Các VĐV đỉnh cao thích ứng với thời tiết nóng bức ra sao

Các VĐV đỉnh cao thích ứng với thời tiết nóng bức ra sao

Tại giải Vô Địch Thế Giới Qatar 2016, các vận động viên xe đạp phải nuốt một thứ gọi là “viên nhiệt kế” (chú thích: viên nhiêt kế là một loại nhiệt kế có thể tiêu hóa được, dùng để đo nhiệt độ lõi (thân nhiệt) bên trong cơ thể. Viên nhiệt kế được phát triển lần đầu tiên bởi NASA, dùng cho các phi hành gia – hình minh họa bên dưới). Bên dưới là những gì mà các nhà khoa học phát hiện được.

Cùng nhìn lại Giải Vô Địch Thế Giới UCI Road World Championships 2016. Phần thi đầu tiên của ngày hôm ấy là nội dung đồng đội nữ tính giờ, được thực hiện vào buổi trưa trên đường đua 40km dưới cái nắng Trung Đông gay gắt (nhiêt độ trung bình lên đến tận 36.9 độ C). Vào buổi sáng cùng ngày, ba nữ vận động viên trong một đội đua đã nuốt viên nhiệt kế trên (được đặt kèm trong bữa ăn sáng). Đây là một phần trong nghiên cứu về mức độ hiệu quả của các hoạt động thể thao dưới điều kiện thời tiết nóng bức. Sau khi phân tích thông tin, các nhà khoa học phát hiện ra rằng thân nhiệt cao nhất của 3 vận động viên này đo được ở mức 40.8 đến 41.5 độ C. Con số này cao hơn hẳn mức tối thiểu trong quy định cảnh báo về những dấu hiệu tai biến do sốc nhiệt. Tuy nhiên ngạc nhiên là họ không bị đổ gục bởi say nắng mà thậm chí còn giành được huy chương.

Thông tin trên được đưa ra trong một nghiên cứu bởi các nhà khoa học Qatar tại Aspetar Orthopaedic and Sports Medicine Hospital và được xuất bản gần đây trên tờ British Journal of Sports Medicine. Tại giải Vô Địch Thế Giới UCI Road World Championships 2016 năm ấy, có tổng cộng 40 vận động viên tham gia thí nghiệm nuốt viên nhiệt kế (và sau đó tranh tài ở các nội dung thi Cá nhân tính giờ, Đồng đội tính giờ và nội dung Đua đường trường). Trong số 40 người trên, kết quả nghiên cứu tiếp tục chỉ ra rằng trong điều kiện thực tế nắng nóng khắc nghiệt như trên, các vận động viên elite – bằng cách này hay cách khác – có khả năng vượt qua các giới hạn chịu đựng bản thân để hoàn thành xuất sắc phần thi của mình – điều mà họ khó làm được khi thực hiện các mô phỏng tương tự trong phòng thí nghiệm.

Cùng quay ngược dòng thời gian trở về thập niên những năm 90. Hàng loạt nghiên cứu khi ấy chỉ ra rằng, cơ thể chúng ta có một loại “cầu dao” chuyên ngắt nhiệt. Loại “cầu dao” này sẽ tự động bật khi nhiệt độ cơ thể bị đẩy lên quá cao. Thử tưởng tượng khung cảnh: bạn thì đang mồ hôi nhễ nhại, sức cùng lực kiệt, lại phải lái một chiếc moto cồng kềnh trong một không gian nóng bức ngột ngạt đến không thở nổi. Trong một môi trường như thế, khi nhiệt độ cơ thể tăng cao vượt quá mốc 40 độ C, bạn sẽ phải dừng cuộc chơi ngay lập tức cho dù có cố gắng đến đâu đi chăng nữa. Nguy cơ tử vong do say nắng là có thật (và rất cao), chính vì lẽ đó nhiệt độ ở hầu hết các thí nghiệm loại này đều luôn được kiểm soát nghiêm ngặt ở mức 39.5 hoặc tối đa 40 độ C. Vượt qua ngưỡng đó, bạn sẽ bị buộc phải dừng thí nghiệm vì lý do an toàn.

Trong thực tế ngày nay, các lý thuyết về ngưỡng nhiệt độ giới hạn như trên lại không thực sự đúng trong các môn thể thao cường độ cao (“elite sports”). Lý thuyết những năm 90 về những “cầu dao tự động ngắt nhiệt” thực ra lại không hề đơn giản như suy nghĩ ban đầu của các nhà nghiên cứu. Ví dụ dễ thấy nhất là khả năng chịu nắng nóng của các vận động viên thông thường sẽ tốt hơn so với người lười vận động. Điều này nghĩa là theo thời gian, chúng ta hoàn toàn có thể tự đặt lại giới hạn cho bộ “cầu dao nhiệt” của riêng mình – thông qua tập luyện. Lý thuyết trên càng khó áp dụng cho các vận động viên chuyên nghiệp, đơn giản vì chưa có nhiều thông tin được thu thập cho riêng đối tượng này.

Ta cùng quay trở lại nghiên cứu của Qatar ở đầu bài viết. Công trình nghiên cứu được thực hiện trên 40 cuộc đua khác nhau, và 10 trong số 40 cuộc đua đó đã ghi nhận được mức thân nhiệt cao nhất lên đến hơn 40 độ C. Ngạc nhiên là các trường hợp này khi về đích lại không có bất kì phản ứng sốc nhiệt hoặc cần phải điều trị vì say nắng. Nghiên cứu này cho thấy các vận động viên elite luôn biết cách ứng phó với cái nóng theo một số quy tắc nhất định. Rõ ràng không phải ai cũng chịu nóng giỏi như họ. Tập luyện với cường độ cao giúp cơ thể bạn thích nghi và ứng phó tốt với cái nóng, điều này đúng khi ta xem xét trường hợp các nữ vận động viên tại giải vô địch Qatar nói trên – những người có mức thân nhiệt cao nhất (41 độ C) – hóa ra lại là những người trước đó đã gồng mình “nuốt” hết giáo án 9 ngày để thích nghi với cái nắng thiêu đốt của Qatar. Nói theo cách khác, họ rất biết cách chuẩn bị cho giải đấu!

Thật thú vị là nghiên cứu trên không ghi nhận được bất kì trường hợp vận động viên nam nào có thân nhiệt trên 41 độ C. Một giả thuyết lúc này được đưa ra, rằng họ (cụ thể là hai đội nam tham gia nghiên cứu, thuộc thể thức Đồng đội tính giờ) trước khi thi đấu đều sử dụng một loại thức uống lạnh dạng sệt (hay còn gọi là slushy, tương tự như bia sệt hay đồ uống ngọt trong khu vui chơi ta hay thấy). Việc này có thể đã giúp các vận động viên duy trì được thân nhiệt ở mức thấp, hoặc cũng có thể loại thức uống trên dẫn đến sự sai lệch trong cách đo nhiệt độ của các viên nhiệt kế (do chất lỏng khiến viên nhiệt kế luôn di chuyển trượt quanh thành dạ dày). Thật không may mắn khi không có kết quả chính xác, nhưng ta phải chấp nhận thực tế rằng đó là cách tốt nhất các nhà khoa học có thể làm.

(Chú thích: một trong các cách đo thân nhiệt chính xác và đáng tin cậy hơn viên nhiệt kế là dùng nhiệt kế số để đo nhiệt độ tại…trực tràng. Cách này tất nhiên rất bất tiện cho các vận động viên thi đấu. Ngoài ra, cần kể thêm là đội tuyển Australia trong Olympic còn mang tới khu thi đấu 6 máy pha slushy để phục vụ cho các VĐV của mình).

Slushy – một biện pháp giảm thân nhiệt được dùng

Trong trường hợp bạn muốn biết rõ hơn về biến thiên thân nhiệt của từng vận động viên, hãy tham khảo biểu đồ bên dưới. Chú thích:

  • TTT là Đua đồng đội tính giờ (Team Time Trial)
  • ITT là Đua cá nhân tính giờ (Individual Time Trial)
  • RR là Đua đường trường (Road Race)
  • M là Nam (Male)
  • W là Nữ (Female)
  • Biểu tượng medal nghĩa là những vận động viên đó có đạt được huy chương.

 

(Nguồn: British Journal of Sports Medicine)

Có 2 điểm chung được rút ra từ biểu đồ trên:

  • Tất cả những cuộc đua tính giờ (time trial) đều chỉ kéo dài cỡ 45 phút.
  • Tất cả những cuộc đua đường trường (road races) kéo dài khoảng ba tiếng (đối với Nữ) và sáu tiếng (đối với Nam).

Ngoài ra, toàn bộ các giải thi đấu đều diễn ra vào lúc trời nóng nhất, trong cùng một điều kiện thời tiết. Vậy đâu là nhân tố khác biệt làm thân nhiệt các vận động viên lên tăng?

Bên dưới là một đồ thị khác minh họa sự biến thiên thân nhiệt theo thời gian của cùng một nữ vận động viên, khi cô ta tham gia cả thể thức đua tính giờ (ITT) lẫn đua đường trường (RR):

Nguồn: British Journal of Sports Medicine

Dễ dàng nhận thấy sự khác biệt lớn trong hình trên: khác với việc chạy đường trường; khi bạn chạy càng nhanh trong thời gian càng ngắn thì thân nhiệt sẽ bị đẩy lên càng cao. Điều này đi ngược lại với những gì chúng ta hay hình dung, rằng mất nước sẽ khiến thân nhiệt tăng cao, mà không biết rằng thủ phạm chính thực tế lại nằm ở cường độ tập luyện. Cơ thể chúng ta giống như một lò đốt với năng suất đạt khoảng 20-25%. Giả dụ nếu muốn đạp xe được 250 watts, cơ thể phải sản sinh ra xấp xỉ 1,000 watts hoặc hơn (tỏa nhiệt để giải quyết cơn nóng). Bạn chạy càng ngắn, năng lượng tạo ra sẽ càng nhiều và nhiệt lượng tỏa ra sẽ càng cao. Nếu đó là một ngày oi bức, hãy xác định là thân nhiệt bạn sẽ tăng nhanh hơn bình thường, vì cơ thể sẽ không kịp tỏa nhiệt.

Alberto Salazar – một huấn luyện viên và cựu vận động viên chạy bộ đường trường rất nổi tiếng với những lần chạy bán sống bán chết. Vào năm 1978 tại giải Falmouth Road Race (một giải đua 7 dặm và phải thực hiện trong 30 phút), Salazar ham chạy đến nỗi bị lả đi do say nắng (người ta còn thậm chí đọc điếu văn cho ông). Một lần khác là khi ông chạy cùng với Dick Beardsley tại giải Boston Marathon 1982 – sự kiện này đã được ghi trong quyển sách nổi tiếng Duel in the Sun. Tại đây, ông đã bị mất nước trầm trọng và được truyền tới 6 lít dịch IV (chú thích: Dịch IV – Intravenous fluid – một loại dịch chuyên dùng cho các ca mất nước trầm trọng). Ở trường hợp sau, Salazar vẫn không bị sốc nhiệt. Thực tế, các bác sĩ sơ cấp cứu lúc đó còn nghĩ rằng Salazar còn thậm chí bị triệu chứng giảm nhiệt, do thân nhiệt ông thấp hơn hẳn mức bình thường. Hóa ra, nguyên nhân của sốc nhiệt không phải do mất nước, mà có thể (một phần là do) cường độ tập luyện.

Sau khi vận động viên marathon người Scotland Callum Hawkins đổ gục vì nắng nóng tại giải Commonwealth Games hồi đầu năm nay (2018), tôi đã thực hiện một nghiên cứu trong đó chỉ ra rằng nhận thức về cái nóng của các vận động viên thực ra có bị ảnh hưởng bởi bản chất các cuộc thi. Phát hiện của Qatar (trong bài nghiên cứu phía trên) càng củng cố thêm giả thuyết của tôi: thường trong các giải đấu lớn có tính chất quan trọng, những vận động viên thi đấu hết sức dễ chạm ngưỡng nguy hiểm hơn. Cái khó là làm sao xác định ở ngưỡng nào thì các vận động viên thực sự gặp nguy hiểm (như trường hợp của Hawkins), và ngưỡng nào thì họ không (như các trường hợp nhận huy chương ở các giải xe đạp đồng đội). Để trả lời câu hỏi trên, bản thân yếu tố thân nhiệt không đủ để giải đáp. Khi đó ta cần phải tham khảo thêm các yếu tố quan trọng khác như mức độ choáng, mức độ mất phương hướng và cảm giác buồn nôn. Có lẽ lời khuyên tốt nhất vào lúc này là sử dụng chiến lược tập luyện của các vận động viên xe đạp kể trên: nếu bạn muốn tăng mức độ chịu đựng nắng nóng, hãy tập luyện dần để buộc cơ thể thích nghi.

Tìm hiểu thêm về tập làm quen với nắng nóng (heat training) trong bài Tập heat training để đạp, chạy nhanh hơn

Bài viết được dịch từ bài “How Elite Athletes Respond to Extreme Heat” của tác giả Alex Hutchinson. Lưu ý: các thông tin và nghiên cứu trong bài này được thu thập từ các VĐV đỉnh cao và các VĐV thành tích cao. Việc luyện tập trong trời nắng có nhiều rủi ro, nhất là đối với người mới tập, đặc biệt là nguy cơ sốc nhiệt. Nếu gặp tình trạng sốc nhiệt, điều đầu tiên bạn cần làm là kéo người bị nạn đến chỗ mát, đổ nước lên người họ để giảm thân nhiệt và gọi xe cấp cứu. Chỉ cần công đoạn này thôi cũng có thể cứu sống được mạng người.

The post Các VĐV đỉnh cao thích ứng với thời tiết nóng bức ra sao appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *