Cười sẽ giúp chạy nhẹ nhàng hơn

Cười sẽ giúp chạy nhẹ nhàng hơn

Bạn có để ý thấy đôi khi Eliud Kipchoge nhoẻn miệng cười khi chạy trong Challenge INEOS 1:59? Không, đó không phải là lúc anh ấy về đích, cũng không phải là lúc sắp về đích và biết mình sẽ phá kỷ lục chạy Marathon dưới 2 giờ. Kipchoge cười nhiều hơn từ km thứ 30 trở đi, cũng là đoạn đường khắc nghiệt nhất với một VĐV Marathon. Và anh ấy có lý do để làm như vậy.

Cười khi thi đấu, nghe thì có vẻ lạ đời, nhưng thực tế lại là một chiến thuật dựa trên nhiều nghiên cứu của Samuele Marcora của trường đại học Kent. Marcora đã thí nghiệm rất nhiều để tìm ra sự tương quan giữa biểu hiện của gương mặt và cường độ của bài luyện tập/thi đấu. Dựa vào lí thuyết “sự phản hồi của gương mặt” (một ý tưởng có từ thời của Charles Darwin), Marcora cho rằng khi gắng sức gương mặt bạn sẽ nhăn nhó, nhưng khi cười bạn sẽ cảm thấy bài tập trở nên nhẹ nhõm hơn.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu “chiến thuật” của Kipchoge có thật sự mang lại ích lợi gì? Một nghiên cứu gần đây của Noel Brick và cộng sự ở đại học Ulster đăng trên tạp chí Psychology of Sport and Exercise đã tập trung nghiên cứu lĩnh vực này. Họ mời 24 VĐV chạy bộ hoàn thành bốn lần chạy, mỗi lần 6 phút, sau đó thu thập dữ liệu về hiệu suất chạy bộ (chi số đo đạc mức tiêu thụ oxy khi chạy) cũng như dữ liệu về sự đánh giá chủ quan của VĐV về cường độ của nỗ lực bản thân. Trong quá trình thí nghiệm, VĐV được yêu cầu phải cười, nhăn mặt, thư giãn bàn tay và phần thân trên cơ thể, hoặc nghĩ về bất kì điều gì đang diễn ra trong đầu họ. Kết quả cho thấy nụ cười mang lại những lợi ích nhất định hiệu suất chạy bộ cao hơn 2% ở những trường hợp VĐV cười. Cụ thể, biểu đồ sau đây cho thấy sự tiêu thụ oxy ở những sắc thái cảm xúc khác nhau (cười, nhăn mặt, thư giãn, kiểm soát)

Theo đồ thị trên, lượng oxy tiêu thụ thấp nhất khi các VĐV cười (đồ thị với chấm hình vuông). Lượng oxy tiêu thụ càng thấp nghĩa là cơ thể càng sử dụng oxy hiệu quả, tương đương với việc hiệu suất chạy bộ tốt. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là hiệu quả chạy bộ trong trường hợp nhăn mặt không quá tệ so với suy nghĩ của các nhà khoa học. Tuy nhiên, cảm nhận chủ quan về cường độ (Rate of Perceived Effort – đã đề cập trong bài Chỉ số quan trọng nhất trong tập luyện) cao hơn hẳn khi VĐV nhăn mặt.

Các nhà nghiên cứu lí luận rằng để nâng cao thành tích, nỗ lực bản thân cũng quan trọng như hiệu suất chạy bộ bởi nó chi phối quyết định tăng tốc hay chạy chậm lại của ta. Ngoài ra, nghiên cứu cũng thu thập nhiều kết quả thu vị khác. Có tổng cộng 10 trên 13 VĐV nam tăng cường hiệu quả chạy bộ khi cười, trong khi đó tỉ lệ này cho VĐV nữ chỉ là 4 trên 11. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự đánh giá chủ quan về nỗ lực bản thân có thể được thay với sự hiện diện của người khác phái, ví dụ như nam thường cho rằng mọi thứ đều dễ dàng khi được hỏi bởi một nữ nghiên cứu viên. Đối với phái nữ, trong một tình huống xã hội lạ lẫm, họ thường nảy sinh cảm giác ngờ vực về hình ảnh của bản thân khi được yêu cầu phải cười bởi một người khác giới.

Chúng ta cũng nên lưu ý rằng những lợi thế đạt được từ việc cười thật ra còn phụ thuộc vào nụ cười của chúng ta “thật” ra sao. Đôi khi sẽ không có tác dụng gì nếu chúng ta cố một nụ cười gượng ép. Khi bạn cười tự nhiên, không chỉ cơ hàm mà cả mắt và má cũng sẽ phải hoạt động. “Thật ra việc này nói dễ hơn làm”, Noel Brick cho biết, đặc biệt khi bạn cố giữ nụ cười đó trong suốt 6 phút. Brick nhận ra trong quá trình thi đấu Kipchoge sẽ bắt đầu cười khoảng 1 đến 2 lần, 30 giây mỗi lần, cho mỗi dăm trong suốt 5 dặm cuối của chặng đua Breaking2. “Chiến luật cười lâu lâu 1 lần này có vẻ hợp lí hơn, nhưng tôi không chắc như vậy có đủ không”, Brick nhận xét.

Công bằng mà nói, việc một cá nhân có thể cố gắng cười ở những km cuối cùng của một giải marathon thật sự đáng khâm phục. Khi pace của Kipchoge bắt đầu giảm đi gần cuối chặng Breaking2, nụ cười của anh trông giống như cảm giác nhăm nhó do đau đớn. Đó cũng chính là những gì phần lớn chúng ta trải nghiệm sau 35km của giải marathon đầu đời. Khi gia đình và bạn bè cố làm bạn cười trên đường đua, thay vì sung sướng có khi bạn vẫn cảm giác như đang chịu cựu hình vậy. Tuy nhiên, điều đó không làm ý tưởng mà bạn chỉ cần cười để phát triển hiệu quả chạy bộ (vốn rất khó để đạt được bằng cách điều chỉnh dáng chạy) giảm đi sự hấp dẫn của nó. Lời giải thích đơn giản nhất ở đây là khi cười bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, từ đó giảm thiểu hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và độ co cứng của cơ bắp. Chúng ta sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh giả thuyết này, tuy nhiên công bằng mà nói bạn sẽ không mất gì khi cười cả. Vậy thì tại sao không cười nhiều hơn một chút vào giải marathon tiếp theo?

The post Cười sẽ giúp chạy nhẹ nhàng hơn appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *