Các tính năng của đồng hồ Garmin mà có thể bạn chưa biết (phần 1)

Các tính năng của đồng hồ Garmin mà có thể bạn chưa biết (phần 1)

Chúng ta có lẽ đã quá quen với việc dùng đồng hồ thông minh để ghi lại các chỉ số tập luyện. Trong số các đồng hồ thông minh dùng trong thể thao, có lẽ phổ biến nhất là đồng hồ Garmin. Trong một giải đấu, có lẽ 90% số VĐV sẽ sử dụng Garmin. Tuy nhiên, có lẽ có rất nhiều tính năng của Garmin mà bạn không biết. Bạn không tin? Hãy cùng thử khám phá nhé.

Garmin tích hợp chế độ test ngưỡng Lactate (Lactate Threshold)

Có sẵn trên các đồng hồ: Các dòng Garmin Forerunner 920, 935, 945, 735, 745, 235, 245, Garmin Fenix, Garmin Instinct

Lactate threshold, hay ngưỡng lactate, hiểu nôm na là ngưỡng mà khi đó lượng lactate giải phóng trong máu nhiều hơn khả năng cơ thể chuyển hóa. Khi đó, sự tích lũy ion hydro (H+) giải phóng bởi lactate dẫn đến sự cản trở việc cơ bắp co thắt ở các vị trí khác nhau. Đó là lúc bạn cảm thấy mệt mỏi và đuối sức. Thông thường, để xác định ngưỡng lactate này, bạn cần có dụng cụ chuyên dụng để chích máu và đo nồng độ lactate (chỉ riêng các que thử cũng có giá lên tới vài triệu).
Tuy nhiên, một cách khác để dự đoán ngưỡng lactate này là sử dụng tính năng “Kiểm tra ngưỡng lactate” có sẵn trên đồng hồ Garmin. Bài test này được lập trình sẵn trên đồng hồ, bạn chỉ cần bật lên và làm theo chỉ dẫn trên đồng hồ. Sau khi hoàn thành, Garmin sẽ báo chỉ số nhịp tim ở ngưỡng lactate cho bạn. Bài test bao gồm:

  • 10 phút chạy nhẹ khởi động
  • Chạy 3x 4 phút với pace tăng dần (pace này sẽ được Garmin tự lập trình theo chỉ số luyện tập và VO2max có sẵn của bạn trên đồng hồ Garmin)
  • Khi pace lên cao, bạn được yêu cầu chạy các tổ 3 phút cho tới khi không giữ được pace nữa.
  • Garmin sẽ tự động dừng và báo HR Threshold – nhịp tim ở ngưỡng lactate
  • Lưu ý: để thực hiện bài kiểm tra này, bạn cần phải có đai tim đeo ở ngực

Dưới đây là hướng dẫn mở tính năng này trên đồng hồ Garmin

Ấn vào hình để phóng to. Chọn mục “Chạy”, ấn nút giữa bên trái, chọn mục “Tập Luyện” trong danh sách và tìm tới mục “Kiểm tra ngưỡng Lactate)

Tất nhiên, bài test này sẽ có những sai số. Cách tốt nhất để test ngưỡng lactate là chích máu và xác định nồng độ lactate trong máu như đã nói ở trên. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam chưa có dịch vụ này.

Khi biết được ngưỡng Lactate của mình, các bạn có thể tập luyện các bài tập Chạy theo ngưỡng lactate. Ngoài ra, chỉ số nhịp tim đo được qua bài test này cũng khá hữu ích: sau bài test, bạn cũng sẽ biết chỉ số HR tối đa của mình, qua đó có thể xác định các vùng nhịp tim theo ngưỡng lactate hoặc ngưỡng HR tối đa.

Cách cài đặt các vùng nhịp tim trên Garmin Connect

Có sẵn trên app Garmin Connect

Sau khi đã biết chỉ số HR tối đa hoặc HR threshold (ngưỡng HR lactate), bạn có thể dựa vào đó để thiết lập các vùng nhịp tim trên Garmin Connect. Việc này sẽ giúp bạn có được cái nhìn tổng thể kết quả bài tập của mình, đồng thời cũng tránh các tình huống trớ trêu khi cài đặt nhầm vùng nhịp tim như khi chạy bình thường, tim chỉ ở mức 170bpm nhưng lại vào tất zone 4-5.

Ấn vào ảnh để phóng to. Khi tới mục chọn zone, bạn sẽ có lựa cho hoặc chọn zone dựa vào HR max hoặc dựa vào HR ở ngưỡng lactate. Khi đó hãy điền số HR mà bạn muốn vào ô dưới cùng

Tính năng đếm ngược khi bơi trong bể bơi

Có sẵn trên các đồng hồ: Các dòng Garmin Forerunner 920, 935, 945, 735, 745, Garmin Fenix, Garmin Instinct, Garmin Swim 2

Nếu bạn sử dụng đồng hồ Garmin để ghi lại buổi tập bơi của mình, chắc hẳn bạn cũng nhận thấy từ khi bấm đồng hồ, đạp tường, tới lúc bắt đầu bơi, bạn đã mất một khoảng thời gian tương đối, gây ảnh hưởng tới kết quả vòng bơi đó (đôi khi từ pace 1:55min/100m thành 2:00min/100m). Sử dung tính năng Count Down (Đếm Lùi) trên Garmin sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này. Khi mở chức năng này, khi bạn bấm đồng hồ trước mỗi vòng bơi, Garmin sẽ đếm lùi 3 giây, đủ thời gian cho bạn chuẩn bị, đạp tường và bắt đầu bơi.

Dưới đây là cách bật chức năng này trên đồng hồ Garmin: Chọn mục “Bơi Hồ”, vào mục Tùy chỉnh, chọn “Bơi Hồ Thiết lập”, kéo xuống chọn “Bắt đầu đếm ngược lại” và bật tính năng này.

Ấn vào hình để phóng to

Báo quãng đường hay thời gian khi bơi ngoài sông, hồ, biển

Có sẵn trên các đồng hồ: Các dòng Garmin Forerunner 920, 935, 945, 735, 745, Garmin Fenix

Khác với bơi trong bể bơi, khi bơi trên sông, hồ bạn sẽ không biết được mình đã bơi được bao xa, trừ khi bạn dừng lại để xem đồng hồ. Tuy nhiên cách này không khả dĩ chút nào vì nó làm gián đoạn quán tính của bạn, đặc biệt trong các cuộc thi đấu như Ironman. Đồng hồ Garmin có chế độ “Cảnh báo” nhằm giúp bạn biết mình đã bơi được bao lâu hoặc bao xa: bạn có thể tùy chỉnh đồng hồ rung lên nhắc nhở mỗi khi bạn bơi hết 15 phút hoặc 800m chẳng hạn.

Dưới đây là cách bật chức năng này trên đồng hồ Garmin: Chọn mục “N.V.Thoáng”, vào mục Tùy chỉnh, chọn “Thiết lập”, kéo xuống chọn “Cảnh báo”, “Thêm mục mới” và chọn “Thời gian” hoặc “Khoảng cách”. Lấy ví du: bạn chọn khoảng cách là 400 thì đồng hồ sẽ rung sau mỗi khi bạn bơi được 400m.

Ấn vào ảnh để phóng to.

Kết nối đồng hồ với Wifi

Bạn có thể kết nối đồng hồ Garmin với wifi ở nhà. Làm như vậy, sau mỗi buổi tập, khi về đến nhà, Garmin sẽ tự động đồng bộ với app Garmin Connect mà bạn không hay biết. Đây là một trải nghiệm khá thú vị, đặc biệt với những ai “lười” bật Bluetooth rồi mở app Garmin Connect trên điện thoại để đồng bộ với đồng hồ.

Dưới đây là cách cài đặt (lưu ý: nếu bạn mới mua đồng hồ Garmin thì bước này là một trong các bước đầu tiên để thiết lập đồng hồ, nhớ đừng bỏ qua nó nhé).

The post Các tính năng của đồng hồ Garmin mà có thể bạn chưa biết (phần 1) appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *