Nếu mới dấn thân vào môn đạp xe hoặc triathlon, bạn có thể sẽ bị choáng ngợp bởi nhiều loại dụng cụ, máy móc lỉnh kỉnh của xe đạp. Và giày đạp xe là một ví dụ. Bài viết này nhằm mục đích giúp bạn chọn được loại giày đạp phù hợp cho mình, và nhận biết giày nào vừa hoặc không vừa với chân bạn.
Giày đạp xe
Giày đạp xe là một phần quan trọng cho sự trải nghiệm đối với tất cả các vận động viên đạp xe. Có một số tính năng quan trọng bạn cần phải cân nhắc khi mua một đôi giày mới là:
- Phần vật liệu và miếng lót chân sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới lực đạp của bạn
- Hệ thống buộc giày và hệ thống thoát nước là rất quan trọng cho sự thoải mái. Thử nghĩ, nếu giày không chặt, bạn sẽ không dám làm động tác kéo trước khi nhấn đạp, một động tác quan trọng không kém động tác nhấn, giúp chúng ta tiết kiệm lực
- Một phần nữa là bạn phải xem can (cleats) có phù hợp với bàn đạp của mình không nữa nhé..
Lời khuyên 1: Can (Cleats) – bàn đạp nào thì can nấy
Giày đạp xe bắt buộc phải được gắn với can. Can giày giúp giày đạp được gắn chặt vào bàn đạp, nhờ đó có thể đạp hiệu quả hơn.
Trên thị trường có nhiều loại can giày, nhưng có 2 loại phổ biến nhất là Shimano và Look. Sự khác nhau và tính hiệu quả của các loại can là một đề tài khác sẽ bàn sau, tuy nhiên, trong bài này, bạn chỉ cần nhớ duy nhất một điều: bàn đạp và can là phải cùng một hãng. Ví dụ: nếu bạn sử dụng bàn đạp của Shimano thì phải dùng can của Shimano (can không bán kèm bàn đạp nên bạn phải lưu ý mua cho đúng). Nếu bàn đạp là của hãng Look thì can cũng phải của hãng Look. Ngoài 2 loại can phổ biến này, còn có loại khác là Speedplay. Riêng với Speedplay thì bạn cần phải mua cả giày thiết kế riêng cho hãng Speedplay hoặc sử dụng một bộ chuyển đổi được cung cấp bởi nhà sản xuất.
Lời khuyên 2: Đế giày – càng cứng càng tốt, tốt nhất là carbon
Khi nhắc đến đế giày thì đế càng cứng là giày càng tốt. Vì đế giày càng cứng thì càng ít bị uốn cong và bạn sẽ truyền được nhiều lực hơn đến bàn đạp.
Đế nhựa
Nhựa là loại làm đế giày nặng nhất, chỉ thường được dùng cho các loại giày giá rẻ và cho người nhập môn, chưa muốn đầu tư nhiều vào giày xe đạp. Vì thế nếu bạn hoàn toàn mới với bộ môn xe đạp và muốn tìm một đôi giày can để mang, có thể tìm những đôi giày này để trải nghiệm.
Đế carbon hỗn hợp (composite)
Composite là vật liệu hỗn hợp pha trộn giữa carbon và nhựa, tạo nên độ cứng vừa phải cho đế giày, thường được phân loại vào những đôi giày mức giá tầm trung.
Đế hoàn toàn làm bằng carbon
Đế carbon là loại nhẹ nhất và cũng cứng cáp nhất trong các loại đế giày, và cũng là loại đắt tiền nhất. Vì vừa cứng lại vừa nhẹ, đế carbon đảm bảo truyền năng lượng tối đa từ chân xuống bàn đạp. Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa nếu va vấp phải gờ hoặc ổ gà trên mặt đường thì bạn cũng cảm nhận hết tất cả các phản lực này – vì thế một số người sẽ cảm thấy không thoải mái, nhất là ở những chặng đạp dài. Lời khuyên: Đừng đi lại quá nhiều trên đôi giày đạp xe của bạn vì nó sẽ gây mòn theo thời gian. Các bạn nên tìm một đôi có phần miếng cao su thay thế để bảo vệ đế gót và ngón chân để tăng tuổi thọ của đôi giày.
Lời khuyên 3: khóa giày – chọn loại khóa vặn
Hệ thống khóa giày đặc biệt quan trọng khi bàn về giày đạp xe đường trường vì nó giúp bạn điều chỉnh lại giày trong lúc đạp, cũng như việc đi giày/tháo giày có được thuận tiện không. Thông thường trên thị trường có 4 loại khóa giày:
Khóa dán Velcro
Khóa dán Velcro được dùng trên tất cả các loại giày từ rẻ tiền đến đắt tiền. Mặc dù chúng tiện cho việc dán vào và tháo, nhưng loại này khi đang đạp xe sẽ gây khó khăn trong việc điều chỉnh nới lỏng hay siết chặt đôi giày. Ngoài ra, khóa dán velcro cũng không được chắc chắn như các loại khóa khác. Nhiều VĐV không thích điều này. Cuối cùng, điểm yếu chí tử của loại khóa này là việc những lớp dán, dần theo thời gian sẽ không dính nữa.
Khóa vặn (Khóa BOA)
Khóa vặn là loại khóa giày thông dụng nhất. Loại khóa này giúp việc điều chỉnh nới lỏng hay vặn chặt đôi giày chính xác hơn, dễ dàng hơn (bằng một tay) qua các nút vặn. Và như thường lệ, giá tiền đi kèm với chất lượng, những đôi giày với khóa vặn này thường có giá từ 2.500.000 VNĐ trở lên.
Ratchets
Loại này là một phiên bản nâng cấp của Velcro khi cấu tạo gần như giống hoàn toàn, chỉ khác ở dây cuối cùng có cài thêm một ổ cài giúp cố định dây giày. Đây là loại khóa thường được thấy trên các loại giày giá tầm trung. Loại giày này yêu cầu phải dùng 2 tay đẻ tháo ra cũng như khóa lại, vì thế nên bạn cần phải siết giày cố định trước khi nhảy lên yên xe nhé.
Dây buộc
Nhìn có vẻ hơi cổ diển, và cũng không phải là loại tốt trong việc giữ giày thật chặt. Loại dây cột này phù hợp cho những tay thích nổi bật giữa đám đông.
Lời khuyên 4: Làm sao để biết giày vừa chân
Bạn nên nhớ, khác với giày chạy, giày đạp xe nên mang chật một chút, vừa vặn với bàn chân. Giày đạp phải khóa chặt chân bạn trong đó để tối ưu hóa lực truyền tải. Bởi thế, đừng lo lắng nếu lúc thử giày bạn cảm thấy hơi chật chội và khó chịu.
Nếu chọn không đúng size, một hiện tượng phổ biến là ‘nóng bàn chân’ – gây nên do bàn chân ma sát với phần trong của đôi giày (do giày rộng). Cách tốt nhất để kiểm tra giày có vừa hay không là đứng trên mũi bàn chân: nếu có một khoảng rộng giữa gót chân của bạn và gót giày, thì giày đang quá rộng; còn nếu ngón chân bạn đã chạm mũi giày, thì bạn cần đổi sang size lớn hơn.
Lời khuyên 5: chọn loại giày triathlon nếu thi đấu 3 môn phối hợp
Giày triathlon được thiết kế đặc biệt nhằm gắn sẵn vào bàn đạp trước khi bạn nhảy lên yên để đạp. Sau khi kết thúc phần bơi ở nội dung 3 môn phối hợp, bạn lấy xe ra khỏi khu chuyển tiếp và nhảy ngay lên xe. Khi bắt đầu nhấn bàn đạp, chỉ cần đặt chân vào trong và khóa giày lại.
Vì lý do đó, giày đạp xe triathlon thường được thiết kế có móc ở phần gót chân, giúp bạn dễ dàng dùng ngón tay kéo và xỏ giày ngay khi đang ngồi đạp trên xe. Giày đạp triathlon cũng có nhiều lỗ thoát khí bởi vì chân bạn có thể còn bị ướt sau khi hoàn thành phần bơi. Rất nhiều vận động viên 3 môn phối họp sử dụng giày đạp xe triathlon vào những bài đạp thông thường vì độ thông dụng cũng như để tiết kiệm chi phí mua giày. Giày đạp triathlon đều có thể lắp can Look hoặc Shimano. Và nếu bạn muốn lắp Speedplay thì cần mua loại giày tương thích hoặc cần có bộ chuyển đổi.
Lưu ý giày cho nữ giới
Phụ nữ thường có xu hướng có gót chân bé hơn đàn ông, và cần đôi giày nông hơn bình thường, nghĩa là khoảng cách giữa đế và phần trên sẽ hẹp hơn. Có rất nhiều sự lựa chọn cho giày đạp xe nữ trên thị trường. Một số nhà sản xuất ưu tiên sản xuất giày cho nữ giới ở một kích cỡ nhỏ hơn bình thường. Ví dụ, giày Genius 5 Fit của Sidi có sẵn size 35 cho nữ, nhưng chỉ có size bé nhất là 36 cho nam; Bontrager thì làm size 36 cho loại Meraj của nữ, trong đó size nhỏ nhất cho nam giới của loại Velois là 38 cho bản phối màu và 40 cho những màu khác.
Giới thiệu một số loại giày vừa túi tiền lại đảm bảo chất lượng
Như đã nói ở trên, giá tiền một đôi giày đạp phụ thuộc vào các yếu tố chính:
- Đế giày carbon cứng hay mềm
- Khóa loại khóa vặn hay khóa dán
- Ngoài ra yếu tô khác là thương hiệu, như các mặt hàng khác trên thị trường
Một loại giày dung hòa các yếu tố trên là Bont Riot Road+ (BOA), thường được bán giá tầm 2.000.000-3.000.000 VNĐ tùy web và mùa khuyến mãi. Bont Riot Road+ có đế giày làm bằng composite, vì vậy giá thày rẻ hơn. Tuy nhiên Bont Riot Road+ là hãng giày duy nhất cho phép bạn nung giày trong lò nướng (nhiệt độ nhẹ thôi) để đế mềm ra và xỏ giày. Làm như vậy đôi giày sẽ vừa văn 100% với kiểu chân của bạn. Đây là một đặc tính rất đáng lưu ý và thường chỉ ccos ở những đôi giày phân khúc giá 15.000.000-20.000.000 VNĐ.
Một loại giày khác đáng được nhắc tới là Specialized S-Works Road. Đây là dòng giày thuộc phân khúc cao cấp của Specialized (Mỹ) với đế giày làm toàn bộ bằng carbon loại tốt, được nhiều trang review có tiếng đánh giá là loại đế ngoài và đế trong tốt nhất trên thị trường. Ngoài ra khóa giày bao gồm 2 khóa vặn BOA đảm bảo ôm chân. Thương hiệu thì khỏi phải bàn vì Specialized tài trợ nhiều đội xe đạp thi đấu Tour de France và nhất là trùm tốc độ Peter Sagan. Vì vậy đôi giày Specialized Sworks Road này thường có giá tầm 9.000.000-10.000.000 VNĐ (phiên bản mới nhất). Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều khi bạn cũng bắt gặp một số người hoặc shop rao bán với giá tầm 3.000.000 VNĐ. Thực tế, không hẳn vì đó là hàng nhái. Chỉ đơn giản là đó là những mẫu cũ mà hãng xả hàng (có thể phân biệt qua màu sắc), không quá ảnh hưởng tới chất lượng. Nếu gặp giá đó, bạn nên quan tâm.
The post 5 lời khuyên chọn giày đạp xe cho newbie appeared first on BoiDapChay.com.