Đột quỵ khi chạy bộ?

Tôi có một chị bạn là leader nhóm đạp xe thuộc loại to nhất nhì Singapore. Chị này chắc đạp xe cũng được chừng 20 năm và thành lập hội đạp xe cũng phải gần 10 năm. Thế rồi một hôm, tôi nhận được tin chị đang ở trong bệnh viện chữa ung thư. Hay như một người bạn khác trong nhóm bơi lội. Bình thường anh này bơi rất khỏe, ngày hôm đó cũng không có biểu hiện lạ gì. Nghe anh kể lại thì sáng hôm đó đi bơi với nhóm chỉ thấy hơi tức ngực một chút, rồi khi bơi cũng không hiểu sao chậm hơn bình thường và luôn bị bỏ xa (trong khi anh này thường bơi dẫn đoàn nhóm đó). Thế rồi khi lên bờ tự nhiên anh lên cơn trụy tim (thật ra tôi cũng không biết từ chuyên ngành nên gọi là nhồi máu cơ tim, hay trụy tim, hay đau tim) và phải đi cấp cứu. Cũng may không ảnh hưởng tới tính mạng. Tuy nhiên từ đó tôi trăn trở: lẽ ra thể thao phải giúp ta khỏe lên, tại sao những người giỏi thể thao như vậy lại bị mắc bệnh nghiêm trọng.

“Liệu tập thể thao có gặp rủi ro về tim mạch?” cũng là câu hỏi mà Alex Hutchinson của tạp chí Outside trăn trở. Một số nghiên cứu quy mô nhỏ dường như chỉ ra rằng khối lượng tập luyện sức bền cao có thể tác động tiêu cực tới các chỉ điểm sức khỏe gián tiếp khác nhau như mô tim trở nên dày hơn và mức độ can-xi trong các động mạch bị xơ cứng. Tuy nhiên, liệu điều đó có chính xác?

Theo Hutchinson, các nhà nghiên cứu đã lục lọi dữ liệu của hàng chục nghìn người để xem liệu những tay tập luyện nặng nhất có bị chết sớm nhanh hơn người ta nghĩ hay không. Nhìn chung, bức tranh tổng thể rất sáng sủa đối với dân chạy bộ.

Theo công bố tại một hội thảo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ tại Philadelphia: số liệu được thu thập từ một nhóm các vận động viên sức bền cực độ, những người tập luyện bình quân hơn 5 giờ mỗi ngày và đã tập trong hàng chục năm. Tin tốt là: phần lớn tim của họ đều rất bình thường.

Phân tích mới này được thực hiện tiếp nối một nghiên cứu thực hiện trước đó và được công bố vào đầu năm nay do một nhóm nghiên cứu đứng đầu là Laura DeFina tại Viện Cooper ở Dallas phối hợp với chuyên gia tim mạch Benjamin Levine của Trung tâm Y học Tây Nam Đại học Texas. Nghiên cứu trước đó đã theo dõi 21.758 nam giới khỏe mạnh đã tham gia xét nghiệm tại Cooper Clinic bắt đầu từ năm 1998 và kết quả cho thấy hoạt động thể chất mức độ “cao” (khái niệm này được trình bày ở phần sau) thực tế có liên quan tới mức độ can-xi gia tăng, cho thấy động mạch cứng hơn và yếu hơn nhưng dường như không làm gia tăng tỷ lệ tử vong do bệnh tim hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác sau một thập kỷ nghiên cứu bổ sung. Nói cách khác, các yếu tố nguy cơ báo hiệu bệnh tật ở người bình thường không hẳn cũng hoạt động tương tự ở những người có tình trạng thể lực rất tốt.

Vậy nên hiểu thế nao về hoạt động thể chất mức độ “cao”? Các nhà nghiên cứu định nghĩa là hoạt động trên 3.000 MET-phút mỗi tuần. Một MET (hay “chỉ số trao đổi chất quy đổi”) đo lường cường độ tập luyện nhân với với tốc độ trao đổi chất cơ sở khi nghỉ. Ví dụ, khi ngồi không đọc bài viết này chúng ta tiêu thụ khoảng 70 calo mỗi giờ. Nếu chúng ta chạy với tốc độ 10:00 phút/dặm (khoảng 6:12 phút/km), tương đương với cường độ quy đổi khoảng 10 MET đối với một người bình thường, cứ mỗi giờ chúng ta sẽ đốt khoảng 700 calo. Nếu chúng ta chạy 60 phút ở tốc độ này, chúng ta tích lũy được 600 MET-phút tập luyện (60 phút x 10 MET). Tóm lại, chúng ta có thể suy ra rằng 3.000 MET-phút tương đương với 5 giờ chạy ở tốc độ 6:12 phút/km và khoảng 48km mỗi tuần ở tốc độ này.

Đối với hầu hết mọi người, đây là khối lượng tập luyện rất lớn. Nhưng thực ra, nhiều người còn tập nhiều hơn mức 48km/tuần nhiều. Ở Việt Nam, nhất là trong các giải chạy ảo ‘cày km’, việc xuất hiện những người chạy 200km/tuần không phải là hiếm. Và đối với những VĐV triathlon, thì con số 48km còn cần được thêm vào 10km bơi và khoảng 150km đạp xe mỗi tuần nữa. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cũng nghiên cứu cả những chủ thể có mức hoạt động thể chất ‘rất cao’. Họ so sánh 2.088 nam giới và phụ nữ có mức độ hoạt động thể chất cao (trên 3.000 MET-phút mỗi tuần) với 66 nam giới và phụ nữ có mức độ hoạt động thể chất “phi thường” (trên 10.000 MET-phút mỗi tuần).

Trong số 66 người tập luyện phi thường này, 12 người là nữ. Độ tuổi trung bình của nhóm này là 53,2 tuổi, bình quân tập luyện 35,1 giờ và tích lũy 13.921 MET-phút mỗi tuần và đã tập luyện trong khoảng 28,5 năm. Sau trung bình 10 năm nghiên cứu, hai trong số 66 người đã qua đời. Không ai trong số này qua đời vì lý do liên quan đến bệnh tim hay các vấn đề tim mạch khác. Nhìn chung, kết quả của nhóm phi thường gần như tương tự với nhóm tập luyện cường độ cao. Họ có các chỉ số BMI, VO2max, lượng cholesterol, mức độ can-xi hóa động mạch vành và nhiều chỉ số khác như nhau. Quy mô mẫu nhỏ và các kết quả nghiên cứu sẽ cụ thể hơn theo thời gian khi các thành viên trong nhóm dần qua đời. Nhưng ở thời điểm hiện tại, việc không phát hiện được những tác động cụ thể của việc tập luyện 35 giờ mỗi tuần cũng là một điểm sáng số liệu quan trọng trên biểu đồ trước nay đã thiếu rất nhiều số liệu.

Levine kết luận trong bài viết trên Washington Post rằng “nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện trên cơ sở số liệu nhiều hơn so với các nghiên cứu trước đó và là công cụ cơ bản để phản bác lại quan điểm cho rằng đường phố đầy rẫy những xác chết của dân chạy bộ. Chúng tôi nghiên cứu những người tập luyện nặng nhất và trong 10 năm nghiên cứu chưa xảy ra trường hợp nào tử vong vì bệnh tim mạch.”

Quay lại hai người bạn của tôi, họ đã bắt đầu dần dần bình phục. Qua những ‘người thật việc thật’ này, có lẽ chúng ta cũng có thể kết luận là không nên ỷ mình tập thể thao mà bỏ qua việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Như nghiên cứu trên đã nói, không có bằng chứng cho thấy việc tập thể thao tăng rủi ro về tim mạch. Nhưng chúng ta có thể có các triệu trứng tim mạch tiềm tàng như hở van tim, van tim bé v.v.. Vì vậy, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là đặc biệt cần thiết để phòng tránh rủi ro.

Bài viết tham khảo từ bài dịch của Thao Pham, đăng lần đầu trên diễn đàn VBRC

The post Đột quỵ khi chạy bộ? appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *