Bệnh viêm tai khi tập bơi

Bệnh viêm tai khi tập bơi

Có hai loại chấn thương phổ biến nhất đối với VĐV bơi. Loại thứ nhất là chấn thương vai như đã đề cập trong bài Chấn thương vai trong bơi lội. Loại chấn thương này thường hay gặp ở VĐV đỉnh cao hay với những người tập luyện nhiều. Còn đối với dân phong trào, mới tập bơi và chỉ bơi tầm 2 đến 3km một tuần thì bệnh thường gặp nhất là bệnh viêm tai, nhất là trong điều kiện vệ sinh ở các bể bơi công cộng ở Việt Nam.

Bệnh viêm tai và triệu chứng

Viêm tai là khi ống tai ngoài (outer ear canal) bị viêm. Điều này xảy ra khi nước (bẩn) bị vướng trong tai hoặc ống tai bị thương do các tác động bên ngoài (như lấy ráy tai), hoặc cả hai. Người tập bơi hay bị viêm tai do khi bơi nước vào tai và không vệ sịnh sạch sẽ tai sau khi bơi lên.

Các triệu chứng viêm tai bao gồm:

  • Ngứa tai
  • Mẩn đỏ và sưng trong tai
  • Đau khi chạm vào tai (ngay cả ở ngoài)
  • Mủ chảy ra từ tai
Mô phỏng bệnh viêm tai. Các mô trong ống tai bị viêm do nước đọng lâu ngày

Cách chữa trị

Viêm tai không phải quá nguy hiểm và cách chữa trị cũng khá đơn giản. Thông thường bác sĩ sẽ cho bạn thuốc nhỏ tai, hoặc nặng hơn một chút thì sẽ thấm thuốc vào bông gòn và đặt trong tai trong vài phút.

Nếu tai đã bị đau, thì cần tuyệt đối tránh không dùng que bông để ngoáy lỗ tai. Lý do là vì khi tai bị nhiễm khuẩn do nước, các mô trong tai sẽ rất mềm. Tác động bên ngoài rất dễ làm xước thêm các mô này, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm tấn công. Tốt nhất là bạn hãy đến bác sĩ xin thuốc nhỏ tai.

Cách phòng tránh

Cách chữa trị thì đơn giản nhưng mắc bệnh viêm tai thì khá khó chịu, chưa kể việc bạn sẽ phải tránh xuống bể bơi, làm gián đoạn quá trình tập luyện.

Cách phòng tránh tốt nhất là làm khô lỗ tai sau khi xuống bể. Thông thường trong khi bơi, bạn sẽ thường xuyên bị nước lọt vào lỗ tai. Điều này sẽ gây cảm giác tai bị bịt, nghe lùng bùng, chắc chắn bạn đã từng bị. Để đẩy nước ra ngoài, bạn có thể làm theo các bước sau:

  • Nghiêng đầu sang bên tai bị nước vào, kéo dái tai để giúp nước thoát ra dễ hơn
  • Nếu nước vẫn không thoát ra, giữ nguyên tư thế nghiêng đầu sang một bên, nhảy lò cò một chân (chân trụ là chân phía đầu nghiên). Nước sẽ chảy ra và bạn sẽ có cảm giác tai không bị bịt nữa
  • Nếu nước vẫn không ra, nhiều khả năng là lượng nước trong tai khá nhỏ. Vì vậy bạn có thể đổ thêm nước vào tai và lặp lại bước nhảy lò cò như trên. Nghe thì có vẻ ngược đời nhưng đây là cách rất hữu hiệu để rút hết nước ra khỏi tai.

Chúc các bạn luyện tập tốt và tránh chấn thương

The post Bệnh viêm tai khi tập bơi appeared first on BoiDapChay.com.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *