cuộc đua. Điều đó bởi vì trưởng ban tổ chức giải, ông James Sullivan muốn “giảm thiểu chất lỏng nạp vào để kiểm tra giới hạn và tác động của việc mất nước, một lĩnh vực nghiên cứu phổ biến vào thời điểm đó.” theo lời tạp chí Smithsonian. Vậy thì cơ hội nào tốt hơn để làm một chút thử nghiệm về chủ đề này?
Rượu mạnh và ngộ độc thuốc chuột: tạo nên nhà vô địch
Người đầu tiên bước qua vạch về đích là Lorz. Tuy nhiên anh này đã bỏ cuộc ở dặm thứ 9 (14.5km) và dự định sẽ đi xe về về đích để nhận lại đồ. Tuy nhiên, chiếc xe của anh ấy bị hỏng ở km thứ 30, vì thế anh ta quyết định chạy nhẩn nha trên đường đua và ung dung về đích “như đúng rồi”. Tại đích đến, Lorz diễn như là một nhà vô địch thực thụ, ăn mừng thành quả của mình, nhưng trò bịp của anh ta nhanh chóng bị phát hiện sau buổi lễ trao giải và bị treo giò 1 năm bởi Hiệp Hội Điền Kinh Mỹ vì trò đùa thiếu tế nhị của mình. Lorz quay lại và chuộc lỗi bằng chiến thắng tại Boston Marathon năm sau, 1905.
Nhà vô địch hợp pháp năm đó là Hicks, mặc dù cách anh vượt qua vạch đích sẽ không được chấp nhận trong thời đại ngày nay. Xuyên suốt cuộc đua anh ta được đưa cho uống một loại cocktail gồm lòng trắng trứng, rượu mạnh và strychnine sulfate – một loại bả chuột khá phổ biến nhưng nếu được dùng ở hàm lượng thấp sẽ hoạt động như một chất kích thích. Đây là trường hợp được ghi nhận sử dụng thuốc kích thích đầu tiên trong kỉ nguyên thế vận hội Olympic hiện đại. Công bằng mà nói, tại thời điểm Olympic 1904, không một quy định nào cấm việc sử dụng thuốc kích thích để tăng thành tích trong thi đấu thể thao cả. Loại thuốc này khiến Hicks bị ảo giác, và sau khi cố lết qua con đồi cuối cùng thì Hicks được dìu qua vạch đích bởi HLV của mình và được tuyên bố là nhà vô địch của cuộc đua. Thành tích 3:28:45, được xem là một trong những thành tích vô địch Olympic tệ nhất trong lịch sử, khi kém các thành tích chung trong nội dung marathon nửa giờ đồng hồ. Hicks đã mất khoảng 3.5kg trong cuộc thi và suýt chết tại sân vận động nếu không có sẵn đội ngũ bác sĩ điều trị tại vạch đích
Về sau đó là Albert Corey và Newton, đều mang quốc tịch Mỹ. Về hạng 4 không ai khác ngoài VĐV người Cuba ngoan cường, Carbajal. Đó là một ngày thi đấu ấn tượng của anh ấy không chỉ bởi vì trang phục hoặc phải đi nhờ để đến tham dự được ngày hội Olympic mà còn bởi vì trong lúc diễn ra chặng đua, Carbajal cảm thấy đói và quyết định đi vòng qua một vườn táo và ăn phải một số quả táo bị thối. Anh ta bị đau bụng dữ dội và phải tranh thủ chợp mắt để cơn đau qua đi. Tỉnh dậy, anh ấy cảm thấy khỏe hơn và tiếp tục cuộc đua và về đích thứ tư. Cũng cần nói thêm về người về đích thứ 9 – Len Tau đến từ Nam Phi. Anh này có thể thi đấu thành tích tốt hơn nếu không bị một chú chó hoang rượt và phải chạy hơn 1 dặm (1.6km) lệch khỏi đường chạy.
Đây không hẳn là một câu chuyện truyền cảm hứng, nhưng cũng không thừa để giúp chúng ta nhận thấy tầm quan trọng của khoa học thể thao trong đánh giá đúng với việc mất nước và thái độ về việc sử dụng doping trong thi đấu đã tiến một bước dài sau cuộc hành trình hơn 100 năm qua.
Nguồn: Podium Runner
The post Marathon ở Olympic 1904: một ngày thi quái gở appeared first on BoiDapChay.com.