Câu trả lời ngắn gọn là: buổi chiều.
Đó là một buổi sáng như mọi ngày: tôi nhoài người tắt báo thức khi ngoài trời còn nhá nhem tối. Dậy sớm, nhất là khi Hà Nội vào tiết trời se lạnh, lâu lâu lại có mưa nhẹ, như thế này thật chẳng dễ chịu chút nào. Bài hôm đó cũng đơn giản, tôi chỉ cần chạy nhẹ nhàng thoải mái từ nhà ra hồ Gươm rồi chạy về (tổng cộng khoảng 45 phút). Mấy ngày hôm sau, cơn lười quá lớn, tôi quyết định chạy tầm buổi chiều tối. Thật ngạc nhiên, cùng quãng đường đó, tôi về nhà khi đồng hồ điểm 42 phút (thời gian chạy, do khi chờ đèn đỏ lúc nào tôi cũng dừng đồng hồ).
Không những chạy nhanh hơn 3 phút (tương đương 7%) mà tôi cũng có cảm giác chân khỏe hơn, các bước chạy nhẹ nhàng thoải mái hơn. Đối với các bài chạy nhẹ, tôi thường không nhìn pace trên đồng hồ Garmin mà hoàn toàn chạy theo cảm nhận (xem thêm bài Chỉ số quan trọng nhất trong tập luyện). Vì vậy, con số 7% này khiến tôi cũng đắn đo suy nghĩ. Có lẽ nào chạy buổi tối lại khỏe hơn buổi sáng?
Nhớ lại hôm chạy buổi sáng, tôi còn nhớ như in cảm giác chân cứng như đá, chây ì rất khó bước đi. Sau khi chạy được khoảng 2-3km thì có vẻ chân bắt đầu “tỉnh giấc”, cảm giác mượt hơn và tôi bắt đầu cảm nhận được nhịp chạy đều hơn. Các cảm giác chân nặng nề đó hoàn toàn biến mất khi chạy hôm buổi tối.
Tìm hiểu kỹ hơn, có vẻ hiện tượng này cũng không quá lạ lẫm. Một số nghiên cứu được dẫn dắt bởi nhà khoa học David W Hill đăng trên tạp chí Medicine & Science của American College of Sports Medicine đã kết luận các vận động viên hoạt động tốt hơn trong khung thời gian từ 16h tới 20h. Đó là thời điểm thân nhiệt và các loại hooc-môn trong cơ thể đạt mức trạng thái tối ưu cho các hoạt động thể chất.
Một nghiên cứu khác của Phòng Khoa Học Vận Động thuộc đại học College of William and Mary ở bang Virginia (Mỹ) kết luận: “Các dữ liệu về dao động thời gian chuyển động cho thấy sức cơ, lực chạy/đạp v.v.. có thay đổi tùy vào từng khung thời gian trong ngày”. Điều đó có nghĩa là thời điểm luyện tập trong ngày có ảnh hưởng tới hiệu suất hoạt động của bạn. Thông thường, khi bạn dành nhiều thời gian khởi động, bạn sẽ chạy tốt hơn. Lấy ví dụ về chiếc xe hơi bạn gửi qua đêm ngoài trời lạnh, bạn sẽ cần nhiều thời gian để khởi động máy hơn. Tuy nhiên sau khi đi xe cả ngày thì chiếc xe sẽ vận hành trơn tru. Cơ thể con người cũng vậy. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là khi bạn đã quen tập vào một thời điểm nhất định (sáng hoặc chiều tối), thì cơ thể cũng sẽ dần thích nghi với khung giờ đó. Đó gọi là nhịp sinh học.
Kết
Nếu vậy, phải chăng chúng ta nên chuyển hết các bài tập xuống buổi chiều? Tiếc thay, cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý chúng ta muốn. Đôi khi, bạn cần dậy sớm để tranh thủ tập luyện và có mặt ở nhà trước bữa sáng cùng gia đình. Các khối cơ chắc chắn sẽ chây ì, khó cử động hơn vào buổi sáng tuy nhiên nếu bạn đã quen với việc này thì vẫn có thể giữ thói quen này để tránh bị lệch nhịp sinh học.
Nhìn chung, tôi nghĩ thế này: nếu ngày đó bạn chỉ cần tập một bài bình thường, không quá khó khăn thì có thể tập vào buổi sáng. Tuy nhiên, nếu hôm đó bạn cần chạy hơi nhanh một chút, chạm ngưỡng tốc độ thì có thể sắp xếp thử chạy lúc chiều hoặc tối xem sao. Về mặt công việc, nếu ngày hôm đó bạn chắc chắn có rất nhiều cuộc họp và công việc cần giải quyết, thì tập lúc sáng sớm trước khi bắt đầu công việc là lựa chọn tối ưu. Ngược lại, nếu hôm đó bạn biết công việc sẽ không có quá nhiều sức ép (ví dụ thứ 6 chẳng hạn – ai cũng muốn nghỉ sớm để chuẩn bị chơi cuối tuần) thì bạn có thể chuyển buổi tập xuống buổi chiều muộn.
The post Chạy thời điểm nào tốt nhất appeared first on BoiDapChay.com.