Ký sự tai nạn khi đạp xe và quá trình phục hồi (Phần 2)

Ký sự tai nạn khi đạp xe và quá trình phục hồi (Phần 2)

Phần 1 Ký sự tai nạn khi đạp xe và quá trình phục hồi đã nói về tai nạn khiến chân mình cà nhắc 3 tháng chưa lành. Phần này sẽ về quá trình phục hồi, cụ thể hơn là những sai lầm mắc phải trong quá trình tập gym vật lý trị liệu, và như thế nào mới là chương trình đúng?

Lên thớt

10h đêm, y tá kéo mình lên bàn mổ.

– Tôi là bác sĩ gây mê. Tôi sẽ chụp ống thở này và anh đếm ngược từ 20 và ngủ nhé. Tỉnh dậy là xong hết

À cái này thấy trên ti-vi suốt. 20-19-18… Khi tỉnh dậy thì mình đã thấy nằm một góc với chân tay băng bó. Ơ cứ tưởng phải dần dần chìm vào giấc ngủ như trong phim chứ. Tiên sự bọn ti-vi đúng là tổ sư ba xạo. Sáng hôm sau các bác sĩ đến thăm khám và giải thích bệnh lý:

– Chân trái anh bị chấn thương dây chằng và gân khá sâu, chúng tôi phải rạch thêm một đường dài, mở vết thương ra và rửa để tránh nhiễm trùng. Chúng tôi cũng phải nối một ống hút dịch để hút sạch dịch từ chân ra. Vết thương ở tay thì khâu tạm lại. Chúng tôi không có khoa phẫu thuật xương tay nên sẽ chuyển anh qua bệnh viện Đại Học Quốc Gia để mổ.

– Cũng được. Thế khi nào xe cứu thương chuyển tôi đi?

– Xe nào? Tự đi taxi về nhà rồi sau đó tự đi taxi đến bệnh viện làm thủ tục nhập viện chứ

– Ơ đù…

Tự bắt taxi chuyển viện với chai dịch trong túi

Thế là hôm sau mình lọc cọc mang bình hút dịch cho vào túi quần, lết ra bắt xe taxi với cái chân thẳng đơ không thể co duỗi. Nội việc nhấc mông co chân lên ngồi vào taxi cũng thật là cực hình. Đến bệnh viện Đại Học Quốc Gia, làm thủ tục nhập viện, bác sĩ khám qua loa rồi hẹn mai quay lại mổ. Thế thôi mà nó cũng tính hơn 100 đô. Đến ngày mổ lần thứ 2, bác sĩ giải thích:

– Chúng tôi sẽ nối xương của anh lại bằng một miếng kim loại và dùng vít để định vị, chờ xương liền lại. Đầu gối của anh chúng tôi cũng sẽ mổ lại và rửa lại vết thương, và khâu lại dây chằng và gân.

Phim x-quang chỗ gãy với đinh vít nẹp xương

Ơ cái bọn dở hơi này. Thế cuối cùng 3 ngày ở bệnh viện kia là công cốc à. Thế sao ngay từ đầu chúng mày không chuyển tao vào đây luôn đi cho nhanh. Thế là lại lên thớt lần thứ hai. Lại “đếm ngược từ 20 nhé”. Rồi rồi, nhanh nhanh đi cho tôi nhờ…

Viện phí kiểu Singapore

Lại tỉnh dậy trong một góc phòng mổ và được y tá đưa về phòng bệnh. Đến khổ, phòng có 2 người thôi nhưng nhà kia là người Malaysia. Người Malaysia vào bệnh viện cũng giống như người Việt mình đi sân bay đón người thân vậy. Ông chồng nằm viện thì vợ con đến thăm, rồi nhà ông anh họ con bà dì họ đằng gái xa xa cũng lôi cả nhà đến thăm, tiện rủ luôn thằng con rể, ông thông gia, mấy đứa cháu chắt đến luôn. Ồn ào không tưởng.

Thế rồi có em y tá qua chìa cho cái hóa đơn vào mặt. 20 ngàn đô !!! Mình cũng nghĩ là đắt nhưng cũng không ngờ đắt thế. Trong lúc đang nghĩ cách trốn viện thì sực nhớ đến em gái mưa”. Hôm đấy trời mưa tầm tã, em ấy đứng ở trạm tàu điện phố Trần Duy Hưng, à nhầm, Raffles Place.

– Anh ơi…mua cho em với

– Mua gì cơ ???

– Mua bảo hiểm chứ định mua gì?

Phòng tổng thống – thua xa Vinmec nhà mình

Tặc lưỡi mình mua cái gói bảo hiểm y tế đơn giản. Thể rồi trong các lần sau đó chả hiểu thế nào mình có thêm bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm ung thư, bảo hiểm chết sớm v.v.. Mỗi tháng tính ra cũng cúng vài trăm đô cho em ấy nên đây là dịp đòi nợ. Nghĩ là làm, mình lấy điện thoại gọi kể lể hươu nai một hồi, em ấy chỉ nói: “Anh yên tâm, tiền đó em lo. Anh chỉ việc nằm đấy mà hưởng thụ. Anh muốn đổi phòng nào cũng có”. Thế là chiều hôm đó mình được chuyển vào phòng riêng cho yên tĩnh. Và vì bệnh viện hết phòng riêng thường nên mình được nâng cấp luôn lên phòng…Tổng Thống. Bảo hiểm muôn năm!

Chuỗi ngày đau đớn hồi phục

Nằm phòng tổng thống nhưng thực chất mỗi ngày đối với mình chẳng dễ chịu lúc nào. Kết thúc cuộc phẫu thuật thứ 2 là ngày thứ Năm 18/10. Hôm đó cũng là ngày mà lẽ ra mình sẽ bay sang Thượng Hải để chuẩn bị cho cuộc thi Ironman 70.3 Shanghai ngày 21/10 với mục tiêu đạt chuẩn đi dự giải VĐTG Ironman 70.3. Vì vậy đương nhiên lúc đó suy nghĩ làm thế nào để kịp dự giải đã nhanh chóng biến mất, và thay thế bởi câu hỏi “Mất bao lâu để hồi phục?”.

Quá trình hồi phục không đơn giản. Đầu tiên là chờ cắt chỉ. Riêng việc này cũng mất đến 2 tuần, và mất thêm 2 tuần nữa để vết mổ liền lại và có thể nhảy xuống bể bơi. Và như HLV bơi của mình là cựu VĐV quốc gia Phạm Thúy Vi có nói: “Nghỉ bơi một tháng thì xác định là mất tầm 3 tháng để hồi phục và quay về điểm xuất phát”. May mắn là các vết thương không ảnh hưởng lắm tới động tác bơi, mình chỉ mất thêm thời gian để các cơ quen lại với việc vận động và kỹ thuật bơi. Có vẻ sau khoảng 2 tháng mình cũng lấy lại phong độ và bắt đầu bước vào chương trình tập luyện để cải thiện thêm thành tích.

Vết mổ đầu gối

Vết mổ tay

Đầu gối trái thì có vẻ phiền toái hơn. Trong vòng 1 tháng sau khi mổ (ngay cả khi bắt đầu tập bơi), chân trái của mình gần như không thể gập được. Trong 3 tuần sau khi mổ, chân được cố định bới miếng nẹp sắt và chỉ cho phép gập một góc 30 độ. Sau khi bỏ miếng nẹp, chân có cảm giác giống như một khúc gỗ, thẳng đơ. Lúc đó co chân để mặc quần còn khó chứ đừng nói đến đạp hay chạy. Dần dần, khi việc đơn giản như mặc quần đỡ đau hơn thì mình bắt đầu thử nhảy lên trainer đạp xe trong nhà. Ngay ở pha đạp đầu tiên mình đã suýt ngã xuống đất vì quá đau.

Nẹp cố định chân

Vật lý trị liệu

Để có thể cử động chân như bình thường, không còn cách nào khác là tập vật lý trị liệu. Tuy nhiên, chương trình vật lý trị liệu của bệnh viện hoàn toàn sai lầm và không có tác dụng, khiến mình phí phạm thêm 4 tuần nữa.

Đến khám ở bệnh viện, bác sĩ vật lý trị liệu chỉ xem qua hồ sơ, ngồi nắn chân 2-3 phút rồi bảo về tập squat, tập đẩy tạ leg press v.v.. Nghe giống hệt các bài tập trong Cách tập gym bổ trợ cho bơi đạp chạy. Kết thúc buổi trị liệu 20 phút là một hóa đơn 100 đô nữa và hẹn tái khám sau…3 tuần. Trong khoảng thời gian đó, mình kiên trì tập các bài về chân như bác sĩ khuyến cáo:

Ngoài ra, mình còn thực hiện các bài squat trên quả bosu ball để giúp cơ thể giữ thăng bằng. Cộng với các bài tập đó là bẻ chân vì mình muốn chân có thể cử động như cũ. Quá sai lầm. Vì sao?

Sau 3 tuần tập các bài trên thấy không có hiệu quả lắm, lại hơi đau đầu gối, mình đến tái khám. Bác sĩ lại nắn nắn chân 2-3 phút, rồi bảo tình trạng không có tiến triển nhiều lắm và hẹn lần sau khám tiếp khi chân có tiến triển hơn. Vì đó là dịp nghỉ tết dương lịch nên bác sĩ hẹn tái khám sau…5 tuần, sau khi cô ta đi du lịch về. Đùa nhau à, dẹp!!!

Thế là mình tìm đến bác sĩ vật lý trị liệu tư người Ireland mà thằng elite trong nhóm triathlon giới thiệu. Và mọi chuyện được sáng tỏ. Conor (tên bác sĩ) lấy máy đo lực khi gồng chân và nói: “Xem này, số liệu không lừa dối, lực cơ chân trái của cậu chỉ bằng 1/3 chân phải”. Thì ra, trong thời gian lành vết thương, chân trái mất đi khối lượng cơ vì không được sử dụng đến. Đặc biêt là sau khi mổ, 2 cơ có nhiệm vụ giữ xương bánh chè cố ở phần đùi trong và đùi ngoài bị yếu đi rất nhiều nên khi cử động sẽ làm xương bánh chè dịch chuyển và chạm vào xương, cơ khác gây đau. Vì vậy, các bài tập trị liệu cần được thiết kế để tăng sức mạnh cho chân trái đạt gần mức với chân phải, đặc biệt là các bó cơ giữ đầu gối. Các bài tập bao gồm:

Mũi tên mô tả các nhóm cơ được luyện tập

  • 20 giây giữ tạ, 10 giây nghỉ, lặp lại trong 5 phút để củng cố cơ VMO (Vastus Medialis)
  • Buộc dây cao su vào chân và bước rộng lên trước và sang ngang để tập cơ hông. 1 lần, mỗi lần 2 phút
  • Pilate side hip raise để tập cơ hông và cơ đùi. Bên trái và bên phải. Mỗi bên 50 lần
  • Calf raise: nâng lên 3 giây, hạ xuống 3 giây. Lặp lại đến khi không thực hiện được tiếp
  • Leg press chân trái (gập góc nhỏ). Bắt đầu với 60-80% trọng lượng cơ thể, tiến dần lên 100%-120% trọng lượng cơ thể. 10 hiệp, mỗi hiệp 10 lần để tập cơ chân VMO và cơ mông

Bác sĩ Conor hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu

Thế đấy, nếu thay vì nghe lời bà bác sĩ vớ vẩn kia mà đến Conor sớm thì chuyện đã khác. Ít nhất anh chàng này còn dành cho mình 15 phút massage rất kỹ chỗ cơ bị căng, và chỉ dẫn rất cụ thể bài tập và bệnh lý. Đừng ảo tưởng y tế Singapore quá nhé!

Kết

Dù mới tập luyện chương trình vật lý trị liệu mới được 1 tuần, nhưng ít nhất mình cũng cảm nhận được tính khoa học của nó. Và ít nhất bài tập này cũng có số hiệp, số kg cụ thể và các nhóm cơ được củng cố. Như vậy tốt hơn nhiều so với các bài tập mơ hồ trong bệnh viện và những bài tập tự mình nghĩ ra, nghe có vẻ có lý nhưng thực chất lại rất sai lầm. Có lẽ, lời khuyên ở đây là các bạn nếu có bị chấn thương thì nên đi khám bác sĩ chứ đừng lên mạng tìm thuốc. Và khi khám bác sĩ thì nên đánh giá xem liệu pháp của họ có kỹ càng, hợp lý và khoa học (có các dữ liệu đo đạc cụ thể) không.

PS: xin cám ơn bạn gái (sắp thành vợ-chờ lên phường) đã giúp mình tắm rửa, đi lại, sống sót qua chuỗi ngày tàn tật

The post Ký sự tai nạn khi đạp xe và quá trình phục hồi (Phần 2) appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *