Chạy với power – một thế giới mới cho runner?

Chạy với power – một thế giới mới cho runner?

Nicole Lane không hề tỏ ra lo lắng tí nào khi thông số pace trên đồng hồ GPS của cô trở nên chập chờn trong khoảng 400m đầu tiên chạy xuyên hầm tại giải Chicago Marathon. Chân chạy 25 tuổi lập mục tiêu hoàn thành phần chạy của mình dưới 2 giờ 45 phút để có thể đạt tiêu chuẩn tham gia kỳ thi tuyển chọn đội tuyển Olympic Marathon của Mỹ tại Atlanta. Tuy nhiên cô lại tỏ vẻ rất thờ ơ về pace chạy. Trái ngược hẳn với những chiến thuật truyền thống, HLV của cô, Steve Palladin (PR 2 giờ 16 phút FM), khuyên cô nên nhắm đến công suất chạy (power) trong khoảng từ 218 đến 219 watt. “Có lúc tôi thấy thật sung sức và nghĩ đến việc bức tốc, nhưng nhận thấy sức mạnh của bước chạy vượt quá chỉ tiêu nên tôi quyết định chậm lại”, Nicole cho biết.

Stryd là sản phẩm đo công suất bước chạy (run power meter) đầu tiên có mặt trên thị trường, được phát triển bởi một công ty khởi nghiệp cùng tên với trụ sở đặt tại Boulder, Colorado (Mỹ). Kể từ đó, cộng đồng chạy bộ bàn tán và thảo luận rất sôi nổi về chủ đề công suất (power) khi chạy, và những chân chạy tò mò mang sản phẩm này thử nghiệm ở những cung đường trail khắp nước Mỹ. Những tên tuổi khổng lồ trong thị trường như Garmin hoặc Polar bắt đầu tung ra ứng dụng đo power được tích hợp vào đồng hồ của họ, và Stryd gần đây đã tung ra phiên bản mới với chức năng đo đạc và hiệu chỉnh công suất power khi VĐV chịu nhiều ảnh hưởng của gió. Có thể nói, power đang trở thành một trong những chỉ số quan trọng nhất khi chạy, và thành tích 2:42:26 của Lane cùng với tấm vé dự vòng sát hạch Olympic ở Atlanta đã phần nào củng cố quan điểm này.

Các công ty bỏ nhiều tiên nghiên cứu và phát triển sản phẩm đo công suất, chung quy cũng chỉ để trả lời câu hỏi muôn thưở của các VĐV: “tôi đang chạy (hoặc đạp xe) ở mức vừa sức hay quá sức”. Công suất, theo định nghĩa vật lý, là lực tác động của chân bạn lên mặt đường nhân với vận tốc. “Đó là thông số trung gian quan trọng nhất giúp chúng ta nhận biết được nỗ lực thật sự của bản thân”, Tom Schwartz, HLV của nhóm chạy Tinman Elite ở Boulder bày tỏ quan điểm. Tốc độ của bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi dốc, gió và bước chạy. Nhịp tim thì phụ thuộc vào sức khỏe của ngày hôm đó, thời tiết, lượng bù nước của bạn cũng như sự thay đổi tốc độ đột ngột. Công suất thì không bao giờ sẽ lừa dối bạn. Nếu bạn thu thập đủ dữ liệu từ các buổi luyện tập của mình, các thuật toán sẽ tính được bạn giữ được bao nhiêu power trong một quãng đường nhất định. Trong những môn thể thao như đạp xe, nơi mà máy đo lực power meter đã được sử dụng từ rất lâu, việc tin tưởng vào thông số công suất dường như là kim chỉ nam của những cua rơ. Năm 2018, giám đốc giải Tour de France Christian Prudhomme còn định cấm sử dụng máy đo lực bởi chúng “làm thể thao trở nên quá an toàn và mất vui”.

Trong khi việc đo đạc công suất khi đạp xe khá dễ (chúng ta chỉ cần biết lực bạn đạp lên pedal nặng hay nhẹ), tính toán thông số này cho môn chạy bộ khó hơn nhiều. Chúng ta nên đo lượng power cần để nâng chân bạn lên không trung, hay nên đo khi chân tiếp đất? Làm sao chúng ta có thể cân nhắc năng lượng tự do được trữ trong nhưng bó gân cơ có độ đàn hồi cao giúp chúng ta tiến về phía trước khi lên hoặc xuống dốc? Tất cả những yếu tố trên đều ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa việc chúng ta hoạt động nặng nhẹ ra sao và những thông số công suất mà ta nhìn thấy. Cho tới thời điểm hiện tại, những thương hiệu khác nhau có những cách tính toán power khác nhau, tuy nhiên chúng ta vẫn không biết được kết quả từ những cách tính toán trên liệu có khác nhau trong thực tế hay không.

Austin O’Brien, một VĐV trong nhóm chạy của Schwartz, cho biết thông số Stryd hiện lên trên đồng hồ của anh giúp nhắc nhở anh chạy chậm lại khi chạy lên dốc cho những bài recovery trong khi trước đó anh vẫn thường hay “hổ báo” hơn mỗi khi thấy dốc. Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất của Stryd theo Austin là nó cho phép bạn so sánh được power trong những cung đường và điều kiện khác nhau. “Tôi nghĩ rằng đây là thông số quan trọng nhất cho biết bạn cải thiện ra sao theo thời gian”, anh cho biết. Alexi Pappas, đại diện Hy Lạp cho cự li 10km tại Olympics 2016 cũng sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu tương tự với ứng dụng Garmin Run Power. Tuy nhiên, khác với Austin, Alexi không nhìn vào dữ liệu khi chạy bởi vì HLV của cô khuyên rằng không nên chú tâm đến “dáng chạy và dữ liệu” trong khi tập luyện.

Phiên bản mới nhất của Stryd xuất hiện trên thị trường vào tháng 6 năm 2019 được tích hợp thêm một cổng đo gió, tương tự như những ống đo vận tốc không khí trên máy bay (Garmin sử dụng dự báo thời tiết và đo áp suất để ước lượng ảnh hưởng của gió.) Cải tiến mới này của Stryd đã giúp Austin rất nhiều tại giải Indianapolis Momumental Marathon. Dựa vào dữ liệu từ những bài tập trước, Stryd dự đoán anh sẽ có khả năng trụ được với power từ 384 đến 399 watt cho cự li marathon (chỉ số power cho bài tập gần nhất của anh là 393 watt). Khi điểm kết thúc còn khoảng 3 dặm, tốc độ của anh bắt đầu giảm dần, tuy nhiên các dữ liệu công suất giúp trấn an Austin rằng anh không cần phải quá gắng sức bởi sự giảm tốc độ là do gió tạt đầu. Anh ta hoàn thành marathon trong 2:18:38 với công suất trung bình 392w, dưới thời gian đạt chuẩn Olympic 2:19:00.

Tuy Stryd không thông báo cụ thể doanh số kinh doanh, đại diện của công ty cho biết số lượng VĐV tải thông số power lên mạng từ sáu giải Marathon danh giá nhất thế giới (còn gọi là Wold Marathon Majors) tăng gấp đôi mỗi năm từ năm 2016. Garmin ước lượng hiện có khoảng 60,000 người dùng ứng dụng Run Power. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu cuộc chơi có nhàm chán khi bạn chăm chăm nhìn vào số liệu? “Đôi khi cố quá sẽ làm bạn mệt mỏi, nhưng điều đó cũng giúp bạn dễ tiếp tục hơn thay vì phải tăng tốc lúc sau”, Steve Magness, HLV môn việt dã ở trường Đại Học Houston cho hay”. Schwartz đồng ý rằng khi chạy đua đôi lúc bạn nên “bùng nổ”. Ông thậm chí còn có thể tính toán chi tiết được cho từng VĐV rằng người đó có thể bung lụa hơn power tối đa 3 watt từ 90 đến 120 giây. Tuy nhiên, để có được kết quả tốt nhất, ông khuyên VĐV nên chạy đủ nhiều với máy đo lực power meter để có thể tự bản thân ước lượng được nỗ lực khi nào là vừa phải: “Sự tự nhận thức là chìa khóa dẫn đến thành công đối với bất kì chân chạy nào”. Khi bạn tập luyện đủ nhiều để có thể đến được “cảnh giới đó”, việc nhìn vào đồng hồ trở nên không cần thiết.

Theo Alex Hutchinson đăng trên Outside Online (tháng 12/2019)

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về cộng đồng những người sử dụng Stryd trong group Facebook của Steve Palladino (được nhắc đến trong bài) có tên là Pallodino Power Project. Đây là một group rất hay với nhiều thông tin bổ ích, có sự tham gia của các tên tuổi nổi tiếng như Andrew Coggan (tác giả Training and Racing with Power Meter) và các hổ báo trong làng chạy trên thế giới. Ngoài ra, các member của BoiDapChay Coaching vẫn được hưởng ưu đãi mua Stryd với chiết khấu 10% so với giá trên web.

The post Chạy với power – một thế giới mới cho runner? appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *