Đường Đến Boston (Phần 2/2)

Đường Đến Boston (Phần 2/2)

(Mời mọi người đọc phần 1 bài viết tại đây)

Một hôm trước ngày race, tôi gửi cho Larry xem chiến thuật chạy, chiến thuật này được Jonathan tán đồng, đó là:

  • 6 miles đầu chạy pace 7:50/mile (4:52/km)
  • 10 miles kế, pace 7:54 (4:54/km)
  • 6 miles kế, pace 8:02 (4:59/km)
  • 3 miles kế, pace 8:40 (5:23/km)
  • 1.24 miles cuối cùng, pace 8:10 (5:04/km)

Nếu chạy đúng chiến thuật thì thời gian hoàn thành khoảng chừng 3:30:20, đây là mục tiêu A+ của tôi.

Chúng tôi tập trung cách vạch xuất phát chừng 100 mét, đến giờ từng nhóm được dẫn đến điểm xuất phát, đếm ngược và lao đi. Mới 5 giờ sáng mặt trời đã bắt đầu mọc, trời bắt đầu hừng sáng. Tôi đảo mắt một vòng, xung quanh tôi là những runner với thân hình rất gọn gàng, tuyệt đối không có người nào với thân hình quá khổ như các giải marathon khác mà tôi đã tham gia. Cũng dễ hiểu thôi vì họ cũng như tôi, đến đây chạy không phải cho vui mà có một mục tiêu rõ ràng, và điều này một lần nữa khẳng định tại sao tỉ lệ đạt chuẩn BQ ở giải đua này khá cao. Sau khi wave 1 và 2 đi khuất, chúng tôi được kêu lại tập trung, tất cả được yêu cầu bỏ lại tấm mylar blanket (một tấm mền bằng kim loại mỏng để giữ ấm thân nhiệt mà ban tổ chức phát trong gói chúng tôi nhận được ở expo) trước khi thả bộ xuống điểm xuất phát. Trong lúc chờ đợi, tất cả chúng tôi đều choáng ngợp với vẻ đẹp hùng vĩ trước mắt. Một anh bạn đứng cạnh tôi lấy chiếc iPhone ra chớp nhanh một tấm và mọi người xung quanh xin anh gửi vào điện thoại của họ, tôi cũng bắt chước xin anh text vào điện thoại của tôi.

Ảnh chụp trước giờ xuất phát

Đúng 5:30am, mọi người đếm ngược từ 10, rồi tiếng kèn réo lên như giục giã đoàn người lao xuống hố dốc trước mắt. “Thình thịch, thình thịch…” Tiếng giày nện lên trên nền xi-măng rõ ràng với một âm lượng lớn hơn mọi khi tôi thường nghe ở các giải đua khác, điều này giải thích tại sao chạy xuống dốc áp lực đặt lên đầu gối và đùi nặng hơn, do đó luyện tập cho đôi chân quen với áp lực này là điều cần thiết. Hồi nãy trong khi chờ đợi hai wave xuất phát tôi có chạy thật chậm để nâng nhịp tim lên trước khi race, tôi lưu ý bên chân phải hơi mỏi một chút, không biết có phải là do hôm qua tôi đã chạy dốc quá nhiều cho bài chạy 30 phút. Bây giờ vừa thả dốc tôi vừa để ý đến chân phải, tôi sẵn sàng chia lực qua chân trái nếu cần thiết. Tuy nhiên mọi việc vẫn ổn, 6 mile đầu tôi chạy nhanh hơn chiến thuật đề ra, chính xác là nhanh hơn 14 giây trên một mile.

Đổ dốc

Mấy mile đầu của 10 miles kế tiếp chúng tôi chạy dọc theo sườn núi, bên tay trái là rừng thông ngút ngàn đâm lên từ một thung lũng đượm một màu xanh biếc, bên tay phải là vách núi, đôi khi có những ngọn thác nhỏ nước chảy nghe róc rách. Thông thường thì khi tham gia thi đấu tôi chỉ biết lầm lủi chạy, ít khi để ý phong cảnh hai bên đường, nhưng sáng nay tôi không thể không chiêm ngưỡng cái không gian quá tuyệt vời này. Tôi hít một hơi thật sâu như muốn nuốt hết cái không khí trong lành của vùng cao nguyên vào tận từng tế bào cơ thể. Theo kế hoạch đề ra là 10 miles này tôi cần chạy ở pace 7:54 (4:54/km), kết quả của tôi được ghi nhận là 7:41 (4:46/km), có nghĩa là tôi chạy nhanh hơn kế hoạch 14 giây mỗi dặm. Tôi biết mình đang chạy tương đối khá nhanh so với kế hoạch, nhưng điều quan trọng là cơ thể tôi cảm thấy vẫn còn rất hưng phấn, những con dốc tôi lao xuống nhẹ nhàng và có cảm giác như đây chỉ là bài chạy downhill trên treadmill, không có gì mới lạ. Nhịp tim trung bình của tôi trong suốt 16 miles này chỉ quanh quẩn ở mức 150 bpm, một con số khá thấp so với nhịp tim của tôi khi thi đấu marathon.

Tiếp tục đổ dốc

Sáu miles kế tiếp và ba miles sau đó sẽ là những đoạn lên xuống dốc liên tục, hôm trước tôi đã lái xe tới lui đoạn này nên cũng cảm nhận được phần nào. Tuy nhiên ngồi trên xe với lại chạy trên đường là hai chuyện hoàn toàn khác biệt. Ở hai mốc chiến thuật này tôi đã rớt pace nhưng không đáng kể, ở đoạn 6 miles tồi bị rớt 7 giây/mile và đoạn 3 miles chậm hơn 1 giây/mile. Có một điểm lưu ý là 3 chai nước trộn với Tailwind mà tôi đặt ở mile 6, 16 và 23 thì tôi chỉ thâu nhặt được một chai ở mile 6, còn hai bình kia không cánh mà bay. Tôi đoán có lẽ các tình nguyện viên trong lúc chờ đợi không có chuyện gì làm cho nên họ đi dọn dẹp; tôi đã phạm một lỗi lầm là đã đặt mấy chai nước này quá gần trạm tiếp tế. Đã lường trước tình huống này cho nên tôi pha sẵn một Tailwind đậm đặc trong bình nước cầm tay, dự định là sẽ uống nước của trạm tiếp tế và nhấp nước từ bình. Tuy nhiên hàm lượng Tailwind quá cao, tôi nhấp vô là phải phun ra liền, rốt cuộc tôi đã chạy suốt đoạn đường hơn 20 miles còn lại mà không cần nạp nhiên liệu.

Tôi biết rõ cơ thể mình còn khá ổn bởi vì ở 16 miles thả dốc ban đầu tôi đã không bung hết sức, khi tập downhill treadmill ở nhà có nhiều mile tôi chạy dưới pace 7:00 (4:20/km) cho nên bây giờ trong tôi vẫn còn khá nhiều năng lượng. Tôi nhớ đến lời nhắn nhủ của Jonathan “Enjoy your conserved energy!” Hãy tận hưởng nguồn năng lượng được bảo toàn! Năng lượng thì còn đấy nhưng tôi không thể nào tấn công được các con dốc +3%. Đây sẽ là bài học về sau cho tôi, tôi đã quá tập trung vào downhill và coi thường tập leo dốc, bây giờ tôi phải trả giá! Rất may là thời gian ở những đoạn đổ dốc ban đầu đã bù trừ cho nên tôi nghĩ sẽ không đến nỗi. Ai cũng biết chạy marathon yếu tố tâm lý hết sức quan trọng, một khi có suy nghĩ tiêu cực trong đầu, như hụt mục tiêu chẳng hạn, chúng ta sẽ hoảng hốt, thay đổi chiến thuật, dáng chạy, tim đập nhanh hơn, từ đó cơ thể mau rả rời hơn. Hôm nay trong đầu tôi chỉ toàn điều tích cực, dọc đường có một tấm bảng “BOSTON here we come!” càng làm tôi phấn chấn hơn.

Ở mile thứ 20 tôi vượt lên một cô gái da trắng trạc 40 tuổi, tưởng bỏ xa cô ấy nhưng một hồi sau nghe tiếng chân thình thịch, cô nàng có vẻ như muốn chạy chung với tôi; khi tôi chạy nhanh lên thì nàng cũng chạy nhanh lên, tôi chậm lại thì nàng cũng chậm lại, tôi chạy đều một pace thì thấy nàng chạy song song. Rõ ràng là cô nàng muốn đồng hành cùng tôi. Tôi quay qua nhìn, vô tình lúc đó nàng cũng nhìn sang tôi, mĩm cười. Chúng tôi không nói không rằng, hai người nhìn về phía trước, phóng từng bước đều đặn và mạnh mẽ. Đây là điểm son của bộ môn chạy bộ, đôi khi chúng ta không cần phải nói ra bằng lời, chỉ cần hiểu nhau là được. Ngay lúc đó có một nhiếp ảnh gia chỉa ống kính về phía chúng tôi, tôi chỉ qua Shelley (cái tên sau này tôi mới biết) và chúng tôi bắt đầu làm dáng trước ống kính.

Tạo dáng cùng Shelley

Chạy một lúc tôi nhớ lại là mình mục tiêu hôm nay của mình, tôi tăng dần tốc độ và từ từ bỏ xa Shelley đằng sau lưng. Đến những khúc leo dốc ở 3 miles kéo dài đến mile thứ 25, tốc độ của tôi giảm rõ rệt, tôi đang trả giá cho việc thiếu tập luyện leo dốc. Tuy nhiên, tôi biết rõ chuẩn BQ đã nằm trong túi của mình, tâm lý tôi rất ổn và tôi hoàn toàn lạc quan, giờ này không có bầy chuột hay bức tường có thể cản phá bước tiến của tôi. Câu hỏi đặt ra ở đây là tôi có đạt thời gian dưới 3:30 hay không.

Khoảng 2 km cuối là đoạn rẽ vô trong khu dân cư để băng về đích, đây là đoạn kết thúc lý tưởng nhất vì con đường rợp đầy bóng râm và đường chạy từ phẳng đến xuống dốc chút đỉnh. Tình cờ có một cô gái chạy sau lưng tôi vượt lên, nói nhỏ: “We’re almost there!” Sau này tôi mới biết đó chính là Shelley. Cô nàng đã chạy bon bon về đích ngon lành và chén tôi đẹp 19 giây. Tôi về đích trong một tình huống lộn xộn, có mấy bạn chạy bán marathon chậm lại để tạo dáng và chắn lối đi, làm tôi không chen lên được và rốt cuộc không được tấm hình về đích nào hết. Tức thật! Nhưng một điều an ủi là tôi biết tôi có được phần thưởng mà mấy bạn chắn đường về đích của tôi không có được, đó là tấm vé ban tổ chức phát cho những ai đạt chuẩn BQ ở cự ly marathon.

Ticket to Boston

Thời gian chính thức của tôi là 3:30:37, so với mục tiêu đặt ra trước race thì có thể gọi đây là thành tích A+. Tôi vượt chuẩn thời gian 3:35 cho nhóm M55-59 được 4 phút 23 giây. Sau khi trao đổi với các bạn từng chạy Boston, họ phân tích rằng trong lịch sử Boston chưa bao giờ có cut-off đến 5 phút, và năm nay BAA đã hạ chuẩn của M55-59 từ 3:40 xuống còn 3:35 thì chỉ cần chạy nhanh hơn chuẩn mới tầm 90 giây là đã có cơ hội rồi, cho nên các bạn tôi tin là tôi sẽ có suất cho Boston marathon.

Tuy nhiên, điều gì cũng có thể xảy ra, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như tôi bị từ chối tham gia Boston 2020, vụ Đinh Linh phải ngậm trái đắng vì BAA cut-off time làm anh hụt chỉ vài giây còn chưa phai trong tâm trí tôi. Nếu có cơ hội, tôi sẽ chạy thêm một cái marathon nữa để củng cố vị trí của mình, nhưng tôi không nghĩ tôi có đủ thời gian và sức lực để làm chuyện này, vì chỉ còn hơn 3 tháng nữa là tôi có một giải chạy ở Chicago, cũng là một giải major. Larry hỏi tôi có nghĩ là mình còn có thể chạy nhanh hơn nữa không, tôi trả lời là ở Mt Hood tôi chạy như vậy là hết sức rồi, bằng chứng là ngày hôm sau tôi bị Delayed Onset Muscle Soreness (DOMS), điều đã không xảy ra khi tôi chạy ở CIM vào tháng 12 năm ngoái và Orange County tháng 5 vừa qua. Điều này chứng tỏ là một khi mình nổ lực để race thì DOMS là chuyện không thể tránh được, chế độ thuần chay cũng bó tay! Nhưng tôi tin rằng nếu luyện tập kỹ lại, nhất là có thêm các bài tập leo dốc thì chắc chắn tôi sẽ phá sâu kỷ lục cá nhân, sâu bao nhiêu thì chưa biết được. Sau Chicago marathon chắc chắn tôi sẽ lên kế hoạch Jack Daniels mới với mục tiêu dưới 3:25 để bắn một lúc hai con chim: Boston và New York.

Trước khi khép lại bài review, tôi xin có một vài nhận xét:

  1. Tôi nghĩ yếu tố thành công mà tôi có được ngoài chạy xuống dốc còn do điều kiện thời tiết lý tưởng, bằng chứng là nhịp tim trung bình cho ngày đua hôm đó là 154 bpm. Trời mát có thể khiến cơ thể hấp thụ protein chậm hơn, dạ dày ít bị rỗng nên không bị đói; đó có thể là lý do tại sao tôi có thể chạy suốt 20 miles cuối không cần nạp năng lượng.
  2. Theo kết quả của tôi được ghi nhận từ đồng hồ Garmin 5s: https://www.strava.com/activities/2490299127, cự ly đạt được là 26.45 miles (42,585 km), quá lớn so với 42,195km. Ngồi trên xe bus trở về bãi đậu xe, tôi trao đổi với một bạn làm pacer cho cự ly half marathon, anh ta cho hay có hai lý do: thứ nhất đồng hồ dùng GPS có thể gặp những đoạn mất tín hiệu nên cho ra kết quả không chính xác, thứ hai tôi không chạy theo đường tiếp tuyến ở các đoạn cua. Đường đua của Mt Hood được BAA công nhận thì tất nhiên phải chính xác vì họ đo đường bằng các cạnh tiếp tuyến, có nghĩa là những đoạn ngắn nhất. Khi về nhà tôi xem lại kết quả Strava của các runner chạy hôm đó có nhiều người chạy gần đúng 26.21 miles (42,195 km). Điều đó có nghĩa là đồng hồ tôi ghi sai hoặc tôi chạy ôm không được sát cua. Dù gì đi nữa, điểm quan trọng ở đây là không nên tin vào kết quả của đồng hồ, trong luyện tập cũng như thi đấu. Trong luyện tập nó cho ta ảo tưởng sức mạnh, khi thi đấu cứ tưởng là mình chạy xa rồi đến khi đồng hồ báo đủ cự ly mà vạch đích còn xa cả mấy trăm mét thì đã quá muộn điều chỉnh tốc độ. Nếu chúng ta chạy cho vui thì chả sao, nhưng để đạt chuẩn, phải tính từng phút từng giây thì kết quả chính xác rất cần thiết.
  3. Nên đặt ra mục tiêu đòi hỏi chút thử thách thì mới có động lực tập luyện, và một khi có mục tiêu rõ ràng rồi hãy lên kế hoạch tập luyện và cố gắng bám theo nó đến cùng.
  4. Nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình và thời tiết nơi giải đua sẽ diễn ra. Tôi bị mê hoặc bởi con số 33% đạt chuẩn ở Mt Hood hồi năm ngoái (năm đầu tiên giải được tổ chức), giờ nghĩ lại con số đó khá là thấp cho một giải đua tập trung toàn là những runner tập luyện bài bản và đến đây với mục tiêu đạt chuẩn BQ. Về thời tiết thì có thể nói tiểu bang Oregon là thiên đường chạy bộ, trời lúc nào cũng mát lạnh và ẩm độ rất thấp, nếu có nắng thì vẫn còn mát không có cháy da cháy thịt như ở Florida. Địa hình là một vấn đề phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng và có những chiến thuật tập luyện thích hợp, nếu tôi không có những bài chạy xuống dốc trên máy treadmill thì chắc chắn tôi không có được kết quả tốt như vậy, có nhiều khả năng tôi phải cà nhắc lết bộ như nhiều runner tôi thấy ở dọc đường.
  5. Tập trung vào race mà mình muốn đạt BQ và coi đó là mục tiêu tối hậu, những race khác chỉ là hỗ trợ. Trước khi đến Mt Hood tôi đã chạy một giải đua Orange County Marathon, biết rõ là sức lực chưa đủ cho nên tôi chỉ coi đó là một buổi chạy dài, chạy cầm chừng để khỏi phải mất nhiều thời giờ phục hồi, mà thời giờ là cái gì đó rất quý báu trong giai đoạn tập luyện.
  6. Chế độ dinh dưỡng của tôi trong giai đoạn luyện tập và thi đấu vẫn không thay đổi, tôi vẫn duy trì chế độ plant-powered, thực vật 100%. Tôi không nghĩ là điều này làm tôi chạy nhanh hơn, nhưng rõ ràng là nó đã giúp tôi có khả năng phục hồi nhanh chóng hơn, do đó tôi đã theo được giáo án chạy bộ của Jack Daniels không sót một bài nào.  Protein cũng rất cần thiết cho những người theo chế độ thuần chay như tôi, sau những buổi chạy căng tôi đều phải nạp ngay bột Naked Pea Protein xay với các thứ trái cây làm sinh tố để uống. Protein rất cần thiết để phục hồi năng lượng và bảo trì cơ bắp.
  7. Tôi cao 5’5″ (1,65m), cân nặng trước giải này vẫn duy trì ở mức 128 pounds (58 kg), như mọi khi. Tuy nhiên lần này trước race vì taper và nạp năng lượng khá nhiều nên tôi lên 131 pounds (59,5 kg) nhưng tôi hoàn toàn không quan tâm vì biết rất rõ là phần lớn trọng lượng tăng trưởng đến từ nước, và nước thì rất cần trong ngày thi đấu.

Những thử thách cho dù to tát đến cách mấy đi nữa nhưng một khi chúng ta có một kế hoạch khả thi và luyện tập bài bản thì cuối cùng cũng sẽ vượt qua được. Tôi đã từng coi cái chuẩn BQ là điều gì đó ghê gớm chỉ có những runner đầy đủ tố chất mới dám nghĩ đến, đó là suy nghĩ sai lầm. Nếu bạn thật sự mơ ước đến điều đó và có đủ quyết tâm thì bạn đều có quyền vạch ra lộ trình để đi đến ước mơ đó.

Chúc bạn may mắn và sớm gặp đứa con của bà mẹ thất bại.

The post Đường Đến Boston (Phần 2/2) appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *