Bơi sải đúng: tay thẳng hay co khi recover?

Bơi sải đúng: tay thẳng hay co khi recover?

 

VĐV bơi sải cần thấu hiểu cơ chế, ưu nhược điểm của mỗi cách để tận dụng tối đa cho hành trình vượt sóng.

Chúng ta thường thấy các VĐV bơi sải đỉnh cao hay triathletes hàng đầu bơi open water (bơi biển, bơi sông) với các kiểu trả tay trên không (recovery) rất khác nhau. Người thì co tay 90 độ như kiểu mẫu điển hình, kẻ lại “quạt chả” tay thẳng, hay thậm chí có người bơi 1 bên thẳng 1 bên co… Nhưng dù cách nào, ai nấy đều bơi nhanh. Vậy chúng ta biết bắt chước ai?

Bên trái – recovery co tay kiểu mẫu, bên phải – recovery thẳng tay

Trong bài viết này tôi sẽ giải thích một số nguyên lý chuyển động, phân tích về thời điểm tối ưu cho từng kỹ thuật hay chỉ đơn giản là bạn cảm thấy thoải mái nhất với kiểu recovery nào đó.

Mỗi kiểu recover đều có ưu và nhược. Bạn sẽ thường thấy nhóm VĐV bơi ngắn (50m – 100m) trong hồ hoặc triathletes sử dụng kiểu tay thẳng cao hơn so với những người chọn cách tay co. Tuy nhiên, người chơi vẫn có thể dùng cả 2 kiểu recovery khi bơi sải đường trường. Nhưng thường tay co được dùng phổ biến ở các cự ly trung bình và dài.

Vậy thẳng hay co, cái nào và tại sao?

Theo định luật bảo toàn năng lượng, toàn bộ năng lượng trong 1 hệ thống vật lý kín là bất biến, năng lượng chỉ được chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác. Khi bàn tay recover ở phía trên mặt nước, cánh tay nối nó với cơ thể qua điểm vai, và để phân tích, chúng ta có thể xem như nó cùng hệ thống.

Tay sải khi recover là 1 hệ thống xoay, có tâm ở vai. Toàn bộ năng lượng khi tay recover tỷ lệ thuận với vận tốc góc (vận tốc bàn tay) và nó được gọi là mô-men quán tính. Mô-men này tỷ lệ thuận với độ lớn và chiều dài của cánh tay (bán kính). Trong nhóm VĐV tốc độ, bơi tay thẳng luôn có tần số cao nhất, có người lên đến 140 spm (số lần quạt tay trong 1 phút), hay Janet Evans bơi 1.500m với 100 spm suốt chặng. Theo định luật bảo toàn năng lượng, tay thẳng tạo ra động năng lớn hơn tay co với vận tốc góc như nhau. Điều này cũng có nghĩa là cần hoạt động mạnh hơn khi thẳng tay; và chúng ta có thể dễ dàng thử nghiệm khi quay 2 kiểu tay trên cạn.

Thế tại sao chọn tay thẳng?

Nếu tay thẳng tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, tại sao lại chọn?
Đó là vì, bơi là kiểu chuyển động kết hợp (chuyển động kép). Chuyển động kết hợp được hình thành từ chuyển động của vài bộ phận cơ thể mà tự thân nó chưa tạo ra lực đẩy nào, nhưng khi kết hợp với lực đẩy, nó biến thành những gia tốc giúp tăng lực.

Đối với VĐV bơi, chuyển động kết hợp giúp tăng độ lướt (distance per storke – chiều dài mỗi bước bơi). Có 2 ví dụ điển hình đó là chuyển động xoay quanh người dọc trục cơ thể (body rotation) và động tác tay sải recovery. Càng dùng nhiều năng lượng cho các chuyển động này, chúng ta càng nhận được nhiều gia tốc lực cộng vào lực quạt của bàn tay hay bàn chân khi đẩy nước. Thời điểm của các chuyển động này là điểm mấu chốt. Để nó có thể phát huy tác dụng, chuyển động này phải được thực hiện cùng lúc với động tác phát lực hoặc trong lúc thực hiện động tác phát lực. Thế nên, kỹ thuật bơi sải và tần số bơi cuối cùng được dùng cho việc xác định liệu tay thẳng có hiệu quả hay không.

Động tác xoay người dọc trục cơ thể và tay recovery. Đặt riêng thì không có lực nhưng kết hợp sẽ tạo ra quán tính chuyển động

Loại recovery nào phù hợp với bạn nhất

Đối với VĐV bơi, kiểu “hip driven” – dùng nhiều chuyển động xoay hông – và với tần số trong khoảng 50-70 spm, không nên dùng kiểu tay thẳng vì nó chẳng có lợi. Lý do bởi với kiểu bơi này, người bơi thường vào nước và để yên cho tay lướt trước khi vào giai đoạn phát lực (catch và pull). Khi ấy, tay còn lại cũng đã sắp vào nước, vận tốc góc lúc này bằng 0, động năng ở bên tay recovery không còn cơ hội để kết hợp với tay kéo nước trong quá trình tạo lực đẩy. Trong trường hợp này, bạn sẽ muốn tay recovery dùng ít năng lượng nhất có thể, và đó là cách co cùi chỏ.

Khi tần số tay chạm 80 spm hoặc cao hơn, đó là lúc người chơi dùng kỹ thuật “shoulder driven” – ít xoay hông hơn và chỉ xoay vai – hoặc dùng kỹ thuật “hybrid” – 1 tay shoulder 1 tay hip – lúc này chuyển động kết hợp có dịp phát huy tác dụng và vì thế sẽ hợp lý hơn khi dùng cách recover tay thẳng. 

Ngày nay bơi lội hiện đại đã xuất hiện nhiều VĐV bơi sải kiểu hybrid và họ cũng nhận được lợi ích của kiểu 1 tay recover thẳng 1 tay recover co.

Chúng ta cũng nên xem xét các yếu tố liên quan đến sinh cơ học khi thực hiện kiểu recovery này. Để thẳng tay, thân người phải hơi xoay ra sau đủ để khớp vai xoay trong chuyển động đó. Nhưng không phải ai cũng có thể làm việc này dễ dàng và nhiều VĐV không có core đủ mạnh để lặp đi lặp lại chuyển động xoay thân.

Dưới đây là ưu và nhược điểm của mỗi loại recovery:

Tay thẳng:
Ưu điểm:
– Năng lượng kết hợp tăng cao khi bơi với tần số nhanh.
– Buộc phải tăng độ xoay vai, đồng nghĩa năng lượng kết hợp càng lớn hơn.
– Dùng bơi open water, khi mặt nước mấp mô hay sóng lớn sẽ không bị quẹt bàn tay vào mặt nước.
– Tăng thêm tần số để tạo ra lực liên tục hơn nhằm vượt qua những điều kiện dòng chảy hoặc sóng mấp mô khắc nghiệt.

Nhược điểm:

– Cần dùng nhiều năng lượng và sức mạnh để thực hiện
– Chỉ có tác dụng với người bơi với tần số cao
– Rất khó khăn cho những ai có khớp vai cứng

Tay co:
Ưu điểm:
– Dễ thực hiện
– Phù hợp với các kiểu tần số quạt tay
– Vào nước mượt, ít cản nước
– Tăng thời gian lướt nước giúp bước bơi dài hơn

Khuyết điểm:

– Không tạo được nhiều năng lượng kết hợp khi bơi tần số cao
– Khi bơi open water trong điều kiện khắc nghiệt sẽ không hiệu quả vì không lợi dụng được độ lướt nước.

Phạm Thúy Vi – tham khảo The Triathlete

The post Bơi sải đúng: tay thẳng hay co khi recover? appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *