Trong bài trước Cửa nào cho Duathlon Việt Nam tại SEA Games 2019, chúng ta đã nhìn qua đội hình các nước ở bộ môn Duathlon. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng đánh giá các đội ở trong nội dung chính, đó là Triathlon (3 môn phối hợp). Tương tự như Duathlon, đội Philippines đã thống trị môn Triathlon trong 2 kỳ SEA Games gần đây. Và lần này, đội hình ra quân của Philippines cũng rất mạnh. Và cũng như thường lệ, các đội còn lại tham dự với mục đích “chiến đấu cho HCĐ”.
Đội tuyển nam Philippines
John Chicano (trái) và Andrew Remolino (phải)
Tên | Bơi | Đạp | Chạy | Tổng | Giải |
John Chicano | 0:22:20 | 0:59:07 | 0:35:36 | 1:58:22 | 2019 Subic Bay NTT ASTC |
Andrew Remolino | 0:20:26 | 0:57:17 | 0:35:56 | 1:54:49 | 2019 Subic Bay NTT ASTC |
Hai đại diện của Philippines lần này là John Chicano và Andrew Remolio. John Chicano chính là người đã giành HCB môn triathlon tại SEA Games 2017 (giành HCV là Nikko Huelgas, người dẫn đoàn Philippines lần này). Thành viên còn lại là Remolino năm nay mới bước sang tuổi 19. Với lợi thê sức trẻ, Remolino thực sự là đối thủ đáng gờm cho các VĐV khác và cả chính Chicano. Remolino là kiểu VĐV toàn năng, với khả năng bơi dưới 20 phút cho 1500m và đạp 40km ở vận tốc 40kmh và chạy 10KM ở mức 37 phút.
Đội tuyển nam Singapore
Loo Chuan Rong (trái) và Clement Chow (phải)
Tên | Bơi | Đạp | Chạy | Tổng | Giải |
Clement Chow | 0:20:54 | 1:00:54 | 0:41:37 | 2:03:24 | SEA Games 2017 |
Chuan Rong Loo | 0:20:55 | 1:03:03 | 0:40:37 | 2:04:33 | SEA Games 2017 |
Đại diện của Singapore vẫn là Clement Chow và Loo Chuan Rong giống như kỳ SEA Games trước. Có vẻ đảo quốc sư tử vẫn chưa thể có lớp VĐV kế cận ra hồn khi Loo Chuan Rong đã bước sang tuổi 36 còn Clement Chow phải xin nghỉ việc 6 tháng ở công ty Deloitte để tập trung luyện tập. Loo là người mang về HCĐ cho triathlon Singapore tại SEA Games 2015 và Chow giành HCĐ năm 2017. Loo cũng chính là HLV đội triathlon và duathlon của đội tuyển Việt Nam. Vài tháng trước tại giải Singapore International Triathlon, Chow đã một lần nữa đánh bại Loo để lên ngôi vô địch. Có vẻ năm nay bộ đôi này vẫn ở chiếu trên với khả năng bơi ở tầm 21 phút cho 1500m và chạy 10KM trong 40 phút sau khi đạp 40km ở mức 38-39kmh.
Đội tuyển nam Malaysia
Aldrian Yeo của Malaysia
Tên | Bơi | Đạp | Chạy | Tổng | Giải |
Aldrian Yeo | 0:28:10 | 1:03:18 | 0:40:03 | 2:12:29 | National Trial |
Lee Wen Jun | 0:28:09 | 1:03:17 | 0:42:59 | 2:15:22 | National Trial |
Đại diện của Malaysia vẫn là lão làng Aldrian Yeo và gương mặt trẻ Lee Wen Jun. Yeo không quá xa lạ với đấu trường SEA Games nhưng chưa bao giờ là tranh chấp chính cho vị trí top 3. Hiện nay Yeo là HLV triathlon toàn thời gian của nhóm GoGetter Triathlon Squad (Malaysia). Lee Wen Jun sinh năm 1998, nghĩa là mới bước sang tuổi 21. Yeo và Lee khả năng khá tương đồng tuy nhiên sức chạy của Lee vẫn kém Yeo một chút. Tại giải chọn đội tuyển National Trial Trifactor 2019, Lee đã thực hiện chiến thuật bám đuổi Yeo từ lúc bơi cho đến lúc đạp, nhưng rồi bị hụt hơi ở phần chạy và về sau Yeo gần 3 phút.
Đội tuyển nam Việt Nam
Trần Nhân (trái) và Lê Hoàng Vũ (phải)
Đại diện của đội Việt Nam lần này là Lê Hoàng Vũ và Trần Văn Nhân. Lê Hoàng Vũ vốn là quản lý quỹ của một tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng nhưng không chấp nhận số phận ngồi cào bàn phím nên đã bén duyên với Triathlon qua các giải đấu Ironman. Với khả năng bơi rất tốt và sức đạp vào loại top ở Việt Nam, Vũ đã xuất sắc vượt qua kỳ thi chọn đội tuyển để đại diện cho Việt Nam. Còn Trần Nhân cũng được gọi vào đội tuyển nhờ thành tích bơi tốt không kém. Cả hai VĐV của chúng ta đều tham dự giải Singapore International Triathlon tháng 9 vừa qua cùng các VĐV SEA Games khác của khu vực để cọ xát trước giải đấu. Như đã nói ở trên, Chow và Loo của Singapore giành vị trí 1 và 2. Lê Hoàng Vũ về ở vị trí thứ 6 với thành tích 2h22p và Trần Nhân về thứ 8 với thành tích 2h32p. Đặc biệt, Lê Hoàng Vũ chỉ kém đại diện Lee Wen Jun của Malaysia khoảng 2 phút. Đây là khoảng cách không quá lớn ở cự ly Olympic và điều gì cũng có thể xảy ra khi thi đấu.
Lâm Quang Nhật
Ngoài ra không thể không kể đến kình ngư Lâm Quang Nhật. Ai cũng biết anh chàng này đã từng giành 2 HC SEA Games liên tiếp (1 HCV, 1HCB) ở cự ly 1500m. Sau khi từ bỏ sự nghiệp bơi chuyên nghiệp, Lâm Quang Nhật đã chuyển sang tập Triathlon và sẽ cũng đội tuyển tham dự nội dung tiếp sức. Ở nội dung tiếp sức, 4 VĐV sẽ phải hoàn thành lần lượt 200m bơi, 10km đạp và 1km chạy. Lâm Quang Nhật từng bị chấn thương cột sống sau những năm cống hiến cho nền bơi lội nước nhà. Tuy nhiên anh đã hồi phục khá tốt và gần đây nhất đã chiến thắng trong giải Sunset Bay Triathlon tổ chức ở Hạ Long – giải tập cuối cùng của đội tuyển trước khi lên đường.
Đội Thái Lan cho tới hiện nay vẫn kín tiếng. Và đội tuyển Indonesia, những tưởng đã bị loại vì không đăng ký kịp thời gian, cũng đã khẳng định sẽ gửi đội hình tới thi đấu ở SEA Games. Kỳ này mặc dù đội Philippines quá mạnh nhưng xét cho cùng, theo dõi các vị trí top 5 cũng hồi hộp không kém.
Như thông lệ ở các bộ môn điền kinh, tình hình đội nữ có vẻ dễ thở hơn so với đội nam. Mặc dù đội Philippines vẫn ngồi chiếu trên nhưng tình hình các đội chiếu dưới có vẻ ngang bằng hơn và cuộc đua tới tấm HCĐ sẽ khá gay cấn.
Đội tuyển nữ Philippines
Kim Kilgroe (trái) và Kim Mangrobang (phải)
Tên | Bơi | Đạp | Chạy | Tổng | Giải |
Kim Mangrobang | 0:20:18 | 1:02:06 | 0:42:04 | 2:05:20 | ASIAD 2018 |
Kim Kilgroe | 0:21:44 | 1:00:37 | 0:43:46 | 2:06:57 | ASIAD 2018 |
Kim Mangrobang vẫn là đại diện cho Philippines tranh tài năm nay. Mangrobang là một VĐV có bề dày thành tích vào bậc nhất ở Philippines với tấm HCB SEA Games 2015 và HCV năm 2017. Đương nhiên năm nay Mangrobang sẽ quyết tâm bảo vệ ngôi hậu của mình. Mangrobang có khả năng bơi rất tốt, nhưng thế mạnh lại ở phần chạy bộ với thời gian 10KM dao động ở mức 38-40 phút. Đối thủ lớn nhất tranh chấp vị trí số một với Mangrobang năm nay có lẽ là người đồng hương Kim Kilgroe. Kilgroe được sinh ra ở Mỹ, bắt đầu sự nghiệp Triathlon năm 2012 với các giải Ironman và trở thành VĐV chuyên nghiệp năm 2015. Kilgroe tập luyện cùng siêu HLV Brett Sutto, người đã đào tạo Nicola Spirig (HCV Olympic 2012 và HCB Olympic 2016) và hàng chục các nhà vô địch Ironman khác. Thể mạnh của Kilgroe là ở môn đạp xe. VĐV này sống ở Châu Âu và tập luyện cùng các VĐV đua xe đạp chuyên nghiệp
Đội tuyển nữ Malaysia
Irene Chong (trái) và Aimi Iwasaki (phải)
Tên | Bơi | Đạp | Chạy | Tổng | Giải |
Irene Chong | 0:29:36 | 1:09:30 | 0:49:00 | 2:29:12 | National Trial Trifactor 2019 |
Aimi Iwasaki | 0:33:34 | 1:16:49 | 0:45:14 | 2:36:57 | National Trial Trifactor 2019 |
Đội nữ Malaysia vẫn được dẫn dắt bởi Irene Chong, HCĐ SEA Games 2017. Irene Chong có lợi thế lớn ở môn bơi, là top 1 master swimmer và được đánh giá có khả năng bơi ngang ngửa VĐV Nguyễn Thị Kim Tuyến của đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, theo thông tin không chính thức, Irene đang bị chấn thương nên khả năng bung 100% sức cũng không cao. Thành viên còn lại là Aimi Iwasaki. Nói là thành viên đội tuyển nhưng thực tế thực lực của Iwasaki thua xa Irene và cũng không quá đáng ngại vì khả năng bơi hạn chế. Thêm nữa, Iwasaki từng là bại tướng của Nguyễn Thị Kim Tuyến ở giải Singapore International Triathlon.
Đội tuyển nữ Singapore
Tên | Bơi | Đạp | Chạy | Tổng | Giải |
Ethel Lin | 0:25:29 | 1:08:15 | 0:45:48 | 2:21:35 | 2019 Gyeongju |
Shuwen Chang | 0:28:47 | 1:16:48 | 0:53:37 | 02:41:15 | 2019 Gyeongju |
Gương mặt sáng giá nhất của tuyển Singapore có lẽ là Ethel Lin. Giống Chow hay Lê Hoàng Vũ, bản thân Lin là VĐV máu mặt nhưng cũng là một luật sư doanh nghiệp thành đạt. Vì sự nghiệp thể thao mà Lin cũng xin nghỉ việc 6 tháng ở công ty để qua Đài Loan tập luyện toàn thời gian. Lin không quá xa lạ với VĐV Phạm Thúy Vi của Việt Nam khi Lin từng theo học HLV Thúy Vi ở CLB Swimfast nổi tiếng Singapore. Cũng theo thông tin không chính thức, Lin đang bị đau tay tuy nhiên chúng ta vẫn không biết có kịp hồi phục cho SEA Games hay đây lại là một đòn gió khác khi ngày thi đấu tới gần. VĐV còn lại là Shuwen Chang, có vẻ bị chấn thương dai dẳng chưa dứt nên ngay cả các VĐV khác cũng đánh giá có lẽ Chang sẽ chỉ đi thi đấu cho có.
Đội tuyển nữ Việt Nam
Phạm Thúy Vi (trái) và Nguyễn Thị Kim Tuyến (phải)
Đầu tiên phải kể tới VĐV Nguyễn Thị Kim Tuyến. Tuyến vốn là cựu KLQG bơi lội của Việt Nam, từng làm mưa làm gió tại đại hội thể thao toàn quốc, trước thời Ánh Viên bây giờ. VĐV Kim Tuyến cho thấy tố chất VĐV và sức trẻ của mình khi trưởng thành từng ngày. Mới năm ngoái cô gái này còn đi bộ trong phần thi chạy ở giải Ironman 70.3 Vietnam 2018 thì tháng 9 năm nay, Tuyến đã đánh bại tất cả các VĐV khác để lên ngôi vô địch tại giải Singapore International Triathlon. Thành viên còn lại là VĐV Phạm Thúy Vi, cũng chính là HLV của Tuyến. Lão tướng này tuy năm nay đã 37 tuổi nhưng vẫn cho thấy bản lĩnh của cựu VĐV quốc gia. Thúy Vi đã lên ngôi vô địch Ironman 70.3 Vietnam 2019 khi mới lần đầu tiên tham gia. Tại giải Sunset Bay Triathlon, Vi cũng xuất sắc đòi lại món nợ ở Singapore với học trò Tuyến khi chiến thắng Tuyến với chênh lệch sát sao gần 2 phút.
Nhìn chung, thực lực đội tuyển nữ Việt Nam vẫn thấp hơn một chút so với các đội còn lại. Tuy nhiên, sự chênh lệch không nhiều và hoàn toàn trong khả năng tranh chấp khi thi đấu đỉnh cao. Ngoài ra, nếu thông tin về chấn thương của đội bạn là thật thì đây sẽ là lợi thế rất lớn cho đội Việt Nam.
The post Liệu Triathlon Việt Nam có mang lại bất ngờ tại SEA Games 2019 appeared first on BoiDapChay.com.