Đường đến Kona – VĐV Quang Nguyễn

Đường đến Kona – VĐV Quang Nguyễn

Ngày 28/7/2019 vừa qua tại giải Ironman Canada, anh Quang Nguyễn đã trở thành người Việt Nam đầu tiên đạt chuẩn tham dự giải VĐTG Ironman World Championship. Mặc dù không mang cuốc tịch Việt Nam (anh Quang Nguyễn mang quốc tịch Mỹ), nhưng thành công này cho thấy dòng máu Việt Nam hoàn toàn có đủ yếu tố để cạnh tranh trực tiếp với các VĐV “Tây” trên đấu trường thế giới. Boidapchay đã có cuộc phỏng vấn với anh Quang Nguyễn, hy vọng câu chuyện của anh sẽ truyền cảm hứng tới các VĐV Việt Nam để chúng ta sẽ chứng kiến nhiều người đạt chuẩn tham gia giải Ironman World Championship hơn nữa.

VĐV Quang Nguyễn với đồng “Kona token” mong ước của bao VĐV

Anh bắt đầu tập 3 môn phối hợp như thế nào? Anh có nền tảng tập luyện môn nào trong 3 môn không (bơi, đạp, chạy)?

Anh khởi đầu “sự nghiệp thể thao” vào lúc 16 tuổi, lúc đó quanh năm suốt tháng cứ bịnh hoài, nghĩ là mình phải chơi thể thao gì đó để có sức khoẻ tốt, chứ bịnh hoài như vậy con gái nào ưa ?

Đơn giản là thế. May sao lúc đó đội bơi trong trường trung học tuyển thành viên, anh không biết bơi, chỉ biết đứng nước thôi, nhưng liều mình đi xin ông HLV cho vào đội. Ông HLV tưởng là mấy thằng vô đăng ký đều biết bơi hết, ai nào có ngờ…

Lần tập đầu tiên, anh thấy tội nghiệp cho ông HLV quá, mấy thằng Mỹ bơi ầm ầm, trong khi có 1 mình anh, vừa chẳng hiểu ổng nói gì hết, vừa không biết bơi. Nhưng sau 2 tuần cố gắng hết sức mình thì anh cũng từ từ theo ngửi khói tụi nó, và cuối mùa bơi, 8-10 tuần gì đó, anh từ 1 thằng dở nhất lót tót cũng được hạng 5. Và được ông HLV tặng cho Giải thưởng Most Improved Award (Người tiến bộ nhất). Khoảng khắc tự hào nhất trong cuộc đời anh !!!

Vào tháng 6 năm 2008, bạn của anh tên là Beltran, rủ anh chơi triathlon. Nó nói, mày đã biết bơi rồi, mày đạp xe đi làm cả năm nay, chỉ chạy thôi là xong. Anh cũng đã sẵn thích triathlon rồi, nhưng không biết làm sao bắt đầu, nghe ông bạn rủ, anh cũng khoái… hỏi thêm, vậy chừng nào đua? Nó trả lời, tháng 7, mày có 5 tuần để tập… trong đầu anh nghĩ trời… sao mà được? Hơn 5 năm không bơi, chưa bao giờ chạy, mổi lần chạy lại đau đầu gối, sao chạy 10k được? Nhưng thôi kệ, chơi luôn ?

Về nhà “xin phép” vợ, vợ anh hoàn toàn ủng hộ… và đó là lần đầu làm chuyện ấy ?

Anh quyết định tập luyện để tham gia Kona (Giải VĐTG Ironman 140.6) từ khi nào, thời điểm nào anh cảm thấy mình đã sẵn sàng chinh phục mục tiêu này?

Sau 6 năm chăm chỉ luyện tập, anh mon men bước vào cự ly 140.6 (Ironman). Lần đầu là race Vineman năm 2014, lúc này Vineman chưa thuộc về Ironman và giá đăng ký lúc đó chỉ là 300$ (thông thường phí đăng ký một giải Ironman cự ly 140.6 tầm 700-800$ – PV). Lần đầu làm chuyện ý, không hiểu nhiều về nutrition, pacing cho nên đến lúc 21km, bị hit the wall (đụng tường), rớt giữa đường. Nhưng vì trong người có máu cương nên anh đi bộ 21km còn lại. Lần đó finish 12h30p.

Rút kinh nghiệm, năm 2015 anh đăng ký cho Ironman đầu tiên ở Lake Tahoe, tuy không biết mình đang ở đâu so với mấy cao thủ khác nhưng anh vẫn mơ mộng nếu được hạng 7, 8 gì đó, có thể roll down được 1 slot Kona ? (Thành tích của anh Quang ở giải Ironman Lake Tahoe là 10h42p hạng 13 AG – PV).

Năm 2016, lúc đó là năm đầu tiên Vineman thuộc về Ironman và là năm duy nhất Ironman duy trì Vineman course cũ. Thử lại lần nữa coi sao.. vẫn không được (Năm 2016 thành tích anh Quang ở Ironman Vineman là 10h19p hạng 11 AG – PV)

Năm 2017, Ironman đổi Vineman course thành Santa Rosa, nhưng năm đó anh quyết định không đua ironman. Sau đó mới biết quyết định sai lầm ? Mấy người thường thua anh, lại được slot đi Kona năm đó).

Năm 2018, anh cảm thấy đã sẵn sàng tham gia cuộc đua nhưng không thành. Thực tế thì nó là cái race anh cảm thấy anh thi đấu tệ nhất ? (Năm 2018 anh Quang có thành tích 10h34p tại Ironman Santa Rosa, xếp hạng 19 AG)

Năm 2019, thử lại lần nữa coi sao. Lần này làm ở Canada tại vì Santa Rosa chung ngày với Ironman 70.3 Đà Nẵng.

Phòng tập luyện của anh Quang Nguyễn

Kể từ sau khi quyết định tập và thi đấu cho thì lịch sinh hoạt (công việc, gia đình, tập luyện) của anh có gì thay đổi không?

Ngày thường, mỗi ngày dậy lúc 5 giờ sáng chuẩn bị cho bơi với Masters (Master Swimming là những nhóm bơi dành cho người hơn 25 tuổi – PV) – Thứ 4 nghỉ tại vì hồ bơi đóng cửa. Bơi 3-5km, tuỳ ngày, tuỳ mùa. Sau đó đi làm. Sau giờ làm việc thì chạy bộ hoặc leo lên trainer tập 45’ đến 90’ tuỳ mùa.

Cuối tuần thì dành 1 ngày chạy dài, 1 ngày đạp (trên trainer) dài. Chỉ có những lúc gần đua thì đem xe ra ngoài đạp cho quen. Gia đình thì lúc nào anh cũng hỏi vợ anh cuối tuần có kế hoạch gì để anh sắp xếp. May mắn là bà chủ, ý lộn vợ anh, ủng hộ hoàn toàn.

Anh có thể chia sẻ thêm về cách anh tập luyện cho từng môn không ạ?

Tuy tụi em có thể nghĩ là bơi là môn yếu nhất trong 3 môn nhưng anh từ bơi lội ra ? Nhờ đã bơi cũng vững cho nên không cần bỏ nhiều công sức cho môn này nhiều. Anh bơi indoor hoàn toàn, rất hiếm khi bơi open water. Bạn anh cứ hỏi hoài, sao không bao giờ thấy anh đi bơi open water vậy?
Đạp thì nhờ trong thời gian đạp đi làm 9 năm (2007 – 2016), anh cũng xây dựng được 1 cái base vững vàng. Cuối năm 2017 anh mới bắt đầu tập với Zwift, được 6 tháng, anh đổi qua TrainerRoad tới bây giờ. Em cũng biết đấy, tập trên trainer rất nhàm chán và khó, dễ nản chí. Nhưng tại anh có mục đích cho nên phải chịu đựng, trải qua mọi thử thách. Nhờ TrainerRoad mà sau 1 năm, 70.3 bike split của anh tiến bộ được 4-6 phút tuỳ course. FTP test lần cuối cùng khoảng 1 năm trước là 259w (lần đầu test FTP của anh Quang là 225w).

Chạy là môn mà anh thật sự cảm thấy yếu nhất. Phải khắc phục đủ thử thách mới tiến bộ và có ngày hôm nay. PB 5k 19’00, 10k <40’ (trong Olympic distance triathlon), HM 1h24’52, FM 3hr07.

Anh có tập tạ không? Anh nghĩ nó có quan trọng không và nó có giúp gì cho anh trong việc cải thiện thành tích hoặc tránh chấn thương không?

Anh không tập tạ. Lý do là không có thời gian nhưng anh nghĩ weight training quan trọng trong việc phục hồi, hoặc là ngừa chấn thương. Lúc trước khi bước vào tập cho 140.6 thì mỗi năm 3 tháng trong mùa đông, anh tập tạ thay vì bơi. Bây giờ thì không tập tạ nữa.

Anh có theo chế độ ăn nào đặc biệt không: fasting, vegan, Keto,…. Anh có nghĩ rằng thói quen ăn ngủ lành mạnh sẽ giúp cho thành tích của mình được cải thiện hay không?

Anh không theo chế độ ăn uống nào hết. Vợ cho ăn gì là ăn cái đó ? Anh chỉ không ăn snack không có dinh dưỡng thôi, ngoài đó cái gì cũng ăn ? Anh thường còn được gọi là thùng rác. Ngoài ra anh nghĩ ngủ rất quan trọng, anh ngủ 6.5-7 tiếng mỗi tối, trong ngày trước khi lên trainer thì tranh thủ chợp mắt 30 phút.

Anh có thể chia sẻ thêm về nutrition bao gồm những loại đồ ăn thức uống và cách anh sử dụng chúng trong ngày thi đấu?
Lần này (Ironman Canada, nơi anh Quang chính thức qualify cho Kona – PV) là lần đầu tiên anh thực sự nghiêm túc với nutrition trong race và anh thấy được sự khác biệt lớn trong kết quả. Anh đã có thể đạp hết mình suốt 180km và anh đã có thể duy trì được pace chạy từ đầu tới cuối.

Nutrition anh dùng là gì?

Đơn giản là maple syrup (mật cây phong) và muối. Syrup cho calories and carbs, muối cho electrolytes. Anh không đụng đến bất cứ sản phẩm thương mại nào trong race vừa qua.

Tại sao anh chọn giải IM Canada Subaru để nhắm Kona? Anh có chiến lược thi đấu hay target cụ thể gì cho giải này không?

Đơn giản là anh ở bang California, miền Tây của nước Mỹ. Miền tây có 4 giải Ironman
1. Ironman Santa Rosa, gần nhà nhất. Rất tiếc năm nay không tham gia đuọc là vì nó cùng ngày với Đà Nẵng
2. Ironman Arizona, tháng 11. Race này bằng phẳng, dể dàng cho VĐV mới vô để finish, nên lúc nào cũng bán hết.
3. Ironman Boulder, tháng 6. Anh tính là hồi phục không kịp cho nên không đăng ký.
4. Ironman Canada, cuối tháng 7. Thời gian rất tiện lợi. Và lại sẵn dẫn mấy đứa nhỏ đi chơi luôn.
Đó là lý do chính anh chọn Ironman Canada năm nay

Anh không có chiến lược cụ thể gì cho giải này cả. Bơi nhẹ nhàng, coi như là khởi động. Ăn uống thường xuyên trên xe, đạp một cách thận trọng cho 70 dặm đầu tiên, kiểm tra xem có còn khả năng để push tiếp hay không. Target cho power của anh là 180w (average power chứ không phải Normalized Power).

Đến phần chạy, ăn thường xuyên, pace 5 có vẻ chậm (so với thành tích solo marathon) nhưng anh thà thế còn hơn phải chạy pace 6,7 hay thậm chí 8 trong đoạn cuối.

Với tư cách là người Việt đầu tiên qualify cho Kona cao quý, anh có lời khuyên gì cho những bạn trẻ ở VN khi theo đuổi môn này và đỉnh cao Kona không?

Quan trọng là vui, phải thích. Phải tìm cách làm sao mà kết hợp được rèn luyện vào trong cuộc sống chứ không phải là bổn phận hay là 1 công việc. Trong cuộc sống thì ngày nào cũng phải ăn, uống, hít thở, vv… thì làm sao tìm cách nào để mà train như là 1 việc mình phải làm mỗi ngày. Còn nếu mà train cảm giác giống như trả bài thì sẽ không lâu bền. Nếu không lâu bền thì cơ hội đi xa trong lĩnh vực này không là bao.

Ngoài ra nên coi trọng việc gia đình, training quan trọng, nhưng gia đình quan trọng hơn. Tập luyện có thể 10 năm, 20 năm, gia đình là cả đời, cho nên gia đình vẫn quan trọng hơn. Trong trường hợp của anh, anh không ăn nhậu, không đi cafe, thời gian của anh hoàn toàn, ngoài giờ làm việc, cho việc tập luyện và gia đình. Anh thường hỏi vợ anh là có kế hoạch gì thì anh tập ít hoặc là dời buổi tập.

Hỏi nhanh đáp gọn:
Tại sao anh lại lấy nick name là Spidey (có liên quan gì tới Spider Man không :D)
Trước khi Spidey anh lấy nick name là bman (bonk man) tại vì chạy bị bonk (tương tự như đụng tường, tèo giữa cuộc thi, dân gian gọi là “bán rau” – PV). Mấy năm trước anh bị con nhện black widow (là loại nhện độc số một – PV) cắn, bị mê man mấy ngày, tưởng đi luôn rồi chứ, sau khi tỉnh lại thì anh đổi thành spidey.

Quyển sách anh thích đọc nhất về triathlon hoặc endurance sports nói chung là gì?
Gold in the water
80/20 Triathlon

Dụng cụ tập luyện nào anh nghĩ là quan trọng hoặc yêu thích nhất?

Bơi thì anh thích dùng Finis paddles nhỏ (paddle là bàn quạt), trong lúc pull set thì anh dùng paddles lớn. Anh đập chân dở lắm. Đạp thì anh thấy Indoor trainer rất quan trọng. Nó vừa không tốn nhiều thời gian, vừa hữu hiệu. Chạy thì cần phải 3 thứ: interval, tempo, long runs. 

Thói quen cá nhân nào anh nghĩ là quan trọng nhất để đạt đến thành công này?

Incorporate training into your daily routine (Tạm dịch: Hãy để tập luyện như là một phần của cuộc sống thường ngày của bạn)

One Mile For One Child – Mỗi dặm vì một đứa trẻ

Bên cạnh việc thi đấu, Quang Nguyễn cùng các thành viên CLB SJVRC còn dành thời gian đi thăm một số cơ sở từ thiện nuôi dưỡng trẻ mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn ở Đà Nẵng. “One mile for one child” (tạm dịch: mỗi dặm vì một đứa trẻ) cũng chính là mục tiêu, sứ mệnh mà anh và SJVRC theo đuổi. Thông qua thể thao, tất cả cùng chung tay giúp đỡ các mảnh đời còn khó khăn, đặc biệt là trẻ em ở Việt Nam. Cho đến nay, SJVRC đã có nhiều chuyến đi từ thiện, tặng quà, xây trường học ở Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi, Hà Giang…

“Ở giải Ironman Canada vừa rồi có những thời điểm khiến tôi cảm thấy thực sự khó khăn để đạt mục tiêu. Lúc ấy, tôi nghĩ về những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam, về đặc quyền. Những đứa trẻ không có cơ hội được trải nghiệm như mình còn tôi đang có được đặc quyền như thế. Nghĩ vậy nên tôi lại ráng giữ tốc độ. Chỉ cần cố gắng một chút, thêm nhiều người hơn sẽ biết đến SJVRC, biết đến những đứa trẻ cần giúp đỡ”.

 




 

The post Đường đến Kona – VĐV Quang Nguyễn appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *