Garmin Forerunner 945 – đánh giá và trải nghiệm

Garmin Forerunner 945 – đánh giá và trải nghiệm

Thứ 7 và Chủ Nhật (6-7/07/2019) vừa qua, Garmin Việt Nam đã có một buổi công bố rầm rộ hai mẫu sản phẩm mới tại Saigon Centre (Q1 – TP HCM). Các sản phẩm đó bao gồm Garmin Forerunner 245 (chuyên dùng cho chạy bộ) và Garmin Forerunner 945 (hướng tới ba môn phối hợp). Trong bài này chúng ta hãy cùng xem chi tiết tính năng của sản phẩm Garmin Forerunner 945 (gọi tắt là Garmin 945).

Garmin 945 là phiên bản cập nhật của Garmin 935 (ra đời năm 2017, thay thế cho dòng cũ Garmin 920XT), nằm trong dòng đồng hồ thể thao đa năng, vừa có thể sử dụng tốt trong môn chạy bộ, lại có tính năng hữu ích cho bơi lội (trong hồ và ngoài trời), đạp xe. Vì vậy đây là dòng đồng hồ được ưa dùng nhất trong giới triathlon.

Nói một cách tóm tắt, trong phiên bản mới này, Garmin 945 đã làm tốt 2 việc:
1. Nâng cấp các tính năng cũ cho bơi, đạp, chạy được mượt mà, chính xác hơn. Tuy nhiên tính năng đếm vòng khi bơi bể có vẻ không được ổn định cho lắm (sẽ nói thêm dưới đây)
2. Thêm các tính năng mới từ các dòng sản phẩm khác, đáng kể gồm có: chức năng phát nhạc lên tai nghe Bluetooth, Pulse Ox, tính toán mức độ thích nghi với trời nóng (heat acclimation) và độ cao (altitude acclimation)

Có thể nói với người dùng phổ thông, tính năng phát nhạc trên Garmin 945 được xem là tính năng nổi bật nhất. Với tính năng này, bạn có thể cóp nhạc vào đồng hồ hoặc sử dụng Spotify (nếu có account) để phát nhạc lên tai nghe Bluetooth. Tính năng này thực sự tiện dụng, giúp bạn có thể vừa chạy vừa nghe nhạc thoải mái mà không cần đem theo cái điện thoai vừa to vừa nặng.

So sánh độ dày của Garmin 935 và Garmin 945

Tổng quan về sản phẩm và các tính năng hàng ngày

Giống như dòng sản phẩm Fenix 5 Plus (xem review), Garmin 945 hỗ trợ đầy đủ các môn thể thao thông dụng nhất như: bơi, đạp, chạy, 3 môn phối hợp (triathlon), golf v.v… Tuy nhiên, điểm nổi bật hơn cả là các dữ liệu mà Garmin 945 tập hợp được từ quá trình tập luyện và đồng bộ hóa với hệ sinh thái Garmin Connect. Cụ thể là gì?

Training Status: trạng thái tập luyện. Dựa vào cường độ tập luyện của bạn, Garmin 945 sẽ tính toán trạng thái thể lực của bạn, qua đó giúp bạn theo dõi một cách khoa học hơn quá trình tập luyện của mình. Ví dụ sau 4-6 tuần tập, Garmin báo bạn ở trạng thái “Unproductive”, nghĩa là cơ thể bạn đã quá tải, cần giảm khối lượng tập để đạt điểm rơi phong độ.

Training Status bao gồm:
• Peaking: trạng thái tốt nhất, sẵn sàng để thi đấu
• Productive: bạn đang tập luyện đúng tiến độ và đang cải thiện
• Maintaining: khối lượng tập luyện của bạn hiện tại đủ giữ fitness của bạn ở trạng thái trung bình
• Recovery: phục hồi sau chu kỳ tập nặng hoặc sau các kỳ thi
• Unproductive: khối lượng tập luyện cao nhưng fitness lại giảm, nhiều khả năng bạn nghỉ ngơi không đủ, stress v.v… Cần nghỉ ngơi thêm
• Detraining: tập luyện không đủ khối lượng
• Overreaching: tập luyện quá nhiều dẫn đến quá tải, cần nghỉ ngơi
Ngoài ra, khi bạn vào mục “Load”, Garmin cũng cho bạn thấy cơ cấu kết quả các bài tập của bạn, bao gồm:
• Anaerobic: ngưỡng kị khí. Đây là mức chạy trên threshold, tốc độ cao, cự ly ngắn (ví dụ các bài chạy interval)
• High Aerobic: mức hiếu khí cao. Mức hiếu khí là mức tập luyện tăng sức bền. Mức hiếu khí cao trong chạy có thể hiểu là mức cuối zone 2, đầu zone 3 (là mức nhẹ hơn mức thi đấu một chút)
• Low Aerobic: mức hiếu khí thấp, tương đương mức chạy nhẹ nhàng, chậm, để tăng sức bền và hệ tim mạch
Dưới đây là tổng hợp các tính năng mới được đưa vào Garmin 945:
• Phát nhạc qua tai nghe bluetooth, bằng bộ nhớ trong hoặc Spotify
• Chức năng thanh toán không dây NFC (tương tự Apple Pay hay Samsung Pay)
• Pulse Ox đo độ bão hòa Oxy trong máu (xem them bài review Garmin Fenix 5 Plus)
• Nhịp thở: chỉ số này nghĩa là bạn thở ra và thở vào bao nhiêu lần một phút (tính bằng số BRPM). Thông thường khi nghỉ chỉ số này vào khoảng 12-20 nhịp/phút. Khi tập thể thao có thể lên tới 40-50 nhịp/phút. Để đo chỉ số này bạn cũng cần có đai tim đeo ở ngực. Với chỉ số này, bạn có thể biết được với cùng một bài tập, bạn cảm thấy mệt hơn hay thoải mái hơn (cùng một bài tập, cùng một chỉ sô HR nhưng nếu thở dốc – nhịp thở cao thi có nghĩa bạn cần nhiều sức hơn, có thể cơ thể hôm đó không khỏe).
• Cảm biến nhịp tim mới (giống loại cảm biến trên mẫu đồng hồ Garmin MARQ – dòng sản phẩm cao cấp trị giá 1.500$ mỗi chiếc)
• Cường độ tập luyện Training Load
• Đo mức độ stress
• Chỉ số Body Battery: chỉ số của Garmin đo “năng lượng” cơ thể. Dựa vào thời gian nghỉ ngơi, ngủ, cường độ luyện tập, stress v.v..
• Chỉ số làm quen với thời tiết nóng (Heat acclimation)
• Chỉ số làm quen với độ cao (Altitude acclimation)
• Chức năng báo cho người thân khi bạn gặp nạn
• Thời lượng pin tăng lên 36h ở chế độ GPS thường (theo nhà sản xuất), và 60h ở chế độ UltraTrac
• Thuật toán tính chỉ số VO2Max, cường độ luyện tập v.v.. được cập nhật để chính xác hơn

So sánh cân nặng giữa Garmin 945 và Garmin 935/Garmin 245. Garmin 945 và 935 nặng ngnag nhau trong khi Garmin 245 nhẹ hơn 10gram nhưng Garmin 245 chỉ dùng chuyên về chạy

Tính năng thể thao
Garmin 945 có nhiều cải tiến với UI (User Interface) thân thiện người dùng hơn, và có nhiều tính năng hiển thị bắt kịp với xu thế ở các đối thủ. Ví dụ: nếu Suunto 9 có tính năng xem lại chỉ số các vòng chạy đã thực hiện như nhịp tim, pace v.v.. thì hiện nay Garmin 945 cũng đã cập nhật tính năng này. Xa hơn, Garmin 945 cũng cho phép xem lại chỉ số từng vòng bể 50m sau khi bơi (ví dụ bạn có thể so sánh ngay trong 200m bơi, 50m đầu và 50m cuối chênh lệch ra sao).

Đo Lactate Threshold

Lactate Threshold được giới runner và xe đạp sử dụng rộng rãi từ nhiều năm nay. Đây là ngưỡng vận động mà ở đó acid lactic bắt đầu tích tụ trong cơ thể (lượng acid lactic thải ra nhiều hơn lượng acid lactic được cơ thể chuyển hóa). Khi VĐV vượt qua ngưỡng này thì cũng là lúc cơ thể mệt mỏi. Đối với runner có kinh nghiệm, mức Lactate Threshold có thể ở ngưỡng 90% mức tim tối đa (max HR) và với pace giữa pace 10KM và HM pace.
Garmin 945 có tích hợp bài test Lactate Threshold trong nền tảng của mình (thực ra đã xuất hiện từ phiên bản 735XT). Lactate Threshold được tính toán dựa trên Heart Rate Variability (HRV). Để đo HRV bạn sẽ cần đai đo nhịp tim đeo ở ngực (hear rate trap). Bạn chỉ cần vào mục “Chạy (Run)” trong Garmin 945, ấn nút “Up” và mở mục “Lactate Threshold Test” và làm theo hướng dẫn trên đồng hồ. Bài test là một bài chạy 20-30 phut. Sau khi test xong, Garmin 945 sẽ hiển thị HR và pace ở ngưỡng Lactate Threshold của bạn.

Cảm biến nhịp tim cổ tay

Cảm biến mới và giao diện cho phép xem lại chỉ số bài tập giống như Suunto

Như đã nói ở trên, Garmin 945 sử dụng cảm biến nhịp tim khác hoàn toàn so với các đồng hồ Garmin dùng phân khúc như 935 hay Fenix 5 Plus. Đây là cảm biến được sử dụng trên đồng hồ Garmin MARQ trong phân khúc cao cấp, với mỗi chiếc được bán với giá tầm $1.500 trở lên. Đặc điểm nhận dạng của cảm biến này là 3 cảm biến đo nhịp tim màu xanh và 1 cảm biến đo mức oxy trong máu màu đỏ được xếp thành một hàng dọc.
Về tính năng, cũng giống như với Fenix 5 Plus, các cảm biến của Garmin 945 sẽ do nhịp tim của bạn 24/24 và sync thông số lên Garmin Connect. Các thông số gồm có: thông số và chất lượng giấc ngủ (nhịp tim, số giờ ngủ, số giờ ngủ sâu v.v…), nhịp tim trung bình trong ngày khi làm việc, khi chơi thể thao v.v…Chúng tôi đã nói kỹ về tính năng này trong bài review Fenix 5 Plus.

Biểu đồ nhịp tim đo bằng cảm biến của Garmin 945 trong một bài interval

Về độ chính xác của cảm biến, điều này tùy thuộc vào cách đeo đồng hồ của bạn. Nhìn chung, chỉ số khá chính xác nếu cổ tay của bạn không cử động mạnh (ví dụ như khi đạp xe). Trong môn chạy bộ, để cảm biến được hoạt động chính xác, bạn cần đeo đồng hồ khá chặt, để cảm biến được tiếp xúc với da tốt hơn. Dưới đây là ví dụ một bài chạy interval bao gồm chạy nhanh trong 6 phút, sau đó chạy châm trong 4 phút, lặp lại 3 lần. Có thể thấy cảm biến đã theo dõi khá tốt sự thay đổi trong cường độ vận động, chỉ số nhịp tim tăng, giảm đều tùy theo vận tốc chạy và có những đoạn chỉ số bị ngắt quãng đột ngột (đột ngột giảm hoặc tăng).

Chất lượng GPS
GPS có lẽ là điểm khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất khi sử dụng Garmin 945. Đầu tiên là khả năng bắt GPS khi khởi động đồng hồ. Garmin 945 chỉ mất khoảng 10 giây để bắt tín hiệu GPS, trong khi đó Garmin 935 có thể mất tới 30-60 giây. Nghe 60 giây có vẻ ngắn nhưng thử tưởng tượng bạn sẽ bực như thế nào khi đã chuẩn bị giày, áo cẩn thận, khởi động xong hết chuẩn bị chạy và khi bật đồng hồ lên thì mãi mà chưa thấy sóng GPS.
Dưới đây chúng ta sẽ so sánh sóng GPS của Garmin 945 với người “tiền nhiệm Garmin 935”. Cần nói thêm là như đã đề cập trong bài review về Garmin Fenix 5 Plus, Garmin 935 có thể coi là dòng đồng hồ có sóng GPS chính xác và ổn định nhất thời điểm đó, rất thích hợp dùng cho các hoạt động thể thao trên bờ. Chúng tôi cũng dùng Garmin 935 trong những cuộc thi Half Marathon hay Marathon và quãng đường đồng hồ tính luôn ở tầm 21km và 42km, chính xác tới mức khó tin.

Trong ảnh dưới là đường sóng GPS của Garmin 935 và 945 đặt cạnh nhau, trong một quãng đường chạy 6.5km, ở địa hình thành phố thông thường. Cả Garmin 935 và 945 đều được đặt ở chế độ GPS Only (chế độ GPS thông thường, không phải là chế độ GLONASS hay GALILEO chính xác hơn nhưng hao pin hơn).

Nhìn qua, có thể thấy hai sản phẩm có tín hiệu GPS khá tương đồng, không có nhiều khác biệt. Về tổng thể cho cả quãng đường, hai đồng hồ chỉ lệch nhau 50m cho gần 6.5km chạy. Đây là chênh lệch hoàn toàn có thể chấp nhận được, vì nhiều khi đeo đồng hồ ở hai tay khác nhau sẽ cho kết quả lệch nhau một chút.

Bây giờ chúng ta sẽ zoom vào nhưng đoạn có sự sai lệch. Còn ở đoạn này sóng GPS của Garmin 945 có vẻ chuẩn hơn Garmin 935, đường sóng đúng đường chạy không bị lệch.

Chạy trong SVĐ luôn là một bài thử tốt cho GPS vì các vòng SVĐ đều có cự ly tiêu chuẩn, và thường thoáng đãng không cản trở tín hiệu GPS. Theo map trên có thể thấy có một chút khác nhau giữa Garmin 945 và Garmin 935. Tôi chạy đường pít trong cùng, vì vậy Garmin 945 có vẻ chính xác hơn. Garmin 935 không hiểu vì lý do nào đó lại bị lệch ra đường pít ngoài. Cả 2 vòng chạy đều như vậy. Trong khi đó đến phía bên kia SVĐ thì 2 đường GPS lại trùng nhau.

Bơi lội
Vấn đề lớn nhất của Garmin 935 là chế độ GPS bơi ngoài trời không ổn (ở chế độ GPS thông thường). Đôi khi chênh lệch có thể lên tới 20-50% tùy quãng đường (bơi 1.900m bị nhầm thành 2.500m là chuyện thường, tùy vào thời tiết). Có lẽ vì vậy mà VĐV Lucy Charles, người có thể nói là bơi nhanh nhất hiện nay trong giới VĐV chuyên nghiệp Ironman, vẫn dùng Garmin 920XT tuy cổ lỗ nhưng tín hiệu GPS bơi biển lại rất chính xác.

Ở phiên bản Garmin 945, có thể nói vấn đề này đã được giải quyết. Trong hình dưới là đường bơi 750m tại giải Trifactor ở Singapore. Đường bơi được căng phao từ đầu tới cuối và dài 750m (thực tế chắc chắn dài hơn vì sóng và dòng chảy làm xô lệch dây phao). Theo đồng hồ, tôi bơi lố thành 880m. Theo tôi nhận xét đây là độ dài đúng vì với dây phao bị kéo lệch chắc chắn sẽ mất thêm 50m. Và với điều kiện sóng nhấp nhô, việc “mua đường” thêm 80m là đương nhiên.

Bơi biển tại giải Trifactor National Championship tại Singapore ngày 14/7

Tuy nhiên, điểm trừ lớn của Garmin 945 ở môn bơi lại là việc đếm số vòng bơi. Khi thử nghiệm tôi thường xuyên bị đếm nhầm số vòng (thêm 50m). Điều này xảy ra ít nhất trong 50-60% số buổi bơi. Đây không phải là vấn đề lớn lắm với tôi vì tôi xem tổng thời gian bơi từng interval chứ không nhìn pace, và dù bị tính thêm quãng đường thì thời gian bơi vẫn không đổi. Đây có thể là do đồng hồ tôi sử dụng bị lỗi (bằng chứng là trên Internet có vẻ không ai phàn nàn về lỗi này), hoặc lỗi firmware có thể được khắc phục bằng các bản cập nhật. Đây không phải là một vấn đề quá lớn.

Kết

Nhìn chung, Garmin 945 không có nhiều thay đổi về thiết kế, nhưng có nhiều cải tiến đáng kể về chất lượng so với Garmin 935. Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở khả năng bắt và độ chính xác của GPS, trong chạy bộ, đạp xe hay ngay cả bơi ngoài trời. Vì vậy đây vẫn là chiếc đồng hồ đáng mua nhất mà không cần phải suy nghĩ nhiều nếu bạn muốn sắm một chiếc đồng hồ để tập luyện và thi đấu triathlon (có lẽ cần suy nghĩ một chút nếu bạn không có hầu bao quá rủng rỉnh).

Garmin Forerunner 945 được phân phối và bảo hành chính hãng bởi FPT. Giá sản phầm niêm yết: 14.990.000 VND. Như thường lệ các member của boidapchay coaching sẽ được giảm giá 10% khi mua đồng hồ (không áp dụng cho người ngoài) . 

The post Garmin Forerunner 945 – đánh giá và trải nghiệm appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *