Chọn thày thời nhiều ma

Chọn thày thời nhiều ma

Tìm HLV giống chọn vợ (hay bạn gái). Từ khóa tiên quyết là phù hợp và tin tưởng.

Mùa hè nóng nực tháng 8/2019, các VĐV môn triathlon và HLV của họ lũ lượt đổ về Tokyo để tham dự cuộc đua thử nghiệm cho Thế vận hội Olympic 2020 (thường được tổ chức một năm trước sự kiện để thử và nghiệm thu đường thi đấu). Vẻ mặt của ai cũng lo lắng vì thời tiết nóng bức sẽ ảnh hưởng tới thành tích. Riêng Brett Sutton vẫn thản nhiên; và với bản tính có phần ngông nghênh đã phán: “Đúng là lũ dở hơi quen được nuông chiều trong môi trường thi đấu mát mẻ ở châu Âu. Các VĐV của tôi luôn được luyện trong cái nắng oi bức nên thời tiết này chả ăn thua gì”.

Những người không biết Brett Sutton có thể bật câu hỏi lão già này là ai mà dám luôn miệng chê bai các HLV và VĐV khác. Thực tế, Brett Sutton cũng bị nhiều người trong giới ghét vì tính thẳng thắn, luôn chỉ trích phương pháp của đồng nghiệp. Tuy nhiên, nếu biết rằng đây chính là HLV của Nicola Spirig, HCV Olympic Triathlon London 2012 và HCB Olympic Rio 2016 cùng hàng loạt huyền thoại đường đua Ironman như Daniela Ryf, Chrissie Wellington; có lẽ họ sẽ phải suy nghĩ thêm về lời chỉ trích của vị HLV này.
Nhìn vào thành tích huấn luyện của Brett, chúng ta sẽ tự hỏi: Chả lẽ các HLV của những VĐV Olympic kia, những người giỏi nhất đại diện cho quốc gia ở đấu trường danh giá, đều kém cỏi cả? Vậy phải tìm HLV như thế nào?

Dẫn câu chuyện của Brett để quay về cộng đồng thể thao Việt Nam. Trong bối cảnh phong trào ngày càng đi lên, việc xuất hiện các chương trình huấn luyện cũng là điều hiển nhiên và hợp xu thế. Và câu hỏi chúng ta nên chọn HLV nào, chương trình ra sao càng mang tính thời sự hơn.

Bản thân tôi cũng trải qua ba HLV trong 5 năm (mỗi HLV gắn bó 3 tới 3 năm, HLV mới nhất bắt đầu được khoảng sáu tháng). Từ trải nghiệm cá nhân, tôi cũng học được nhiều điều hay, và đôi khi là những cách huấn luyện chưa phù hợp. Bài viết chia sẻ cùng mọi người về những điểm bạn nên tìm đến ở một HLV:

Tokyo Olympics Trial – Georgia Taylor-Brown và Jessica Learmonth nắm tay nhau về đích

Thứ nhất: Tin tưởng và phù hợp

Tại sao không phải bằng cấp hay thành tích mà điều quan trọng nhất lại là sự tin tưởng và phù hợp? Bạn có thể hình dung tìm HLV cũng như chọn vợ (hay bạn gái) vậy. Đa phần bạn chọn vợ/bạn gái vì cô ấy xinh đẹp (tương tự, với HLV là bằng cấp/thành tích). Nhưng chẳng lẽ bạn sẽ bỏ vợ/chia tay bạn gái ngay khi gặp một cô xinh đẹp hơn (HLV có nhiều bằng cấp/thành tích hơn)?

Sự tin tưởng được hiểu như người học đặt niềm tin vào phương pháp của HLV. Thực tế trên thế giới có rất nhiều phương pháp khác nhau, từ tập luyện (80/20 của Matt Fitzgerald, Jack Daniels…) tới dinh dưỡng (low carb, ăn chay…). Vậy làm sao để tin tưởng một HLV khi bạn không quen họ? Cách thường thấy nhất là được người quen giới thiệu HLV. Cạnh đó, có thể nhìn những VĐV của HLV đó, xem thành tích của họ ra sao, tiến bộ như nào. Nếu đang hướng tới mục tiêu cao, hẳn học viên sẽ không tin tưởng một HLV mà các học sinh có thành tích bết bát. Trong khi nếu chỉ đặt mục tiêu vừa sức, hãy nhìn nhóm VĐV trung bình của HLV đó. Và cuối cùng, khi chọn HLV, tôi khuyên bạn nên gắn bó với họ ít nhất 6 tháng để cảm nhận rõ được hiệu quả tập luyện (các VĐV chuyên nghiệp được khuyên gắn bó ít nhất 2 năm).

Ngoài ra, có rất nhiều phương pháp tập luyện và mỗi hướng đều có những VĐV xuất chúng đại diện cho trường phái đó. Điều này chứng minh, ai cũng có thể tiến bộ, nhưng nếu chọn đúng phương pháp, việc luyện tập sẽ không bị gò bó, khiến bạn vui hơn và qua đó cũng cải thiện thành tích nhanh hơn. Vì vậy, rất cần chọn phương pháp phù hợp. Nếu mới tập, dễ bị chấn thương, không nên chọn HLV thiên về phương pháp tập như PT ở phòng gym với rất nhiều bài tập interval (biến tốc). Nếu muốn cải thiện tốc độ, không nên chọn HLV chỉ tập với nhịp tim ở zone 1-2 (tin tôi đi, có những HLV như vậy). Nếu khó sắp xếp nhiều thời gian tập trong một buổi cũng không nên chọn HLV yêu cầu người tập những bài dài tới 2h trong những ngày giữa tuần (lại tin tôi đi, cũng có những HLV như vậy). Trong trường hợp nay nên tìm HLV lắng nghe bạn và bố trí lịch tập phù hợp. Cuối cùng, các phương pháp ngày càng phát triển dựa trên các kiến thức mới, nghiên cứu mới. Vì vậy bạn đừng chọn phương pháp nào cổ điển quá. Và các HLV có nhiệm vụ phải cập nhật kiến thức thường xuyên chứ không thể dựa vào tấm bằng đại học TDTT từ 20 năm trước (chẳng hạn). 

Thứ hai: Cân bằng công việc và tập luyện

Chúng ta không phải là VĐV chuyên nghiệp. Ngoài việc tập luyện, ai cũng phải dành thời gian cho công việc, gia đình. Vì vậy, nếu bạn chỉ có khoảng 6 tiếng mỗi tuần để tập luyện, việc của HLV là phải làm sao giao bài tập phù hợp với lịch. Lưu ý, không có phương pháp nào được đặt tên là “Tập-ít-thành-tích-cao”. Có thể ai đó tiến bộ vượt bậc nhanh nhưng nhiều khả năng vì trước đó họ chưa phát huy hết sức mạnh bởi không tập bài bản. Khi đạt tới một trình độ cao nhất định, việc tiến bộ chỉ có thể phụ thuộc vào tập luyện. Và bạn bắt buộc phải tăng thời gian tập luyện (tăng bao nhiêu là tùy ở lịch của bạn).

Do người học phải cân bằng công việc và luyện tập, nên một HLV tâm lý phải biết dàn trải thời gian tập luyện cho học viên. Nên nhớ, triathlon không phải là ba môn riêng biệt (tìm một người dạy bạn bơi, đi chạy cùng nhóm và đạp theo bài trên mạng) mà nó là một môn thể thao. Nếu trong tuần bạn dành nhiều thời gian bơi và đạp, bài tập chạy cần được điều chỉnh ở mức zone 2 – zone 3 để tránh áp lực cho chân. Nếu hôm đó bạn có lịch họp căng thẳng với đối tác, HLV giỏi cần khuyên bạn tập ở mức thấp trong zone an toàn, thay vì khiến bạn stress thêm bởi không đạt target vốn dĩ đã khó hoàn thành trong ngày thường.

Thứ ba: Lắng nghe và hiểu bạn

HLV biết lắng nghe là người hiểu bạn hôm nay có thể mệt, hôm khác lại nhiều việc, đôi khi đi công tác liên miên… và có biện pháp phù hợp để giữ cân bằng sức khoe thể lực (fitness) cho học viên. Hay đôi khi người học không đạt target bài giao, HLV cần trao đổi để tìm nguyên nhân. Một HLV biết lắng nghe cũng là người chân thành với bạn. Đó là những HLV không quả quyết: “Sub 6:00 hay thậm chí sub 5:30 dễ ợt, tôi sẽ giúp anh” (tiếp tục tin tôi đi, có những HLV như vậy). Một HLV giỏi là người có thể nói “Không!” khi bạn hỏi liệu có đạt sub 5:30 ngay giải Ironman 70.3 sắp tới trong khi bạn chỉ tập 1/2 giáo án hàng tuần. Một HLV giỏi cũng là người thẳng thắn: “Tôi không biết, nhưng tôi sẽ giới thiệu anh đến bác sĩ chuyên khoa” nếu chẳng may bạn bị đau ở chỗ mà cả bạn và HLV đều không rõ.

Đọc đến đây chắc hẳn nhiều người đã bỏ đi vì không thể chia sẻ cách suy nghĩ của tôi. Không hề gì. Để tôi trả lời thêm những lời chỉ trích nhé.

Sao anh dám nói HLV không cần bằng cấp?

HLV cần bằng cấp. Tôi khẳng định bằng cấp là thứ tất yếu; nhưng trên hết, một HLV tốt cần có nhiều yếu tố hơn thế.. Kiến thức là vô cùng và các khóa học giúp chúng ta trau dồi và hệ thống hóa kiến thức bởi các kỹ thuật, tri thức ngày càng tiên tiến và được cập nhật thường xuyên. Một tấm bằng cách đây 20 năm nhưng hiện nay gần như vô giá trị. Ngay cả nhiều chứng chỉ triathlon như Ironman University (mà tôi cũng có) hiện cũng rất dễ để đạt được. Ở Boidapchay, chúng tôi có những HLV sở hữu nhiều bằng cấp quốc tế. Nhưng cũng như VĐV, HLV cần có trải nghiệm thực tế trong công tác huấn luyện mới biết ai “mát tay”

Tôi có cần thuê HLV cũng là VĐV giỏi nhất?

Không. VĐV giỏi nhất chưa chắc đã là HLV tốt nhất. Brett Sutton thậm chí còn chưa từng là VĐV triathlon. Như đã nói ở trên, nếu bạn cứ tìm VĐV giỏi nhất để làm HLV, bạn sẽ phải đi ‘săn’ cả đời. Hãy đọc lại ba điều HLV nên có ở trên nhé.

HLV có cần giỏi hơn tôi không?

Không cần. VĐV phải có sức mạnh để thi đấu và HLV cần kiến thức để đào tạo. Chúng ta nên tách riêng công việc của 2 người này. Tuy nhiên cần lưu ý: HLV cần ở một trình độ nhất định mới có thể hiểu được nhu cầu của người học. Vì ở một trình độ cao nên có những khó khăn nhất định HLV sẽ hiểu từ góc độ của bạn và đưa biện pháp xử lý phù hợp nhất (nhớ lại điều 3 ở trên). Rất may, ở Boidapchay chúng tôi có các HLV ở mọi trình độ: từ dành cho newbie cho tới đẳng cấp khu vực như Wille Loo, Cao Hà, Phạm Thúy Vi, Lâm Quang Nhật. Và các HLV luôn chia sẻ kinh nghiệm với nhau và lập nên Ban huấn luyện để cùng chung tay xử lý các trường hợp khó phát sinh từ VĐV.

Khi nào tôi nên đổi HLV?

Khi bạn cảm thấy không hợp hoặc không tin phương pháp hiện tại nữa. Đây cũng là điều tất yếu trong cuộc sống. Mỗi chúng ta đều phát triển qua nhiều giai đoạn. Ngay cả trong hôn nhân, thảng hoặc cũng tới giai đoạn ai đó cần một bạn đời khác.

Cá nhân tôi bắt đầu tập luyện với HLV chỉ dùng phương pháp theo nhịp tim, chạy luôn ở zone 1-2 khi mới tập thể thao dù trước đó thậm chí chưa chạy nổi 5KM. Sau đó, để cải thiện tốc độ, tôi chuyển qua một HLV khác dùng rất nhiều bài interval. Nhiều đến nỗi gây nên căng thẳng, chán chường khi không đạt mục tiêu hay cần rất nhiều thời gian để tập. Hiện nay tôi tập với HLV mới – người duy trì việc tập luyện cân bằng hơn giữa những bài zone 2 và các bài nặng. Ít ra cách này cũng đỡ stress hơn và thành tích vẫn không đi xuống.

Trở lại câu chuyện ông Brett Sutton ban đầu. Nếu bạn hỏi tôi: “Liệu ông ấy có phải là HLV hạng nhất và tôi nên tin tưởng theo ông ấy?”. Tôi sẽ trả lời bạn, dưới danh nghĩa là member của Trisutto: “Kệ xác ông ta. Hãy chọn HLV mà bạn tin tưởng đi cùng phương pháp khiến bạn thoải mái và hào hứng mỗi khi được tập luyện”.

The post Chọn thày thời nhiều ma appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *